Chương 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM SÁNG TẠO Ở CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC HUYỆN THỦY NGUYÊN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
2.5. Khái quát thực trạng các yếu tố ảnh hưởng và thực trạng quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo
2.5.1. Mức độ ảnh hưởng của một số yếu tố đến quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở các trường tiểu học huyện Thủy Nguyên
2.5.1.1. Công tác chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên
Hiện nay việc triển khai tổ chức các HĐTNST trong trường tiểu học là một vấn đề mới chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể nên các trường cũng gặp một số khó khăn trong thực hiện. Các nhà trường đang linh hoạt vận dụng các văn bản về tổ chức các HĐNGLL, tổ chức giáo dục KNS cho HS và các kế hoạch thực
hiện các chuyên đề ngoại khóa. Trong dạy học đang thực hiện theo các PP dạy học tích cực, dạy học mô hình VNEN... HS được tham gia vào các HĐTNST.
Phòng GD&ĐT huyện Thủy Nguyên căn cứ vào các văn bản trên của các cấp, hướng dẫn các trường thực hiện theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, coi trọng yếu tố thực hành. Các trường tiểu học huyện Thủy Nguyên cũng đã đang vận dụng theo hướng linh hoạt các HĐTNST từ các văn bản trên.
2.5.1.2. Trình độ năng lực đội ngũ cán bộ quản lý
Trình độ chuyên môn : 100% CBQL có trình độ chuyên môn trên chuẩn.
100% đều có chứng chỉ QLGD, quản lý hành chính nhà nước. 100% đều đã hoàn thành lớp trung cấp lý luận chính trị. Như vậy hầu hết CBQL đã ý thức được việc học tập nâng cao nghiệp vụ, song mới chỉ đạt ở trình độ chuyên môn đại học và các chứng chỉ QLGD. Cần phải có hình thức khuyến khích để CBQL tiếp tục học tập nâng cao trình độ QLGD.
Độ tuổi : Đội ngũ CBQL các trường tiểu học huyện Thủy Nguyên có tuổi đời bình quân 45, không có CBQL trẻ dưới 35 tuổi, số lượng CBQL trên 50 tuổi có 41 người chiếm 43%, có CBQL làm công tác quản lý đến 25 năm nên có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó có những CBQL do làm công tác quản lý nhiều năm dẫn đến tình trạng chủ quan, quản lý theo kinh nghiệm, ngại đổi mới tư duy thiếu tính sáng tạo, chưa mạnh dạn đổi mới nội dung hình thức quản lý các HĐTNST.
Như vậy đội ngũ CBQL cấp tiểu học huyện Thủy Nguyên có trình độ năng lực cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý trường học, tuy nhiên trong quá trình đổi mới giáo dục, một bộ phận cần được quan tâm bồi dưỡng để làm thay đổi nhận thức, sẵn sàng đón nhận cái mới để có trách nhiệm cao và quyết tâm trong tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục.
2.5.1.3. Trình độ năng lực của giáo viên
Đội ngũ GV tiểu học huyện Thủy Nguyên đều là những người vững vàng về chuyên môn (99.8% có trình độ chuyên môn trên chuẩn); Công tác bồi dưỡng
nâng cao trình độ chuyên môn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ GV được xếp loại khá và xuất sắc theo tiêu chí đánh giá GV theo chuẩn nghề nghiệp GVTH chiếm trên 90% . GVTH huyện Thủy Nguyên có độ tuổi trung bình 40 tuổi, độ tuổi có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, hầu hết nắm rõ đặc điểm tâm sinh lý của HS. Một bộ phận GV nhiệt tình, trách nhiệm có ý thức học hỏi và tạo được uy tín trong cộng đồng, tích cực tiếp cận với PP dạy học mới.
