CHƯƠNG 2: ĐÁNH GIÁ VÀ CAN THIỆP CHO MỘT THÂN CHỦ CÓ CÁC BIỂU HIỆN RỐI LOẠN LO ÂU
2.3.4. Kết quả đánh giá
2.3.4.1. Tổng hợp thông tin thu được
Các thông tin thu thập được được tổng hợp trong bảng 2 dưới đây.
Bảng 2. Danh sách các vấn đề của thân chủ
Các lĩnh vực Thông tin
Thông tin nhân khẩu
- Nữ, 29 tuổi, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.
- Là con cả trong gia đình có ba người con.
- Hiện tại chưa lập gia đình và đang sống một mình.
Sức khỏe tâm thần
- Cảm xúc: Lo lắng, căng thẳng mỗi khi các triệu chứng cơ thể xuất hiện.
- Hành vi:
+ Hành vi kiểm soát: Khi có các triệu chứng xuất hiện, TC gọi điện cho bác sĩ, nhắn tin cho học viên để tìm giải pháp.
+ Hành vi né tránh: TC nghỉ việc mỗi khi các triệu chứng cơ thể xuất hiện.
- Nhận thức: Sức khỏe bản thân trong tương lai sẽ vẫn duy trì như tình trạng hiện tại và phải phụ thuộc vào thuốc, ảnh hưởng đến công việc.
Bệnh thực thể
- Đang chữa trị bệnh lao và duy trì uống thuốc tuyến giáp hàng ngày.
Nhân cách - Lo âu, kỹ tính.
Mối quan hệ - Ít tương tác với gia đình từ nhỏ.
- Giữ mối quan hệ xã giao với sếp và đồng nghiệp.
Hoạt động chức năng
- Khó ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ bị nôn và không ăn được vào buổi sáng.
- Hiện tại đang nghỉ việc để điều trị bệnh.
Điểm mạnh - Nhận thức tốt, động cơ trị liệu cao.
2.3.4.2. Kết quả các thang đo đã thực hiện
Từ những ấn tượng ban đầu qua quan sát và quá trình hỏi chuyện lâm sàng và dựa trên các triệu chứng hiện tại của TC chủ yếu liên quan đến vấn đề triệu chứng cơ thể do tác dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh lao phổi, HV thực hiện việc đánh giá các triệu chứng của TC thông qua đối chiếu với các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu do bệnh cơ thể khác trong DSM-5.
Bảng 3. Đối chiếu với tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu do bệnh cơ thể khác theo DSM-5
Tiêu chuẩn Biểu hiện của thân chủ Đáp
ứng A. Các cơn hoảng sợ hoặc lo âu
chủ yếu trong bệnh cảnh lâm sàng.
Các biểu hiện lo âu của thân chủ chủ yếu khởi phát và xuất hiện khi có các triệu chứng cơ thể trong quá trình điều trị lao phổi.
Có
B. Có bằng chứng trong tiền sử, kết quả khám, xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy rối loạn này là hậu quả sinh lý bệnh trực tiếp của một bệnh cơ thể khác.
Chưa thấy Không
C. Rối loạn không được giải thích tốt hơn bởi một rối loạn tâm thần khác.
Hiện tại, ngoài triệu chứng lo âu thì thân chủ chưa có các biểu hiện rối loạn tâm thần khác.
Có
D. Rối loạn không xuất hiện trọn vẹn trong trạng thái sảng.
Thân chủ chưa xuất hiện trạng thái sảng.
Có
E. Rối loạn gây ra đau khổ hoặc suy giảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Thân chủ cảm thấy mệt mỏi và khó chịu về tình trạng hiện tại của bản thân, đồng thời xin nghỉ làm 1 tháng để an tâm điều trị bệnh.
Có
Kết luận: TC đáp ứng 4/5 tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu do bệnh cơ thể khác, tuy nhiên chưa có bằng chứng cho thấy rối loạn này là hậu quả sinh lý bệnh trực tiếp của một bệnh cơ thể khác.
Chẩn đoán phân biệt
- Sảng: Thân chủ chưa xuất hiện trạng thái sảng.
- Rối loạn lo âu do một chất: TC không sử dụng bất cứ chất nào.
- Rối loạn lo âu mắc bệnh: TC hiện tại mắc bệnh lao phổi và lo lắng về triệu chứng cơ thể do tác dụng phụ trong quá trình điều trị bệnh.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: TC không có ám ảnh hay hành vi nghi thức nào.
- PTSD và rối loạn thích ứng: TC có trải qua sự kiện phát hiện bản thân bị bệnh lao phổi nhưng không gây ám ảnh hay sang chấn nào cho TC.
- Trầm cảm, lưỡng cực và các rối loạn loạn thần: TC không có triệu chứng trầm cảm. TC vẫn ăn uống, sinh hoạt đều đặn, rất mong muốn và có nhiều nỗ lực vượt qua vấn đề của bản thân. Ngoài ra, không có triệu chứng loạn thần nào xuất hiện ở TC.
Cùng với đó, HV lựa chọn thang đo đánh giá trầm cảm, lo âu và căng thẳng (DASS-21) để sàng lọc tình trạng lo âu, trầm cảm và căng thẳng ban đầu. Sau đó, HV dùng thêm thang tự đánh giá lo âu Zung (SAS) để kiểm tra cụ thể hơn về mức độ lo âu. Kết quả như sau:
Bảng 4. Kết quả đánh giá thang đo tâm lý ban đầu
Test Điểm Mức độ
DASS-21 Stress 20 Vừa
Lo âu 12 Vừa
Trầm cảm 14 Vừa
SAS 37 Không có lo âu
Có thể thấy có sự chênh lệch kết quả ở các thang đo khác nhau. Thang sàng lọc DASS-21 cho thấy TC đang có stress, lo âu và trầm cảm ở mức độ vừa nhưng
khi đánh giá sâu hơn bằng thang SAS cho thấy kết quả không có lo âu. Nhìn chung, các câu trắc nghiệm trong DASS-21 mà TC lựa chọn điểm cao hơn chủ yếu liên quan đến cảm xúc lo lắng (“Tôi lo lắng về những tình huống có thể làm tôi hoảng sợ hoặc biến tôi thành trò cười”), suy nghĩ nhiều (“Tôi thấy mình đang suy nghĩ quá nhiều”), khó thư giãn (“Tôi thấy khó mà thoải mái được”, “Tôi thấy mình khó thư giãn được”). Còn thang SAS chỉ ra kết quả không có lo âu phần nào cho thấy vấn đề lo âu của TC chưa đến mức rối loạn. Tuy nhiên, kết quả từ các thang đo tâm lý chưa phản ánh được hết các biểu hiện lo âu của TC nên chỉ mang tính chất tham khảo.
Kết luận chung
Như vậy, thông qua kết quả hỏi chuyện lâm sàng, quan sát lâm sàng, sử dụng trắc nghiệm tâm lý và đối chiếu với các tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5, có thể kết luận rằng TC đang có dấu hiệu lo âu do bệnh lý cơ thể khác. Mặc dù vậy, các biểu hiện lo âu này đang ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý, sinh hoạt và công việc của thân chủ. Vì vậy, TC cần được hỗ trợ tâm lý nhằm giảm các triệu chứng lo âu, giúp TC yên tâm để chữa bệnh cơ thể và vận hành cuộc sống, công việc một cách bình thường.