Chương 2: CÁC LOẠI HÌNH NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT HỒ
2.1. Nhân vật bản năng, tự nhiên
Khái niệm về bản năng: là khuynh hướng vốn có của một sinh vật đáp lại một tác động hay điều kiện cụ thể. Bản năng thường là những mẫu thừa hưởng của những phản ứng đáp lại một sự kích thích. Đối với loài người, bản năng dễ thấy nhất khi quan sát những nhu cầu cho sự tồn tại như việc ăn, ngủ, đi lại, công việc…, hành vi về thân thể, xúc cảm hoặc giới tính, bởi chúng đã được xác định rõ ràng về mặt sinh học. Nói chung, khái niệm bản năng không dùng để mô tả một trạng thái đã được thiết lập sẵn.
Trong lịch sử xã hội loài người, sự phát triển ý thức cá nhân là dấu hiệu của sự phát triển ý thức con người về vai trò chủ thể của mình trong mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội, với bản thân. Trong văn học, sự vận động và phát triển của một nền văn học được thể hiện ở trình độ chiếm lĩnh con người, sự khám phá và lý giải về đời sống cá nhân, về cá tính là một vấn đề có vị trí vô cùng quan trọng.
Nói đến con người bản năng tự nhiên ta nghĩ đến nhu cầu cho sự tồn tại như việc ăn, ngủ, đi lại, công việc…, đến những nhu cầu tinh thần như ý chí, tình yêu, những khát khao mơ ước hướng tới những chuẩn mực đạo đức, cái đẹp, chân lý…Sự tồn tại của những nhu cầu, sự phát triển về những tinh thần, về năng lực sáng tạo của cá nhân trong mọi biểu hiện của nó bao giờ cũng gắn với sự tồn tại của những cá tính, những tư chất riêng, năng lực phẩm chất riêng. C.Mác viết: “Đặc điểm sức mạnh của bất cứ con người nào cũng chính là cái bản chất riêng của họ, vì vậy cũng là thách thức riêng của việc khách quan hoá của họ, tức là cái thách thức riêng của cái thực thể sinh động của họ, thực thể khách quan và thực tế”. Con người bao giờ cũng gắn với môi trường giai cấp, xã hội cụ thể. Vì thế cá nhân phải là một thành viên của cộng
26
đồng, con người cá nhân với tư cách là một cá thể tồn tại trong xã hội, thành viên trong xã hội bao giờ cũng xác tín, có trách nhiệm với chính xã hội, cộng đồng của từng cá nhân. Ngay cả khi đó không phải là biểu hiện trực tiếp trong tập thể, cùng tiến hành với các cá nhân khác vẫn là những biểu hiện của sinh hoạt xã hội và khẳng định cho nếp sống sinh hoạt nói trên.
Nói đến con người tự nhiên là nói đến những nhu cầu cho sự tồn tại một con người gắn với những vấn đề căn cốt của con người: tự do, hạnh phúc, nhân phẩm, lương tri…, nói đến những biểu hiện làm nên bộ mặt tinh thần riêng, tạo ra sự hài hoà trong mối quan hệ giữa cá nhân với tự nhiên, xã hội với bản thân nó.
Xây dựng con người tự nhiên, đó là một khía cạnh nhân bản của văn học. Nhưng đề cập con người tự nhiên không phải đánh đồng bản năng người và bản năng loài vật. Với quan niệm con người tự nhiên, các nhà văn đã góp phần đa dạng hoá cách nhìn con người đương đại. Xây dựng con người tự nhiên đa phần các tác phẩm đều khai thác nhu cầu hạnh phúc đời thường, tình yêu trần tục, trong đó các vấn đề tình dục luôn được các nhà văn đề cập đến.
Nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái - những con người của cuộc sống hiện đại đều trượt dài theo dục vọng bản năng. Những chàng trai, cô gái trẻ tuổi tận hưởng đời sống dục vọng một cách trụy lạc, điên cuồng đến mức tha hóa. Những tác phẩm: Cõi người rung chuông tận thế, Mười lẻ một đêm, Đức Phật, nàng Savitri và tôi, SBC là săn bắt chuột đã diễn tả được việc các nhân vật tự lột bỏ cái lớp vỏ bên ngoài để sống theo đời sống bản năng của mình.
Con người bản năng đã từng xuất hiện khá đậm nét trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, thấp thoáng trong một số truyện ngắn của Nam Cao để rồi gần như vắng bóng hoàn toàn trong văn học cách mạng. Sự xuất hiện của con người bản năng trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng gắn liền với quan
27
niệm của tác giả về “cái dâm của loài người” và ngày đó nó đã từng phải gánh chịu khá nhiều búa rìu của dư luận. Nhưng bước vào thời kỳ đổi mới, con người bản năng xuất khiện khá đường hoàng trong văn học, nếu không nói là trở thành những hình tượng nổi bật của văn học thời kỳ đổi mới. Nhà văn không còn chỉ ngợi ca những vẻ đẹp thánh thiện của con người mà còn phải đi vào khám phá những vỉa tầng sâu thẳm trong mỗi con người, khám phá những phần khuất tối, những ham muốn, những dục vọng, những khát khao bị kiềm chế bởi những chế ước của xã hội.
