Bài 1. VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ CỦA VIỆC HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG TOÁN HỌC SƠ ĐẲNG CHO TRẺ MẦM NON
II. HỆ THỐNG CÁC NGUYÊN TẮC HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG TOÁN CƠ ĐẲNG CHO TRẺ MẦM NON
4. Nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống và tính trình tự
a. Nguyên tắc này đòi hỏi nội dung những kiến thức, kỹ năng, kỷ xảo hình thành cho trẻ trong từng phần nội dung cũng như trong toàn bộ chương trình “Hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ” cần được sắp xếp theo một trật tự loogic nhất định. Điều này có ý nghĩa là nội dung các kiến thức cần được mở rộng, phức tạp dần và đưa đến trẻ theo một trình tự nhất định, nhờ vậy mà hình thành ở trẻ hệ thống kiến thức, kỹ năng.
Hệ thống những kiến thức mà trẻ nắm được là điều kiện để phát triển các năng lực và năng khiếu nhận biết cho trẻ, dạy trẻ biết suy nghĩ có loogic, tạo điều kiện để trẻ lĩnh hội những nội dung học tập khác phức tạp hơn. Giúp trẻ thấy được ý nghĩa của những kiến thức mà trẻ đã nắm được, đồng thời giáo dục cho trẻ tính tự tin.
b. Để thực hiện nguyên tắc này trong quá trình dạy trẻ, giáo viên cần xác định chính xác nội dung những kiến thức sẽ trang bị cho trẻ trong từng giai đoạn học tập. Với mục đích đó cần lập kế hoạch dạy học những kiến thức toán học sơ đẳng cụ thể với trẻ. Trong đó nội dung dạy học cần được phân chia ra thành các phần nhỏ, giáo viên cần phải thiết lập mỗi liên hệ giữa các phần nội dung khác nhau trong mỗi giai đoạn cũng như giữa các giai đoạn dạy
Để đảm bảo được tính hệ thống và tính trình tự trong dạy học, cần phải có chương trình và kế hoạch dạy học cho từng năm học, trong đó nội dung dạy học cần được sắp xếp sao cho việc nghiên cứu nội dung mới chỉ diễn ra một khi trẻ đã lĩnh hội nội dung trước đó. Giữa những kiến thức mà trẻ đã lĩnh hội và những kiến thức phải có trình tự và sự kế thừa, điều này không chỉ cần được thực hiện trong cả năm học, mà nó cần được thực hiện không suốt những năm tháng trẻ em học trong trường mầm non. Mỗi liên hệ loogic như vậy sẽ đảm bảo cho trẻ lĩnh hội những kiến thức, kỹ năng kỷ xảo một cách vững chắc và sâu sắc. Vì vậy, trong quá trình dạy học cần dạy trẻ nắm được các mối liên hệ bên trong giữa các phần kiến thức toán học riêng biệt, giữa các mối quan hệ số lượng, không gian và thời gian, nhờ vậy mà những kiến thức toán học được đưa trẻ sẽ mang tính tổng hợp. Việc trẻ em hiểu các mối liên hệ giữa các nội dung kiến thức toán học có trong chương trình có tác dụng hình thành ở trẻ một hệ thống cân đối các kiến thức và phát triển tư duy cho trẻ.
c. Việc thực hiện các tiết học toán đóng vai trò quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc này, bởi chỉ trên các tiết học mới trang bị cho trẻ những kiến thức chính xác, có hệ thống và trình tự. Việc hình thành biểu tượng toán học cho trẻ còn được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi, như: trên các tiết học khác, trong lúc trẻ vui chơi, lao động và trong cuộc sống hàng ngày của trẻ... Tuy nhiên những kiến thức mà trẻ thu được ở mọi lúc, mọi nơi thường tản mạn, ngẫu nhiên, thiếu chính xác và không có hệ thống, bởi trong các hoạt động đó những kiến thức toán học chỉ đóng vai trò thứ yếu. Vì vậy khi dạy trẻ trên từng tiết học,. hay khi thực hiện từng phần của nội dung chương trình cần chú ý đến việc sử dụng các dạng bài tập tổng hợp và tạo mối liên hệ giữa nội dung dạy học với kinh nghiệm của trẻ.
Việc đảm bảo nguyên tắc này trong quá trình cho trẻ làm quen với toán có tác dụng thúc đẩy sự phát triển trí tuệ cho trẻ và giúp trẻ nắm được hệ thống các kiến thức, vì vậy giáo viên cần chú ý nguyên tắc này khi lập kế hoạch cho các tiết học toán với các hình thức khác nhau.
d. Để đảm bảo tính trình tự trong dạy học, giáo viên cần chú ý dạy trẻ nắm được trình tự các thao tác một cách cụ thể, chi tiết, phù hợp với trẻ các lứa tuổi khác nhau. Với trẻ bé, bằng hành động mẫu kết hợp lời giảng giải,
giáo viên hướng dẫn trẻ toàn bộ trình tự các thao tác khi tái tạo lại mẫu, ví dụ:
giáo viên hướng dẫn trẻ trình tự các thao tác so sánh số lượng các nhóm vật như: xếp chồng, xếp cạnh, hay trình tự các thao tác đếm hoặc khảo sát các hình hình học. Việc chuẩn bị kỹ càng trình tự các thao tác cần dạy trẻ không chỉ giúp trẻ dễ dàng nắm được nó, mà còn loại bỏ được những lỗi mà trẻ dễ mắc phải.
