Cuộc sống thôn quê

Một phần của tài liệu ĐỀ tài THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG đại VIỆT NAM (Trang 89 - 106)

Chương 3. ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT

3.1. Bức tranh thôn quê

3.1.2. Cuộc sống thôn quê

3.1.2.1. Cuộc sống lao động sản xuất thôn quê

Thơ trung đại Việt Nam không chỉ thể hiện phong tục tập quán mà còn thể hiện nếp sống và những sinh hoạt cộng đồng, lao động sản xuất ở thôn quê. Đây là một nét thể hiện bản sắc riêng của thơ trung đại Việt Nam. Tính nhân dân và tính dân tộc trước hết thể hiện ở các tác phẩm phản ánh đến đời sống của đông đảo người dân thời trung đại. Tư tưởng thân dân chi phối hầu hết trong sáng tác của các nhà nho yêu nước. Chính vì vậy, những cảnh sinh hoạt cộng đồng làng xã, cảnh lao động sản xuất thôn quê được thể hiện chân thực trong các thi phẩm trung đại Việt Nam.

Tính nhân dân ngày càng được thể hiện theo xu hướng chân thực và gần gũi với cuộc sống đời thường dân dã ở nông thôn. Lê Quý Đôn từng khẳng định: “Thơ khởi phát từ trong lòng người ta. 300 bài thơ trong Kinh thi, phần nhiều là của người nông dân, phụ nữ làm ra mà cũng có bài văn sĩ đời sau không theo kịp được, như thế là vì nó chân thực” [135, tr.53]. Ở giai đoạn văn học Lý - Trần đã thấp thoáng xuất hiện những hình ảnh mộc mạc, thuần phác về cuộc sống sinh hoạt nơi thôn quê mà hiếm thấy trong văn học thời kỳ này. Trần Quang Khải - một vị tướng lĩnh vốn quen với võ kiếm nhưng vẫn có những phút giây thảnh thơi nơi “dã thự”:

Nhất thanh ngưu địch thanh lâu nguyệt, Phiến nông soa bích lũng vân.

(Một tiếng sáo trẻ chăn trâu làm xanh ánh trăng trên lầu, Mấy mảnh áo tơi nhà nông biếc đám mây dưới lũng.)

(Đề dã thự - Đề thơ ở biệt thự đồng quê)

Bức tranh thôn quê xuất hiện khi vị tướng lĩnh phóng tầm mắt hướng tới vẻ đẹp mộc mạc nơi có tiếng sáo trẻ trâu, có mảnh áo tơi của nhà nông.

Vẻ đẹp của con người trong lao động sớm trở thành hình tượng thẩm mĩ của thơ ca thời Trần.

Cuộc sống lao động nơi thôn quê cũng được thể hiện phong phú trong sáng tác của Nguyễn Trãi ở thế kỉ XV. Ức Trai không chỉ là nhà nho hành đạo mà có khi còn như một “lão nông tri điền” khi lui về ẩn dật nơi thôn dã. Đây là nơi tạo nên nguồn cảm hứng đầy tinh thần dân tộc và tinh thần thân dân sâu

sắc. Các bài thơ Nôm chủ yếu khắc họa bức chân dung của chính thi nhân nơi thôn dã với công việc “tạc tỉnh, canh điền” quen thuộc và gần gũi. Thi nhân khắc họa hình ảnh lao động ở thôn quê với các động từ sinh động: “Đạp áng mây, ôm bó củi - Ngồi bên suối, gác cần câu” (Trần tình 5); “Một cày, một cuốc thú nhà quê - Áng cúc lan xen vãi đậu kê” (Thuật hứng 3); “Ao cạn vớt bèo cấy muống - Đìa thanh phát cỏ ương sen” (Thuật hứng 24); “Ao quan thả gửi hai bè muống - Đất bụt, ương nhờ một lảnh mùng” (Thuật hứng, 23)...

Bên cạnh đó, thi nhân cũng khắc họa hình ảnh người phụ nữ giặt vải ở nơi thôn xóm trong tập thơ chữ Hán. Đó là hình ảnh lao động thường ngày ở thôn quê nhưng khơi gợi nhiều cảm xúc:

Mãn giang hà xứ hưởng đông đinh, Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình.

