Chương 2: CÁC LOẠI HÌNH NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT HỒ
2.4. Nhân vật hướng thiện
Lòng hướng thiện là cầu nối giữa người với người trong các mối quan hệ xã hội. Lòng hướng thiện giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về cuộc sống xã hội, với những mối quan hệ xã hội diễn ra muôn màu muôn vẻ hằng ngày quanh ta. Lòng hướng thiện giúp ta tự điều chỉnh hành động của bản thân theo chiều hướng tích cực nhất, để có thể sống ngày càng tốt .
Hướng thiện giúp chúng ta có cơ sở vững chắc để nhìn nhận, phân biệt hành vi của người khác là tốt hay xấu, là đúng hay sai.
Hồ Anh Thái có cái nhìn nhân văn thấm đẫm chất trữ tình trẻ trung. Vẻ đẹp tâm hồn con người được khai thác ở nhiều góc độ mang đến cho người đọc sự ấm áp của tình người và niềm tin trong cuộc sống. Trong các truyện ngắn và tiểu thuyết, ông tập trung miêu tả quá trình biến đổi trong nhận thức của những chàng trai đang ở độ tuổi trưởng thành. Họ đều là những thanh niên mới lớn, bướng bỉnh và có cá tính. Họ khát khao cái đẹp và có khát vọng hoàn thiện mình.
Các nhân vật trong tác phẩm của Hồ Anh Thái luôn được đặt trong những tình huống để bộc lộ bản chất đến tận cùng qua sự trải nghiệm của bản thân, để từ đó mà nhân vật thức tỉnh ra lẽ phải trái, đúng sai… Hồ Anh Thái đã xây dựng trong tác phẩm của mình các mẫu nhân cách hoàn thiện để cho những người đang khao khát hoàn thiện soi vào đó. Con người hướng thiện là một điểm sáng của tiểu thuyết Hồ Anh Thái.
Nhân vật “chị” trong Mười lẻ một đêm là tiêu biểu cho kiểu con người này. Ngay từ khi còn là một cô sinh viên, “chị đã luôn nghĩ mình là con nhà lá ngọc cành vàng. Mình thuộc đẳng cấp trên. Bước đi không bao giờ bước
46
thật dài. Bao giờ cũng khoan thai. Đi đứng thẳng thẳn, đầu hơi ngẩng cao kiêu hãnh. Không lê dép quèn quẹt gõ giầy bình bịch , nhưng cũng không nhấc chân quá cao….Nói năng luôn từ tốn, luôn giữ không nói liếng thoắng lanh chanh bộp chộp hồ đồ…Từ trong lòng, cô luôn thương cảm cho những người bình dân như mẹ mình, như cô bạn gái gốc quê… Ta không xa cách quá để người ta oán mình kênh kiệu, người ta e dè…” [28, tr.70]. Chỉ với những cử chỉ, suy nghĩ đó, cho thấy chị là một con người luôn muốn hoàn thiện mình nhưng song song với điều đó chị lại có một ý thức trách nhiệm cao, chị luôn suy nghĩ cho người khác… “Cô xung phong một mình đi bắt quả tang nhà văn hóa lớn đái bậy trong khu vực phường…” [28, tr.67]
Theo hành trình của chị từ quá khứ đến hiện tại ta thấy đây là một quá trình hướng thiện vô cùng gian nan, đầy chông gai, vất vả. Chị phải chứng kiến cảnh người mẹ mà chị rất mực thương yêu lại đi quan hệ với người này đến người khác. Lòng chị quặn thắt như hàng ngàn mũi dao đâm vào tim gan chị. Có lần chị cũng đã oán hận mẹ, nhưng với tấm lòng nhân từ chị đã lại bỏ qua cho mẹ và vẫn dang rộng vòng tay đón mẹ trở về… “Lâu lâu mẹ lại sa vào tình yêu mới, lại rạc người đi ăn đi chơi đi nhảy nhót. Lại đi qua đêm.
