Chương 4. ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN
4.2. Ngôn ngữ nghệ thuật
4.2.3. Ngôn ngữ đời sống hàng ngày của người dân thôn quê
Mọi giá trị của tác phẩm đều được ẩn náu dưới những dòng thơ cô đọng, hàm súc. Cách vận dụng sáng tạo từ thuần Việt, từ láy, từ cảm thán, từ để hỏi...
trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của người dân đã tạo nên giá trị độc đáo của thơ Nôm Đường luật.
Nguyễn Trãi đã sử dụng các lớp từ Việt là những từ chỉ sản vật quê hương: bè rau muống, lảnh mùng tơi, vị núc nác, đậu, kê, con đòng đong, con niềng niễng...
Một cày một cuốc thú nhà quê, Áng cúc lan chen vãi đậu kê.
(Thuật hứng, bài 3) Một ao niềng niễng mấy đòng đong.
(Thuật hứng, bài 11)
Chỉ có thể vận dụng chữ Nôm - thứ ngôn ngữ dân tộc thì Nguyễn Trãi mới diễn đạt được đầy đủ và giàu cảm xúc những cung bậc tình cảm của thi nhân trước cuộc sống dân dã sinh động, phong phú. Ngoài ra thi nhân còn sử dụng thành thạo từ láy - loại từ có có sự khu biệt rõ ràng với ngôn ngữ ngoại nhập:
Miệt bả, hài gai, khăn cóc,
Xuềnh xoàng làm mỗ đứa thôn nhân.
(Mạn thuật 11) Dù bụt, dù tiên ai kẻ hỏi,
Ông này đã có thú ông này.
(Mạn thuật 6)
Cách vận dụng ngôn ngữ đời sống được các thi nhân thời Hồng Đức tiếp tục phát huy trong giai đoạn nửa sau thế kỉ XV. Có thể nói, HĐQÂTT trở nên gần gũi, giàu tinh thần dân tộc hơn nhờ cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo giá trị ngôn ngữ đời sống. Những tư tưởng của Nho giáo kinh điển, những bài học đạo lý của minh quân lương thần cũng trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn khi được truyền tải qua ngôn ngữ đời sống quen thuộc. Đây là tập thơ cung đình ở thời kì cực thịnh của Nho giáo, các thi nhân thời Hồng Đức đã đem đến một diện mạo mới cho thơ Nôm Đường luật trong việc biểu đạt cảm xúc của chủ thể trữ tình với cuộc sống thôn quê.
Tính dân tộc trước hết thể hiện ở việc vận dụng sinh động, sáng tạo
câu hỏi trong ngôn ngữ nói hàng ngày của người dân:
Những thế còn ai chịu được e?
(Lại vịnh nắng mùa hè) Ông nào thổi địch thanh tơi tá?
(Sơn thị tình lam - Chợ cạnh núi lúc tạnh mù)
Đặc biệt, HĐQÂTT có thể được coi như một kho từ láy chỉ tính chất của thiên nhiên và dáng vẻ lao động của con người. Mật độ từ láy xuất hiện trong hầu hết các bài thơ viết về thôn quê. Thiên nhiên thôn quê trở nên gần gũi hơn, quen thuộc hơn: nguyệt treo chếch chếch, sương ướt đầm đầm, nước nồng sừng sực, ngày nắng chang chang, lẻ tẻ, lao xao...
Nguyệt đầu non treo chếch chếch, Sương mặt đất ướt đầm đầm.
(Vịnh ngũ canh) Chan chan thuyền đỗ đầu ghềnh liễu, San sát chài phơi cuối vụng hoa.
(Ngư thôn tịch chiếu - Ánh chiếu rọi vào xóm chài lưới)
Bên cạnh đó, những từ láy đặc tả về dáng vẻ, trạng thái của người lao động cũng góp phần làm nổi bật cuộc sống thái bình, thịnh trị của muôn dân.
Người kiếm cá được miêu tả trong tư thế: mang lụp xụp, đứng lom khom, áo tơi che lủn củn, cần câu trúc uốn khom khom; Người hái củi thì: mang lếch thếch, quảy khom khom, mang đủng đỉnh; Người đi cày: tai nhấp nhấp, cật khom khom; Người chăn trâu: lao xao hỏi, ngấp nghé nhòm, cười khặc khặc, cỡi khom khom. Thành công trong việc sử dụng từ láy của các nho sĩ thời Hồng Đức cho thấy: “Hãy lướt qua những chỗ thù phụng tầm thường, những chỗ dễ dãi về niêm luật, về lời thơ, về hiệp vần, chúng ta sẽ đọc được những câu thơ sống động đậm đà màu sắc dân tộc, đậm đà tình cảm yêu thiên nhiên, đất nước, yêu con người trong sáng, con người lao động” [37, tr.32]. Lê Thánh Tông và các thi nhân Hồng Đức đã phát triển ngôn ngữ thơ quốc âm thêm một bước mới trong việc thể hiện tư tưởng, tình cảm đối với cuộc sống và con người thôn quê.
