Con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

Một phần của tài liệu Tap bai giảng phan triết học môn những nguyên lý 2014 copy (Trang 56 - 61)

CHƯƠNG 2. LÝ LUẬN NHẬN THỨC VÀ PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

III. LÝ LUẬN NHẬN THỨC DUY VẬT BIỆN CHỨNG

2. Con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý

a. Quan điểm của V.I.Lênin về con đường trên là “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, nhận thức hiện thực khách quan” 72. Theo đó, có thể khẳng định, nhận thức là quá trình phản ánh thế giới khách quan, được thực hiện trên cơ sở thực tiễn;

quá trình đó gồm hai giai đoạn kế tiếp, bổ sung cho nhau tạo nên tính biện chứng của nhận thức chân lý.

- Nhận thức cảm tính (trực quan sinh động) là những tri thức có được nhờ các giác quan; nghĩa là trong giai đoạn này, nhận thức có được trong mối liên hệ trực tiếp với thực tiễn thông qua các nấc thang cảm giác, tri giác, biểu tượng.

+ Ba thành phần/các nấc thang của nhận thức cảm tính

Cảm giác là tri thức có được nhờ tác động trực tiếp của khách thể lên các giác quan của chủ thể nhận thức. Cảm giác phản ánh từng mặt, khía cạnh, thuộc tính riêng lẻ của khách thể nhận thức. Nguồn gốc và nội dung của nhận thức cảm giác là thế giới khách quan, còn bản chất của nhận thức cảm giác là hình ảnh chủ quan về thế giới đó;

72 V.I.Lênin: Toàn tập, 2005, t.29, tr.179

Tri giác là sự phối hợp, bổ sung của nhiều nhận thức cảm giác riêng lẻ vào một mối liên hệ thống nhất tạo nên hình ảnh tương đối hoàn chỉnh về khách thể nhận thức;

Biểu tượng là nhận thức cảm tính tương đối hoàn chỉnh về khách thể nhận thức, được lưu lại trong não người và khi có tác động nào đó tái hiện lại để sử dụng. Hình thành nhờ sự phối hợp hoạt động, bổ sung lẫn nhau của các giác quan và đã có sự tham gia của các yếu tố phân tích, trừu tượng, khả năng ghi nhận thông tin của não người;

biểu tượng phản ánh gián tiếp về khách thể nhận thức mà nhờ đó, con người đã có thể hình dung được một số yếu tố bản chất của sự vật, hiện tượng (như sự khác nhau và mâu thuẫn chẳng hạn), nhưng chưa nắm được sự chuyển hoá từ vật thể này sang vật thể khác.

Như vậy, nhận thức ở giai đoạn trực quan sinh động không chỉ là nhận thức “bề ngoài”, mà đã có “chất” nhất định bên trong (bản chất) của khách thể nhận thức. Tuy vậy, giai đoạn trực quan sinh động chưa đủ khả năng đem lại nhận thức hoàn chỉnh, khái quát về bản chất khách thể nhận thức; các nấc thang của giai đoạn này trong quá trình nhận thức mới chỉ là những tiên đề để nhận thức tiếp cận bản chất khách thể nhận thức.

- Nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng) là sự phản ánh sâu sắc, chính xác và đầy đủ hơn về khách thể nhận thức. Nhận thức lý tính có được nhờ trực quan sinh động và lý luận do thế hệ trước để lại. Khái niệm, phán đoán và suy luận/suy lý là những hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng.

