Chương 4. ĐỀ TÀI THÔN QUÊ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI VIỆT NAM NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN
4.1. Không gian, thời gian nghệ thuật
4.1.2. Thời gian nghệ thuật
Theo Từ điển tiếng Việt, “thời gian là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với không gian), trong đó vật chất vận động và phát triển liên tục, không ngừng. Thời gian và không gian đều là vô tận” [131, tr.923]. Hơn nữa:
“Con người cảm nhận thời gian từ sự đổi thay của chính mình và của thế giới xung quanh” [150, tr.193]. Từ những định nghĩa trên chúng ta có thể thấy rằng thời gian trong tác phẩm văn học giúp thế giới vật chất trở nên xác định, rõ ràng. Bên cạnh đó, thời gian là phương tiện nghệ thuật để nhà văn phản ánh đời sống theo nhãn quan thẩm mĩ của riêng mình. Mỗi đề tài gắn với mỗi cách thể hiện thời gian khác nhau: thời gian vũ trụ tĩnh tại, thời gian lịch sử, thời gian siêu nhiên, thời gian sinh hoạt... Cảm thức về thời gian luôn là cảm thức thường trực trong tâm hồn thi nhân trung đại. Thời gian và không gian tạo thành trục tọa độ khẳng định sự tồn tại của con người trong trời đất.
Khi viết về thôn quê, các thi nhân trung đại cũng thể hiện ở nhiều khoảnh khắc thời gian khác nhau, với những nét vẽ sinh động, đa dạng.
Nhưng đó không phải là thời gian vô thường, luân hồi trong thơ Thiền thời Lý, thời gian lịch sử trong thơ thời Trần, thời Lê sơ mà là thời gian chân thực, cụ thể gắn với mùa màng, lễ hội thôn quê. Thời gian không chỉ là khái niệm trừu tượng, ước lệ mà được cụ thể hóa qua cảnh sắc và cuộc sống thôn quê.
Bảng thống kê số lượng bài thơ viết về thời gian thôn quê
TT Tác giả tiêu biểu
SL bài thơ viết về thôn
quê
SL bài thơ viết
về thời gian mùa màng
Tỉ lệ (%)
SL bài thơ viết về thời
gian lễ tết Tỉ lệ (%)
(1) X - XIV
Trần Quang Khải (1241 - 1294)
Trần Nhân Tông (1258 - 1308) Bùi Tông Hoan (? - ?)
Trần Quang Triều (1286 - 1325)
20 20 100 0 0
TT Tác giả tiêu biểu
SL bài thơ viết về thôn
quê
SL bài thơ viết
về thời gian mùa màng
Tỉ lệ (%)
SL bài thơ viết về thời
gian lễ tết Tỉ lệ (%)
Nguyễn Sưởng (? - ?) Mạc Đĩnh Chi (1284 - 1361) Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370)
Trần Nguyên Đán (1325 - 1390)
Nguyễn Phi Khanh (1355 - 1428)
(2) XV - XVII
Nguyễn Trãi (1380 -1442) 7 6 85 1 15
32 32 100 0 0
Nguyễn Bảo (1439 - 1503) 3 3 100 0 0
Thái Thuận (1441 -?) 5 5 100 0 0
Lê Thánh Tông và các thi
nhân thời Hồng Đức 25 25 100 0 0
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585)
31 29 93 2 7
19 19 100 0 0
(3) XVIII - XIX
Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) 7 6 85 1 15
Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825) 17 17 100 0 0
Cao Bá Quát (1808 - 1855) 33 31 95 2 5
Phan Thúc Trực (1808 - 1852) 16 14 87 2 13
Đặng Huy Trứ (1825 -1874) 20 16 80 4 20
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) 33 32 96 1 4
14 11 78 3 22
Theo bảng thống kê về thời gian thôn quê, thời gian mùa màng là nguồn cảm hứng chủ đạo của các thi nhân ở giai đoạn đầu của tiến trình văn học. Đến chặng cuối của tiến trình văn học, thời gian lễ tết gắn với văn hóa thôn quê xuất hiện trong thơ Cao Bá Quát (5%), Phan Thúc Trực (13%), Đặng Huy Trứ (20%), Nguyễn Khuyến (4% trong thơ chữ Hán) và (22% trong thơ chữ Nôm). Điều này cho thấy xu hướng dân tộc hóa của thơ ca trung đại Việt Nam. Các thi nhân trung đại thường lưu lại khoảnh khắc của thời gian bằng cách trực tiếp (dùng các từ chỉ thời gian) và gián tiếp (dùng các ước lệ về thời gian).
