Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
3.4. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ nhân vật
3.4.2. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật trong tiểu thuyết
Bên cạnh đối thoại, độc thoại nội tâm cũng đóng vai trò chủ yếu trong phương thức trần thuật của tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm trở thành thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả trong quá trình tự ý thức của nhân vật, đi sâu vào thế giới bên trong đầy bí ẩn của nhân vật. Thông qua độc thoại nội tâm, các nhà văn mới nhận ra con người là những “vòng sóng đến vô cùng”, bề mặt tưởng như phẳng lặng nhưng lại ẩn chìm biết bao những “sóng ở đáy sông”. Và thông qua độc thoại nội tâm những suy tư, trăn trở, những cảm xúc, uẩn khúc của nhân vật - điều mà không ai có thể biết, có thể hiểu và chia sẻ dần được phơi lộ. Theo Bakhtin, “Ở con người bao giờ cũng có một cái gì mà chỉ bản thân nó mới có thể khám phá bằng hành động tự do của sự tự ý thức và của lời nói, điều này không thể xác định được từ bên ngoài, từ sau lưng con người”. Độc thoại nội tâm là tiếng nói cất lên, vọng lên từ chính nội tâm nhân vật, là những âm hưởng của cảm xúc được dội lên từ bên trong.
Trong Cõi người rung chuông tận thế, khẳng định sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, khẳng định giá trị của sự sám hối, giác ngộ của con
77
người.. Hồ Anh Thái đã để nhân vật tôi nhiều lần độc thoại nội tâm để tự vấn lương tâm, để quay lại với cái thiện còn lại trong con người
“Việc đầu tiên là tôi phải ném viên thuốc độc đi, nhưng một thứ thuốc độc cực mạnh như thế biết ném đi đâu? Người theo đạo Lửa không dám chôn tử thi vì sợ ô uế đất, không dám hỏa táng vì sợ làm ô uế lửa, không dám thả xuống nước vì sợ làm ô uế nước. Viên độc dược đối với tôi bây giờ cũng thế.
Không thể ném xuống hồ nước. Không thể chôn xuống đất, chẳng may có con chó con mèo nào bới lên. Không thể vứt vào bãi rác, nhỡ có đứa trẻ nào đi kiếm tìm trong rác thải. Tôi loay hoay mãi, cuối cùng chọn cách ném viên thuốc xuống cống. Con người vẫn quen ném xuống cống tất cả những thứ bẩn thỉu, độc hại, thậm chí cả những thứ làm cống rãnh không lưu thông được.
Không còn viên thuốc độc nữa. Việc cùng lúc tôi phải làm là thanh lọc cái tâm hồn tội lỗi của mình. Từ giờ trở đi tôi sẽ không được phép nghĩ ác về Mai Trừng. Một điều ác người ta định làm cho cô, dù chỉ trong tâm tưởng, cũng sẽ rơi trở lại xuống đầu người đó.
Tôi thắp hương sám hối. Tôi cầu mong cho cô luôn gặp may mắn”. [27, tr.69]
Trong Cõi người rung chuông tận thế, Hồ Anh Thái đã sử dụng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao khi để cho nhân vật tự độc thoại. Nguyễn Thị Minh Thái đã có một xét rất tinh tế: “Thoạt đầu, có vẻ như cuốn tiểu thuyết được viết với một tinh thần duy lý, phảng phất “dòng ý thức” của tư duy tiểu thuyết phương Tây. Càng đọc, càng thấy chất phương Tây duy lý đi dần, dịch chuyển tinh tế về phía của phương Đông đẫm đầy tình cảm”. Xét ở góc độ ngôn ngữ tiểu thuyết, mới thoạt đọc, có cảm giác đây là ngôn ngữ sự kiện, văn phong thông tấn, nhưng càng về sau, càng thấy văn chương của Hồ