+ Ba thành phần/các nấc thang của nhận thức lý tính

Khái niệm phản ánh tập hợp những thuộc tính cơ bản có tính bản chất và chung nhất về khách thể nhận thức. Là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng; khái niệm hình thành nhờ tổng hợp, khái quát các thông tin, tài liệu đã thu nhận được về khách thể nhận thức thông qua hoạt động thực tiễn và hoạt động nhận thức. Các thông tin, tài liệu đó càng nhiều, càng đa dạng thì các khái niệm cũng nhiều, sâu sắc thêm và giữa chúng có các mối liên hệ qua lại, phản ánh sâu sắc hơn về bản chất khách thể nhận thức. Khái niệm vừa có tính khách quan (nội dung phản ánh), vừa có tính chủ quan (hình thức do con người đặt ra);

Phán đoán là hình thức tư duy liên kết các khái niệm với nhau để khẳng định hoặc phủ định một đặc điểm, một thuộc tính nào đó của khách thể nhận thức. Phán đoán là hình thức phản ánh mối liên hệ giữa các khách thể nhận thức vào ý thức; phán đoán có vai trò là hình thức biểu hiện và diễn đạt các quy luật khách quan;

Theo dung lượng, phán đoán có ba loại là phán đoán đơn nhất; phán đoán đặc thù và phán đoán phổ biến, trong đó phán đoán phổ biến là hình thức diễn đạt tương đối đầy đủ các quy luật hơn cả;

Suy luận/suy lý là hình thức liên kết các phán đoán với nhau để rút ra tri thức mới theo ph.pháp tam đoạn luận: phán đoán cuối cùng được suy ra từ các phán đoán tiên đề;

Suy luận thể hiện quá trình vận động của tư duy đi từ cái đã biết đến nhận thức gián tiếp cái chưa biết nên có vai trò quan trọng. Đa số các ngành khoa học được xây dựng từ suy luận và nhờ đó, con người ngày càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn hiện thực khách quan;

Theo tính chất mối liên hệ giữa các phán đoán tiên đề với phán đoán kết luận, có hai loại suy luận cơ bản là suy luận quy nạp và suy luận diễn dịch. Trong các suy luận

quy nạp, tư duy vận động từ cái đơn nhất đến cái chung, cái phổ biến; còn trong các suy luận diễn dịch, tư duy đi từ cái chung đến cái riêng và đến cái đơn nhất;

Cũng như khái niệm và phán đoán, các loại suy luận đều biến đổi, có liên hệ qua lại với nhau theo tiến trình phát triển của nhận thức. Mối liên hệ và các thao tác lôgic của khái niệm, phán đoán, suy luận tạo nên nội dung môn lôgic hình thức-hướng dẫn phương pháp xây dựng tư duy đúng; đòi hỏi, ngoài các hình thức và quy luật (quy tắc) lôgíc nhằm đảm bảo cho tư duy tính đúng đắn, nhất quán và chặt chẽ trong suốt quá trình nhận thức chân lý (nhiệm vụ của lôgic hình thức), còn là hình thức lôgíc có nội dung thực tế, sinh động, gắn liền với nội dung hiện thực khách quan (nhiệm vụ của lôgic biện chứng).

Như vậy, nhờ phương pháp trừu tượng hoá và khái quát hoá các thông tin, tài liệu do trực quan sinh động và tư duy trừu tượng để lại từ các thế hệ trước, tư duy trừu tượng phản ánh hiện thực sâu sắc hơn; phản ánh được cả những thuộc tính và mối quan hệ bản chất mang tính quy luật của khách thể nhận thức;

Chú ý là sự phân chia nhận thức như trên chỉ là trừu tượng hóa quá trình vận động của nhận thức; còn trên thực tế, nhận thức cảm tính, lý tính và các nấc thang của chúng luôn đan xen nhau và thực tiễn là cơ sở của toàn bộ quá trình nhận thức đó.

- Mối quan hệ biện chứng giữa hai giai đoạn nhận thức

Cantơ chủ trương thống nhất các giai đoạn của nhận thức, vạch ra mối liên hệ biện chứng của chúng- trực quan thiếu tư duy thì mù quáng, tư duy thiếu trực quan thì trống rỗng, đồng thời xem hình thức tiên nghiệm, năng lực tự thiết kế của trí tuệ như điều kiện tiên quyết của tri thức phổ biến và tất yếu;

Theo lý luận nhận thức duy vật biện chứng:

