Chương 2. Thực trạng văn hóa giải trí trong đời sống của công nhân lao động ở KCN Đồng Văn
2.2. Các mô hình thiết chế văn hóa-xã hội phục vụ các hoạt động văn hóa giải trí của CNLĐ
Để tìm hiểu văn hóa giải trí của công nhân trong KCN Đồng Văn không thể không quan tâm tìm hiểu các cơ sở thiết chế văn hóa – xã hội phục vụ nhu cầu giải trí của công nhân. Có thể tìm hiểu vấn đề này qua 3 mô hình: nhà nước, doanh nghiệp và tư nhân.
37
2.2.1. Mô hình do nhà nước đầu tư xây dựng
Trong KCN Đồng Văn chỉ có một thiết chế văn hóa duy nhất do Nhà nước đầu tư xây dựng là Nhà văn hóa công nhân lao động được đặt trong KCN. Tháng 11-2015 Nhà văn hóa công nhân lao động KCN Đồng Văn chính thức đi vào hoạt động. Đây là một thiết chế mang tính văn hóa, do Liên đoàn lao động tỉnh Hà Nam xây dựng nhằm phục vụ cho các hoạt động thể thao – giải trí – văn hóa cho công nhân lao động trong KCN. Nhà văn hóa công nhân nằm trong KCN Đồng Văn, xen kẽ với các công ty, tạo điều kiện cho công nhân tham gia các hoạt động. Nhà văn hóa công nhân thuộc sự quản lý của Công đoàn các KCN tỉnh Hà Nam quản lý, vì vậy chủ yếu là các hoạt động do công đoàn tổ chức cho công nhân tham gia.
Nhà văn hóa công nhân có một sân bóng sân cỏ nhân tạo, ba sân chơi cầu lông có đầy đủ trang thiết bị và đèn chiếu sáng, hội trường rộng có sức chứa 150 người phục vụ cho các hội nghị hoặc hoạt động văn hóa văn nghệ của công nhân lao động.
Đối với quy mô và số lượng công nhân trong KCN Đồng Văn thì Nhà văn hóa vẫn tương đối nhỏ, chưa phục vụ hết được nhu cầu của công nhân lao động. Tuy nhiên có thể nói đây là thiết chế văn hóa duy nhất trong KCN Đồng Văn được xây dựng dành riêng cho công nhân. Vì có vị trí nằm ngay trong KCN Đồng Văn nên rất thuận tiện cho công nhân lao động đến tham gia các hoạt động và chơi thể thao. Bên cạnh đó, Nhà văn hóa cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động cho công nhân như đối thoại doanh nghiệp, công nhân thanh lịch, giải thể thao công nhân,…Tuy nhiên số công nhân tham gia hoạt động thể thao chỉ chiếm 5% tổng số công nhân trong KCN, theo báo cáo của Nhà văn hóa thì hàng ngày trung bình có 12-17 người đến chơi cầu lông, một tháng trung bình có 7 đội đá bóng. Công nhân tham gia vẫn ít do sân bóng của Nhà văn hóa nhỏ, sân cầu lông hạn chế, không đủ để phục vụ cho số lượng lớn công nhân. Với sự hạn chế đó nên Nhà văn hóa công nhân chưa trở thành nơi sinh hoạt công cộng của đại đa số công nhân lao động, tính chất tổ chức sự kiện đậm nét hơn.
Tuy nhiên Nhà văn hóa không có phòng đọc sách, thư viện,.. dành cho công nhân lao động, đây là điểm tương đối hạn chế đối với Nhà văn hóa công nhân.
38 2.2.2. Mô hình do doanh nghiệp xây dựng
Bên cạnh đó một số doanh nghiệp lớn trong KCN Đồng Văn quan tâm đến đời sống công nhân lao động, tạo điều kiện hoạt động thể chất, nâng cao sức khỏe cho công nhân. Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng sân chơi thể thao cho công nhân là doanh nghiệp Nhật Bản. Người Nhật ý thức được đời sống giải trí tác động lớn đến năng suất lao động, vì vậy những doanh nghiệp Nhật xây dựng mô hình nhà máy thường có sân chơi cho công nhân, nhiều cây xanh, có khuôn viên nghỉ ngơi, thư giãn.
Công ty TNHH dây và cáp điện Sumi Việt Nam là một trong những công ty lớn nhất KCN Đồng Văn do Nhật Bản đầu tư với hơn 10.000 công nhân lao động.
Trong khuôn viên của công ty có đầu tư xây dựng 2 sân bóng đá cho công nhân viên với đầy đủ đèn chiếu sáng, chỗ ngồi cho cổ động viên,…Ngoài ra còn có sân cầu lông, bóng bàn, bi-a cho công nhân lao động sau giờ làm việc. Đây là một trong những doanh nghiệp chăm sóc tốt cho đời sống của công nhân, đặc biệt là đời sống văn hóa – giải trí.