Hơn nữa, cần dạy trẻ biện pháp thực hiện các bài tập bằng hành động mẫu kết hợp với lời giảng giải của giáo viên. Với vật mẫu, ban đầu giáo viên nên thực hiện trình tự các thao tác tạo mẫu. Tiếp theo, vật mẫu đó sẽ là phương tiện giúp trẻ thực hiện nhiệm vụ theo mẫu và sau đó là phương tiện giúp trẻ kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhờ vậy mà óc quan sát, phân tích của trẻ được phát triển, hình thành ở trẻ kỹ năng dõi theo trình tự các thao tác mẫu kết hợp lắng nghe những lời giảng giải.
đ. Để đảm bảo tính hệ thống và tính trình tự trong dạy trẻ hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng, cần thiết phải sử dụng tất cả các giác quan vào dạy học như: thị giác, thính giác, xúc giác... Bởi trước tiên các biểu tượng về số lượng, hình dạng, kích thước và không gian được hình thành trên cơ sở của hệ thống tín hiệu thứ nhất, ví dụ: trẻ cần học cách xác định độ lớn của các tập hợp đa dạng xung quanh khác nhau như: thị giác, thính giác, giác quan vận động,... trên cơ sở đó tạo nên những mối liên hệ giữa các giác quan trong hoạt động của vỏ não. Hoạt động đếm của trẻ dần dần được khái quát hóa và nó được ứng dụng vào những điều kiện bất kỳ như: trẻ đếm các âm thanh phát ra từ đồ chơi, đếm các động tác của mình, đếm những vật mà trẻ nhìn thấy....
Thông qua các bài luyện tập đếm vói sự tham gia của các giác quan khác nhau, hoạt động đếm của trẻ dần dần được hoàn thiện, vì vậy việc xác định độ lớn của các tập hợp ngày càng trở nên chính xác.
Những kiến thức toán học sơ đẳng mà trẻ lĩnh hội được sẽ trở nên vững chắc nếu các giác quan đều được tham gia vào việc tìm hiểu nó, nếu trẻ biết cách các dấu hiệu cơ bản khỏi các dấu hiệu không cơ bản, nếu tất cả những kiến thức, kỹ năng được truyền đạt cho trẻ một cách có hệ thống và trình tự và được lưu giữ lại trong óc trẻ theo một hệ thống nhất định. Mặt khác trong quá trình dạy học việc sử dụng các phương pháp, biện pháp dạy học đa dạng tạo
dụng các kiến thức và kỹ năng đã học vào các trò chơi và các hoạt động khác cùng với việc tổ chức cho trẻ ôn luyện những nội dung đã học đều có tác dụng làm cho những kiến thức, kỹ năng mà trẻ thu được trở nên vững chắc.
e. Để kiến thức của trẻ luôn có tính hệ thống thì cần thường xuyên tổ chức cho trẻ ôn luyện và củng cố nội dung đã học, qua đó góp phần hoàn thiện khả năng ghi nhớ và tái hiện của trẻ. tần số ôn luyện sẽ giảm dần theo lứa tuổi trẻ, trẻ càng bé càng phải thường xuyên ôn luyện. Với mục đích đó, giáo viên cần nắm được những nội dung kiến thức đã học để mở rộng chúng, trên mỗi tiết học toán nên có sự kết hợp nội dung đã học với nội dung mới.
Sau mỗi phần nội dung hoặc sau mỗi chương nên có tiết ôn tập để củng cố những kiến thức và kỹ năng mà trẻ đã học. Trên các tiết ôn tập nên thay đổi đồ dùng trực quan và các biện pháp dạy học, tạo ra mối liên hệ giữa nội dung mới với nội dung trước đó, ví dụ: nhằm cho học sinh ôn luyện kỹ năng đo bằng thước đo ước lệ, cô có thể cho trẻ đo cùng một đối tượng bằng các thước đo khác nhau, qua đó không những kỹ năng đo của trẻ cũng được củng cố, mà còn giúp trẻ hiểu được tính ước lệ của thước đo và nắm được sự phụ thuộc của kết quả đo vào kích thước của vật chọn làm thước đo.
g. Trong quá trình dạy học giáo viên không chỉ chú ý tới quá trình lĩnh hội kiến thức của trẻ mà phải chú trọng tới cả quá trình trẻ ứng dụng chúng.
Vì vậy, trong quá trình dạy trẻ cần chú ý soạn hệ thống các bài tập như: các bài tập vận dụng, bài tập tổng hợp, bài tập kiểm tra, bài tập tự kiểm tra và đặc biệt là các bài tập sáng tạo nhằm giúp trẻ vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã lĩnh hội vào việc giải các dạng bài tập khác nhau.
Hơn nữa, cần tạo điều kiện để trẻ sử dụng những kiến thức, kỹ năng đã nắm được vào các dạng hoạt động khác và vào cuộc sống hàng ngày của trẻ, ví dụ: trẻ sử dụng các kiến thức về các hình hình học vào hoạt động tạo hình, những kiến thức về các hướng trong không gian vào các hoạt động thể dục, múa,.. các kỹ năng đo lường, đếm, so sánh số lượng vào các trò chơi có chủ đề như: bán hàng, xây dựng công viên... Việc sử dụng các kiến thức, kỹ năng vào các điều kiện hoàn cảnh khác nhau không chỉ có tác dụng làm nó trở nên vững chắc, bởi những kiến thức được thể hiện trong mối liên hệ mới, mà nó còn có tác dụng hình thành ở trẻ kỹ năng vận dụng những hiểu biết của mình vào các hoàn cảnh, tình huống khác nhau trong cuộc sống.