+ Trực quan sinh động và tư duy trừu tượng là hai giai đoạn của một quá trình nhận thức. Tuy khác nhau về mức độ phản ánh hiện thực, nhưng giữa hai quá trình đó có sự liên hệ, tác động qua lại. Trực quan sinh động là cơ sở tất yếu của tư duy trừu tượng;

nhận thức lý tính sẽ làm cho nhận thức cảm tính sâu sắc và chính xác hơn;

+ Mỗi kết quả nhận thức, mỗi nấc thang nhận thức đạt được đều là kết quả của cả trực quan sinh động và tư duy trừu tượng thực hiện trên cơ sở thực tiễn, do thực tiễn quy định. Trong đó, trực quan sinh động là điểm khởi đầu, tư duy trừu tượng là điểm tổng hợp những tri thức trực quan sinh động thành kết quả nhận thức và thực tiễn là nơi kiểm nghiệm tính chân thực của kết quả đó. Đó chính là con đường biện chứng của nhận thức

+ Mỗi giai đoạn nhận thức có những đặc trưng riêng. Nhận thức giai đoạn cảm tính gắn với thực tiễn, với tác động trực tiếp của khách thể nhận thức lên các giác quan của chủ thể nhận thức. Nhận thức ở giai đoạn lý tính thoát khỏi sự tác động trực tiếp đó để có thể bao quát sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, nhận thức ở giai đoạn này nhất định phải được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh nhằm tránh bệnh ảo tưởng, không thực tế.

Đó là thực chất của mệnh đề “từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn”;

+ Mỗi chu trình nhận thức đều đi từ thực tiễn đến trực quan sinh động rồi đến tư duy trừu tượng rồi đến thực tiễn. Trong đó, thực tiễn giữ vai trò là điểm bắt đầu và điểm kết thúc của chu trình. Nhưng sự kết thúc chu trình này lại là điểm khởi đầu của chu trình nhận thức tiếp ở mức cao hơn, rộng hơn chu trình cũ và cứ thế vận động mãi làm

cho nhận thức của con người ngày càng tiếp cận sâu hơn, nắm được bản chất và quy luật của thế giới khách quan, phục vụ cho hoạt động cải tạo, biến đổi thế giới;

+ Trên con đường đó, cứ mỗi lần mâu thuẫn trong nhận thức được giải quyết thì sẽ lại xuất hiện mâu thuẫn mới. Qua mỗi lần giải quyết mâu thuẫn là một lần nhận thức được nâng lên trình độ mới, cao hơn. Quá trình giải quyết mâu thuẫn của nhận thức là quá trình loại bỏ dần những tri thức sai lầm. Kết quả của quá trình đó là hình ảnh chủ quan được tạo ra ngày càng có tính bản chất, có nội dung khách quan và cụ thể hơn. Quá trình xuất hiện và giải quyết mâu thuẫn trong nhận thức, trong tư duy làm nảy sinh, vận động và giải quyết các mâu thuẫn của nhận thức tạo ra các khái niệm, phạm trù, quy luật nhằm phản ánh đúng bản chất thế giới vật chất đang vận động, chuyển hoá không ngừng.

b. Chân lý và mối quan hệ giữa nhận thức chân lý với thực tiễn - Khái niệm nhận thức chân lý

+ Định nghĩa. Nhận thức chân lý là những tri thức phản ánh phù hợp hoàn toàn với khách thể nhận thức và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Có thể nói, chân lý là sản phẩm của quá trình nhận thức được hình thành và phát triển từng bước; phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử-cụ thể trong thực tiễn, vào nhận thức và vào trình độ phản ánh hiện thực khách quan;

+ Các tính chất của chân lý là các tính khách quan, tính chủ quan; tính tương đối, tính tuyệt đối, thể hiện tính biện chứng của chân lý

Chân lý có tính khách quan bởi nội dung chân lý là sự phản ánh khách thể nhận thức. Bản chất tính khách quan của chân lý là thừa nhận nguồn gốc khách quan của cảm giác, của tri thức của con người về thế giới; đồng thời vì chân lý luôn vận động và phát triển nên cần trải qua quá trình thì nhận thức mới đạt đến chân lý;

