Chương 3. Nhận định về văn hóa giải trí của CNLĐ tại KCN Đồng Văn hiện
3.3. Những yếu tố tác động tới văn hóa giải trí của công nhân lao động KCN Đồng Văn và vấn đề đặt ra
3.3.1. Những yếu tố tác động tới văn hóa giải trí của công nhân lao động KCN Đồng Văn
Từ kết quả khảo sát, phân tích…, bước đầu có thể rút ra những yếu tố cơ bản tác động đến văn hóa giải trí của công nhân KCN Đồng Văn như sau:
* Những yếu tố chủ quan - Về trình độ nhận thức
Phần lớn công nhân lao động đều có trình độ nhận thức vẫn còn hạn chế. Số lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học chỉ chiếm 15.5%, trung cấp là 12%. Còn lại đều là công nhân tốt nghiệp các cấp I, II, III. Bởi vì trình độ học vấn hạn chế, công việc chiếm nhiều thời gian và đặc thù công việc công nhân khó có thời gian để trau dồi học tập, nâng cao nhận thức, hiểu biết.
Trình độ nhận thức của công nhân còn nhiều hạn chế dẫn đến những thực trạng trong văn hóa giải trí hiện nay là nghèo nàn và nhiều những hình thức giải trí không lành mạnh mà công nhân lao động lựa chọn. Công nhân không nhận thức rõ ràng mức độ tiêu cực mà việc đánh bạc, rượu chè, mại dâm,..gây ra cho bản thân, cho gia đình của họ.
Những hoạt động giải trí tập thể do các đoàn thể xã hội như công đoàn, đoàn thanh niên,…tổ chức dành cho công nhân chưa thực sự được nhiều công nhân lao
63
động hưởng ứng. Nguyên nhân là do công nhân lao động chưa ý thức được vai trò của những hoạt động tập thể đối với bản thân họ. Trình độ nhận thức còn hạn chế, công nhân vẫn còn tự ti vào bản thân, rụt rè, nhút nhát không dám tham gia những hoạt động lớn, có nhiều người.
- Đặc thù công việc và nghề nghiệp
Đặc thù công việc của công nhân là làm việc tại nhà máy, làm việc trên dây chuyền và thời gian làm việc thường kéo dài do tăng ca. Với thời gian làm việc kéo dài như vậy thời gian rảnh rỗi của công nhân rất ít. Sau giờ làm việc là công việc gia đình, chăm sóc cho con cái, là thời gian nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe cho hôm sau còn tiếp tục công việc. Vì vậy quỹ thời gian dành cho giải trí của công nhân là cực kì hạn chế.
Công nhân Nguyễn Thị T – 24 tuổi, công nhân công ty TNHH Hồng Hà chia sẻ: “bên em hay tăng ca lắm, có hôm 8 – 9h mới về được đến nhà, chỉ mau mau chóng chóng đi nghỉ, làm gì có thời gian đi chơi nữa. Ôm điện thoại vào face tí thôi”. Theo kết quả khảo sát của tác giả thì trong công ty Liaan 37% công nhân chỉ giải trí qua TV và điện thoại và chủ yếu ở đây là công nhân nữ đã có gia đình.
- Đặc điểm cư trú
Thị trấn Đồng Văn là một thị trấn nhỏ, mặc dù có nhiều dịch vụ tự phát “mọc lên” để phục vụ cho đối tượng là công nhân nhưng chủ yếu vẫn là những hình thức lẻ tẻ, chưa có quy hoạch rõ ràng.
Có thể thấy được qua những kết quả khảo sát ở trên, công nhân nữ KCN Đồng Văn thiếu hụt trầm trọng sân chơi. Sau giờ làm việc hầu hết công nhân nữ đã có gia đình đều về nhà hoặc phòng trọ, làm việc nhà và giải trí bằng TV hoặc điện thoại.
Hiện nay ở thị trấn Đồng Văn nói chung và KCN Đồng Văn nói riêng không có sân chơi nào dành riêng cho trẻ em. Khu vui chơi, công viên,… đều không có. Trẻ em ở đây bao gồm cả con em của công nhân lao động ở xung quanh đều không có nơi để vui chơi, giải trí.
Nguyên nhân chính của sự nghèo nàn, thiếu hụt thiết chế giải trí cho công nhân là do chưa có sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương, thị trấn
64
Đồng Văn nhỏ và chưa được quy hoạch cụ thể. Các cơ quan ban ngành quản lý còn thiếu sự quy hoạch và thiếu sự hợp tác đối với chủ các doanh nghiệp trong KCN Đồng Văn.
