Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
3.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình và tên gọi của nhân vật
3.1.2. Xây dựng nhân vật qua cách gọi tên
Tên nhân vật là một trong những yếu tố làm nên nhân vật, trong đó thể hiện những đặc điểm, tính cách của nhân vật. Khi nhà văn đặt tên cho nhân vật tức là đã có ý thức, có quan niệm về con người, nhất là đối với nhân vật
"có vấn đề”. Có thể xem tên nhân vật là một hoán dụ, một ước lệ về chính nhân vật ấy. Ngoài những tên bình thường, những tên Ấn Độ và có những tên chỉ là những ký hiệu dành cho đối tượng của tác giả, còn có thể tìm thấy nhiều điều độc đáo, thú vị qua tên nhân vật của Hồ Anh Thái. Dấu hiệu về tên nhân vật có từ 1990 (trong tập truyện Lũ con hoang, với tên nhân vật nam giới là
60
Mèo Đực hay đi tán tỉnh phụ nữ), nhưng năm 1996 trở lại đây mới rõ nét qua tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế, tập truyện Tự sự 265 ngày, tập truyện Bốn lối vào nhà cười, tiểu thuyết Mười lẻ một đêm và một số truyện ngắn, tiểu thuyết gần đây.
Kiểu đặt tên rất xấu cho nhân vật hay gọi tên nhân vật như những kí hiệu bằng các đặc điểm nổi bật, trước Hồ Anh Thái đã có người làm. Trước đây đã có những Typn, Hoàng Hôn, Văn Minh, ... của Vũ Trọng Phụng ; những Chí Phèo, Thị Nở, Lang Rận, … của Nam Cao; … Đấy đều là những cái tên “có vấn đề”, đều thể hiện quan niệm về con người của nhà văn.
Cái tên không chỉ nhằm tránh những điềm rủi ro, kiêng kỵ mà thường mang một ý nghĩa, một kỳ vọng nào đó của người đặt. Trong văn học cũng vậy, tên nhân vật là một trong những yếu tố làm nên diện mạo nhân vật, nó thường gắn với quan niệm của nhà văn về con người. Marcel Proust nói rằng: “Nếu thượng đế tạo ra các sự vật bằng cách đặt tên cho chúng thì nghệ sĩ tái tạo các sự vật bằng cách tước bỏ tên gọi của chúng hoặc trao cho sự vật cái tên khác” [9, tr.57]. Khảo sát cách đặt tên của Hồ Anh Thái trong nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, chúng tôi thấy anh quả là một “nghệ sĩ” trong lĩnh vực này.
Thời kỳ đầu, tên những nhân vật chính của Hồ Anh Thái rất bình thường, giản dị gắn liền với phẩm chất tốt đẹp con người. Toàn trong Người và xe chạy dưới ánh trăng là một thanh niên luôn có ý thức vươn lên để hoàn thiện mình. Cái tên của anh phải chăng tượng trưng cho sự cầu toàn, đồng thời còn có nghĩa là toàn bích, toàn vẹn về nhân cách mà anh luôn hướng đến. Cũng như thế, các nhân vật như Hòa (Người đàn bà trên đảo) gắn với sự hòa hợp, dung hòa trong cách đối nhân xử thế, trong khả năng điều chỉnh hành vi của mình trước những tình huống đời thường; hay Tân (Trong sương hồng hiện
61
ra)là hình ảnh của thế hệ mới ra đời sau chiến tranh, một thế hệ đầy năng động và khao khát được thấu hiểu, được khám phá những bí ẩn của thế hệ cha ông.