Nhất chủng tiêu quan chinh phụ oán, Tổng lương ly hận nhập thu thanh.

(Thôn xá thu châm)

Khắp sông đâu đấy nện thình thình, Đất khách trăng khuya bỗng giật mình.

Quan ải mịt mù chinh phụ oán, Tiếng thu thảy gửi biệt ly tình.

(Tiếng châm mùa thu ở thôn xóm) Dù chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ về đề tài thôn quê trong thơ chữ Hán Nguyễn Trãi, nhưng thi nhân đã khẳng định vẻ đẹp của cuộc sống dân dã, cuộc sống đơn sơ thuần phác trong văn chương nhà nho. Khắc họa cuộc sống lao động ở chốn quê, Nguyễn Trãi đã khẳng định xu hướng hiện thực mang tinh thần dân tộc của thơ ca trung đại.

Hình ảnh lao động của người dân quê được tô đậm thêm bằng những nét vẽ giàu chất hiện thực trong thơ Nguyễn Bảo. Một gia đình nhà nông vào vụ mùa, ai cũng tất bật với công việc đồng áng, từ đi cày, gieo hạt dưa cho đến xới cỏ nương đỗ. Dù lao động vất vả từ sáng sớm đến chiều muộn, nhưng người dân quê vẫn vui thú và gắn bó với ruộng vườn. Hình ảnh nàng dâu, mẹ chồng tần tảo tạo vẻ đẹp mới lạ độc đáo của văn học thế kỉ XV : Âm vân mạc mạc vũ phi phi,

Bỉnh trĩ khu ngưu trước đoản y.

Ấu phụ thì qua xâm hiểu khứ, Lão cô sừ đậu hướng bô quy.

(Trừng Mại thôn xuân vãn)

Mờ mịt mây che, mưa bay phân phất/ Nhà nông mình mặc áo cộc, tay cầm cày giục trâu/ Nàng dâu trẻ gieo giống hạt dưa, sáng đi sớm/ Mẹ chồng già xới cỏ nương

đỗ, chiều về muộn/

(Chiều xuân ở thôn Trừng Mại)

Cùng khắc họa những người lao động thuần hậu, chất phác, thi sĩ Thái

Thuận cũng đã có những vần thơ giàu chất hiện thực trong một cảnh lao động đầy cảm xúc của những đứa trẻ chốn quê:

Mao xá nhân yên lý, Cô chu tiểu bạc thì.

Thôn đồng tam tứ bối, Duyên thuỷ mạch bành kỳ.

(Hoàng giang tức sự)

Nhà tranh trong làn khói tỏa, Thuyền côi lúc tạm đậu lại.

Trẻ quê ba bốn tốp,

Lần theo bên sông tìm bắt cua cáy.

(Đề thơ tức cảnh ở bến Hoàng Giang) Đến thơ của các thi nhân thời Hồng Đức đã xuất hiện cảnh chợ quê ồn ào nơi làng biển quê hương. Hiện thực cuộc sống và người dân lao động được thể hiện phong phú, sinh động trong tập thơ mang tính chất cung đình. Từ hình ảnh chiếc áo tơi đến hình ảnh chợ quê đã tạo nên một bước chuyển biến mạnh mẽ của đề tài thơ ca trung đại Việt Nam. Lê Thánh Tông và các thi nhân thời Hồng Đức đã đưa những khoảnh khắc và âm thanh quen thuộc của cuộc sống lao động hàng ngày ở nông thôn vào tập thơ mang tính cung đình, cao nhã. Tiếng bố cốc nhắc người nông dân cấy lúa, tiếng gà gáy sáng, tiếng đập vải bên sông... đều tái hiện lại bức tranh cuộc sống thời kỳ hưng thịnh:

Rừng kia bố cốc còn khua gióng, Làng nọ nông phu đã thức nằm.

Bóng ác rạng đông, trời đã sáng, Tiếng gà sôi nổi, tiếng hàn châm.