Con người bản năng trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái được anh thể hiện tinh tế nhưng cũng đầy táo bạo.
Ở Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái đã rất thành công khi xây dựng hình tượng con người bản năng, tiêu biểu là hình tượng nàng Savitri, nàng công chúa của hai mươi sáu thế kỷ trước và phân thân của nàng là Kumari, Nữ thần Đồng trinh giải nghệ đang là hướng dẫn viên du lịch.
Công chúa Savitri với tình yêu đơn phương đối với hoàng tử Siddhattha (sau này trở thành Đức Phật), tuy là tình yêu đơn phương nhưng đầy khát khao nhục cảm. Cuộc sống nơi xứ sở Ấn Độ này phải có nàng Savitri, ngày xưa có, ngày nay có và mãi mãi sau này còn có. Người đàn bà này nồng nàn như lửa, dữ dội như nước và phấn khích như gió. Nàng là vẻ đẹp vừa bản năng vừa kiêu hãnh. Tất cả các hành xử của nàng đều làm cho Đức Phật vĩ đại hơn.
Savitri là một biểu tượng Ấn Độ huyền bí sâu xa và cũng đầy quyền uy. Và nhà văn Hồ Anh Thái đã tạo dựng nàng thành nhân vật văn chương đặc sắc, có một đời sống dài như lịch sử quê hương nàng!
Nàng ngang tàng phóng túng và đối kháng với các giáo điều. Con người nàng cũng đầy sức sống và đầy bản năng, đầy đam mê nhục cảm, đầy khao khát dục lạc. Sự xuất hiện của một nhân vật như Savitri trong một cuốn sách viết về Đức Phật quả là một sự nổi loạn. Nhưng có lẽ ở một đất nước như Ấn
28
Độ - xứ sở của Kama Sutra (Dục lạc kinh) thì sự xuất hiện của những nhân vật như Savitri có lẽ không phải là điều khó lý giải, nếu không nói đây là hình tượng đẹp nhất, sinh động nhất trong tác phẩm. Ở con người Savitri, bản năng không phải là tất cả, đam mê dục lạc không phải là tất cả. Hay nói cách khác, song hành với cái phần bản năng nhục cảm trong nàng là một tình yêu thánh thiện và vô vọng với Đức Phật. Người đàn bà suốt đời theo đuổi một tình yêu mãnh liệt với Đức Phật - một tình yêu hoàn toàn không nhục cảm - khiến cho ta chỉ có thể nghĩ về nàng trong những cảm xúc thánh thiện nhất.
Tình dục được đẩy lên ngang hàng tôn giáo. Tuy nhiên, con người sống không nên quá tham lam, không nên quá vội vàng và phải biết hướng cho mình một lý tưởng sống phù hợp, một tinh thần bao dung với con người để mang lại cho chính bản thân mình từng khoảnh khắc của giá trị cuộc sống
Tình dục, bản năng con người, nhu cầu làm tròn thiên chức cá nhân và tình yêu, chỉ có thể kìm nén tạm thời, nhưng sẽ xuất hiện trở lại. Chối bỏ nó vừa là mù quáng, vừa hủy hoại cả cá nhân và cái xã hội mà cá nhân tồn tại trong đó. Song sống mà chiều theo bản năng thì có thể là thảm họa không kém. Vậy phải làm sao tìm được cách để sống hài hòa với nhau và hài hòa ở trong chính mình, với những uất ức phức tạp và trái ngược ngay trong tâm hồn chúng ta? Cuộc sống và cách sống của nàng Savitri đã lý giải được điều đó.
Trong Mười lẻ một đêm, con người bản năng hiện lên rõ nét qua chính những nhân vật mà Hồ Anh Thái xây dựng lên. Anh chàng họa sĩ Chuối Hột là tiêu biểu hơn cả. Trong anh cái vô thức luôn lấn át cái ý thức, vì thế mà anh tạo nên những hành động rất kì lạ, tức cười đối với người đọc. Bản năng trong anh rất mạnh mẽ, nó bất chấp những lời dèm pha, dị nghị của mọi người đối với anh. Một người khi bản năng trỗi dậy thì họ sẽ làm bất cứ việc gì để thỏa mãn những ham muốn, những nhu cầu sinh lí đang chiếm lĩnh tâm thức họ.
