ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH “HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG TOÁN HỌC SƠ ĐẲNG CHO TRẺ MẦM NON”

Một phần của tài liệu Phương pháp hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non (Trang 57 - 61)

Bài 1. VAI TRÒ VÀ NHIỆM VỤ CỦA VIỆC HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG TOÁN HỌC SƠ ĐẲNG CHO TRẺ MẦM NON

I. ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH “HÌNH THÀNH BIỂU TƯỢNG TOÁN HỌC SƠ ĐẲNG CHO TRẺ MẦM NON”

Quá trình hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ nói chung và nhân cách trẻ nói riêng, hơn nữa nó còn góp phần hình thành những tiền đề mới của hoạt động học tập. Bởi giữa dạy học và phát triển có mỗi quan hệ qua lại với nhau. Dạy học tác động tích cực đến sự phát triển của đứa trẻ, nhưng bản thân nó lại dựa vào mức độ phát triển của trẻ. Dạy học có thể tác động tới sự phát triển của trẻ với các mức độ khác nhau, phụ thuộc vào các thành phần khác nhau của quá trình dạy học như: nội dung, phương pháp, hình thức... Như vậy nội dung và cấu trúc của nó là những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển ở trẻ biểu tượng toán học sơ đẳng.

Một vấn đề mà nhiều nhà giáo dục luôn quan tâm nghiên cứu – đó là nội dung những biểu tượng toán học cần hình thành ở trẻ mầm non. Đây chính là khối lượng những kiến thức toán học, những kỹ năng và kỷ xảo cần trang bị cho trẻ thông qua quá trình tổ chức các hoạt động khác nhau của trẻ.

Bằng nội dung dạy học chúng ta có thể giúp trẻ nắm được những kiến thức tiền khoa học (dưới dạng biểu tượng toán học sơ đẳng), trang bị cho trẻ những kỷ năng cụ thể nhằm giúp trẻ bước đầu có thể thực hành định hướng được trong các mối quan hệ toán học có trong hiện thực xung quanh trẻ.

Việc lựa chọn các nội dung những biểu tượng toán học để dạy trẻ là một vấn đề phức tạp. Nó cần xuất phát từ mục đích, yêu cầu cùa việc hình thành biểu tượng toán học cho trẻ, nhưng nó lại phải phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ. Nội dung dạy trẻ được phản ánh trong chương trình “Hình thành biể tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non” được Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Mầm non soạn thảo qua nhiều năm trên cơ sở những kết quả nghiên cứu của các nhà giáo dục trong và ngoài nước.

Trên cơ sở phân tích nội dung chương trình “Hình thành biểu tượng toán học cho trẻ mầm non” hiện hành, chúng ta thấy nội dung chương trình này được xây dựng theo 3 hướng sau đây:

- Hình thành cho trẻ biểu tượng toán học

- Dạy trẻ bước đầu nắm các mối liên hệ và quan hệ toán học - Dạy trẻ một số biện pháp toán học.

1. Hình thành cho trẻ những biểu tượng toán học.

Qua phân tích nội dung chương trình “hình thành biểu tượng toán học cho trẻ mầm non” cho thấy rằng, nội dung chính của chương trình đó là Hình thành cho trẻ khối lượng phong phú những biểu tượng toán học như: số lượng, con số, tập lớn, tập con, kích thước, thước đo, hình dạng vật thể và các hình hình học, những biểu tượng về định hướng trong không gian (phương hướng, khoảng cách, mỗi quan hệ không gian giữa các vật). Tuy nhiên trong chương trình vẫn chưa có nội dung hình thành biểu tượng thời gian cho trẻ, trong khi đó mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới xung quanh đều tồn tại trong không gian và thời gian, trong các mỗi quan hệ của chúng. Hơn nữa, trong nội dung dạy trẻ hình thành biểu tượng toán học sở đẳng bao gồm nội dung dạy trẻ hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng bao gồm nội dung dạy trẻ xác định các đại lượng đo khác nhau, thời gian cũng là một trong những đại lượng, độ dài thời gian diễn ra các sự kiện, hiện tượng khác nhau. Vì vậy nội dung này cần được đưa vào dạy trẻ nhằm phát triển sự định hướng thời gian cho trẻ, trên cơ sở đó hình thành cho trẻ một số biểu tượng thời gian (các đơn vị đo thời gian và một số tính chất của thời gian).