*Những yếu tố khách quan
- Chủ trương, chính sách của Nhà nước
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công nhân lao động đối với nền kinh tế của đất nước và tác động của văn hóa giải trí đến đời sống tinh thần của công nhân, Nhà nước ta đã có một số Nghị quyết, chỉ thị liên quan đến việc nâng cao đời sống văn hóa – tinh thần cho công nhân lao động. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam – cơ quan đứng đầu, bảo vệ cho lợi ích của công nhân lao động cũng thường xuyên có kế hoạch, tổ chức các hoạt động dành cho công nhân các tỉnh thành trên cả nước.
Mặc dù vậy, những chủ trương của Nhà nước còn chung chung, chưa sát sao, gần gũi với đời sống hàng ngày của công nhân lao động. Đặc điểm công nhân lao động ở mỗi khu vực, địa phương là khác nhau, chưa có sự đầu tư, tìm hiểu kĩ đời sống tinh thần, văn hóa giải trí của công nhân để có những giải pháp riêng biệt.
Những chỉ thị, thông tư về việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân vẫn chưa nhiều, còn hạn chế. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước chưa được đầy đủ, sâu sắc.
- Sự quan tâm của từng doanh nghiệp
Công nhân là những người làm thuê cho chủ doanh nghiệp, công nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Ngược lại, đời sống của công nhân có được bảo đảm hay không phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp.
Đời sống tinh thần của công nhân tác động đến năng suất, chất lượng công việc hàng ngày. Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp nằm trong KCN Đồng Văn chưa ý thức được vai trò của văn hóa giải trí cho công nhân tác động tới doanh nghiệp như thế nào. Số ít những doanh nghiệp quan tâm tới văn hóa giải trí của công nhân thường là những doanh nghiệp lớn và là doanh nghiệp Nhật Bản. Họ dành một phần đất để xây dựng sân bóng, sân cầu lông, bóng bàn, phòng tập gym, khuôn viên cây xanh…cho công nhân có điều kiện để hoạt động thể thao sau giờ làm việc. Các doanh nghiệp đó thường xuyên tổ chức những hoạt động phong trào
65
dành cho công nhân, quan tâm tới đời sống tinh thần của công nhân như giải
“ Miss” công nhân, ngày hội thể thao cho công nhân trong công ty. Ngày 12/7/2016 công ty TNHH Honda Việt Nam tổ chức giải thể thao cho toàn công nhân trong công ty. Các hạng mục thi đấu bao gồm: bóng đá, cầu lông, bóng bàn, chạy ngắn,…Giải thưởng cho mỗi giải nhất là 5 triệu, giải nhì 4 triệu và giải ba 3 triệu.
Đối với công nhân lao động thì hoạt động này không chỉ mang tính chất giải trí mà còn khích lệ tinh thần làm việc, đề cao vai trò và sự cống hiến của công nhân với công ty và tăng cường sự gắn kết lâu dài của công nhân với công ty. Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi tổ chức giải “Miss Sumi” dành cho công nhân trong công ty.
Qua chương trình công nhân có sân chơi để thể hiện bản thân, tăng cường sự tự tin, yêu thích công ty của mình hơn.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp KCN Đồng Văn chưa quan tâm nhiều tới văn hóa giải trí của công nhân. Không có khuôn viên nghỉ ngơi, sân thể thao cho công nhân. Các doanh nghiệp rất ít khi tổ chức các hoạt động tập thể cho công nhân.
Một số doanh nghiệp nhỏ không bao giờ tổ chức du lịch hè cho công nhân của công ty mình. Công nhân Phan Thị M – 31 tuổi công ty Liaan chia sẻ: “ Công ty mình chẳng bao giờ có hoạt động gì, nghỉ mát cũng không, chỉ có mỗi tiền thưởng Tết là một tháng lương cơ bản”. Đời sống công nhân ở những doanh nghiệp này tương đối nghèo nàn do chưa có sự quan tâm của các doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp chưa đánh giá cao vai trò của công nhân và văn hóa giải trí của công nhân đối với năng suất công việc.