Công ty TNHH Honda Việt Nam chuyên sản xuất xe máy thương hiệu Honda với số lượng công nhân tương đối lớn, hơn 8000 người. Công ty cũng tạo điều kiện giải trí – thể thao cho công nhân, xây dựng 2 sân bóng cỡ lớn, sân cầu lông, bóng bàn, ngoài ra còn có phòng tập gym cho các cán bộ, công nhân viên trong công ty.
Mặc dù sức chứa có giới hạn nhưng đây cũng là công ty đầu tiên có mô hình giải trí dành riêng cho công nhân nữ.
Bên cạnh đó cũng có một vài công ty có xây dựng sân chơi cho công nhân nhưng vẫn còn hạn chế và chưa đầy đủ. Qua đây cho thấy những cố gắng của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với việc nâng cao đời sống giải trí của công nhân lao động công ty của họ.
2.2.3. Các dịch vụ tự phát của tư nhân
Đây là các dịch vụ do người dân nắm bắt nhu cầu thực tế của công nhân để mở ra nhằm phục vụ mục đích kinh doanh với nhiều loại hình đa dạng như sau:
* Sân bóng đá
39
Sân bóng đá là một trong những điểm đến thường xuyên của công nhân nam KCN Đồng Văn. Đây là sân cỏ nhân tạo có đầy đủ trang thiết bị, đèn chiếu sáng cho người chơi có thể chơi bóng vào bất cứ thời gian nào. Sân bóng là do một hộtư nhân thuê lại một bãi đất rộng và cải tạo lại thành sân bóng để cho thuê. Quanh khu vực KCN Đồng Văn hiện nay có ba sân bóng nhân tạo cho thuê đá bóng hàng ngày. Mỗi khu vực thường có từ 2 – 3 sân bóng tiêu chuẩn.
Chi phí cho mỗi lần thuê sân là 250.000đ trước 17h và 350.000 sau 17h. Mỗi lần thuê sân là 90 phút và thu tiền sau mỗi trận đấu. Ở đây có cả dịch vụ phục vụ đầy đủ nước uống, nước ngọt, bánh ngọt cho người chơi sau mỗi trận đấu. Hầu hết người thuê đều thuê theo nhóm chơi, sau trận đấu đội bên nào thua sẽ trả tiền thuê sân. Ở đây có bãi để xe rộng và có người trông giữ xe cẩn thận cho những người vào sân. Sân bóng đã thu hút được nhiều công nhân nam tham gia sau giờ làm việc.
* Bể bơi
Bể bơi cách cổng KCN Đồng Văn 2km, được tư nhân xây dựng để kinh doanh, phục vụ cho mọi người trong mùa hè. Bể bơi được xây dựng tương đối rộng, với hai khu dành cho trẻ em và dành cho người lớn. Nước trong bể được làm sạch hàng ngày bằng máy theo tiêu chuẩn. Vé vào cửa mỗi lần vào bể bơi là 30.000đ dành cho người lớn, 20.000đ dành cho trẻ em. Giá dịch vụ tính theo lần vào cửa, không tính theo tháng.Ở đây cũng có dịch vụ phục vụ đa dạng đồ ăn nhẹ, nước uống cho người vào bể.
Đây là bể bơi duy nhất tính đến hiện nay tại khu vực này, bởi vậy số lượng người tham gia rất đông. Bể bơi cũng là một hình thức mang tính thể thao, giải trí cho mọi người trong đó có cả công nhân trong khu vực.
* Dịch vụ Karaoke
Một trong những loại hình giải trí thường xuyên của công nhân là hát karaoke, vì vậy trong khu vực xung quanh KCN Đồng Văn mở rất nhiều quán karaoke phục vụ cho nhu cầu giải trí của người dân. Với hơn 200 doanh nghiệp và hàng triệu lao động nên số lượng công nhân tương đối lớn. Vì vậy số lượng quán karaoke được mở ra trong khu vực khá nhiều, sơ bộ có tới 21 quán karaoke trong
40
vòng bán kính 1km và một số khác ở rải rác. Các quán karaoke được trang trí đẹp, bắt mắt, hiện đại, tương đối cạnh tranh với nhau. Chi phí trung bình là 150.000đ – 200.000đ/1h hát, một số quán karaoke trang trí đẹp, hiện đại là 220.000đ – 250.000đ/1h. Giá cả tương đối cao đối với tầng lớp công nhân lao động.
Bên cạnh đó còn phát sinh thêm hình thức quán karaoke theo mô hình trà đá và hát cho nhau nghe. Khách đến uống trà đá có nhu cầu có thể chọn một bài hát trên màn hình karaoke và thể hiện cho tất cả mọi người ở đó nghe. Hình thức này tương đối hạn chế và mới chỉ xuất hiện ở một hai điểm.