- Thời gian mùa màng
Thời gian mùa màng trở thành một biện pháp nghệ thuật để gợi lên bước đi của thời gian, của nhịp sống lao động sản xuất, sinh hoạt ở thôn quê. Đối với một đất nước gắn với nền nông nghiệp lúa nước, sự dịch chuyển của mùa màng, của thời gian có vai trò quan trọng trong đời sống của người nông dân từ ngàn đời nay. Nếu thơ Thiền thường đặt sự hữu hạn, ngắn ngủi của con người trước sự vô hạn, vô thủy, vô chung của vũ trụ thì thơ về thôn quê là những lát cắt của cuộc sống con người trước thời gian bốn mùa. Dấu ấn thời gian của nhà nông được thể hiện sinh động, phong phú trong thơ trung đại Việt Nam. Cách khắc họa thời gian cũng được thể hiện bằng nhiều tín hiệu nghệ thuật khác nhau.
Thơ ca trung đại thường nói đến thời gian vũ trụ bất biến, thời gian tĩnh tại tuần hoàn hoặc thời gian lịch sử trong sự tương quan với thời gian vũ trụ. Các từ chỉ thời gian như tuế, nguyệt, nhật, tảo, ngọ, mộ, dạ... thường xuất hiện trong thơ với vai trò tỏ bày thời khắc của cảm hứng thơ. Những bài vịnh tứ thời, vịnh mười hai tháng, vịnh ngũ canh... là những khoảnh khắc lưu dấu lại cảm xúc thẩm mĩ của các thi nhân trung đại. Trong đó sự chuyển vần của thời gian thường tương đồng với sự chuyển vần của vũ trụ.
Đó là thời gian luân hồi trong thơ Thiền, thời gian tĩnh tại trong thơ các nhà nho ẩn dật, thời gian quá khứ trong thơ hoài cổ... Thời gian mỗi mùa thường được ước lệ bằng những dấu hiệu quen thuộc như mùa đông có tuyết sương, mùa thu có lá ngô đồng rụng, mùa hạ có tiếng cuốc kêu, mùa xuân có hoa mai nở. Nhà thơ viết về thiên nhiên, con người, cuộc sống thôn quê thể hiện dấu hiệu trôi chảy của thời gian và hiện lên cuộc sống chân thực
của con người. Vì vậy, các dấu hiệu chỉ thời gian đã phá vỡ những điển phạm trước đó mà trở nên gần gũi, quen thuộc hơn với cuộc sống hằng ngày.