Con gái ở nhà bồn chồn ra ngóng vào trông. Chong đèn thức đợi mẹ về mở cửa lúc nửa đêm…Sai thì sửa. Lỡ bước sa chân, thất thểu quay về trong thất bại đắng cay. Con gái lại mở rộng vòng tay bao dung ra đón mẹ trở về. An ủi khuyên giải cho nguôi dần đi…Trong gia đình vị trí mẹ con luôn đảo ngược.
Con gái luôn nghiêm túc chín chắn bao dung. Bà mẹ luôn tươi trẻ hiếu động nông nổi lầm lỡ…” [28, tr.15]. Người con giờ đây như đảm nhận vai trò của người mẹ. Mặc dù trải qua những khó khăn, tủi nhục nhưng chị luôn cố gắng hoàn thiện mình, luôn từng bước đem lại cho những người mà mình thương yêu được vui vẻ, hạnh phúc…Qua hành động trả lại quà của những người cấp dưới đem tới biếu cho chồng, ta thấy rõ bản chất đích thực trong con người
47
chị. Bởi chị không muốn chồng mình lại sa vào con đường tội lỗi do đồng tiền mang lại… “Sau đó chị gọi điện thoại cho hiệu trưởng trường trẻ em khuyết tật. Nhân dịp năm hết tết đến ông Vip có quà cho các cháu. Một giàn karaoke.
Mấy cành đào cho các cháu trang trí hái hoa điều ước đầu xuân…” [28, tr.72]. Hướng thiện là ở đó, một hành động rất cao thượng, làm rung động lòng người. Nhưng điều đáng nói ở chị là việc chị chăm sóc thằng Cá – con riêng của chồng. Một đứa bé tật nguyền, chị yêu nó bằng tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ dành cho con mình… “Chị cuống cuồng gọi xe đưa thằng Cá đi bệnh viện… Chậm quá. Sao mà chậm quá. Xe bò lê mãi mới đến được bệnh viện…Ba đêm liền chị ở bên thằng Cá. Đêm thứ chín. Đêm thứ mười. Đêm thứ mười một. Thường xuyên cả ban ngày…Năm năm trời lấy ông Víp, chị đã kể cho nó cả nghìn lẻ một đêm. Bây giờ phải kể thêm ba đêm nữa…” [28, tr.74]. Trạng thái bồn chồn lo lắng đó của chị cho thấy chị đã dành hết tình yêu thương cho thằng Cá. Một tình yêu thiêng liêng, sâu kín, thầm lặng, đem lại cho ta một sự xúc động, ngưỡng mộ sâu sắc.
Nhà văn thường gửi những ngẫm suy về cuộc sống qua các nhân vật, đặc biệt là nhân vật người đàn bà : "Từ lúc nào chị đã từ bỏ ý nghĩ sửa sang thế giới. Người ta phải sửa sang chính mình cho phù hợp với thế giới" [28, tr.60].
Đó là sự thức nhận về chân lí của một thời đại. Một thời gian dài con người ảo tưởng về khả năng vần xoay vũ trụ, khả năng lay chuyển thế giới, cả xã hội đều là những anh hùng, vĩ nhân.
Một vấn đề cũng khá nhạy cảm được Hồ Anh Thái đề cập đến trong tác phẩm của mình, đó là bi kịch của con người, đặc biệt là người phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống mới sau chiến tranh và cụ thể hơn là cuộc sống hiện tại với những phức tạp của xã hội hiện đại. Hồ Anh Thái viết trong Mảnh vỡ của đàn ông: “Người đàn bà góa là mảnh vỡ của người đàn ông đã mất. Người thì cam chịu số kiếp của một mảnh vỡ, âm thầm nơi riêng khuất, dù vẫn dai
48
dẳng một ước mong tìm được những mảnh vỡ khác để hàn gắn lại. Người thì làm mảnh vỡ lăn lê ra đường đi lối lại mà đâm mà cứa vào những bàn chân may mắn, trả thù cho số phận hẩm hiu của mình”. Số phận của người phụ nữ đầy trái ngang, nghiệt ngã, đau thương nhưng chính vì lẽ đó mà chị càng muốn hoàn thiện mình hơn. Chị đã ý thức được những mặt xấu của xã hội đang dần ngự trị, chiếm lĩnh và làm phai nhòa đi những phẩm chất tốt đẹp từ ngàn xưa. Do đó, chị càng nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xua tan những cái xấu xa, đen tối đang còn hiện hữu ở khắp mọi nơi trong nhịp sống hối hả này...
