Chương 3. ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT
3.3. Đề tài thôn quê - những khác biệt giữa các vùng miền
Cùng ảnh hưởng nền văn hóa Trung Hoa và văn hóa Đông Nam Á, văn học trung đại Việt Nam vừa có điểm gặp gỡ cũng như điểm khác biệt trong phản ánh về đề tài mang đậm tinh thần dân tộc. Đó là sự khác biệt giữa các nước trong cùng khu vực văn hóa chữ Hán và sự khác biệt giữa các vùng miền trong nước.
Kế tiếp truyền thống của dân tộc Việt Nam vốn trọng nghĩa, trọng tình, thơ trung đại đã thể hiện phẩm chất đó qua các sáng tác về đề tài thôn quê:
“Đề cao tình cảm là đặc tính của văn hóa Đông Nam Á” [47, tr.62]. Cùng nằm trong vùng văn hóa chữ Hán, mỗi thi nhân lại thể hiện tình nghĩa đó theo những đặc sắc riêng. Các nhà nho Trung Hoa thường thể hiện chí khí ngao du sơn thủy, chu du nhiều nơi trên lãnh thổ rộng lớn. Trong khi đó, tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản cũng thể hiện tư tưởng du ngoạn nhưng gần gũi hơn với cuộc sống người dân. Basho đã di chuyển nhiều nơi trên đất nước Nhật để được tận mắt chứng kiến cuộc sống của mọi giai tầng trong xã hội. Nhà nho trung đại Việt Nam vừa có điểm gặp gỡ với các thi nhân trung đại trong vùng văn hóa chữ Hán vừa thể hiện bản sắc riêng của thơ ca dân tộc. Đó là sự gắn bó thiết tha sâu nặng với quê hương bản quán, dù làm quan hay về ở ẩn, các thi nhân vẫn luôn hướng về chốn quê với những tình cảm thân thương, chân thành nhất.
Các thi nhân trung đại đều có chung tình cảm gắn bó sâu nặng với thôn quê, tìm thấy sự yên bình, thanh thản khi trở về với quê hương bản quán. Chính vì vậy mà thiên nhiên thôn quê ở mỗi vùng miền đều được các thi nhân khắc họa chân thực, mang đậm dấu ấn của mỗi vùng miền khác nhau của tổ quốc.
Miền Bắc trong thơ trung đại Việt Nam được thể hiện sớm nhất và nhiều nhất trong thơ của các tác giả viết về thôn quê. Từ thơ của các thi sĩ thời Trần, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Sĩ, Cao Bá Quát cho đến Nguyễn Khuyến đều làm nổi bật những đặc trưng của thôn quê làng Việt. Những giá trị văn hóa được lưu giữ sau mỗi lũy tre làng được các thi nhân thể hiện tinh tế trong mỗi vần thơ. Vùng đồng bằng Bắc bộ thật gần gũi, thân thuộc từ bao đời nay được các nhà thơ khắc họa từ
đời sống lao động, sản xuất cho tới chiều sâu văn hóa tinh thần của người dân quê.
Nếu như Nguyễn Khuyến là thi nhân khắc họa vẻ đẹp đặc trưng của mùa thu miền Bắc Việt Nam qua chùm thơ thu thì Ngô Thì Sĩ đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân đầy sức sống. Phong cảnh thôn quê Bắc Hà đẹp thơ mộng, thanh nhã. Mùa thu trong bài Thu nhật thôn cư tức sự (Ngày thu ở thôn quê) đã được thi sĩ họ Ngô cảm nhận từ hình ảnh “hoa tàn”, “mây trắng lửng lơ”, “ao tre non rỡn bóng”, “ánh mặt lay động tua rèm”... Sắc thu trong thơ mang vẻ đẹp thanh cao, trong trẻo. Mùa xuân cũng được thi nhân khắc họa đặc sắc với âm thanh và sắc màu tươi sáng:
Vân đạm, phong sơ, nhật chuyển liêu,
Đoạn yên như lũ chức khê kiều.
Liên thôn thảo sắc cầm thanh ngoại,
Chiết liễu thùy gia súy đoản tiêu.
(Thư xuân)
Mây nhạt, gió nhẹ, ngày chuyển sang cảnh buồn vắng/ Khói đứt đoạn như tơ dệt trên chiếc cầu bắc qua suối/ Cỏ biếc thôn liền thôn, tiếng chim ngoài xa/ Sáo ngắn nhà ai thổi khúc chiết liễu.