Thời gian mùa màng trước hết thể hiện ở các nhan đề thơ nói về bốn mùa: Thu nhật (Ngày thu) - Trần Nguyên Đán; Nhâm Dần lục nguyệt tác (Thơ làm vào tháng sáu năm Nhâm Dần) - Trần Nguyên Đán; Hạ cảnh (cảnh mùa hè) - Trần Thánh Tông; Vịnh ngũ canh, Vịnh mười hai tháng - Lê Thánh Tông;
Thu nhật thôn cư tức sự (Ngày thu ở thôn quê) - Ngô Thì Sĩ; Xuân nhật khóa thực vu miên (Ngày xuân dạy trồng khoai, trồng bông) - Phan Thúc Trực; Hạ liêu (Nước lụt mùa hè) - Phan Thúc Trực; Lạo tiết công ngư (Mùa lụt đánh cá) - Đặng Huy Trứ; Thu đại thủy (Lụt mùa thu) - Đặng Huy Trứ; Thu vũ (Mưa thu) - Nguyễn Khuyến; Sơ hạ (Đầu mùa hè) - Nguyễn Khuyến... Hoặc một thời điểm trong ngày như: Vãn cảnh (Cảnh chiều) - Mạc Đĩnh Chi; Giang thôn hiểu thị (Chợ buổi sáng thôn bên sông) - Trịnh Hoài Đức; Thôn cư vãn cảnh (Cảnh chiều ở thôn quê) - Cao Bá Quát... Trong đó, các thi nhân trung đại chú trọng khắc họa cảnh thiên nhiên và cuộc sống người dân thôn quê gắn với từng khoảnh khắc thời gian cụ thể. Với đặc trưng khí hậu thổ nhưỡng của vùng Đông Nam Á, các mùa xuân, mùa hạ, mùa thu được thể hiện nhiều nhất trong thơ gắn với mùa vụ, gắn với cảm xúc lo lắng, trăn trở của người nông dân.
Mùa xuân là mùa bắt đầu trồng khoai, trồng bông; Mùa hạ là mùa thu hoạch lúa, nắng nóng gay gắt; Mùa thu gắn với các trận lụt, mùa màng thất bát...
Nếu như Nguyễn Trung Ngạn dùng hình ảnh nhụy hoa nhãn để biểu thị xuân về trong bài Xuân dạ dã tự (Chùa quê, đêm xuân) thì Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi dùng hình ảnh hoa xoan để khắc họa sắc xuân thanh bình, tươi sáng ở chốn quê. Thời gian mùa xuân được các thi nhân cảm nhận từ màu xanh dày đặc của cây lá và từ sự vận động để bung nở của bông hoa xoan tím li ti:
Ngạn hiệp vũ tình yên sắc bạc, Đỗ quyên thanh cấp luyện hoa khai.
(Mưa tạnh, ven đê mầu khói nhàn nhạt, Tiếng đỗ quyên rộn ràng, hoa xoan đang nở)
(Giang thôn xuân cảnh - Nguyễn Phi Khanh)
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão,
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.
(Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn, Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan.)
(Mộ xuân tức sự - Nguyễn Trãi)
Trong số 6 bài thơ viết về thôn quê, thi sĩ Nguyễn Bảo đã thể hiện trực tiếp tín hiệu thời gian trong tiêu đề 5 bài thơ: Tuế mộ thuật hoài (Nỗi lòng cuối năm), Xuân nhật tức sự (Tả cảnh ngày xuân), Trừng Mại thôn xuân vãn (Chiều xuân ở thôn Trừng Mại), Xuân vũ (Mưa xuân), Thu lâm (Mưa dầm mùa thu). Cảm hứng về mùa xuân được thi nhân thể hiện nhiều nhất trong bốn mùa. Mùa xuân khởi đầu cho một năm mới đầy sức sống, niềm vui. Cảnh xuân, tình xuân trong thơ Nguyễn Bảo chân thực, giàu sức sống, ấm áp và thanh bình. Thời gian đó cũng phần nào thể hiện được cuộc sống thái bình thịnh trị thời Hồng Đức lúc bấy giờ.
Cùng cảm xúc về mùa xuân, Phan Thúc Trực lại bận rộn với việc gieo trồng của nhà nông trong bài Xuân nhật khóa thực vu miên (Ngày xuân dạy trồng khoai, trồng bông). Thời gian bắt đầu một năm mới gắn liền với mùa vụ mới và sự tất bật của nhà nông:
Ngã phi học nông phố, Lao khổ diệc đương tri.
Cập xuân nãi bá thực, Đương hạ nhưng trích qui.
(Ta vốn không được học làm ruộng, Cũng phải biết công việc vất vả gian nan.