- Nghiên cứu nội dung chương trình “Hình thành toán học cho trẻ mầm non” cho thấy rằng, mỗi biểu tượng toán học được hình thành ở trẻ qua các giai đoạn theo nguyên tắc đồng tâm. Mỗi biểu tượng được hình thành trước sẽ là cơ sở để hình thành biểu tượng và khái niệm toán học tiếp theo. Hơn nữa, các biểu tượng toán học khác nhau nhưng chúng lại có mối quan hệ gắn bó với nhau, như: với trẻ 4 tuổi chúng ta chủ yếu chú trọng tới việc hình thành biểu tượng về tập hợp cho trẻ, dạy trẻ các biện pháp so sánh độ lớn của các tập hợp có sự khác biệt lớn hay được biểu thị bằng các số kế cận (một – nhiều, nhiều hơn – ít hơn), còn ở các lớp mẫu giáo nhỡ và lớn những kiến thức về tập hợp của trẻ được mở rộng, chúng trở nên phong phú và sâu sắc

hơn, như: trẻ so sánh số lượng các phần tử của tập hợp, xác định mối quan hệ số lượng giữa chúng và khái quát số lượng bằng các từ số, con số, trẻ học cách tách các tập con từ tập lớn, xác định mối quan hệ giữa các phần chia từ một tập hợp ban đầu...

- Trên cơ sở những biểu tượng tập hợp ở trẻ hình thành biểu tượng và khái niệm về con số và kích thước.... khái niệm con số giúp trẻ trừu tượng hóa số lượng và các mỗi quan hệ số lượng khỏi những dấu hiệu khác của tập hợp (kích thước, màu sắc, hình dạng). Để làm được điều đó đòi hỏi trẻ phải có kỹ năng phân tích những dấu hiệu riêng biệt của các vật, biết so sánh, đối chiếu, khái quát hóa và đưa ra kết luận.

- Sự hình thành biểu tượng về kích thước cho trẻ gắn bó chặt chẽ với sự phát triển những biểu tượng về số lượng và con số ở trẻ. Trong quá trình trẻ đo độ dài các vật khác nhau mà những biểu tượng về số lượng và con số của trẻ được củng cố và phát triển, nhờ vậy mà hoạt động đếm của trẻ được nâng cao. Mặt khác, sự khác sự xác định kích thước và những kiến thức về con số lại tác động tới sự hình thành ở trẻ biểu tượng về các hình hình học (hình vuông, hình chữ nhật đều có 4 cạnh, nhưng tất cả các cạnh của hình vuông dài bằng nhau, còn hình chữ nhật có hai cạnh dài dài bằng nhau và hai cạnh ngắn dài bằng nhau...)

- Đặc trưng của dạy học với trẻ độ tuổi mầm non là tất cả những kiến thức toán học sơ đẳng được đưa đến trẻ thông qua quá trình tổ chức các hoạt động thực tiễn cho trẻ. Mỗi biểu tượng toán học được hình thành ở trẻ một cách trực quan trên cơ sở trẻ ngắm nhìn các vật cụ thể hay thực hành thao tác với chúng, như: việc làm quen với các con số được thực hiện trong quá trình trẻ luyện đếm các tập hợp cụ thể (những bông hoa, những con gà, các hình vuông...) Hay sự hình thành biểu tượng về các hình hình học diễn ra trong quá trình trẻ làm quen với chúng mà không cần tới bất cứ định nghĩa hay lời giải thích nào về khái niệm đó. Tương tự như vậy ở trẻ hình thành biểu tượng:

nhiều hơn – ít hơn, một, hai, ba... Vì vậy những kiến thức toán học mà trẻ nắm được là sản phẩm hoạt động của chính bản thân trẻ dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

2. Dạy trẻ bước đầu nắm các mối liên hệ và quan hệ toán học

Trong quá trình hình thành biểu tượng toán học cho trẻ mầm non, trẻ còn được làm quen với một loạt các mỗi quan hệ và sự phụ thuộc toán học, như: trẻ biết được một số các mối quan hệ số lượng giữa tập hợp các vật (bằng nhau – không bằng nhau, nhiều hơn – ít hơn), mối quan hệ về kích thước giữa các vật (to hơn – nhỏ hơn, dài hơn – ngắn hơn, rộng hơn – dẹp hơn, cao nhất –thấp hơn – thấp nhất...) mối quan hệ giữa các số liền – kề thuộc dãy số tự nhiên (lớn hơn – nhỏ hơn) các mối quan hệ không gian (phía trên – phía dưới, phía trước – phía sau, phía phải – phía trái của trẻ, của người khác và của vật khác), sự phụ thuộc giữa kích thước, độ dài thước đo và kết quả đo lường.