Gần đây Hồ Anh Thái càng chú trọng hơn đến việc đặt tên cho các nhân vật. Những cái tên anh chọn cho nhân vật thường mang dụng ý nghệ thuật nào đó. Không phải ngẫu nhiên mà các nhân vật thiện lại có những cái tên toàn vần bằng nghe rất êm tai như Đông, Miên, Giềng, Hoa, Hùng, Mai Trừng, Duy hay dùng đại từ nhân xưng như “tôi”; còn tên những nhân vật đại diện cho cái ác nghe trúc trắc, khó lọt tai như Cốc, Bóp, Phũ, Thế, hay nhân vật không tên được gọi bằng các đại từ nhân xưng vần trắc như gã, hắn, thị, nó…
Nhưng độc đáo nhất trong cách đặt tên của Hồ Anh Thái vẫn là những cái tên xấu xí, thậm chí cũng chẳng phải tên nữa mà chỉ là các ký hiệu hay số thứ tự. Thực ra, kiểu đặt tên như thế cho nhân vật đã có từ lâu trong văn chương.
Người đọc đã từng nghe đến những cái tên như AQ, cu D của Lỗ Tấn; A…
của Robbe-Grillet; K của Kafka trong văn học nước ngoài; văn chương trong nước thì có Typn, Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng; Thị Nở, Chí Phèo, Lang Rận, Thiên Lôi của Nam Cao đến Quang lùn Fata Mongana, nhà thơ Ph, Hoàng V. H… của Phạm Thị Hoài; những giáo sư Atnhep, giáo sư Déplốp, giáo sư Lômcômxki, Anđrây Xunxoe, bác sĩ Văn Đình Điển, tiến sĩ Mai Thị Dịch của Vũ Bão… Với Hồ Anh Thái, “trò chơi” đặt tên xấu cho nhân vật bắt đầu khá sớm (truyện ngắn Gặp nhau có một lần, viết năm 1990 với cái tên Mèo Đực dành cho một nhân vật nam hay đi tán tỉnh phụ nữ) nhưng phải đến Cõi người rung chuông tận thế mới thực sự rầm rộ.
Trong Cõi người rung chuông tận thế , những cái tên như Phũ, Bóp, Cốc, Thế là những cái tên biểu thị cho sức mạnh của cái ác và quyền lực. Còn Mai Trừng là cái tên biểu thị đúng khả năng phát điện trường trừng phạt cái ác (thể nghiệm lời nguyền của người mẹ trước khi chết). Chắc chắn cách đặt
62
tên như thế để nhấn mạnh thêm bản chất, tính cách của nhân vật.. Thằng Cốc, tên thật là Công nhưng lại gọi như vậy vì: “Cốc đọc chệch đi thì được một cái tên Mỹ – Cock. Cock là con gà trống, vừa có nghĩa là cái vật ngọ nguậy giữa đôi chân một gã trai. Cả hai nghĩa đều đúng với thằng Cốc” [27, tr.2]. Cái tên đã gọi đúng bản chất của Cốc. Bao giờ cũng vậy, cứ “sau chuyện giới tính là sang chuyện tình dục. Cốc không bao giờ ngồi yên với vài câu chuyện khai vị mà không xoay sang chuyện tình dục” [27, tr.2]. Tên thằng Bóp và Phũ cũng tương tự. Tên thật của Bóp là Bắc nhưng vì hay bóp cổ người yêu những lúc lên cơn giận hay cơn ghen nên lũ bạn đặt cho cái tên rất Tây: Bob. Sau này nó lại càng khẳng định ý nghĩa của cái tên ấy trong hành động bóp cổ súc vật để thoả mãn khoái cảm bệnh hoạn của mình. Còn thằng Phũ vốn tên thật là Tạ Đắc Phú, một cái tên để gửi gắm cái chí hướng làm giàu và quyết tâm làm giàu của người cha. Nhưng rồi nó không được gọi bằng cái tên đó nữa, tên Phũ hợp với nó hơn. Nó bắt nguồn từ bản tính phũ phàng đối với phụ nữ, từ típ người “không chịu kè kè bên một đứa con gái quá hai tuần mà không được thám hiểm vùng thềm lục địa bị phong toả” [27, tr.32]. Với những cái tên ấn tượng như vậy, chưa cần phải hiểu rõ về ngoại hình, ngôn ngữ, ta đã hình dung ra được bản chất, nhân cách, lối sống của nhân vật. Rõ ràng cách đặt tên cũng giúp cho nhà văn khắc họa tính cách nhân vật đậm hơn.