Kịp thì gieo hạt bông và đặt dây khoai, Đến hè thì hái mang về)
Nếu như khoảnh khắc mùa xuân được các thi nhân gợi lên từ những hình ảnh giản dị và từ cuộc sống lao động của người dân quê thì mùa hạ cũng được khắc họa sinh động, chân thực. Thời gian bốn mùa, năm canh, mười hai tháng đều trở thành đối tượng ngâm vịnh trong Hồng Đức quốc âm thi tập.
Nhưng đặc sắc hơn cả là những vần thơ về cái nóng oi ả, gay gắt của mùa hè ở làng quê Việt Nam nửa sau thế kỉ XV:
Gọi vịt từ nghe ở ngọn tre, Mới hay tiết đã báo sang hè.
Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi, Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè.
(Lại vịnh nắng mùa hè)
Thời gian được gợi lên từ âm thanh, hình ảnh và trạng thái của cảnh vật khi hè đến. Các thi nhân thời Hồng Đức đã phá vỡ những điển phạm chỉ thời gian trong thơ nhà nho để đưa vào thơ những hình ảnh mới, những cảm nhận mới về mùa hạ. Phan Thúc Trực cũng viết về mùa hè với sự lo lắng mất mùa ở thôn quê trong bài Hạ liêu (Nước lụt mùa hè). Khung cảnh tan hoang của cánh đồng, bên sông cho thấy sự dịch chuyển, trôi chảy của thời gian:
Hạ hành thu lệnh vũ vi tai,
Phá khối khuynh bồn trận trận lai.
Thủy ngạn thử hồi phiêu tử mạch, Giang thành hà xứ tống hoàng mai.
(Mùa hè mà theo thời tiết mùa thu, mưa đã gây tai ương/ Từng trận từng trận, mưa đổ tường nghiêng chậu/ Nước chảy tràn bờ, lúa má bị cuốn phăng/ Thành bên sông không có chỗ nào không ngập)
Nguyễn Khuyến là tác giả của nhiều bài thơ đặc sắc về mùa hè: Sơ hạ (Đầu mùa hè), Hạ nhật tân tình (Ngày hè, mới tạnh mưa), Hạ nhật (Ngày hè), Hạ nhật vãn điếu (Ngắm chiều hè). Mùa hè là khoảnh khắc của mùa màng bội thu: “Bà hàng bưng mâm đem biếu vải chín/ Ông thợ cày dốc đó bán cho ta cá tươi”, những vội vã tất bật của nhà nông chạy đua với thời gian: “Người nhà phơi lúa tranh nhau chạy mưa/ Đàn bà nuôi tằm tìm cách chắn gió” và còn là những lo lắng của người trồng lúa, nuôi tằm:
Lão tàm ái táo, miên tương khởi, Tân cốc hàm huyên, phúc tiệm phì.
(Tằm già thích khô ráo, đương ngủ sắp trở dậy, Lúa mới ngậm hơi ẩm, đòng đòng dần dần mẫm ra)
(Hạ nhật tân tình - Ngày hè, mới tạnh mưa) Mùa thu vốn gợi nhiều cảm hứng lãng mạn của các thi sĩ Trung Hoa thời trung đại. Vì vậy, thơ ca đã có nhiều hình tượng ước lệ mang vẻ đẹp cổ điển để đặc tả về mùa thu như lá ngô đồng rụng, khóm cúc. Tiếp thu những ảnh hưởng đó, các thi nhân trung đại Việt Nam đã có những sáng
tạo để mùa thu mang những nét đặc trưng, quen thuộc và gần gũi. Đó là mùa thu gắn với cảnh sắc, cuộc sống lao động của người dân trong những vần thơ về thôn quê.