78
Anh Thái thấm đẫm chất phương Đông, hồn văn hóa dân tộc. Lời ăn tiếng nói dân gian đi vào văn chương một cách tự nhiên:; “Chị xin lạy sống em, chị biết tội của chị rồi, ác giả ác báo, từ nay chị không dám làm gì xấu cho em nữa, em hãy rộng lòng tha thứ” [27, tr.159]; “Nhà dột từ nóc dột xuống. Gã uất vì dòng giống mình nảy nòi ra một thứ ngợm vô luân như thế” [27, tr.166]);
“Nhân nào quả ấy, em gieo gió thì phải gặt bão. Thằng Phũ và hai đứa bạn nó cũng vậy thôi” [27, tr.192]
Ngôn ngữ độc thoại nội tâm cũng là thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, đậm suy tư và chất chứa tâm trạng, nỗi buồn của nhân vật. Ngôn ngữ nội tâm được bố trí một cách đứt quãng, lộn xộn, tương ứng với dòng tâm tư, suy nghĩ của nhân vật, bộc lộ những mong manh, hư ảo, những khao khát mong ước của nhân vật
Savitri trong Đức Phật nàng Savitri và tôi với nghệ thuật ái ân đã đưa đức vua vào một vòng xoáy không có lối thoát. Ta nhìn thấy đâu đó trong hành động ấy có chút gì đó như sự chống đối, trả thù đời của nhân vật được thể hiện qua việc độc thoại nội tâm: "Ta sẽ làm cho vị vua này lăn lóc trong chăn gối hoàng cung". [29, tr.119]
Nhưng cuộc đời là một dấu chấm hỏi lớn, không ai có thể biết được một chàng công tử ăn chơi bốc giời như Yasa sau này đã quy y của Phật.
Chàng ra đi một cách nhẹ nhàng, trút bỏ hết những gì trần tục nhất để đi tìm sự yên bình trong đời sống tâm linh. Savitri bất lực để chàng ra đi nhưng trong lòng vẫn không nguôi ý muốn kéo chàng về với đời sống trần tục:
"Chàng không kịp thốt lên lời nào nữa. Không kịp chống cự.Ta lôi tuột chàng đi. Ta ôm ngang người chàng và đẩy đi. Mưa chảy ròng ròng làm áo dính vào da thịt. Thân thể chàng nóng bỏng rùng rùng. Cả hai người đổ ập vào am cỏ.
Chàng hoàn toàn thụ động, hoàn toàn bị ta cuốn đi" [29, tr.275]. Một người
79
phụ nữ nóng bỏng, sẵn sàng làm tất cả để đạt được điều mình mong muốn.
Mặc kệ giáo pháp. Mặc kệ tất cả. Nàng chỉ biết những điều tồn tại trước mắt mình và không sao kìm nén được khi dục vọng tìm tới. Đối với Savitri thì
"Sau mỗi biến cố đầy uất hận và nước mắt, ta lại chọn ngay cho mình một cuộc sống nhung lụa và đầy ắp lạc thú. Lạc thú đem đến tiếng cười. Tiếng cười xóa đi đau khổ. Khổ nhiều nhưng ta không biết khổ. Ta chỉ rướn tới lao tới đâm sầm tới dục lạc. Quên. Và hưởng. Càng nhiều càng tốt" [29, tr.250].
Tình dục ở đây như một phương thức hóa giải mâu thuẫn.
Khi Yasa và Raja lần lượt bỏ nàng lại để tìm đến với cuộc đời thoát tục, đối mặt với Siddhattha nàng mới nhận ra rằng: "Ta bất chợt nhận ra một điều lâu nay đắm chìm không nhận ra. Yasa là dục vọng nhất thời của ta trên con đường tìm kiếm hoàng tử Siddhattha. Một là miếng tạm bợ cho đỡ đói lòng.