Tính cụ thể. Tính cụ thể của chân lý do tính cụ thể của khách thể nhận thức quy định. Sự vật, hiện tượng tồn tại khách quan trong tính lịch sử-cụ thể của nó. Nhận thức là sự phản ánh sự vật, hiện tượng trong những điều kiện tồn tại, trong những quan hệ cụ thể của chúng. Thoát ly những điều kiện khách quan-cụ thể đó hoặc mở rộng, thu hẹp phạm vi tồn tại của những quan hệ xác định đó thì chân lý sẽ không còn là chân lý khách quan. Triết học của chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng chân lý là cụ thể, không có chân lý trừu tượng là một trong những cơ sở lý luận của nguyên tắc lịch sử-cụ thể.

+ Phân loại chân lý

Chân lý tương đối là tri thức đúng của chủ thể nhận thức nhưng chưa phản ánh hoàn toàn đầy đủ nội dung khách thể nhận thức; sự phù hợp giữa nội dung nhận thức với tri thức chân lý tương đối mới chỉ là sự phù hợp từng bộ phận, từng phần, một số mặt, một số khía cạnh nào đó của khách thể nhận thức;

Tính tương đối của chân lý nảy sinh trên con đường nhận thức là do giới hạn của hoàn cảnh, điều kiện lịch sử của trình độ phát triển thực tiễn xã hội lên nhận thức trong khi các khách thể nhận thức lại đa dạng và không ngừng vận động, phát triển nảy sinh những thuộc tính và quan hệ mới mà nhận thức chưa nhận biết kịp. Cùng với sự phát triển của thực tiễn, sự phát triển của nhận thức cũng sẽ không ngừng phát hiện những thiếu sót, sai lầm đã mắc phải để phát triển chân lý tương đối theo hướng tiếp cận chân

lý tuyệt đối. Chân lý tương đối chứa trong mình những yếu tố của chân lý tuyệt đối cũng phát triển và ngày càng trở nên chính xác hơn, đầy đủ hơn để trở thành chân lý tuyệt đối;

Chân lý tuyệt đối là tri thức có nội dung phù hợp hoàn toàn, đầy đủ với khách thể nhận thức mà nó phản ánh và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Liệu nhận thức của con người có hoàn toàn phù hợp, đầy đủ với khách thể nhận thức hay không? Câu trả lời là có thể, bởi con người có khả năng nhận thức thế giới và nội dung của nhận thức đó có tính khách quan nên xét về bản chất, trong kết quả và trong quá trình phát triển lâu dài của mình, nhận thức của con người, thông qua các thế hệ tiếp nối nhau, có thể phản ánh đầy đủ, chính xác bản chất sự vật, hiện tượng trong tính chỉnh thể, nguyên vẹn của nó.

Mối quan hệ giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối

Trong chân lý khách quan, các yếu tố tuyệt đối và tương đối liên hệ biện chứng với nhau. Các chân lý tương đối là các bậc thang trong quá trình nhận thức đi tới chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối chỉ có thể hình thành và tồn tại thông qua chân lý tương đối đang phát triển; mỗi chân lý, dù tương đối, vẫn chứa đựng yếu tố tuyệt đối;

Sự khác nhau giữa chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối chỉ nằm ở mức độ phù hợp giữa nội dung nhận thức chân lý với khách thể nhận thức được phản ánh. Mức độ khác biệt đó tồn tại nhưng sẽ được xoá bỏ và lại được xác lập; vận động theo sự phát triển của nhận thức. Tuy vậy, cả chân lý tương đối lẫn chân lý tuyệt đối đều là những hình thức biểu hiện khác nhau của chân lý khách quan. Triết học của chủ nghĩa Mác- Lênin thừa nhận tính tương đối của tri thức theo nghĩa thừa nhận những giới hạn của nhận thức, mà không phủ nhận chân lý khách quan, không phủ nhận tính chân thực khách quan của các tri thức đã đạt được.

