Về mối quan hệ lâm sàng, HV đánh giá bản thân đã và đang thiết lập được mối quan hệ lâm sàng tích cực và tin tưởng đối với TC. Điều đó thể hiện qua việc HV lắng nghe và thấu cảm những vấn đề TC gặp phải và TC cũng cởi mở chia sẻ những khó khăn trải qua các sự việc cả trước và trong quá trình hỗ trợ. Điều này đã giúp TC chia sẻ nhiều thông tin quan trọng và hữu ích đến HV trong quá trình đánh giá và hỗ trợ tâm lý. Thân chủ cũng chia sẻ rằng bản thân cảm thấy thoải mái và được thấu hiểu mỗi khi trao đổi và chia sẻ với HV. Những điều này góp phần tạo nên sự thuận lợi nhất định trong quá trình đánh giá và hỗ trợ tâm lý cho TC. Nhìn chung, sau 11 buổi làm việc cùng nhau, HV và TC hoàn thành mục tiêu đầu ra đầu tiên là giảm các triệu chứng lo âu lan tỏa. Từ đó, TC cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi các triệu chứng về cơ thể xuất hiện, giấc ngủ và ăn uống cũng được cải thiện và quay trở lại công việc.
Tồn tại
Ở thời điểm đánh giá vấn đề, TC đồng thời uống ba loại thuốc là thuốc lao phổi, thuốc tuyến giáp và thuốc điều trị tâm thần nên các triệu chứng xuất hiện đan xen lẫn nhau, khiến cho HV gặp khó khăn khi đánh giá tâm lý. Qúa trình can thiệp phải chuyển sang hình thức làm việc trực tuyến do TC về quê nên HV và TC gặp một số khó khăn trong việc trao đổi vấn đề như đường truyền mạng không ổn định, HV khó minh họa vấn đề và mô hình để cùng trao đổi với TC và thỉnh thoảng TC bị xao lãng do yếu tố gây nhiễu từ ngoại cảnh ở gia đình. Thêm nữa, HV chưa thống nhất về ranh giới làm việc ngay từ ban đầu với TC nên vô tình làm xuất hiện thêm hành vi kiểm soát của TC là mỗi khi có triệu chứng xuất hiện thì TC nhắn tin cho HV để tìm giải đáp và giải pháp ngay lập tức. Nhưng ngay khi phát hiện ra vấn đề, HV đã thiết lập lại ranh giới làm việc với TC nhằm xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp và dập tắt hành vi kiểm soát. Về bài tập về nhà, hầu như đối với từng bài tập TC lúc đầu tích cực thực hiện, tuy nhiên TC chỉ làm khoảng 1-2 tuần hoặc khi tự
nhận thấy triệu chứng được giảm bớt thì TC không còn duy trì làm bài tập. Cho nên, mặc dù vấn đề được cải thiện nhưng việc tái lại các triệu chứng vẫn xảy ra thường xuyên. Do đó, những lúc như vậy HV nhận thấy bản thân đôi lúc thiếu kiên nhẫn và có ý thúc ép TC. Tuy nhiên, khi HV nhận ra điều đó thì đều chia sẻ và trao đổi với TC, sau đó cùng nhau rút kinh nghiệm. Cùng với sự giám sát của giảng viên hướng dẫn, HV kịp thời có một buổi củng cố lại những kiến thức và kĩ năng giúp TC sử dụng nhuần nhuyễn và thành thạo hơn khi TC cảm thấy đang không ổn khi thực hiện các kĩ thuật trong quá trình hỗ trợ. Về mục tiêu nhận thức, HV tự nhận thấy bản thân chưa hỗ trợ sâu nên cũng cần xem xét cẩn thận nếu hỗ trợ thêm TC ở mục tiêu này. Bên cạnh đó, các kĩ thuật được sử dụng nên được thể hiện một cách có cấu trúc và đầy đủ hơn. Về quá trình đánh giá hiệu quả can thiệp, do TC đồng thời uống nhiều loại thuốc nên HV chưa phân biệt và làm rõ cơ chế giảm các triệu chứng lo âu là xuất phát từ can thiệp dược lý hay liệu pháp tâm lý.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ Kết luận
Học viên đã xây dựng được cơ sở lý luận cho đề án thông qua việc tổng quan các nghiên cứu trong nước và nước ngoài về các vấn đề liên quan đến rối loạn lo âu và ứng dụng liệu pháp nhận thức hành vi trong can thiệp rối loạn lo âu. Về thực hành ca lâm sàng, HV cũng áp dụng liệu pháp nhận thức hành vi xuyên suốt trong quá trình đánh giá và can thiệp vấn đề tâm lý. Nhìn chung, liệu pháp này tiếp tục được chứng minh hiệu quả trong can thiệp rối loạn lo âu khi liệu pháp này cho thấy sự hiệu quả và phù hợp với ca lâm sàng này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc điểm, mong muốn và nhịp độ của TC mà HV cần biết lựa chọn công cụ, kĩ thuật và kĩ năng phù hợp với tình trạng của TC ở từng thời điểm khác nhau để đảm bảo hiệu quả hỗ trợ tốt nhất. Tóm lại, sau khi được hỗ trợ, TC biết cách quản lý hầu hết các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa như ăn ngủ tốt hơn, tăng khả năng thư giãn, nhận diện được suy nghĩ và hành vi kém thích nghi để từ đó hình thành hành vi thích nghi và mở rộng góc nhìn vấn đề thực tế hơn. Sau khi kết thúc mục tiêu giảm các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa, HV và TC sẽ tiếp tục mục tiêu dự phòng tái phát và sau đó là theo dõi sau khi kết thúc quá trình can thiệp.
Khuyến nghị
Thứ nhất, mối quan hệ lâm sàng tin cậy là tiền đề rất quan trọng trong việc kết nối và hỗ trợ vấn đề tâm lý cho TC. Thứ hai, việc thiết lập ranh giới làm việc lành mạnh ngay từ đầu ca cũng góp phần vào việc xây dựng mối quan hệ này vững chắc hơn và hạn chế những vấn đề phát sinh về sau. Thứ ba, đối với TC có các vấn đề bệnh lý cơ thể, nhà tâm lý cần nghiên cứu và tìm hiểu sâu về sự tác động qua lại giữa chúng và các vấn đề tâm lý có thể gặp phải, cũng như kết hợp cùng làm việc với các bác sĩ sẽ giúp hỗ trợ tâm lý cho TC hiệu quả hơn. Thứ tư, đối với TC dễ cảm thấy nản khi thực hiện bài tập về nhà và thực hành các kĩ thuật can thiệp, nhà tâm lý cần kiên trì khích lệ, động viên và củng cố những điều TC đã cố gắng và làm được, dù kết quả đạt được nhỏ nhất. Từ đó, TC cảm thấy có động lực và cam kết với mục tiêu đã đặt ra.