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khắc họa một thói quen trong nếp sinh hoạt
quen thuộc mà giản dị của cuộc sống thôn dân. Phải là người hòa mình ở chốn điền viên thôn dã, nhà thơ mới thỏa cái chí tiêu dao, thuận theo lẽ tự nhiên. Tác giả đã sử dụng thứ ngôn ngữ dung dị, tự nhiên, thể hiện thâm tình sâu nặng, gắn bó thiết tha của nhà thơ với cuộc sống và con người của quê hương. Cuộc sống hiện thực vốn phong phú muôn màu, trong khi từ Hán Việt là tử ngữ chỉ giới hạn và mang tính quy phạm. Vậy nên, một cách tự nhiên, Tuyết Giang phu tử đã vận dụng ngôn ngữ đời sống hàng ngày đang diễn ra trước mắt để phản ánh chính cuộc sống bộn bề, đa dạng.
Từng tên gọi các sản vật thôn quê cho đến cách dùng từ thuần Việt đã có sự tiếp thu và sáng tạo hơn so với thơ Nôm thế kỉ XV:
Thèm, nỡ phụ canh cua rốc, Lạnh, đà quen đắp ổ rơm.
(Thơ Nôm, bài 36)
Đây là ngôn ngữ gần gũi, mộc mạc, là thứ ngôn ngữ được chắt lọc ra từ chính cuộc sống quê kiểng, thuần phác. Nhà thơ sử dụng những từ Việt thô sơ để phản ánh vẻ đẹp chân thực của cuộc sống. Bên cạnh đó, những sản phẩm hương thôn thân thuộc, bình dị mang hơi thở của sông núi, ruộng vườn của hồn quê, làng quê đất Việt như canh cua rốc, măng trúc, ếch, niềng niễng, lúa, khoai, rau muống, đòng đòng, dừa, ngổ... Những từ “nhá”,
“nếm”, “tiếc”, “thèm”, “kẻo” thật mộc mạc, thuần phác gần gũi với khẩu ngữ hàng ngày trong giao tiếp của đông đảo nhân dân:
Nhá rau lại tiếc mùi canh ngọt, Nếm ếch còn thèm có giống măng.
(Thơ Nôm, bài 90) Cá tôm tối chác bên kia bến,
Củi đuốc ngày mua mé nọ đèo.
(Thơ Nôm, bài 38)
Khi biểu đạt tình cảm với người thân, bạn bè, làng xóm, thi nhân cũng dùng từ Việt để thay thế từ Hán Việt nghĩa tương ứng như cha, mẹ, vợ chồng, anh, em... trở nên gần gũi, thân mật, ấm áp hơn. Những bài thơ về thôn quê trong BVQNTT cho thấy đóng góp của Trạng Trình trong việc đưa ngôn ngữ đời thường trở thành ngôn ngữ nghệ thuật, mang tính thẩm mĩ và tinh thần thân dân sâu sắc. Vốn từ không trau chuốt, không gọt giũa nhưng
vẫn mang giá trị biểu cảm trong thơ Trạng Trình.
Như vậy, sau tập thơ Nôm đầu tiên của Nguyễn Trãi, thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có bước chuyển biến quan trọng đánh dấu vị trí của thơ ca dân tộc. Chỉ sau một thế kỉ, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa thơ Nôm Đường luật thành thể loại có khả năng biểu đạt tinh tế và sâu sắc.
Ngôn ngữ nghệ thuật thơ gần gũi hơn với ngôn ngữ đời sống thường ngày của người dân lao động.
Đến Nguyễn Khuyến, ngôn ngữ thơ Nôm Đường luật đã có sự kết tinh của ngôn ngữ dân tộc, khẳng định vai trò, vị trí của chữ Nôm trong nền văn học. Thôn quê trong thơ Nguyễn Khuyến trở nên gần gũi hơn, chân thực hơn nhờ tác giả vận dụng linh hoạt, sáng tạo ngôn ngữ đời sống thôn quê.
Thi nhân không dùng nhiều chữ Hán và điển cố thi liệu Hán để tạo nên tính dân tộc trong thơ Nôm. Ngôn ngữ trong thơ ông quan làng Và là ngôn ngữ đại chúng của vùng Bắc bộ, những lời ăn tiếng nói hàng ngày của đông đảo tầng lớp dân quê được thi nhân đưa vào thơ với tấm lòng trân trọng. Ngôn ngữ tả cảnh thôn quê rất chính xác trong cách chọn chữ, dùng từ thích hợp và có khả năng gợi tả cao. Thi nhân sử dụng vốn ngôn ngữ bình dân nhưng không hề rơi vào sự thông tục hóa, cảnh nào cũng được vẽ, được chạm khắc thần tình đạt đến mức nghệ thuật. Trong chùm thơ thu tiêu biểu về mùa thu vùng đồng bằng Bắc bộ, Nguyễn Khuyến dùng những lời nói hàng ngày của người dân Việt, chỉ ngoại lệ dùng một điển tích ("ông Đào" ở cuối bài Thu vịnh). Khác với những bức phong cảnh về tứ thời của các thi nhân trước đó, cảnh thu trong thơ Nguyễn Khuyến hiện lên chân thực và mang đặc trưng của vùng miền, làm cho ngôn ngữ tiếng Việt trở nên phong phú, tinh tế hơn.
