Định hình trường hợp

Một phần của tài liệu Luận văn hỗ trợ tâm lý cho một thân chủ có các biểu hiện rối loạn lo Âu (Trang 39 - 42)

CHƯƠNG 2: ĐÁNH GIÁ VÀ CAN THIỆP CHO MỘT THÂN CHỦ CÓ CÁC BIỂU HIỆN RỐI LOẠN LO ÂU

2.3.5. Định hình trường hợp

Liệu pháp nhận thức hành vi là tiếp cận chủ yếu được sử dụng trong đánh giá và can thiệp với TC này. Thân chủ đang có dấu hiệu lo âu liên quan chủ yếu đến bệnh cơ thể.

2.3.5.1. Diễn giải vấn đề của thân chủ theo thuyết nhận thức hành vi

Dưới quan điểm nhận thức, các triệu chứng của TC là hệ quả của lỗi nhận thức tiêu cực. Thân chủ có lỗi nhận thức phóng đại, khi cơn cồn cào dạ dày xuất hiện thì TC cảm thấy lo sợ và nghĩ ngay đến cơn lo âu ập đến nên các triệu chứng cơ thể khác tự động xuất hiện cùng (“Mỗi lần có cơn cồn cào dạ dày xuất hiện là chị nghĩ ngay rằng cơn lo âu ập đến và mình sẽ bị nôn, sau đó thì chị bị nôn thật rồi một loạt các triệu chứng cơ thể khác như run tay chân, đánh trống ngực, khó thở cũng xuất hiện theo”). TC cũng lo lắng rằng sức khỏe bản thân trong tương lai sẽ

vẫn duy trì như tình trạng hiện tại và phải phụ thuộc vào thuốc (“Chị sợ bản thân cứ mãi như này và bị phụ thuộc vào thuốc vì các triệu chứng không tiến triển nhiều và chị rất mệt mỏi về điều đó”). Thêm nữa, TC có lỗi bộ lọc tâm trí khi những gì bản thân cố gắng trong suốt một thời gian nhưng chỉ cần có triệu chứng bất kì xuất hiện trở lại là TC lại cho rằng bản thân đã cố gắng nhưng kết quả cũng chỉ có vậy, mặc dù các triệu chứng quay trở lại đều ở mức độ nhẹ hơn so với lần trước.

Dưới quan điểm hành vi, do được củng cố từ việc giảm nhẹ các triệu chứng cơ thể tạm thời và thiếu các kỹ năng ứng phó lành mạnh nên TC duy trì những hành vi ứng phó không lành mạnh để quản lý các triệu chứng lo âu của bản thân. Trong quá trình làm việc, mỗi khi nhận thấy các triệu chứng cơ thể xuất hiện hoặc trở nên nặng hơn, TC đều chủ động xin nghỉ việc ngay lập tức để về quê an tâm điều trị. Đó là chiến lược ứng phó mang tính né tránh bằng cách rời bỏ nơi làm việc áp lực.

Thêm nữa, khi các triệu chứng cơ thể xuất hiện, TC chỉ gọi điện cho bác sĩ tâm thần để tìm kiếm sự giúp đỡ. Mỗi lần nhắn tin và gọi điện cho bác sĩ thì TC được đáp ứng bằng việc bác sĩ trả lời và liều thuốc tăng lên. Sau khi uống thuốc tăng liều thì TC được giảm về các triệu chứng cơ thể nhưng không được học thêm các kĩ năng quản lý các triệu chứng của mình và làm tăng thêm lo âu về việc phụ thuộc thuốc.

Đây là chiến lược ứng phó mang tính kiểm soát bằng cách tìm sự trợ giúp từ bên ngoài ngay lập tức, thay vì tìm cách tự quản lý lành mạnh. Điều này củng cố thêm niềm tin của TC về việc không kiểm soát được vấn đề và phải phụ thuộc vào thuốc nên TC không hình thành được self-talk tích cực khi triệu chứng lo âu xuất hiện.

Do đó, mục tiêu can thiệp về nhận thức là nhận ra các lỗi nhận thức, mở rộng góc nhìn vấn đề và hình thành kiểu nhận thức thích ứng hơn; về hành vi, hỗ trợ TC giảm cơ chế né tránh và kiểm soát, thay vào đó là tăng hành vi chấp nhận và đương đầu/giải quyết vấn đề.

2.3.5.2. Xác định các yếu tố kích hoạt, sẵn có/tiền đề, tăng nặng và bảo vệ Yếu tố kích hoạt

Sự kiện kích hoạt các triệu chứng của TC là tình huống bất lợi khi TC đang trong quá trình điều trị bệnh lao phổi.

Yếu tố tăng nặng

Thân chủ chịu áp lực công việc trong một khoảng thời gian dài do làm việc trong môi trường bệnh viện công lập tuyến đầu cả nước. Số lượng bệnh nhân nội trú cũng như bệnh nhân đến khám hàng ngày rất nhiều dẫn đến TC phải xử lý khối lượng công việc lớn và thường xuyên trong tình trạng quá tải. Do đó, TC thường bị áp lực và sợ mình không hoàn thành được công việc, đặc biệt trong những ngày bệnh viện đông bệnh nhân và làm ở vị trí áp lực hơn.

Yếu tố sẵn có/tiền đề

Yếu tố sẵn có là TC vốn có tính cách lo âu, kỹ tính, thiếu sự linh hoạt. Giai đoạn các triệu chứng lo âu xuất hiện, TC quản lý được nên cảm thấy an tâm, nhưng khi các triệu chứng bắt đầu quay trở lại thì TC cảm thấy bất an, chán nản và không muốn tiếp tục. Thân chủ có ít sự linh hoạt và cứng nhắc nên khi điều kiện thay đổi là bản thân đang ốm và điều trị bệnh nhưng TC không điều tiết công việc mà vẫn giữ cường độ và hiệu suất như cũ. Thêm nữa, TC luôn muốn bản thân quay trở lại thời điểm trước khi bị bệnh lao, như đi làm lại bình thường và có cảm giác ăn ngon miệng, ngủ trưa được, dễ đi vào giấc ngủ, ngủ sâu, không bị tỉnh giấc giữa đêm.

Nhưng thời điểm hiện tại không như mong muốn của TC nên TC cảm thấy lo lắng cho tình trạng sức khỏe và công việc hiện tại và cả tương lai.

Yếu tố bảo vệ

Yếu tố bảo vệ bao gồm nhận thức tốt, tư duy tốt, biết phân tích vấn đề, có động cơ trị liệu cao và nỗ lực thực hiện các phương pháp tự hỗ trợ lành mạnh như tập yoga, chạy bộ, tập thở, ăn uống lành mạnh và lịch sinh hoạt khoa học.

Ngoài ra, TC có gia đình yêu thương và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn mà TC gặp phải.

Sơ đồ 1: Định hình trường hợp theo mô hình 5P

Một phần của tài liệu Luận văn hỗ trợ tâm lý cho một thân chủ có các biểu hiện rối loạn lo Âu (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)