Trần Nguyên Đán nhìn thấy mùa thu qua hình ảnh “Rau thuần, cá vược” (Thu nhật); Nguyễn Trãi cảm nhận hơi thu qua tiếng “chày đập vải”
(Thôn xá thu châm); Nguyễn Bỉnh Khiêm bâng khuâng trước “cánh nhạn bay nghiêng” (Giang lâu thu nhật vãn vọng); Ngô Thì Sĩ bày tỏ nỗi niềm mùa thu ở thôn quê với “hoa tàn”, “tre non rỡn bóng” (Thu nhật thôn cư tức sự); Đặng Huy Trứ và Nguyễn Khuyến hòa cùng với cuộc sống người dân thôn quê khi thu đến.
Đặng Huy Trứ từng làm quan nhiều nơi và hòa cùng với nhịp sống nơi thôn dã nên mỗi bài thơ là một khoảnh khắc chân thực về cuộc sống.
Nguyễn Khuyến đã sớm cáo quan về ở ẩn dù chưa đến tuổi nghỉ ngơi.
Cuộc sống của thi nhân gắn liền với cuộc sống thôn quê nên thời gian được cảm nhận thật cụ thể, sinh động. Sự cảm nhận về thời gian của các thi sĩ thế kỉ XIX cho thấy sự phát triển về tư duy nghệ thuật, đưa nghệ thuật gần gũi hơn với đông đảo người dân lao động. Đặng Hoàng Trung thi sao đã lưu giữ lại những khoảnh khắc thời gian gắn với mùa màng, thời gian của nông phu. Mùa thu không chỉ thanh tĩnh gợi buồn, là mùa của lá ngô đồng rụng mà còn là mùa lụt lội, mùa lo toan của người dân:
Tiết giới thu đông vũ lạo thần, Ngư tòng nhập xứ tận ngư nhân.
(Tiết thu đông gặp lúc mưa lụt,
Cá vào khắp nơi, ai cũng thành ngư dân cả)
(Lạo tiết công ngư - Mùa lụt đánh cá)
Thời gian mặt trời lặn, màn đêm buông xuống là lúc con người trở về trạng thái nghỉ ngơi, trở về với những cảm xúc ẩn sâu trong tâm hồn. Thơ cổ cũng thường ghi lại khoảnh khắc thời gian ấy với những nỗi niềm tâm tư trong lòng thi nhân. Thơ ca cổ Trung Quốc từng thể hiện nỗi niềm cố hương trong “Tĩnh dạ tư” (Lý Bạch), nỗi cô đơn mộng mị trong “Phong kiều dạ bạc”
(Trương Kế) và niềm nhung nhớ trong “Nguyệt dạ” (Đỗ Phủ). Để diễn tả thời khắc ban đêm, thi nhân xưa dùng hình ảnh ánh trăng để tỏ bày cảm
hứng. Ánh trăng vĩnh hằng của vũ trụ luôn là hình ảnh gợi khắc thời gian của thi nhân từ cổ chí kim. Đặng Huy Trứ cũng thể hiện thời khắc ban đêm ở thôn quê, nhưng thi nhân không chỉ mượn ánh trăng của vũ trụ mà khắc họa ánh sáng của lửa chài mang hơi thở và nhịp sống của ngư dân trên thuyền:
Nhất đĩnh sinh nhai đông phục tây, Giang thôn xứ xứ mộ nhiên tê.
(Một chiếc thuyền để sinh sống hết đi về đông lại về tây, Xóm chài trên sông về đêm đâu đâu cũng đốt lửa)
(Ngư chu mộ hỏa - Lửa chài trong đêm)
Như vậy, với người dân quê, thời gian lao động dường như không đồng nhất với thời gian vũ trụ. Mọi thời khắc của thời gian dù sáng hay tối đều lắng đọng sự vất vả, nhọc nhằn của nhà nông. Người đàn bà chăn tằm trăn trở, thao thức: “Tam khởi tam miên hậu bất vi” (Ba thức, ba ngủ, thời gian không làm khác được) để có được nong tằm chín. Hình ảnh ánh trăng vốn gợi lên vẻ đẹp lãng mạn trong thơ ca cổ, nhưng ánh trăng trong bài Nguyệt khuy thung tướng (Trăng nhòm cảnh giã gạo) lại trở thành bức tranh nền làm tỏa sáng hình ảnh người giã gạo đêm khuya: “Nhật sự điền tang, dạ bạn thung” (Ngày lo cày ruộng, đêm đến vây quanh cối gạo). Với cách khắc họa thời gian chân thực, Đặng Huy Trứ đã đưa thơ ca gần sát hơn với cuộc sống đời thường, cái đẹp được chưng cất từ những điều bình dị, dân dã.