- Mối quan hệ giữa nhận thức chân lý với hoạt động thực tiễn

+ Nhận thức chân lý là một trong những điều kiện tiên quyết, đảm bảo sự thành công và hiệu quả khi vận dụng vào hoạt động thực tiễn;

+ Nhận thức chân lý phát triển nhờ hoạt động thực tiễn và hoạt động thực tiễn phát triển nhờ vận dụng nhận thức chân lý;

+ Từ mối quan hệ trên, cần:

1) xuất phát từ thực tiễn để đạt tới nhận thức chân lý, coi nhận thức chân lý là một quá trình; đông thời tự giác vận dụng nhận thức chân lý vào hoạt động thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển thực tiễn

2) coi trọng và áp dụng tri thức khoa học vào hoạt động kinh tế-xã hội và thực chất, đó cũng chính là phát huy vai trò chân lý khoa học trong thực tiễn./.

Câu hỏi ôn tập chương

1. Tại sao nói siêu hình và biện chứng là hai mặt đối lập nhau của phương pháp tư duy? (siêu hình, đặc điểm, giá trị, hạn chế; biện chứng, đặc điểm, giá trị; phân biệt biện chứng với chiết trung và ngụy biện; siêu hình và biện chứng đối lập nhau ở quan niệm về trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng và ở phương pháp giải quyết trạng thái đó)

2. Khái lược về phép biện chứng duy vật? (định nghĩa, đặc trưng, nội dung)

3. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến (khái niệm, tính chất)? Lấy ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ ý nghĩa phương pháp luận được rút ra từ nội dung nguyên lý này?

4. Nguyên lý về sự phát triển (khái niệm, tính chất)? Lấy ví dụ cụ thể để làm sáng tỏ ý nghĩa phương pháp luận được rút ra từ nội dung nguyên lý này?

5. Cặp phạm trù cái riêng-cái chung? (định nghĩa các phạm trù; mối quan hệ biện chứng giữa các phạm trù; ý nghĩa phương pháp luận)

6. Cặp phạm trù nội dung-hình thức? (định nghĩa các phạm trù; mối quan hệ biện chứng giữa các phạm trù; ý nghĩa phương pháp luận)

7. Cặp phạm trù tất nhiên-ngẫu nhiên? (định nghĩa các phạm trù; mối quan hệ biện chứng giữa các phạm trù; ý nghĩa phương pháp luận)

8. Tại sao nói quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập nêu nguồn gốc, động lực vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng? (vị trí, vai trò của quy luật trong phép biện chứng duy vật; các khái niệm; mối quan hệ biện chứng giữa các khái niệm; ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ quy luật)

9. Tại sao nói quy luật từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất và ngược lại nêu cách thức, tính chất vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng? (vị trí, vai trò của quy luật trong phép biện chứng duy vật; các khái niệm; mối quan hệ biện chứng giữa các khái niệm; ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ quy luật)

10. Tại sao nói quy luật phủ định của phủ định nêu khuynh hướng và kết quả vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng? (vị trí, vai trò của quy luật trong phép biện chứng duy vật; các khái niệm; mối quan hệ biện chứng giữa các khái niệm; ý nghĩa phương pháp luận rút ra từ quy luật)

11. Thực tiễn, nhận thức (thực tiễn, nhận thức là gì; vai trò cơ bản của thực tiễn đối với nhận thức, vai trò cơ bản của nhận thức đối với thực tiễn)

12. Con đường biện chứng của quá trình nhận thức chân lý (quan điểm của V.I.

Lênin; nhận thức cảm tính (trực quan sinh động); nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng);

mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính; vai trò của thực tiễn đối với mỗi chu kỳ nhận thức)

13. Nhận thức chân lý và mối quan hệ giữa nhận thức chân lý với thực tiễn? (chú ý vai trò của nhận thức chân lý (nhận thức khoa học) đối với thực tiễn)./.

Một phần của tài liệu Tap bai giảng phan triết học môn những nguyên lý 2014 copy (Trang 56 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w