“Thời gian trước khi lấy chồng, chị tích cực công tác xã hội. Vụ bắt được nhà văn hóa lớn kí vào biên bản tăng thêm uy tín cho cô gái… Cô đi dạo như một hình thức thể dục. Ban đầu thì thế. Nhưng dần lại kèm việc ngó nghiêng quan sát của nhà hoạt động xã hội. Chỗ nào ống cống bị ăn cắp, cái miệng hở hoác làm người đi đường có nguy cơ sa chân…Nhưng những người như cô thì không chịu. Nhắc nhở. Nhắc nhở không được thì mai phục bắt quả tang lập biên bản… Cô làm những việc ấy, có chút ái ngại cho đám chúng sinh lầm lũi đất cát. Thương hại. Như một người bề trên giữ cho mình quyền phán xử đúng sai sạch bẩn…” [28, tr.69].Tất cả những việc làm đó không phải chị làm cho riêng mình mà là cho tất cả mọi người. Chị muốn xã hội này không còn bất công, không còn những tệ nạn đang len lỏi vào trong mỗi một con người.
Trong Đức phật, Nàng Savitri và tôi, một nàng công chúa xứ Ấn Độ cổ đại, một thiếu nữ hoàng tộc nổi loạn, bỗng chốc trở thành tội nhân bị truy nã.
Một vị hoàng tử rời bỏ ngai vàng đi tu hành năm hai chín tuổi, sau trở thành Đấng Giác Ngộ từ bi. Hai con người quá khác biệt với hai cuộc đời mãi mãi là hai đường thẳng song song, rất gần nhau mà chẳng bao giờ hợp lại.
Chỉ đọc thoáng qua phần tóm tắt nội dung, ta có thể dễ dàng đoán ra ngay điều ấy. Mối tình công chúa Savitri dành cho Đức Phật, hoàng tử Siddhattha của nàng, chẳng may mắn gì hơn mối tình nàng Meggie dành cho
49
cha Ralph trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen McCullough.
Với Savitri, đó là mối tình hoàn toàn vô vọng mà nàng ấp ủ từ lúc bốn tuổi đến tận khi bạc đầu. Đó cũng là niềm khao khát sâu thẳm trong người phụ nữ đầy đam mê mà chỉ đến lúc người yêu ra đi vĩnh viễn, nàng mới đạt được.
"Giờ thì ta đã được tự tay múc nước tắm cho chàng. Lần duy nhất. Ta đã đi đến tận cùng thỏa nguyện" [29, tr.240]
Có gì đó thật khác với tình yêu của Meggie. Thật lạ. Một người phụ nữ phương Tây bình thường yêu say đắm một linh mục và chỉ tìm thấy đam mê nơi người đàn ông ấy. Một người đàn bà phương Đông xuất thân cao quý yêu một hoàng tử - dẫu chàng có trở thành bậc tu hành hay Đấng Giác Ngộ thì với nàng, chàng vẫn chỉ là hoàng tử - lấp đầy niềm đam mê của mình bằng những người đàn ông khác. Nàng Meggie lặng thầm mà ranh mãnh đã có được một đứa con với người yêu, nhưng cuối cùng lại phải chứng kiến đứa con ấy nối bước cha, hiến dâng tình yêu cho Chúa, rồi vĩnh viễn về với Chúa giữa tuổi thanh xuân. Nàng Savitri đáo để mà bao dung lần lượt chứng kiến những người đàn ông trong đời mình ra đi, mãi đến cuối đời mới được chạm vào người mình yêu. Và nếu Meggie cay đắng với nỗi thất bại trước Chúa, thì Savitri hoàn toàn mãn nguyện.