(Viết về mùa xuân) Thiên nhiên thôn quê hiện lên đầy sức sống và sinh động với sắc cỏ xanh biếc, với tiếng chim, tiếng sáo thoảng đưa. Phải là người gắn bó với cuộc sống thôn quê thì thi nhân mới có thể phác họa bức tranh mùa xuân giàu cảm xúc và đẹp tao nhã đến vậy! Và có lẽ, cũng chỉ có thôn quê làng Việt miền Bắc mới có bức tranh tứ bình đặc trưng cho mỗi mùa trong năm.
Vậy nên, hầu hết các thi sĩ đều phác họa một cách cụ thể, riêng biệt những khoảnh khắc khác nhau của bốn mùa. Tần suất bốn mùa xuân, hạ, thu, đông xuất hiện trong thơ không chỉ phản ánh về thời gian của vũ trụ mà còn cho thấy cảm xúc và sự đổi thay của tâm trạng nhân vật trữ tình trước sự luân chuyển của tự nhiên. Mùa xuân thôn quê miền Bắc thường xuất hiện với hình ảnh cỏ non, cây cối mơn mởn. Mùa xuân cũng là mùa gắn với các lễ hội, phong tục của thôn quê. Mùa hạ thường gắn với cái nắng chói chang, gay gắt và tiếng ve kêu râm ran. Trong khi đó, mùa thu lại là khoảnh khắc nên thơ, lãng mạn níu hồn thi nhân bởi không khí se lạnh, lá thu rơi.
Tiết tháng Chạp cuối cùng trong năm gắn liền với cảm giác giá lạnh và cảm giác chờ đón Đêm trừ tịch đang tới.
Trong khi đó, Phan Thúc Trực và Đặng Huy Trứ là hai đại diện tiêu biểu cho bức tranh thôn quê miền Trung Việt Nam. Hai người con của quê hương miền Trung không chỉ khắc họa những vẻ đẹp bình dị nên thơ của thiên nhiên thôn quê mà còn khắc họa cả những nhọc nhằn, vất vả trong đời sống lao động của người dân quê. Đây là nơi có thiên nhiên và khí hậu khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán xảy ra quanh năm. Vậy nên, người nông dân trong sáng tác của Phan Thúc Trực và Đặng Huy Trứ luôn mạnh mẽ và rắn rỏi, gồng mình lên để chống chọi lại với thiên tai. Đồng thời, người đọc cũng thấy được đời sống tinh thần phong phú cũng như những đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân miền Trung. Trong bài Mộ hứng (Buổi chiều hứng làm thơ), thi sĩ họ Phan đã thể hiện phong cảnh trời chiều trên cánh đồng với sông núi, xóm thôn thăm thẳm:
Cực mục thu quynh tứ bất câm, Du du nhật mộ bích vân âm.
Long giang thủy bắc thiên thôn ám,
Di lặc sơn tây vạn thụ thâm.
Cận ấp tần tần văn phệ khuyển, Liêu thiên nhất nhất sổ quy cầm.
Đăng lâm dĩ thị tư thần phụ, Đẳng đãi cao bằng tự hảo âm.
Mỏi mắt trông ra cánh đồng mùa thu nghĩ miên man/ Vời vợi chiều về đám mây biếc tối sẫm/ Sông Long giang chảy từ phương bắc, muôn xóm mờ mờ/ Núi Di Lặc nằm ở phía tây vạn thôn thăm thẳm/ Tiếng chó sủa làng bên chốc chốc vọng lại/ Bầu trời mênh mông, vài đàn chim nối nhau bay về tổ/ Đã hẹn “đăng cao” sớm nay lại phụ ước/ Đợi người bạn cao minh tới nối họa bài thơ hay/
Những vần thơ về thôn quê của Phan Thúc Trực và Đặng Huy Trứ luôn trăn trở trong lòng người đọc khi gợi lên cảnh lũ lụt, hạn hán, cảnh nắng gió cơ cực của người dân quê miền Trung. Bên cạnh đó, các thi nhân cũng đã phát hiện vẻ đẹp tâm hồn của người dân cần cù, chịu thương chịu khó với quê hương ruộng đồng.
Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, vùng cực Nam của tổ quốc là vùng đất trù phú trở thành nguồn thi hứng của nhiều tác giả. Đời sống nông thôn gắn liền với đặc trưng vùng sông nước với hệ thống kênh, rạch dày đặc. Trong Hà Tiên thập cảnh, Mạc Thiên Tích đã đưa vào lịch sử văn học trung đại nước nhà cảnh giang thôn vùng Nam bộ mộc mạc, thuần phác mà trước đó vốn ít xuất hiện. Với nhãn quan của một thi sĩ ẩn nhàn, ông thi vị hóa cảnh sống của những người lao động. Trong khi đó, Trịnh
Hoài Đức lại cụ thể hóa cảnh chợ trên bến sông, cảnh lao động của người dân Nam bộ qua những vần thơ chân thực và giàu cảm xúc. Hình ảnh chợ bến sông, bãi ngao, đèn chài gắn với cuộc sống lao động vùng sông nước đã tạo nên một hình tượng mới mẻ trong thơ trung đại Việt Nam. Trong bài Võng thị ngư đăng (Đèn chài ở chợ Lưới Rê), tác giả Trịnh Hoài Đức đã khắc họa vẻ đẹp vùng sông nước thật sinh động dù màn đêm buông xuống:
Tiệt lưu tăng võng kết thôn khư, Giang thị hàn đăng dạ nghiệp ngư.
Quang xạ lang viên kinh mộng điểu,
Ảnh trầm đào lãng trạc tiềm ngư.
Diệt minh tinh hỏa nhiên hồng thụ,
Thiểm thước pha lê bá bích cừ.
Tương đối sầu miên sương chính mãn,
Cựu minh âu lữ quán đồng cư.
Lưới đó chặn ngang dòng tạo nên chợ làng/ Chợ sông đèn lạnh đêm làm nghề đánh cá/ Ánh sáng chiếu vào vườn cau làm chim đang ngủ sợ hãi/ Bóng chìm dưới sóng đào làm cá nhảy vọt lên/ Cây đỏ cháy từng đốm sáng lập lòe/ Ngòi biếc tỏa ánh pha lê lấp loáng/ Đèn gối giấc sầu sương đang trút dày/ Chim le le bạn có hẹn cũ quen ở chung với nhau.
Đó là bức tranh lao động đặc trưng của người dân vùng sông nước.
Cảnh vật và con người với những điểm sáng “lập lòe”, “ánh pha lê” khi màn đêm buông xuống. Ánh đèn làng chài là hình ảnh quen thuộc, gắn bó và san sẻ với người dân lao động.
Theo tiến trình phát triển của văn học trung đại, văn học đi từ tính quy phạm đến phá vỡ tính quy phạm, văn học hướng gần hơn tới đông đảo tầng lớp nhân dân. Sự khác nhau giữa các vùng miền trong thơ về thôn quê cho thấy xu hướng hiện thực, tính dân tộc và dân chủ của văn học. Mỗi vùng quê là nơi mà thi nhân gắn bó, yêu quê hương, tự hào về quê hương, thấu hiểu sâu sắc về quê hương cũng chính là tình yêu tổ quốc giàu đẹp.
Tiểu kết Chương 3
Như vậy, thơ ca trung đại Việt Nam đã có vai trò quan trọng trong việc thể hiện được vẻ đẹp vừa tao nhã vừa bình dị của bức tranh thiên nhiên thôn quê. Đó là cảnh làng quê vốn thân thuộc và gắn bó, là chốn yên bình trong tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Hơn thế, thơ trung đại còn thể hiện đời sống lao động cũng như đời sống tinh thần với nếp phong tục tập quán thôn quê phong phú, mang bản sắc riêng của mỗi vùng miền. Thôn quê còn là nơi khơi nguồn cảm hứng cho thi ca với những thú vui bình dị.
Đặc biệt, ẩn sau những câu thơ bình dị, thuần phác ấy là tình cảm gắn bó tha thiết của người dân quê sau mỗi lũy tre làng. Làng quê miền Bắc được thể hiện cụ thể và tinh tế qua mỗi lũy tre làng, ao chuôm, đồng ruộng với đời sống văn hóa ngàn đời nay của dân tộc. Trong khi đó, người dân miền Trung lại hiện lên với những cơ cực, khó khăn khi phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt. Vùng giang thôn tươi đẹp, trù phú với cảnh sông nước, kênh rạch là hình ảnh đặc trưng trong thơ của các thi nhân Nam bộ. Mỗi vùng miền, mỗi thôn xóm của quê hương làng Việt đều là nơi lưu giữ vẻ đẹp tự nhiên, đời sống văn hóa của đông đảo người dân lao động. Thơ viết về thôn quê thể hiện tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam, của quan điểm thẩm mĩ, từ viết về những điều lớn lao, cao cả đến viết về cái đời thường, bình dị. Chính điều này đã tạo nên đặc sắc riêng của thơ trung đại dân tộc so với thơ ca các nước trong khu vực văn hóa chữ Hán, đồng thời hướng văn học tới những giá trị truyền thống tốt đẹp, hướng tới hiện thực rộng lớn và khẳng định xu hướng dân tộc hóa, dân chủ hóa của văn học trung đại Việt Nam.