CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ RỐI LOẠN LO ÂU
1.4. Các phương pháp đánh giá và can thiệp rối loạn lo âu
Nghiên cứu, tổng hợp và phân tích các tài liệu, nghiên cứu nước ngoài và trong nước về rối loạn lo âu nhằm xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài như tổng quan các nghiên cứu, xác định các khái niệm, công cụ, liệu pháp đánh giá và can thiệp.
Từ đó, học viên đưa ra lựa chọn cách tiếp cận và các kỹ thuật, công cụ phù hợp với vấn đề của thân chủ trong quá trình đánh giá và can thiệp vấn đề.
1.4.2. Phương pháp hỏi chuyện lâm sàng
Phương pháp hỏi chuyện lâm sàng là hoạt động chủ đạo và mang tính đặc thù trong thực hành tâm lý lâm sàng. Đây là phương pháp được sử dụng xuyên suốt trong quá trình làm việc giữa nhà tâm lý và thân chủ. Phương pháp này giúp nhà tâm lý đánh giá được các khía cạnh về nhận thức, cảm xúc và hành vi cũng như hoạt động chức năng và các đặc điểm nhân cách của thân chủ. Từ đó, nhà tâm lý phân tích và sắp xếp chúng vào một hiện tượng tâm lý hoặc tâm bệnh lý nào đó với các tiêu chí như loại hình, mức độ, … Phương pháp này không chỉ giúp thu thập được những thông tin cần thiết trong việc chẩn đoán, đánh giá vấn đề của thân chủ, mà còn đồng thời có thể hỗ trợ can thiệp ban đầu.
1.4.3. Phương pháp quan sát lâm sàng
Phương pháp này giúp nhà tâm lý có thể tri giác những biểu hiện thực tế của thân chủ như thái độ, xúc cảm, hành vi, các quá trình và trạng thái tâm lý cũng như vấn đề/rối loạn của thân chủ trong những tình huống cụ thể và trong các mối tương tác với những người xung quanh. Từ đó, nhà tâm lý có thể thu thập và giải mã chính xác cả những thông tin định tính và định lượng trong quá trình đánh giá và hỗ trợ thân chủ.
1.4.4. Phương pháp trắc nghiệm và các thang đo lâm sàng
Từ kết quả phỏng vấn và quan sát lâm sàng, học viên quyết định sử dụng các trắc nghiệm, thang đo cụ thể để sàng lọc, kiểm tra hoặc tái khẳng định giả thuyết
chẩn đoán ban đầu và đánh giá được rối loạn ở mức độ nào. Trong đề án này, học viên sử dụng 2 thang đo tâm lý dưới đây:
Thang đo lo âu - trầm cảm - stress (DASS-21)do các nhà tâm lý học người Úc Lovibond và Lovibond phát triển vào năm 1995. Phiên bản gốc của công cụ này có 42 câu hỏi, trong khi DASS-21 là phiên bản rút gọn, tập trung vào tính hiệu quả và tiện dụng hơn. Đây là một thang đo tự báo cáo được thiết kế để đo lường các trạng thái cảm xúc của trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Thang đo gồm 21 mục chia làm 3 tiểu thang, mỗi tiểu thang có 7 mục. Mỗi mục được tính điểm theo thang điểm Likert từ 0 đến 3 điểm tương ứng với câu trả lời "không đúng với tôi chút nào cả" đến "hoàn toàn đúng với tôi, hoặc hầu hết thời gian là đúng". Thang đo này hiện đang được sử dụng rộng rãi và phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Điểm trầm cảm, lo âu và căng thẳng được tính bằng cách tính tổng điểm của các tiểu mục thành phần rồi nhân hệ số 2.
Mức độ Trầm cảm Lo âu Stress
Bình thường 0-9 0-7 0-14
Nhẹ 10-13 8-9 15-18
Vừa 14-20 10-14 19-25
Nặng 21-27 15-19 26-33
Rất nặng ≥ 28 ≥20 ≥34
Thang tự đánh giá lo âu Zung (SAS) được phát triển bởi Tiến sĩ William W. K. Zung vào năm 1971. Thang đo này nhằm mục đíchđánh giá mức độ lo âu ở cá nhân dựa trên 4 nhóm triệu chứng: nhận thức, thần kinh tự trị, vận động và hệ thần kinh trung ương. Thang đo bao gồm 20 mục, mỗi mục được tính điểm theo thang điểm Likert từ 1 đến 4 điểm tương ứng với câu trả lời "không có hoặc ít khi"
đến "hầu hết hoặc toàn bộ thời gian". Bảng câu hỏi tự trả lời này được sử dụng trong cả bối cảnh lâm sàng và nghiên cứu để đánh giá biểu hiện và mức độ của các triệu chứng lo âu. Thang đo này được sử dụng rộng rãi trong nhiều nghiên cứu về lo âu và tại các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam. Tổng
điểm thang đo được tính bằng cách cộng điểm tất cả các câu (đảo điểm các câu 5, 9, 13, 17 và 19), tổng điểm càng cao thì mức độ rối loạn lo âu càng nặng, cụ thể:
0-40 điểm: không có lo âu, 41-50 điểm: lo âu mức độ nhẹ, 51-60 điểm: lo âu mức độ vừa, 61-70 điểm: lo âu mức độ nặng, 71-80 điểm: lo âu mức độ rất nặng.
Tiểu kết chương 1
Trong chương 1, học viên đã tổng quan các nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến rối loạn lo âu như thực trạng, các yếu tố liên quan, nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu, các khái niệm và công cụ đánh giá và can thiệp. Theo WHO (2023), 301 triệu người trên thế giới mắc rối loạn lo âu và khiến rối loạn lo âu trở thành rối loạn tâm thần phổ biến nhất vào năm 2019. Điều này cho thấy thực trạng rối loạn lo âu rất đáng báo động và cần sự quan tâm hơn bao giờ hết. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển rối loạn lo âu như các yếu tố gây căng thẳng, tuổi, giới tính, tiền sử mắc trong gia đình, đặc điểm tính cách, bệnh lý thể chất, …. Cùng với đó, học viên đã hệ thống lại lý giải của thuyết nhận thức - hành vi về rối loạn lo âu. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh hiệu quả của liệu pháp này khi can thiệp rối loạn lo âu. Từ đó, học viên quyết định lựa chọn liệu pháp nhận thức - hành vi là tiếp cận chính trong việc đánh giá và can thiệp vấn đề cho thân chủ trong đề án này.