Có nhiều bài thơ như lời tâm tình của những người dân quê, sự gần gũi thân thiết thể hiện qua cách xưng hô thân mật trong giao tiếp: trời cho tớ, với tới, cùng ta, nhỉ, thì, mà, là... Từng câu thơ như được chắt lọc từ chính cuộc sống với vẻ đẹp thuần phác, giản dị mà đầm ấm nghĩa tình:
Ông chẳng hay ông tuổi đã già, Năm lăm ông cũng lão đây mà.
Anh em làng xóm xin mời cả, Giò bánh, trâu heo cũng gọi là.
(Lên lão)
Thi nhân đưa cách nói, những khẩu ngữ, dùng nhiều từ láy trong giao tiếp hàng ngày của người dân quê như: Lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng, le te, lập lòe, phất phơ, lóng lánh, lơ thơ, hắt hiu... và cách dùng tính từ giàu tính biểu cảm: gợn tí, đưa vèo, vắng teo, đỏ hoe, say nhè, xanh ngắt:
Năm gian nhà cỏ thấp le te, Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt, Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
(Thu ẩm)
Vị quan làng Và còn gợi lên cả không khí xao xác của cảnh chợ Đồng cuối năm hay thời khắc giao thừa ở làng quê qua việc dùng từ láy như lời ăn tiếng nói hàng ngày của thôn dân:
Hàng quán người về nghe xao xác, Nợ nần năm trước hỏi lung tung.
(Chợ Đồng) Ngoài luỹ nhấp nhô cò cụ tổng, Cách ao lẹt đẹt pháo thầy Nhang.
(Khai bút)
Cảnh lụt lội ở thôn quê cũng gợi nhiều cảm xúc với những từ láy gợi âm thanh, hình ảnh sinh động, chân thực:
Bóng thuyền thấp thoáng giờn trên vách, Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà.
(Vịnh lụt) Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng.
Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi.
(Nước lụt Hà Nam)
Cách vận dụng sáng tạo ngôn ngữ đời sống đã tạo nên chất hiện thực trong Nguyễn Khuyến: “Là nhà thơ kết tinh toàn bộ nghệ thuật thơ Nôm cổ trung đại, ông còn là tác giả đánh dấu một dấu gạch quan trọng nối sang cận đại, ở chỗ thơ ông giàu tính hiện thực và khắc họa được tâm trạng đổ vỡ của người trí thức trước cuộc “dâu bể” đương thời” [65, tr.16]. Ngôn ngữ đời sống có vai trò quan trọng trong việc thể hiện đề tài có tính chất đời
thường thông tục, có khả năng biểu đạt chức năng thẩm mĩ của văn học.
Thành phần ngôn ngữ này mang đến cho thơ Nôm Đường luật một vẻ đẹp giản dị, chất phác, dân chủ hóa hệ thống ngôn ngữ của thể loại trong hành trình văn học trung đại Việt Nam.
Như vậy, thành phần ngôn ngữ đời sống giữ vai trò quan trọng trong việc thể hiện những nội dung có tính chất đời thường, thông tục, tạo sự khu biệt giữa Đường luật Nôm và Đường luật Hán. Thơ Nôm là thể loại văn học được tiếp thu và sáng tạo nhằm thể hiện một cách chân thực, cụ thể, sinh động nhất cảnh sắc và con người Việt Nam chứ không phải là cảm xúc chung chung trừu tượng. Hơn nữa, thành phần ngôn ngữ đời sống trong thơ Đường luật Nôm tạo nên vẻ đẹp giản dị, hồn nhiên, thuần phác khác Đường luật Hán thường mang tính tượng trưng nghiêng về vẻ đẹp tao nhã, mĩ lệ. Với thơ Nôm, từ lời nói đến suy nghĩ, cảm xúc của con người ở chốn quê được thi nhân ghi lại một cách chân thực bằng thứ ngôn ngữ khởi phát từ chính cuộc sống đó. Qua đây, chúng ta cũng có thể thấy từ QÂTT, HĐQÂTT, BVQNTT cho đến thơ Nôm Nguyễn Khuyến đã có sự phát triển mạnh mẽ trong việc vận dụng ngôn ngữ đời sống trong thơ nhà nho. Mọi khía cạnh của cuộc sống con người từ đời sống vật chất cho đến mọi cung bậc cảm xúc của tâm hồn con người được phản ánh một cách chân thực, sinh động trong thơ. Các thi nhân trung đại đã góp phần lưu giữ vốn ngôn ngữ của dân tộc qua những vần thơ Nôm đặc sắc, giàu giá trị hiện thực và đậm đà tinh thần dân tộc khi viết về thôn quê.