3. Dạy trẻ một số biện pháp hành động.

Trong quá trình làm quen với toán, trẻ còn được làm quen với một số biện pháp hành động nhất định, như: xếp chồng, xếp cạnh, đếm, biến đổi số lượng bằng thêm, bớt, đo lường. Việc nắm các biện pháp đó có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển trí tuệ của trẻ. Có thể chia các biện pháp đó ra làm hai nhóm:

- Các biện pháp cơ bản như: đếm, đo lường, tính toán

- Các biện pháp bổ trợ như: thực hành so sánh bằng xếp chồng, xếp cạnh, thêm, bớt để tạo ra các tập hợp mới, so sánh, đối chiếu, kết hợp nhằm thực hiện các mục đích học tập khác nhau.

- Trong quá trình dạy học việc dạy trẻ các thao tác thực hành diễn ra đồng thời với việc hình thành ở trẻ các thao tác nhận biết (thao tác trí tuệ).

Trẻ không thể lĩnh hội được các thao tác này nếu thiếu sự hướng dẫn của người lớn, bởi vì đối tượng nhận biết trong toán học là các mối quan hệ số lượng, các thuật toán và các mối liên hệ qua lại không thể hiện rõ ràng, chính vì vậy mà các thao tác trí tuệ này đóng vai trò chính để giúp trẻ nhận biết chúng.

Quá trình hình thành biểu tượng toán học cho trẻ còn gắn chặt chẽ với việc trẻ nắm được các thuật ngữ chuyên biệt. Lời nói làm cho các khái niệm trở nên có ý nghĩa và giúp trẻ khái quát hóa, trừu tượng hóa chúng.

Như vậy, nội dung hình thành biểu tượng toán học cho trẻ ở trường mầm non có những đặc thù nhất định, điều này xuất phát từ những đặc trưng của các khái niệm toán học, từ những kinh nghiệm dạy học với trẻ mầm non,

từ những yêu cầu hiện nay của nhà trường đối với việc chuẩn bị cho trẻ học toán ở trường phổ thông. Trong chương trình, nội dung dạy học được sắp xếp sao cho những kiến thức và các biện pháp hoạt động khá đơn giản mà trẻ đã nắm được sẽ là cơ sở để nắm những kiến thức, kỹ năng và các biệt pháp hoạt động mới phức tạp hơn nữa...

Tóm lại, nội dung hình thành biểu tượng toán học cho trẻ mầm non không chỉ bao gồm những kiến thức, kỹ năng toán học, mà còn gồm cả những biện pháp hoạt động trí tuệ, tất cả điều đó là cơ sở giáo dục toàn diện nhân cách trẻ.

Nội dung này được đưa tới trẻ thông qua hệ thống các tiết học và các hình thức dạy học khác ngoài tiết học. Các kế hoạch dài hạn có tính định hướng cùng với các kế hoạch ngắn hạn và các giáo án tiết học có tác dụng định hướng cho giáo viên thực hiện công việc cho trẻ làm quen với toán.

Trong quá trình dạy trẻ giáo viên cần thường xuyên so sánh, đối chiếu nội dung dạy học với mức độ phát triển biểu tượng toán học của trẻ trong lớp.

Giáo viên tiến hành các tiết học toán với trẻ theo kế hoạch đã định. Mỗi tiết học đều được giáo viên thực hiện một cách tổ chức, có logic, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi trẻ mà không phụ thuộc vào thời gian và hình thức tiến hành. Kết quả của mỗi tiết học toán được thể hiện qua việc đạt mục đích đề ra, tạo cho trẻ cảm xúc thỏa mãn và lòng ham muốn được tiếp tục học.

Một phần của tài liệu Phương pháp hình thành biểu tượng toán học sơ đẳng cho trẻ mầm non (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)