* Quán Bi-a
Quán bi – a là nơi tụ tập chủ yếu của tầng lớp thanh niên vì đây là loại hình giải trí tập trung ở những người có độ tuổi dưới 30.
Đây cũng là dịch vụ tự phát do tư nhân mở ra kinh doanh. Vì người chơi hạn chế nên số lượng quán không nhiều, chỉ từ 2-3 địa điểm xung quanh khu vực KCN Đồng Văn.Tùy vào chất lượng của từng quán mà giá cả dao động từ 20.000đ – 30.000đ/h. Mỗi bàn có thể chơi một nhóm đông người tùy nhu cầu. Thường thì công nhân hay chơi một nhóm từ 3 – 7 người.
* Quán game
Theo điều tra khảo sát thì số lượng quán internet, quán game quanh KCN Đồng Văn tương đối nhiều, công nhân thường chơi ở đó sau giờ làm việc hoặc khi rảnh rỗi. Mặc dù người chơi game online cũng phần lớn là những người từ 30 tuổi trở xuống, thường thuộc tầng lớp thanh thiếu niên nhưng game online được nhiều người ưa thích hơn, số lượng người tham gia nhiều hơn. Vì vậy số lượng quán mở ra cũng nhiều hơn, cứ cách 500 -700 lại có một quán internet. Các quán game có giá trung bình là 5.000đ – 7.000đ/h, ngoài ra còn phục vụ đồ ăn, nước ngọt tại quán.
Với mức giá thấp, phù hợp với thu nhập nên nhiều công nhân lựa chọn game là một loại hình giải trí thường xuyên.
Quán game là một dịch vụ tư nhân mở kinh doanh theo nhu cầu, vì vậy cũng được trang bị tương đối đầy đủ, cạnh tranh. Nhiều nơi đầu tư máy móc, bàn ghế đẹp, hiện đại tạo sự thoải mái cho người chơi.
41
* Quán café
Mặc dù nhu cầu uống cafe của công nhân không cao nhưng cafe vẫn là một trong những điểm đến mang tính giải trí cho công nhân. Theo khảo sát thì trong bán kính 1km quanh KCN Đồng Văn có 7 – 10 quán cafe được mở ra để phục vụ cho người dân quanh khu vực. Giá cả ở đây dao động từ 15.000đ – 40.000đ tùy loại đồ uống, nhưng vẫn hợp lý, phù hợp với thu nhập trung bình của khách.
Công nhân thường tụ tập ở những quán cafe có vị trí xung quanh cổng KCN Đồng Văn. Đây là vị trí thuận tiện để hết giờ làm công nhân có thể đến hoặc những công nhân sinh sống xung quanh khu vực đó tiện đi lại.
* Tẩm quất massage
Có thể nói đây là một hình thức giải trí không lành mạnh nhưng vẫn luôn tồn tại xung quanh KCN Đồng Văn và cũng là điểm đến của nhiều công nhân nam.
Giá cho mỗi một lần 100.000/h – 180.000/h “chưa tính tiền tip”. Một bộ phận công nhân trong KCN lựa chọn những quán tẩm quất massage là nơi để giải trí. Số lượng quán tẩm quất massage được mở ra cũng không ít, cách cổng KCN Đồng Văn 700m có từ 5-6 quán và chủ yếu mở tập trung ở khu vực đó, những khu vực cách xa cổng KCN hầu như là không có.
2.2.4. Các cơ sở văn hóa tâm linh
Thị trấn Đồng Văn nằm trong khu vực đồng bằng Sông Hồng, hầu hết mỗi làng đều được xây dựng đình, đền, chùa,…Một số đền chùa nổi tiếng như đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, chùa Bầu,.. nằm rải rác xung quanh khu vực thị trấn Đồng Văn. Bên cạnh đó, xuất hiện một vài cơ sở thờ tự tư nhân thường bói toán, tổ chức các khóa lễ.
Công nhân lao động không thường xuyên đi lễ đền chùa. Sự quan tâm của công nhân lao động đối với các thiết chế tâm linh không lớn, vì thời gian làm việc kéo dài, nhiều doanh nghiệp thường xuyên tăng ca, công nhân không có thời gian cho những nhu cầu khác. Phần lớn công nhân sau giờ làm việc về nhà làm việc nhà, chăm sóc nhà cửa, con cái và nghỉ ngơi, không dành thời gian đi lễ đền, chùa. Bên cạnh đó, có một hai doanh nghiệp xây dựng cây hương ngay bên trong cổng của
42
công ty. Đây là do doanh nghiệp tự xây dựng lên nhằm mục đích tâm linh của chủ doanh nghiệp, công nhân lao động cũng có thể thắp hương. Những doanh nghiệp đó đều là doanh nghiệp của Việt Nam.