Tên nhân vật được sử dụng trong SBC là săn bắt chuột cũng rất thú vị, đó là tên gắn với nghề nghiệp chứ không phải tên trong giấy khai sinh; cô Báo, chú Thơ, Đại gia, Sếp, Cốp… khiến độc giả liên tưởng đến một lớp người thấp cổ bé họng trong xã hội, đó là những người bán hàng rong. Người bán kem đáng tuổi anh, tuổi chú thì được gọi: anh kem ơi, chú kem ơi. Người bán muối đáng tuổi chị tuổi bà thì gọi: chị muối ơi, bà muối ơi. Tương tự như vậy với tất cả các mặt hàng rong, có bao nhiêu thứ hàng rong thì có bấy nhiêu con người bị tước bỏ cái tên khai sinh mà nhận cái tên nghề nghiệp đường
63
phố như vậy. Và rất tự nhiên, người gọi và người được gọi đều chấp nhận cái tên ấy không một mảy may. Giờ đây, bên cạnh lớp người thấp cổ bé họng đó là tầng lớp có địa vị trong xã hội. Họ tự mãn với cái tên gắn với quyền chức.
Cái tên trong giấy khai sinh chỉ để làm những thủ tục hành chính. Kiểu thay tên đổi họ này đã và đang thịnh hành và chắc chắn sẽ còn tồn tại.
Như vậy, tên gọi có vẻ trừu tượng nhưng đạt hiệu quả không hề thua kém việc khắc họa nhân vật qua ngoại hình hay qua ngôn ngữ. Và khả năng tự biểu hiện của những cái tên này rất cao, người đọc đã có thể hình dung được bản chất, đặc điểm nổi bật về tính cách, lối sống mà chưa cần đi sâu vào chi tiết hay hành động của nhân vật. Hồ Anh Thái đã có dụng ý xây dựng nhân vật có tính chất đại diện cho một loại người nào đấy trong xã hội, có sức khái quát rất lớn. Dường như anh muốn xóa nhoà cá tính của từng nhân vật để chỉ ra đặc tính chung của một loại người. Từ đó nhà văn dẫn người đọc đi tới nhận thức về cuộc sống. Đây là một thủ pháp đắc địa được anh sử dụng thành công.
Đó là những con người thiếu bản sắc, dễ hòa tan, sống hời hợt, nhợt nhạt, thể hiện sự nhố nhăng lai tạp, nhiều thói xấu của đời sống hiện đại. Hồ Anh Thái không ngần ngại gọi tên nhân vật bằng những ký hiệu lấy ra từ những đặc điểm thuộc về nghề nghiệp, tuổi tác, chức vụ, chức danh hay ngoại hình và không hề giấu diếm nụ cười hài hước trước thói xấu của con người hiện đại. Cách gọi tên nhân vật kiểu này có tác động lớn bởi nó thực sự đã
"động chạm" đến nhiều con người trong xã hội, đến nhiều người đọc vì có thể thấy bóng dáng mình trong đó. Với tầm bao quát rộng về đời sống, với kiểu gọi tên nhân vật độc đáo đã đem lại một ấn tượng "như thật”, Hồ Anh Thái
"đích thực phải làm người tử tế”, đầy trách nhiệm với cuộc đời.