- Chưa có sự quan tâm, phối hợp của các tổ chức xã hội
Tổ chức xã hội trực tiếp quan tâm, bảo vệ quyền lợi, lợi ích và đời sống của công nhân lao động là Công đoàn. Công đoàn các KCN tỉnh Hà Nam là tổ chức quản lý công đoàn tại các doanh nghiệp trong KCN Đồng Văn. Tổ chức công đoàn Hà Nam thường xuyên tổ chức các hoạt động dành cho công nhân KCN Đồng Văn, chủ yếu là các hoạt động phong trào, thể thao, giải trí, các cuộc thi tài năng,...Công đoàn tổ chức nhiều chương trình đa dạng cho công nhân. Những chương trình này tuy có sự tham gia của công nhân nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn chưa thực sự nhận
66
được sự hưởng ứng, thu hút được sự tham gia đông đảo của công nhân KCN. Với hơn 200 doanh nghiệp trong KCN Đồng Văn nhưng những chương trình hầu hết chỉ có từ 15 – 25 doanh nghiệp tham gia. Tổ chức công đoàn vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong đời sống tinh thần của công nhân lao động.
Công đoàn cơ sở của một số công ty lớn như công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi, công ty TNHH Honda, công ty TNHH Hồng Hà,… làm rất tốt công tác của mình. Thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể cho công nhân công ty mình như đại hội thể thao, văn nghệ, tổ chức đi du lịch, thăm hỏi ốm đau kịp thời… thường nhiệt tình, tạo điều kiện hết mức cho công nhân tham gia các hoạt động do công đoàn cấp trên tổ chức. Đối với công đoàn cơ sở của các công ty khác thì hoạt động kém hơn, đặc biệt là các công ty nhỏ. Thường chỉ làm quan loa đại khái, hoặc từ chối tham gia các phong trào cho công nhân.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội khác như đoàn thanh niên, hội phụ nữ,…cũng được thành lập trong các doanh nghiệp nhưng hoạt động cũng vô cùng mờ nhạt.
Phần lớn công nhân được hỏi có tham gia các tổ chức ấy không đều trả lời là không biết và không quan tâm. Rất ít khi có sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội trong các hoạt động tổ chức cho công nhân, hầu hết là những hoạt động đơn lẻ.
3.3.2. Một số vấn đề đặt ra
* Đối với bản thân người công nhân
Công nhân KCN Đồng Văn có một số lượng khá đông, đóng góp chủ yếu vào việc phát triển nền kinh tế Hà Nam nói riêng và đất nước nói chung. Hơn thế nữa công nhân hiện nay là chủ lực kinh tế trong mỗi gia đình. Chính vì vậy công nhân vừa có vai trò vừa có những trách nhiệm to lớn.
Đối với bản thân của người công nhân thì việc trau dồi, học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức xã hội là điều đặc biệt quan trọng. Với trình độ học vấn hạn chế người công nhân đôi khi chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ đối với những hoạt động mang tính tiêu cực. Rèn luyện bản lĩnh người công nhân là một quá trình lâu dài và liên tục, đòi hỏi người công nhân phải nâng cao tinh thần học hỏi.
67
Công nhân phải thường xuyên tham gia các buổi tập huấn về pháp luật để nâng cao hiểu biết về pháp luật, có thể tự bảo vệ quyền lợi của bản thân, tham gia các buổi đối thoại doanh nghiệp để có cái nhìn đúng đắn về vị thế của bản thân mình.
* Đối với Nhà nước
Đảng và Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, xây dựng nhà ở cho công nhân cần coi việc xây dựng thiết chế văn hóa là một điều kiện bắt buộc. Trước mắt cần đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao cho các địa bàn có đông công nhân ở trọ. Bên cạnh đó, cần có chính sách đặc thù, ưu đãi hưởng thụ văn hóa cho họ như một số đối tượng được ưu đãi ghi trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII.
Hiện nay, hệ thống các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ cho việc đáp ứng nhu cầu giải trí của công nhân ở KCN còn thiếu và yếu trầm trọng. Vì vậy, trên cơ sở quy hoạch tổng thể chung, lãnh đạo các cấp cần đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, xã hội như hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, thể thao... dành cho công nhân. Nhà nước có thể đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa ở các phường, xã có đông công nhân. Mặt khác, cần khuyến khích các hoạt động văn hóa công cộng không thu tiền thông qua các đoàn thể chính trị, xã hội hoặc các câu lạc bộ, nhà văn hóa tự quản của công nhân.
Bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa nâng cao chất lượng cuộc sống của giai cấp công nhân, bảo vệ môi trường sinh thái, nhân văn là những yếu tố được đặt lên hàng đầu. Phát triển các khu công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch tổng thể về nhà ở, dịch vụ ăn uống, thương mại, giao thông, giáo dục, y tế, khu vui chơi giải trí công cộng phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của công nhân.
* Đối với doanh nghiệp
Tài sản quý nhất của doanh nghiệp là người lao động. Vì vậy, cùng với bảo đảm đời sống vật chất thì việc chăm lo đến đời sống văn hóa tinh thần cho người lao
68
động rất cần được các doanh nghiệp, người sử dụng lao động quan tâm. Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp phát huy vai trò vận động chủ sử dụng lao động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh tính đến bố trí thời gian cho người lao động tham gia hoạt động văn hóa, thể thao. Thương lượng và đưa vào thỏa ước lao động tập thể hoặc thỏa thuận với người sử dụng lao động các nội dung liên quan đến việc tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thăm quan du lịch, vui chơi giải trí cho người lao động trong doanh nghiệp. Đề xuất, kiến nghị với chủ sử dụng lao động xây dựng các nhà văn hóa, sân chơi, bãi tập phục vụ nhu cầu của công nhân.
Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Xác định chủ doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân lao động vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của việc tạo dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Tạo điều kiện thuận lợi để công nhân lao động có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí.
* Đối với các tổ chức xã hội
Đối với tổ chức Công đoàn cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân khu công nghiệp Đồng Văn, tạo điều kiện cho công nhân lao động được hưởng thụ. Thường xuyên trao đổi, đối thoại với công nhân lao động, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong công nhân khu công nghiệp. Các tổ chức công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp nên chăm lo hơn cho đời sống văn hóa giải trí của công nhân công ty mình, đề xuất với ban lãnh đạo của công ty cho công nhân đi du lịch hè, tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể, các hoạt động giao lưu giữa các công nhân như văn nghệ, hội thao, “miss công nhân”,…
Các tổ chức xã hội: Công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ cần phải khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế và sản phẩm văn hóa hiện có, tạo điều kiện để công nhân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy giá trị văn
69
hóa truyền thống .Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan văn hóa, văn học, nghệ thuật, xuất bản, báo chí sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật tới công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí..., chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ
Tiểu kết chương 3
Đối với công nhân lao động văn hóa giải trí đóng một vai trò tương đối quan trọng trong đời sống tinh thần cũng như thể chất. Văn hóa giải trí là nguồn tái tạo sức lao động cho công nhân sau một ngày làm việc mệt mỏi. Văn hóa giải trí cũng góp phần nâng cao hiểu biết xã hội và chất lượng đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Khi giải trí không chỉ đơn thuần là vui chơi mà còn là phương tiện để cập nhật thông tin, tin tức thì văn hóa giải trí giúp công nhân nâng cao những hiểu biết xã hội. Bên cạnh đó văn hóa giải trí cũng góp phần giao lưu văn hóa, thúc đẩy các mối quan hệ trong xã hội. Qua những buổi vui chơi giải trí tập thể, công nhân có điều kiện để giao tiếp với nhiều người, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp đoàn kết và hài hóa hơn trong công việc.
Mặc dù vai trò của văn hóa giải trí tới đời sống tinh thần của công nhân là không thể phủ nhận nhưng thực tế tại KCN Đồng Văn hiện nay lại còn nhiều hạn chế. Công nhân KCN Đồng Văn chưa được sử dụng đa dạng các loại hình giải trí, nhiều thiết chế văn hóa giải trí còn thiếu thốn, mô hình giải trí tương đối nghèo nàn.
Đặc biệt, những thiết chế văn hóa giải trí dành riêng cho công nhân nữ hầu như không có, công nhân nữ không có sân chơi cho riêng mình. Con em của công nhân sống quanh khu vực KCN Đồng Văn cũng không có nơi để vui chơi giải trí. Những loại hình giải trí hiện nay của công nhân lao động đều mang tính tự phát, thiếu sự quan tâm đồng bộ của các cấp quản lý và các tổ chức xã hội liên quan.
Vấn đề đặt ra là với sự nghèo nàn về văn hóa giải trí như thế các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cần phải có sự kết hợp đồng bộ với nhau, nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa giải trí cho công nhân.