29
Và anh chàng họa sĩ Chuối Hột của Hồ Anh Thái thì sao?. Ngay từ cái tên mọi người đặt cho anh đã cho ta thấy rõ được bản chất của anh, một người vô cùng cởi mở…”Bốn mươi tám cái xuân xanh là bốn mươi tám mùa cởi mở.
Thời trang yêu thích nhất là bộ cánh lúc lọt lòng mẹ” [28, tr.4]…Bản năng ấy của anh lại được bàn tay người mẹ giúp đỡ… “Người vợ bế con đến hiệu ảnh, chụp cho con một tấm để gửi lên miền Tây cho chồng. Đặt thằng bé nằm lên mặt bàn. Giật hết tã lót ra. Banh cả hai chân ra cho con chim chĩa thẳng vào ống kính… Cái ảnh khoe chim đầu đời vận cả vào đời. Suốt thời tuổi thơ đi học thì chớ, về đến nhà là thằng bé tụt hết cả quần áo đi ra đi vào. Nhông nhông”[28, tr.5]. Tuy vậy, cũng có lúc bản năng trong anh ta cũng được đè nén nhưng nó không dễ dàng chút nào, bản năng dục vọng trong họ rất mạnh.
Cái ý thức của anh chàng Chuối Hột quá mạnh không thể chế ngự nổi cái libido( tính dục) đang từng ngày lớn mạnh trong anh được. Vì thế, anh vẫn cứ bốn mùa cởi mở. Hồ Anh Thái đã rất tinh tế khi xây dựng nên hình tượng họa sĩ Chuối Hột với những bản năng rất thường trực của con người vốn đã được ẩn giấu nhưng giờ đây Hồ Anh Thái lại đưa nó trở về với cuộc sống thực tại.
Bản năng hiện hữu ở khắp mọi nơi, mọi lúc… “Ở trường Mỹ thuật, có lần đúng giờ học vẽ mà người mẫu nam không đến. Gã sinh viên tót ngay lên cái bục gỗ, tụt hết ra làm mẫu cho cả lớp vẽ. Đứng ngồi tô hô các tư thế, lại con cười nói đối đáp trêu chọc bạn cùng lớp. Chẳng có người mẫu nào lại tự nhiên và sinh động bằng”[28, tr.5]…Bản năng trong chàng rất tự nhiên không cách gì có thể kiềm chế được. Phải chăng có như vậy thì nó mới thỏa mãn những dục vọng đang bùng cháy trong anh chàng bốn mùa cởi mở này. Hồ Anh Thái khắc họa hình tượng này như khơi gợi cho ta nhớ về thời nguyên thủy, thời mà con người còn ăn lông ở lỗ. Chắc chắn phải hiểu rất rõ về nhu cầu tâm sinh lí con người, Hồ Anh Thái mới có thể đi sâu miêu tả, thể hiện từng ngóc ngách thầm kín của con người như vậy. Rất nhiều hình ảnh, sự
30
kiện, chi tiết về anh chàng họa sĩ này được Hồ Anh Thái bằng ngòi bút tài hoa, tinh tế nhưng lại vô cùng sâu cay của mình đã đem đến cho chúng ta nhiều cái nhìn mới mẻ hơn về con người. Có thể nói rằng, con người là một thực thể phức tạp, khó hiểu, nhiều bí ẩn mà chúng ta phải mất công tìm hiểu đào sâu mới có thể lí giải được những hành động cuả họ. Cũng như họa sĩ Chuối Hột với những hành động, cử chỉ luôn tạo cho ta sự bất ngờ, thú vị…
“Trong một góc nhà gã chống đầu xuống đất hai chân duỗi thẳng lên trời, thân người bóng nhẫy trắng lôm lốp như thân chuối. Tất nhiên là chuối hột trổ bông ở khoảng lưng chừng trời …” [28, tr.5]. Anh Thái quả là rất tài tình khi lấy ngay đặc điểm của hành động trên để đặt tên cho nhân vật. Phải chăng chinh từ cái tên đã bộc lộ thêm bản chất đầy dục vọng bản năng trong nhân vật của mình.
Không những thế, con người bản năng còn được thể hiện ở cả những con người có vị thế trong xã hội như nhà văn hóa lớn được mọi người biết đến là một vị giáo sư có tiếng về văn hóa. Thế mà vị giáo sư đáng kính này lại đi đái bậy ở tượng đài để thỏa mãn cho nhu cầu sinh lí của mình. Và chính lúc này bản năng đã chiến thắng những cái gọi là văn hóa, văn minh. Bộ mặt của xã hội đương thời được Hồ Anh Thái tái hiện qua những người ở mọi tầng lớp khác nhau.
Tác giả đã đứng ở nhiều khía cạnh khác nhau để nhìn con người dưới góc độ bản năng. Có những hồi ức về bà mẹ với những lần đò… “Mẹ của chị.