Những cảm thức về thời gian của Nguyễn Khuyến cũng có nhiều điểm gặp gỡ với các thi nhân các giai đoạn trước. Thi nhân vườn Bùi dành một mảng thơ về tứ thời: mùa xuân (Xuân nhật, Xuân hứng); mùa hạ (Sơ hạ, Hạ nhật sơ tình, Hạ nhật vãn diếu...); mùa thu (Thu nhiệt, Thu vũ, Thu lạo); mùa đông (Đông chí, Trừ tịch). Ngoài ra còn có một số bài được thi nhân định vị thời gian chính xác như: Nhâm Dần hạ nhật, Đinh Hợi nguyên đán, Canh Tý xuân. Trong thơ Nôm, Nguyễn Khuyến đã khắc họa cụ thể khung cảnh thời gian mùa vụ. Những tín hiệu chỉ thời gian gắn liền với cuộc sống con người thôn quê một cách cụ thể bằng ngày, tháng, năm. Từ “năm nay” được lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ khẳng định thời gian hiện tại:
Năm nay cày cấy vẫn chân thua, Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa.
(Chốn quê)
Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng, Năm nay chợ họp có đông không?
(Chợ Đồng) Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu, Lụt lội năm nay bác ở đâu?
(Lụt hỏi thăm bạn)
Như vậy, khắc họa thời gian bốn mùa vẫn là cảm hứng chủ đạo của các thi sĩ trung đại Việt Nam. Theo tiến trình phát triển của thơ ca trung đại, các thi sĩ đã hướng tới thể hiện thời gian bằng những dấu hiệu nghệ thuật gần gũi, bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Sự trôi chảy của thời gian vũ trụ được đo bằng những thời điểm cụ thể của mùa màng, nhịp sống người dân quê. Điều này góp phần hướng văn học tới tư tưởng “quý chân”, văn học gắn với cuộc sống đông đảo người dân lao động. Vậy nên, thơ về thôn quê còn cho thấy tinh thần dân tộc của các nhà nho trung đại Việt Nam.
- Thời gian lễ tết, sinh hoạt văn hóa
Trong nghệ thuật gợi tả thời gian, đáng lưu ý là sự đan xen giữa thời gian hiện tại và quá khứ, giữa hiện thực và tâm tưởng khi nói về lễ tết, sinh hoạt văn hóa ở thôn quê. Thời gian nghệ thuật trong văn học thể hiện một quan niệm, nhãn quan thẩm mĩ của nhà văn về cuộc đời và con người. Vì vậy, từ mô hình chung của thời gian vũ trụ, mỗi tác phẩm văn học có dấu ấn thời gian khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Nếu như thời gian tuyến tính, thời gian mùa màng thường song hành với sự luân chuyển của vũ trụ thì thời gian lễ tết lại là sự đan xen giữa thời gian hiện tại và quá khứ, thời gian hiện thực và thời gian tâm tưởng của nhân vật trữ tình. Các thi nhân trung đại đã kịp thời ghi lại những thời khắc quan trọng và ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân quê. Để ghi dấu ấn thời gian lễ tết, sinh hoạt văn hóa thôn quê, các thi nhân trung đại dùng các từ chỉ trực tiếp như:
Đoan Ngọ, Đêm trừ tịch, Trừ dạ, Nhâm Dần hạ nhật, Lạp nguyệt thi, Nguyên tiêu...
Nguyễn Trãi nhắc đến ngày tết Đoan Ngọ nhật (Ngày Đoan Ngọ) gắn