Như vậy, có thể khẳng định nguồn nhân lực trong các trường tiểu học có đủ điều kiện chăm lo cho giáo dục. Tuy nhiên vẫn còn một số thầy cô dạy tốt song chưa thực sự quan tâm đến rèn kỹ năng cho HS. Họ chỉ tập trung vào giảng hết kiến thức và giải quyết hết các bài tập, chưa chú ý đến tổ chức hoạt động ngoại khóa . Một số GV có quan điểm phân biệt môn “chính” môn “phụ” chưa quan tâm tới việc giáo dục toàn diện cho HS. Điều này tác động không nhỏ tới việc tổ chức HĐTNST đòi hỏi hiệu trưởng các trường phải chú trọng công tác bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ GV trong triển khai kế hoạch HĐTNST.
2.5.1.4. Ý thức học sinh.
Đặc điểm HS tiểu học huyện Thủy Nguyên không nằm ngoài các đặc điểm chung của học sinh tiểu học. Hầu hết các em HS ở các nhà trường ngoan, lễ phép, vâng lời người lớn, chăm chỉ học tập, tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà trường trong việc tổ chức các HĐ TNST trong các trường tiểu học. Một số học sinh chưa nhận được sự quan tâm của gia đình nên việc giải quyết các bài tập ứng dụng, các hoạt động trải nghiệm của các em hầu hết tự thực hiện hoặc tự kết hợp với các bạn nên hiệu quả chưa cao.
2.5.1.5. Điều kiện kinh tế xã hội
Địa bàn huyện Thủy Nguyên với nhiều khu công nghiệp và làng nghề truyền thống thuận lợi cho việc giải quyết công việc cho hàng vạn lao động trong toàn huyện. Tiềm năng du lịch, thương mại và dịch vụ đang phát triển. Việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm
được thực hiện tốt. Các xã, thị trấn đều có nhà văn hoá và sân chơi bãi tập phục vụ cho các hoạt động văn hoá, thể thao. Huyện Thủy Nguyên nằm trong chiến lược phát triển mở rộng nội thành Thành phố Hải Phòng, đang trong quá trình CNH-HĐH. Vì vậy, việc chăm lo, đào tạo nguồn nhân lực có đủ khả năng, sẵn sàng đón nhận thời cơ và thách thức để tiếp tục phát triển huyện Thủy Nguyên là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân, đặc biệt là ngành GD&ĐT. Vì vậy, cũng đem đến những cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các trường trong quản lý các hoạt động giáo dục, trong đó có HĐTNST.
2.5.1.6. Điều kiện cơ sở vật chất các trường tiểu học của Thủy Nguyên
Với điều kiện kinh tế - xã hội như đã đánh giá ở trên, cùng với việc quan tâm của các cấp lãnh đạo, CSVC của các trường tiểu học huyện Thủy Nguyên được đánh giá ngày một khang trang, số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia ngày một tăng, đảm bảo được môi trường giáo dục, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay.
Hằng năm Huyện Ủy, UBND huyện đã quan tâm tạo điều kiện cho các nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục nên các nhà trường đều có tu bổ, trang bị thêm thiết bị và làm mới các phòng học phù hợp với điều kiện của đổi mới giáo dục. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục nói chung và các HĐTNST nói riêng.
2.5.1.7. Phụ huynh học sinh và cộng đồng dân cư
Lực lượng lao động trẻ và cũng là phụ huynh của các trường tiểu học là những công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Công việc của họ khá ổn định và có thu nhập đều hàng tháng dẫn đến việc huy động kinh phí đóng góp cho để tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường rất thuận lợi. Tuy nhiên, do sức ép và cách tận dụng sức lao động của các doanh nghiệp nước ngoài dẫn đến thời gian lao động tại các khu công nghiệp quá nhiều, họ phải làm việc cả các ngày thứ 7 và hằng ngày phải làm thêm giờ (ngoài giờ hành chính) dẫn đến người lao động không có thời gian quan tâm đến việc gia đình, việc học của các
con. Phần lớn việc học của các con giao phó toàn bộ cho ông(bà) và nhà trường, chính vì vậy việc nắm bắt những yêu cầu mới về giáo dục và sự phối kết hợp của gia đình với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cụ thể các HĐTNST trong nhà trường còn rất hạn chế.