Giai đoạn từ thế kỷ X - XIV

Một phần của tài liệu ĐỀ tài THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG đại VIỆT NAM (Trang 52 - 55)

Chương 2. KHÁI QUÁT ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ

2.2. Quá trình phát triển của đề tài thôn quê trong thơ trung đại Việt Nam

2.2.1. Giai đoạn từ thế kỷ X - XIV

Văn học Lý - Trần là giai đoạn mở đầu của nền văn học viết Việt Nam, khá nhiều tác phẩm mang tính chức năng và chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc. Các yếu tố về đề tài, thể loại của thơ ca phần lớn vẫn theo tính quy phạm của các tư tưởng tôn giáo chính thống. Tuy nhiên, khát khao khẳng định giá trị truyền thống dân tộc trong văn học vẫn âm ỉ cháy và được khởi nguồn từ những bài thơ trữ tình thời Trần.

Thơ trữ tình thời Lý thường mang tính chức năng, suy lý, triết học. Các thiền sư mượn hình ảnh thiên nhiên như một công cụ để truyền tải những giác ngộ về cõi nhân sinh và vũ trụ. Vậy nên đề tài thôn quê chưa được đề cập đến như một đối tượng phản ánh. Thơ trữ tình thời Trần đã có bước

tiến mới nghiêng về thơ trữ tình thế sự, đặc biệt nửa sau đời Trần, đường biên trữ tình thế tục thoát khỏi khuôn khổ trước đó. Hình ảnh thôn quê đã bắt đầu thấp thoáng xuất hiện trong thi ca với những nét phác họa đơn sơ, cổ kính.

Sang thế kỉ XIII, tầng lớp Nho sĩ phát triển đông đảo theo hướng mở rộng đến đến các Nho sĩ thứ dân: “Một số ngày càng nhiều lại xuất thân từ nông dân và thợ thủ công. Là những người tương đối gần với các tầng lớp nhân dân hơn là quý tộc, họ tiếp thu được nhiều hơn tư tưởng của nhân dân” [87, tr.72]. Do sự biến động về hoàn cảnh lịch sử xã hội mà lực lượng sáng tác văn học là nho sĩ dần dần lấn át lực lượng tăng lữ. Lần đầu tiên, những hình ảnh về một thôn quê yên bình, mộc mạc mà thanh tao đã xuất hiện trong thơ các thi sĩ thời Trần. Những thành tựu đó được kết tinh ở các tác giả tiêu biểu như: Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quang Triều, Bùi Tông Hoan, Nguyễn Sưởng, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh…

Văn học thời Trần thuộc giai đoạn khởi đầu của nền văn học viết dân tộc nên có sự ảnh hưởng, tiếp thu từ văn hóa dân gian. Trong đó, thôn quê vốn là một đề tài lớn của văn học dân gian. Nếu thôn quê trong ca dao là hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn người dân lao động, thì thôn quê trong văn học viết là hiện thực trong tư duy sáng tạo của văn chương nhà Nho. Tư duy nghệ thuật luôn gắn liền với tư duy chính trị. Bức tranh thôn quê đã xuất hiện trong cái nhìn đầy nhân hậu của vị vua mang tư tưởng thân dân, Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông gợi lên một khung cảnh với vẻ đẹp cổ điển, tao nhã mà gần gũi, thân thuộc: “Từ cung phủ vua Trần Nhân Tông phóng tầm mắt ngắm cảnh thôn quê, lòng vui với tiếng sáo trẻ trâu, từng đôi cò trắng liệng xuống đồng” [173, tr.59]. Đến cuối thời Trần, thơ ca của một số nho sĩ ẩn dật có thêm sắc thái mới và gần gũi hơn với đời sống thôn dã. Trần Nguyên Đán về quê sớm khi “Niên tài tứ thập tiện hưu quan” (Tuổi mới bốn mươi đã cáo quan về hưu) nên thi nhân có nhiều vần thơ về thiên nhiên gắn với cuộc sống chốn quê. Bài Thu nhật (Ngày thu) phác họa hình ảnh mái tranh nhỏ bên sông, mai cúc ngát hương trong ngôi vườn nhỏ. Trong khi đó, bài Nhâm Dần niên lục nguyệt tác (Thơ làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần) lại thể hiện nỗi cảm hoài da diết về nỗi

thống khổ của dân quê vì lụt lội, hạn hán, mùa màng mất mát. Cùng chung cảm xúc đó, Nguyễn Phi Khanh cũng có những vần thơ thể hiện vẻ đẹp giản dị, mộc mạc về thôn quê trong nhiều bài thơ như: Thôn gia thú (Thú quê nhà), Gia viên lạc (Thú quê nhà), Thôn cư (Ở xóm), Sơn thôn cảm hứng (Cảm hứng ở xóm núi)...

Bên cạnh những vần thơ ca ngợi chính sự, ca ngợi triều đại qua bức tranh thôn quê thanh bình, ấm no còn có những “sáng tác viết về cuộc sống cơ cực, đói khổ của nhân dân” [176, tr.130]. Các thi sĩ thời Trần đã sớm thoát khỏi khuynh hướng ước lệ, tượng trưng để đưa cảm hứng thế tục vào trong thơ. Vì vậy, thôn quê đất Việt vừa thanh bình vừa đầy lo âu trăn trở trong lòng thi nhân luôn sẵn niềm ưu ái.

Hơn nữa, từ thế kỉ XIII, chữ Nôm được dùng trong sáng tác văn chương đánh dấu sự phát triển của ngôn ngữ thơ ca dân tộc, khẳng định ý thức dân tộc để dần thoát khỏi sự lệ thuộc của chữ Hán. Đây cũng là giai đoạn tiền đề để văn học các giai đoạn sau kế tiếp và phát huy tạo nên những thi phẩm thơ Nôm kiệt xuất mang đậm sắc thái dân tộc. Cuộc sống thôn quê với tất cả những giá trị văn hóa lâu đời của nhân dân vẫn được lưu giữ sau mỗi lũy tre làng. Sức sống bền bỉ đó dường như ít chịu ảnh hưởng từ các cuộc ngoại xâm và những cải cách của chế độ phong kiến:

“Trước thế kỉ XV, chế độ công điền vẫn còn phồn thịnh. Trong làng xã, chế độ tư hữu và phân hóa giai cấp chưa phát triển mạnh, nhà nước phong kiến chưa can thiệp mạnh về phương diện kinh tế cũng như hành chính vào làng xã” [117, tr.78]. Do đó, những vẻ đẹp thôn quê ở giai đoạn đầu dù chưa được khắc họa đầy đủ nhưng vẫn mang dấu ấn của làng quê đất Việt.

Như vậy, ngay từ buổi đầu đất nước giành được nền tự chủ, văn học cũng đã hướng tới giá trị truyền thống dân tộc, mở rộng đề tài bên cạnh các đề tài quen thuộc của văn chương Nho giáo. Các thi nhân đã sớm đưa thơ ca phát triển theo hướng dân tộc hóa, dân chủ hóa thể loại. Bức tranh thôn quê dù mới được phác họa những đường nét sơ giản nhưng cũng khẳng định vị thế của mảng thơ này trong quan niệm nghệ thuật của nhà nho thời đại Lý - Trần. Đây cũng chính là tiền đề vững chắc để thơ về thôn quê phát triển mạnh mẽ ở các giai đoạn tiếp theo.

Một phần của tài liệu ĐỀ tài THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG đại VIỆT NAM (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(259 trang)
w