(Ngũ canh)

Những thanh âm quen thuộc của cuộc sống lao động hàng ngày ở nông thôn được các thi nhân ghi lại với tất cả sự quan tâm và tự hào trong thời kỳ phong kiến hưng thịnh. Ngay trong thời kỳ Nho giáo thịnh trị, các thi nhân vẫn dành một một vị trí trang trọng cho những trang thơ về cuộc sống thôn quê. Các thi nhân thời Hồng Đức đã hướng đến quan sát cuộc sống lao động hàng ngày của người nông dân, ca ngợi sự chăm chỉ, cần cù cho đến thành quả lao động vất vả của họ.

Hướng về đề tài dân dã, tập thơ Nôm của Lê Thánh Tông và các thi nhân thời Hồng Đức đã đánh dấu bước phát triển của thơ Nôm trung đại Việt Nam ở nửa sau thế kỉ XV. Đó là quá trình dân tộc hóa, dân chủ hóa và hướng đến vẻ đẹp chân thực của cuộc sống. Dưới hình thức ngâm vịnh đề tài tứ thú, các thi nhân thời Hồng Đức đã khắc họa hình ảnh người lao động qua bộ tứ bình ngư, tiều, canh, mục khá chân thực. Dáng vẻ của người câu cá thật sinh động:

“Manh áo quàng, mang lụp xụp, Quai chèo xách, đứng lom khom”

(Vịnh người kiếm cá)

Trong khi đó, người kiếm củi được khắc họa với dáng vẻ thanh nhàn, thi vị nhưng cũng gợi cảm xúc thân quen:

“Phong nguyệt một đòn mang lếch thếch, Yên hà đôi bó quảy khom khom”.

(Vịnh người hái củi) Canh phu thì có mặt từ tờ mờ sáng để cày cuốc:

“Gió ngàn xanh, xoay nón lệch, Mưa núi lục, cúi lưng khom”.

(Vịnh người đi cày)

Hình ảnh chăn trâu thổi sáo vốn đã quen thuộc trong thơ ca trung đại, nhưng vừa chăn trâu vừa vui “cười khặc khặc” thì mới thấy xuất hiện trong HĐQÂTT:

Thả thả, chăn chăn, ít lại nom, Mũi nghé lui chân đứng nhảy.

(Vịnh người chăn trâu)

Những bài họa lại càng tô đậm thêm sự phong phú và sinh động trong cuộc sống lao động của người nông dân. Các thi nhân không chú trọng đặc tả sự vất vả, cơ cực của người nông dân lao động mà luôn thể hiện sự an nhàn, no đủ trong thời kỳ thái bình trịnh trị.

Từ thế kỉ XVI, cuộc sống lao động ở thôn quê được thể hiện chân thực và cụ thể hơn. Theo quan niệm nhà nho, khi nho gia thất thế trên con đường công danh thường tìm về chốn bình yên thôn dã để giữ gìn danh tiết. Các nhà nho Trung Hoa có điều kiện đi rất xa và đến những không gian sống hoàn toàn biệt lập cách xa cuộc sống xô bồ nơi cung đình. Các ẩn sĩ Việt Nam cũng chọn không gian thanh tĩnh để thể hiện tư tưởng “xử, tàng”, song không gian đó vẫn gần với đời sống của người dân. Điều này lý giải sự xuất hiện những hình ảnh chân thực, cụ thể về cuộc sống hàng ngày của thôn quê thời trung đại trong thơ của nhà nho Việt Nam thời trung đại.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều thời gian sống ẩn dật nơi thôn dã và coi đó là triết lý sống lý tưởng đương thời. Chính vì vậy, cuộc sống của

dân quê được thi nhân thể hiện ở cả thơ chữ Hán và thơ Nôm. Người thầy sông Tuyết đã phát huy những giá trị tinh thần lâu đời của dân tộc được lưu giữ trong đời sống của nhân dân. Thơ Trạng Trình là kho tư liệu phong phú, sinh động về thiên nhiên, sản vật thôn quê, về cuộc sống lao động chân thực của dân quê. Trong đó, những bài thơ vịnh từ thiên nhiên, vũ trụ lớn lao đến những sự vật nhỏ bé thường ngày đã tạo nên một bức tranh tổng quát phong phú và đa dạng. Đặc biệt, người đọc có thể thấy một pho tư liệu phong phú về đời sống của người dân quê Việt Nam thời kì này. Hình ảnh Trạng Trình với niềm vui an lạc cho thấy thi nhân hài lòng với sự lựa chọn của mình về với chốn quê nhà.