Người đàn bà nay tuổi năm mươi tám nhưng mãi mãi có một trái tim thiếu nữ…Mới cầm tay đôi ba ngày, anh nghiên cứu viên đã bị cô nàng lôi vào phòng thư viện … Anh bốc một quyển sách trên giá, một cử chỉ cho phải phép trong cơn lúng túng, thì đã bị cô nàng đè ghì vào giá sách. Cô hoang dã chẳng cần đến những hành vi rườm rà cho phải phép…” [28, tr.15]. Và cứ
31
thế lần này đến lần khác bà lại hoang dã hơn với những người đàn ông khác rồi tuổi xuân của bà trôi qua với năm lần đò.
Nhân vật Bà mẹ cũng đậm chất nghịch dị. Cái dâm của người đàn bà này được mở rộng tới mức quá khổ trên văn bản. Qua năm lần đò và vô vàn những cuộc phiêu lưu tình ái - tất cả đều diễn ra trước cặp mắt của đứa con gái, “con bé phải chứng kiến tất cả các thể loại đàn ông của mẹ” [28, tr.17].
Bà mẹ quả là mẫu người ham hố nhục dục đến mức vô độ và vô sỉ. “Về làm gì, ở lại đây ngủ cho vui”- đó là câu nói được bà mẹ lặp đi lặp lại với từng đối tác mới trong thú vui xác thịt triền miên vô tận. Cũng có thể coi đó như một dấu hiệu cá biệt hoá nhân vật, giống câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của cụ Cố Hồng trong văn Vũ Trọng Phụng. Nhẹ dạ, nông nổi, nhiều lầm lạc, con thiêu thân trong lò lửa đam mê - không ít lần tác giả làm người đọc ngỡ tưởng như vậy về nhân vật Bà mẹ - nhưng tất cả ấn tượng ấy phải được xét lại trước một thực tế thế này: “Năm lần lấy chồng, năm lần li dị, mỗi lần li dị được một cái nhà. Chồng đầu tiên được một cái nhà để xe. Chồng thứ hai được chia đôi căn phòng 26m2. Chồng thứ ba căn hộ tập thể tầng hai. Chồng thứ tư được 9m2 phố cổ. Chồng thứ năm khá nhất, giáo sư viện trưởng, căn hộ chung cư chất lượng cao”[28, tr.16]. Việc nâng dần cấp độ đền bù sau mỗi lần li hôn như vậy là một cách phóng đại cho cái tham của Bà mẹ. Để rồi, người đọc không khỏi bật cười trước sự tổng kết của cô con gái: “Mẹ ngửi thấy mùi đàn ông và mùi đất đều chén được”[28, tr.16].
Trong SBC là săn bắt chuột, con người bản năng được hiện hữu qua một cô Báo bản năng nông nổi phù phiếm, “gặp ai cũng rủ lên giường làm thơ”, một Đại gia lần đầu gặp “gái nào cũng giằn ra ngay” không cầm lòng được, cho đến một ông Giáo sư “hễ có nữ sinh nào đến nhà là đều kết thúc trên chiếc giường hướng dẫn luận văn”.
32
Bản năng tính dục của cô Báo có cái vẻ hồn nhiên hoang dại của một con cái không hề bị xã hội người ràng buộc.Giữa một đám đàn ông chủ trương
“bông hoa này là của chung”, ta bỗng thấy xót xa và lo lắng cho cô, “một con bé mãi mãi không trưởng thành”. Còn Đại gia, phất lên một cái là tìm cách thỏa mãn dục vọng của mình theo kiểu đại gia, cất công lập kế hoạch tỉ mỉ thu xếp êm xuôi mấy cô bồ nhí sống cùng khu nhà với mình mà chẳng ai biết ai.
Bản năng con người dường như là một con dao hai lưỡi, có lúc nó đem lại cho con người những điều may mắn, hạnh phúc nhưng cũng có lúc chính con dao đó lại giết chết họ.
Trong Cõi người rung chuông tận thế, Hồ Anh Thái đã xây dựng nên kiểu nhân vật đại diện cho bản năng thú tính. Cuộc sống thừa thãi vật chất cộng với sự cưng chiều của gia đình đã làm cho những nhân vật này tha hóa, biến chất thành những kẻ ăn chơi sa đọa, sống ích kỉ, buông thả và độc ác, mất hết tính người.
Hồ Anh Thái đã đem đến cho ta một triết lý về cuộc sống vô cùng quý giá. Những cái gì không phải của ta thì đừng cố níu giữ mà hãy nắm bắt những gì ta đang có. Như thế, chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc và cuộc sống quanh ta luôn tràn đầy yêu thương. Hãy truyền sự ấm áp của tình thương đến những số phận không được may mắn trong xã hội này, đừng để những dục vọng cá nhân làm mù lòa, làm băng họa đi những giá trị đạo đức của ngàn xưa để lại.