Một là khao khát bền bỉ hằng mong đạt tới" [29, tr.235]. Savitri với một tình yêu thiết tha, rạo rực với hoàng tử Siddhattha đã trải qua một thời gian dài cho đến cuối đời nhưng rốt cuộc đó chỉ là tình yêu trong tâm tưởng. Nàng không chấp nhận tôn giáo này bởi lẽ: "Tôn giáo mới này ta sẵn sàng đón nhận nếu như nó không xâm phạm đến cuộc đời dục lạc của ta. Tôn giáo này chỉ vừa mới đến đã lập tức cướp đi của ta hai người đàn ông. Một là xác thịt. Một trong mộng tưởng. Làm sao ta đón nhận nó được" [29, tr.239]. Mặc dù vậy nhưng vào thời điểm Đức Phật sắp nhập diệt, nàng đã dâng tặng Phật món quà cuối cùng là một mảnh vườn để giáo hội làm nơi tu học vào mùa mưa. Như vậy "Đem tặng tức là mặc nhiên thừa nhận việc chàng xa lánh cõi tục mà đi tu. Ta lại chưa bao giờ muốn thừa nhận. Thừa nhận, có khác gì ta mất hẳn chàng cho chính pháp của chàng vậy" [29, tr.423]. Mặc dù nói không muốn thừa nhận, mặc dù lòng kiêu hãnh khiến nàng cố chấp nhưng thực ra nàng đã thừa nhận điều đó từ lâu
80
Hay câu hỏi của nhân vật người đàn bà (chị) trong tác phẩm Mười lẻ một đêm “ nhưng thực tế hơn có phải là bằng lòng với thế giới sẵn có? Và chấp nhận?” [28, tr.60] như là khoảng lặng suy ngẫm. Dù đã tự thừa nhận sự bất lực của mình nhưng trong thâm tâm vẫn luôn trở trăn suy ngẫm. Câu hỏi không chỉ là sự tự vấn mà còn là sự mời gọi câu trả lời trong lòng người đọc.
Sự mời gọi tham dự ấy như là điểm tựa của tác phẩm. Dù sao thì giữa cuộc sống vận hành đảo điên của mọi giá trị này, con người vẫn tỉnh táo để nhận ra bản chất thực của nó, hoài nghi về những giá trị ảo để thức nhận về mình.
Hồ Anh Thái là tác giả của hơn ba chục đầu sách gồm cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Anh nguyên là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, hiện là Phó đại sứ Việt Nam tại Iran. Giữ nhiều trọng trách, tuổi cũng ngoài 50, nhưng những câu chữ của Hồ Anh Thái cho thấy anh trẻ rất dai. Lối viết tưng tửng, ngôn từ của cuộc sống thường nhật cứ cuồn cuộn chảy vào văn Hồ Anh Thái.
Câu chữ tung tẩy. Tiếng lóng đường phố, giễu nhại dân gian và cười cợt chữ nghĩa cùng lúc có mặt như tình cờ, nhưng san sát bên nhau như thể cùng hội cùng thuyền. Cái mới là ở chỗ, các nội hàm ý nghĩa ấy được sử dụng như những chữ cái để tạo thành từ, thành câu, thành đoạn văn. Chúng nối vào nhau, nương vào nhau, cùng ùa vào một tình huống cụ thể, co kéo, xô đẩy, dệt thành bức tranh ghép nhiều màu nhiều tầng.
Nhà văn Hồ Anh Thái đã sử dụng hầu hết các hệ lời trong xã hội để đưa vào tác phẩm: ngôn ngữ văn chương, ngôn ngữ thị dân, ngôn ngữ chuyên ngành, ngôn ngữ Việt và cả tiếng Anh được Việt hóa. Điều đáng chú ý là trong các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái ngôn ngữ đời sống , ngôn ngữ thị dân chiếm vị trí áp đảo các ngôn ngữ khác. Đó là phương cách giễu nhại và đồng thời cũng phản ánh thực trạng của một bộ phận con người trong thời hiện đại, thể hiện cách nhìn nhận đánh giá của nhà văn về con người, không đánh giá qua vị trí văn hóa trong xã hội mà qua bản chất văn hóa.
81
Trên đây là những biện pháp chung nhất trong việc xây dựng nhân vật.
Ngoài những biện pháp trên, nhà văn còn có thể khắc họa nhân vật thông qua việc đánh giá của các nhân vật khác trong tác phẩm, thông qua việc mô tả đồ dùng, nhà cửa, môi trường xã hội, thiên nhiên...mà nhân vật sinh sống.
Việc phân biệt các biện pháp xây dựng nhân vật như trên chỉ có tính chất tương đối. Trong thực tế, các biện pháp này nhiều khi không tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì vậy, nhiều khi rất khó chỉ ra các biện pháp xây dựng nhân vật dưới một hình thức thuần túy và độc lập. Việc tách biệt các biện pháp xây dựng nhân vật cũng chỉ là nhằm mục đích hiểu một cách đầy đủ và chính xác về nhân vật trong tác phẩm văn học mà cụ thể ở đây là nhân vật trong một số tiểu thuyết của Hồ Anh Thái.
82