Người thầy sông Tuyết có khi an nhàn nơi vườn rau, khi thả câu vùng sông nước:

Mịch đắc thôn khê địa nhất triền, Nhàn lai ngô diệc lạc ngô thiên.

Hiểu lâm thái phố sương niêm lý, Dạ phiếm ngư ki nguyệt mãn thuyền.

(Tìm được một miếng đất ở cạnh con khe trong làng, Khi thanh nhàn ta cũng vui với tính tự nhiên của ta.

Buổi sáng đến vườn rau, sương dính vào dép,

Ban đêm thả thuyền nơi ghềnh câu, trăng đầy thuyền.) (Ngụ hứng 10)

Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một nhà thơ triết lý giáo huấn mà còn là một thi sĩ đầy rung cảm trước thiên nhiên và cuộc sống nơi thôn dã.

Những hình ảnh chân thực, sinh động đa sắc màu từ cuộc sống đời thường đã tạo nên hồn thơ giàu bản sắc dân tộc. Cuộc sống lao động nơi thôn dã đã tạo nên thú vui của thi nhân được thể hiện trong thơ quốc âm:

Ruộng năm, bảy khóm trồng cây lúa, Tằm chín, mười nong để giống ngài.

(Thơ Nôm, bài 128)

Nếu cuộc sống lao động thôn quê trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ yếu xoay quanh hoạt động của chủ thể trữ tình, thì đến các giai đoạn sau các thi nhân đã hướng ngòi bút khắc họa cảnh lao động của người dân quê. Hình ảnh người nông dân trước thế kỉ XVIII đã được đề cập đến mang tính ước lệ, tượng trưng trong bộ tứ “ngư, tiều, canh, mục”. Những

“nhân vật” thôn quê đó cũng chưa phải là trung tâm thẩm mĩ của bài thơ mà sự xuất hiện của họ có chức năng phụ họa cho tâm cảnh, cho nhân sinh quan của nhà thơ. Người dân lao động chưa được miêu tả cụ thể về cuộc sống, về dáng vẻ cho đến đời sống tinh thần với tất cả buồn vui, lo toan của cuộc sống đời thường. Từ thế kỉ XVIII, cuộc sống lao động của những người dân quê được thể hiện cụ thể và chân thực hơn. Trịnh Hoài Đức miêu tả cảnh lao động quen thuộc của người nông dân phía Nam của tổ quốc. Đó là cảnh lao động của những lão nông chất phác “Đi đường gánh rau thay lương thực” (Loạn hậu quy - Trở về sau loạn); cảnh người lớn, trẻ con tất bật ngày mùa: “Những người lớn trong nhà lo việc vày ruộng, dệt vải/ Đứa trẻ ra khỏi bóng dâu mang cơm ra đồng” (Trấn Định xuân canh - Cày mùa xuân ở Trấn Định). Đôi khi nhà thơ chỉ phác họa vài nét sơ lược công việc của nhà nông nhưng cũng làm hiện lên cảnh ươm tơ chăm chút, tỉ mỉ của những người phụ nữ đảm đang, tần tảo:

Tam bồn xuất tự phiên hương kiển, Song trợ tần yêm chấn lũ câm.

(Ba nồi ươm lần ra mối, trở mẻ kén nõn thơm tho, Đôi đũa nhúng xuống luôn tay, kéo sợi tơ vàng sặc sỡ)

(Quất xã táo ti - Làng Quất ươm tơ) Là một khách tha hương suốt đời mang nỗi niềm cố hương, Cao Bá Quát có nhiều vần thơ giàu cảm xúc về cảnh vật cũng như con người thôn quê. Thi nhân khắc họa những người thân thiết, làng xóm láng giềng cho đến những người lao động vô danh. Đặc biệt, thi nhân thấy được sự vất vả, lam lũ trong cảnh lao động của người nông dân:

Vạn lý song cao tấn thủ khiên, Phúc hiêu, thần chiến, đoản thoa xuyên.