64
Không chỉ đặt những tên xấu cho nhân vật, trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm ta còn bắt gặp những cái tên chẳng ra tên. Có lẽ cái nhìn đối với hiện thực cuộc sống đã nhuốm màu sắc hài hước cũng như quan niệm khác trước về vai trò của nhân vật nên nhà văn càng không xem trọng việc đặt cho chúng những cái tên hay. Không ngần ngại, Hồ Anh Thái đã trao cho nhân vật của mình những cái tên như những ký hiệu lấy ra từ đặc điểm về nghề nghiệp, chức vụ, ngoại hình, sở thích… của chúng. Đó là họa Sĩ Chuối Hột, Bà Mẹ, cô Mơ Khô, giáo sư Một (Xí), giáo sư Hai (Khỏa), Người Đàn Ông, vị Cứu Tinh Sành Điệu, ông Víp, thằng Cá, bà Chín Yến (Cá Voi), Mađam… Những cái tên có vẻ không hợp với tập quán của người Việt ta nhưng chúng lại có sức thể hiện dụng ý của tác giả khi xây dựng nhân vật. Nó nhấn mạnh những nét tính cách khác thường của các nhân vật đang đại diện cho đủ loại người trong xã hội. Qua chúng“người đọc cảm nhận được bóng dáng của “người Việt xấu xí” trải dài trên nhiều loại, từ bình dân đến trí thức; trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, báo chí, và chủ yếu là văn hoá nghệ thuật với cả điện ảnh, ca nhạc, hội hoạ, thời trang…, trên nhiều lứa tuổi, có trẻ có già” [37]. Hai giáo sư Khỏa và Xí (còn gọi là giáo sư Một và Hai) đại diện cho những nét nghịch dị của giới trí thức trong Mười lẻ một đêm. Tên hai ông giáo sư này lúc nào cũng gắn liền nhau như cặp bài trùng để làm nên những giai thoại nực cười kiểu như: giáo sư Xí gọi giáo sư Khỏa đi họp đột xuất nhưng không gặp.
Ông ta đã viết lên bảng lời nhắn: “Khoả thân đến ngay nhà Xí để họp. Nhớ mang theo giấy… Toàn tổ sẽ họp ở nhà Xí lúc 9 giờ” [28, tr.25]. Không ai khác, chính nhân vật đã tự lột trần mình trước thiên hạ bằng tên mình. Còn họa sĩ Chuối Hột (hoặc họa sĩ Trồng Cây Chuối) có tên như vậy vì gắn với sở thích nghịch dị của anh ta là ở truồng... Nhìn chung tên của những nhân vật kiểu này đều có khả năng tự biểu hiện rất cao.
65
Nhà tiểu thuyết Mới A. Robbe Grillet cho rằng: “Tại sao lại cứ cố đi khám phá ra một cá nhân tên là gì trong một tiểu thuyết không nói đến vấn đề đó (kinh nghiệm sống)? Chúng ta ngày nào chẳng gặp những người mà chúng ta không hề quen biết tên của họ và chúng ta có thể nói chuyện suốt buổi tối với một người không quen biết trong khi chúng ta thậm chí không mảy may chú ý tới lời giới thiệu của nữ chủ nhân” [24]. Một nhân vật trong vở bi kịch Rômêo và Giuliet (Sêcxpia) cũng nói: “Cái tên nào có là gì? Bông hồng kia, giá gọi bằng một cái tên khác, thì hương thơm cũng vẫn ngạt ngào”. Có vẻ như Hồ Anh Thái đã không gặp gỡ quan điểm của họ. Nhưng những nhân vật của anh sẽ mang một màu sắc khác nếu tên chúng không điểm trúng huyệt tính cách “người Việt xấu xí”. Đằng sau những cái tên đó là những con người lố lăng, kệch cỡm, mang bộ mặt của xã hội hiện đại: nhố nhăng, phức tạp, lộn xộn. Chắc chắn kiểu đặt tên nhân vật như vậy của nhà văn này sẽ làm cho nhiều người cảm thấy bị “chạm nọc”. Nhưng đây lại là cách làm của một nhà văn chân chính, luôn trăn trở trước cuộc đời. Bằng cách này, nhà văn đã giúp con người tỉnh táo nhìn lại mình để tự điều chỉnh.