Phải chăng vì Savitri, người con gái bướng bỉnh mãnh liệt ấy, thật sự biết mình muốn gì. Nàng biết nàng muốn lấy Siddhattha từ lần đầu thấy chàng năm nàng lên bốn. Nàng biết nàng muốn đội lại lên đầu chàng chiếc khăn xếp mà chàng tặng nàng trong ngày chàng kén vợ. Nàng biết nàng muốn tận hưởng cuộc đời, và từng trải mọi ái ân, dù tình yêu nàng vẫn chỉ dành cho Siddhattha. Nàng biết nàng muốn giành lại người đàn ông của mình... Cuộc đời nàng trôi qua không đạt được những ước mong ấy. Nhưng nàng luôn hy vọng, đến tận giờ phút cuối cùng, nàng vẫn muốn... một mong muốn nhỏ nhoi nhất... và nàng mãn nguyện.
50
Phải chăng vì đằng sau tất cả những liều lĩnh, ngang ngạnh, cứng cỏi, ma mãnh và một chút tàn nhẫn, là con người thật của Savitri, bình thản, chịu đựng, âu yếm, bao dung. Con người ấy đã gạt đi oán thù chất chứa với người thầy độc ác - kẻ đã đẩy nàng vào cuộc hôn nhân éo le, cái chết hụt trên giàn lửa và thân phận lưu vong suốt năm mươi năm - tự mình tổ chức tang lễ cho ông ta khi ông ta chết trong cô độc. Con người ấy đã vượt qua ngày tháng gian nan và bất trắc bằng những cuộc tình vô tư lự, những niềm vui trần thế.
Con người ấy đã dành tặng món quà cuối cùng của mình cho người yêu, dù rằng đem tặng tức là mặc nhiên thừa nhận việc chàng xa lánh cõi tục mà đi tu.
"Ta lại chưa bao giờ muốn thừa nhận. Thừa nhận, có khác gì ta mất hẳn chàng cho chính pháp của chàng vậy" [29, tr.230]
Đến tận kiếp sau, Savitri vẫn nhớ mong và nuôi hy vọng ở bên người ấy, khi trở thành một "người kể chuyện đời Phật". Một tình yêu vượt qua kiếp luân hồi, trớ trêu thay, lại dành cho một người đã thoát khỏi vòng sinh tử.
Savitri. Cái tên huyền thoại. Nàng công chúa đuổi theo thần Chết để giành lại sinh mạng chồng mình. Không như bà mẹ trong câu chuyện Một bà mẹ của Andersen, nàng đã thành công. Nàng công chúa có số phận khác thường và tình yêu khác thường, song hành cùng cuộc đời Đức Phật. Không như Meggie trong Tiếng chim hót trong bụi mận gai, dẫu không đạt được khát vọng, nàng vẫn toại nguyện, nghĩa là đã thành công.
Hồ Anh Thái đã cho ta thấy rằng, trong cuộc sống, ai cũng có thể mắc sai lầm, có những sai lầm nghiêm trọng, có những sai lầm dẫn đến chết người, khó có thể tránh được, điều quan trọng là phải biết đối diện với những sai lầm ấy, cá nhân ý thức được để sửa chữa, vươn lên mới đáng quý, đáng trân trọng.
51
Và có lẽ chỉ có tình yêu thương con người và sự thức tỉnh của con người mới có thể hóa giải, diệt trừ tận gốc cái ác, xây dựng cái thiện. Ngay chính bản thân nhà văn cũng tâm niệm về tác phẩm của mình: “Kẻ làm ác ở đây bị tiêu diệt bằng chính điều ác mà chúng định gây ra cho người lương thiện, một thứ hình phạt tự thân. Nhưng cõi người cũng bao dung lắm.” [26]
Nhân vật Đông – nhân vật xưng “Tôi” trong Cõi người rung chuông tận thế là một người bị sa ngã và đồng phạm với cái ác. Nhưng phần chủ yếu của tiểu thuyết là hành trình sám hối, hành trình hướng thiện của nhân vật xưng tôi, góp phần làm nên “tiếng chuông cảnh báo” của tác giả.