Bách tầm phá thảo trường đê mạch,

Ngũ xích tân ương thượng bạn điền.

(Hiểu lũng quán phu)

Trong sương mù tay kéo đôi gàu thoăn thoắt,

Bụng đói, môi run, thân mang chiếc áo tơi ngắn.

Hàng trăm tầm cỏ vừa phá dọc bờ đê dài,

Năm thước mạ mới gieo ở đám ruộng bờ trên.

(Người tát nước buổi sớm trên đồng) Bài thơ là bức tranh chân thực, gợi nhiều cảm xúc trong lòng người đọc về người tát nước trên đồng. Đây là một công việc quen thuộc của nhà

nông mỗi khi mùa vụ đến nhưng được thể hiện tự nhiên giàu chất gợi hơn tả. Phải có tấm lòng thấu hiểu và thương cảm với người lao động thì Cao Bá Quát mới có những vần thơ tâm tình sâu sắc đến vậy.

Cùng với thi sĩ họ Cao, công việc đồng áng vốn không phải của nhà nho Phan Thúc Trực mà đó là công việc của “vạn dân cày”. Nhưng vì kế sinh nhai, vì người vợ tần tảo không còn, thi nhân đã cùng gia đinh trong nhà lo việc ruộng vườn. Từ đó mà thi nhân thấu hiểu hơn sự vất vả của vợ và những người nông dân cần cù, chất phác. Bài thơ Xuân nhật khóa thực vu miên (Ngày xuân dạy trồng khoai, trồng bông) và bài Vũ tình ngải mạch (Tạnh mưa gặt lúa) đã tỏ bày nỗi niềm trăn trở của thi nhân. Đó cũng là điểm gặp gỡ của thi nhân họ Phan với Đặng Huy Trứ khi viết về thôn quê. Với vai trò là vị quan của triều Nguyễn, Đặng Huy Trứ luôn chăm lo đến cuộc sống của muôn dân.

Ông đi nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung để chứng kiến và cảm nhận được bức tranh tổng quát của người dân lao động. Đó là ông lão bán than (Kiến lão ông đài than), ông già đan đồ tre (Lão ông biên trúc), ông già tưới rau (Cấp tuyền quán thái), người thợ cày (Canh phu giáo độc), người đàn bà chăn tằm (Tang phụ tự tàm)...

Bạch phát cân trung mãn, Kim ô bối thượng huyền.

Chỉ duyên sinh kế cấp, Cần khổ bất tri niên.

(Kiến lão ông đài than)

Tóc trắng đầy trong khăn, Vàng đen đè trĩu lưng.

Chỉ vì sinh kế quẫn,

Nhọc nhằn quên tháng năm.

(Ông lão bán than) Một lão ông lao động vất vả quên cả tuổi tác để kiếm kế mưu sinh được khắc họa chân thực, cụ thể. Bài thơ vừa gợi lên bao cảm xúc về người lao động vừa thể hiện lòng thương cảm của thi nhân trước cuộc sống lam lũ nhọc nhằn của người dân. Ẩn sau đó là nỗi lòng, sự cảm thông sâu sắc của thi nhân đối với người dân lao động vất vả.

Hình ảnh người phụ nữ vốn đã thưa vắng trong văn chương nhà nho, người phụ nữ nông thôn lại càng ít được xuất hiện trong thơ ca. Thế kỉ XVIII là thời kì mà người phụ nữ xuất hiện trong văn học với nhiều cuộc đời và số phận khác nhau. Nhưng phần lớn là hình mẫu điển phạm của văn học Trung Hoa, là những giai nhân tài sắc và khuê các nơi lầu son gác tía. Đặng Huy Trứ đã trân trọng đưa hình ảnh người phụ nữ nông thôn vào thơ chữ Hán với niềm cảm thương sâu sắc, họ là những người dân quê bình dị.

Một phần của tài liệu ĐỀ tài THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG đại VIỆT NAM (Trang 89 - 106)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(259 trang)
w