Nhân vật “Tôi” ban đầu cũng đồng lõa với cái ác, quyết tâm tìm cô gái trẻ Mai Trừng để trả thù cho ba anh chàng Cốc, Bóp, Phũ. Không ngờ, quá trình tìm kiếm ấy lại là một quá trình hướng thiện. Anh ta nhận thức được cái ác, thấu hiểu giá trị của cuộc sống và nỗi đau của con người, sẻ chia với Mai Trừng cái sứ mệnh thiêng liêng đi trừng trị cái ác trong cõi đời này. Và có lẽ chỉ có tình yêu thương con người và sự thức tỉnh của con người mới có thể hóa giải, diệt trừ tận gốc cái ác, xây dựng cái thiện.
Thực ra thì cốt truyện của Cõi người rung chuông tận thế khá giản dị.
Một câu chuyện báo thù của ngày hôm nay. Ngoài nhân vật Tôi trong chuyện, có ba chàng trai đều bị chết (kiểu đột tử) chỉ vì dính dáng yêu đương với một cô gái mang tên Mai Trừng. Nhân vật Tôi cảm thấy rằng mình đã chứng kiến ba cái chết kia, và mình cũng có biết Mai Trừng, nên có thể mình sẽ là người cuối cùng phải chết. Cuộc tìm kiếm Mai Trừng khiến nhân vật Tôi vỡ lẽ sự thật, hiểu rõ Mai Trừng và nguyên nhân cái chết của ba nhân vật thanh niên.
Nhân vật Tôi đã cùng Mai Trừng lội ngược dòng về quá khứ chiến tranh của bố mẹ Mai Trừng, xin "giải thiêng" lời nguyền mà bố mẹ cô đã ám vào số phận của cô: đó là những người đàn ông cứ yêu cô thì phải nhận lấy cái chết.
52
Quả là một câu chuyện huyền hoặc, nhưng tuyệt nhiên không phải là kết quả vay mượn kiểu viết tiểu thuyết "huyền ảo Mỹ Latinh" như có người nhận xét, mà là một câu chuyện phảng phất màu sắc huyền thoại của tâm linh phương Ðông, mà trong đó, tác giả đã tinh tế phát hiện theo cách riêng một thông điệp: ác giả thì ác báo.
Vì thế, nửa đầu cuốn tiểu thuyết, nhà văn Hồ Anh Thái tuân thủ một kiểu tả thực phương Tây trong cách kể chuyện. Nếu tạm gọi kiểu này là kiểu
"gọi sự vật bằng tên của nó", thì chúng ta có được chân dung của ba chàng thanh niên thời đại khá điển hình. Ðể nhấn mạnh sự điển hình này, nhà văn Hồ Anh Thái đã chọn một điểm nhìn tiểu thuyết độc đáo: tất cả những cái chết đã diễn ra trước mắt cái Tôi và được suy nghĩ từ cái Tôi. Và đây là một cái Tôi phân thân: nó vừa tham gia vào câu chuyện, vừa là một trong bốn người đàn ông có quan hệ với Mai Trừng, nhưng chỉ theo kiểu tinh thần, kiểu
"platonic", lại vừa là cái tôi tiểu thuyết, suy ngẫm triền miên, can thiệp bằng thái độ riêng của mình về tất cả những gì đang xảy ra trong Cõi người rung chuông tận thế. Vì thế, thông điệp của tác giả về cái ác trở nên dày dặn ý nghĩa. Không chỉ là câu chuyện ác giả ác báo của phương Ðông đầy chất nhân quả nữa, mà cái ác được đẩy lên thành một biểu tượng chính, luôn có mặt trong cõi người. Cái ác không chỉ nảy sinh trong chiến tranh, mang bộ mặt dễ nhận thấy của chiến tranh, mà nó còn sinh sôi nảy nở bạo tợn sau hòa bình, thậm chí mang bộ mặt trẻ trung của tình yêu lứa đôi, hay là của những dục vọng trẻ trai.
Lãnh sứ mệnh trừng phạt cái ác từ khi lọt lòng, bởi ra đời từ hai cái chết của hai người lính (cha và mẹ) ngay ở chiến trường, việc trả thù của Mai Trừng thật kinh khủng với chính cô, bởi chính cô cũng không thể ý thức được, rằng, hễ cứ ai dính vào cô, thì bị coi là tội ác, và phải chết. Người cô yêu cũng thế.