CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN LÝ LUẬN VỀ LÀNG NGHỀ VÀ DU LỊCH LÀNG NGHỀ
1.2. Vai trò của làng nghề trong phát triển kinh tế xã hội và hoạt động du lịch
1.2.2. Vai trò của làng nghề đối với hoạt động du lịch
Hiện cả nước ta có trên 2.790 làng nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề. Làng nghề giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lich văn hóa giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế những đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi làng nghề, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch
* Làng nghề thủ công truyền thống - một tài nguyên du lịch văn hoá:
Với vẻ đẹp của nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như các di tích lịch sử văn hoá, Thái Nguyên đang trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực miền núi phía Bắc . Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 157 làng nghề. Các ngành nghề đã được mở mang và đa dạng ngành nghề hơn rất nhiều so với trước đây (làm chè, nhãn, vải, bánh chưng, sản xuất bún, bánh, đậu phụ, đường phên, dâu tằm tơ, miến, nấu rượu, trồng hoa, rau sạch, may, thêu ren, dệt thổ cẩm, đồ gỗ, mây tre đan, mành cọ, sản xuất vật liệu xây dựng...). Khi nói đến làng nghề chè Việt, người ta nghĩ ngay đến chè Thái Nguyên. Nếu người Trung Hoa tự hào có các vùng chè nổi tiếng ở Hồ Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang, Long Tỉnh… thì người Việt Nam tự hào có vùng chè Lâm Đồng, Yên Bái, Phú Thọ…
nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất vẫn là chè Thái Nguyên. Đất Thái Nguyên không chỉ có tiềm năng phát triển kinh tế công nghiệp mà còn có điều kiện cho cây chè phát triển và trở thành một sản phẩm đặc thù của quê hương với diện tích và sản lượng chè lớn thứ hai trong cả nước (17.660 ha)[5, tr.16,17]. Từ năm 2008, thương hiệu chè Thái Nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) chứng nhận với tên gọi “Chè Thái”. Chè Thái nổi tiếng về chất lượng thơm, ngon, sạch, an toàn, có hương vị, mùi thơm đặc trưng, nước trà xanh chát, dư vị đậm ngọt… được coi là sự hội tụ của “hương đất, mật trời” [5, tr.15].
Làng nghề truyền thống chè Thái hấp dẫn đối với khách du lịch bởi các sản phẩm luôn chứa đựng giá trị văn hoá nghệ thuật toát ra từ cảm nhận về những nét sinh hoạt, các di sản của người dân. Tất cả những giá trị đó đã chứa đựng trong các
31
sản phẩm của làng nghề như một tài nguyên du lịch tất yếu có sức quyến rũ đăc biệt, là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn.
* Làng nghề thủ công truyền thống - Điểm đến du lịch
Du lịch làng nghề phát triển luôn dựa trên khai thác các giá trị văn hoá truyền thống, các kỹ năng nghề thể hiện trong các sản phẩm làng nghề, gắn liền với nếp sống, sinh hoạt của người dân địa phương và cảnh quan tiêu biểu của làng quê.
Du lịch làng nghề tuy mới phát triển ở nước ta nhưng đã thu hút được sự quan tâm, mến mộ của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Thái Nguyên cũng không nằm ngoài xu thế đó, vì thế mà các làng chè truyền thống ở Thái Nguyên đã trở thành điểm đến du lịch của du khách trong nước và quốc tế. Nhiều trong số các xã trong làng nghề chè Thái Nguyên đã thực sự đáp ứng được nhu cầu của du khách về thăm quan, mua sắm, nghiên cứu, mở mang nhận thức đối với cuộc sống, tìm hiểu bản sắc văn hoá của dân tộc thông qua các lễ hội chè ở địa phương
* Sản phẩm thủ công của làng nghề - Hàng lưu niệm cho du khách
Sản phẩm thủ công của các làng nghề không chỉ là nhũng sản phẩm có giá trị thương mại đem lại hiệu quả kinh tế cao từ việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mà còn phù hợp với nhu cầu của khách tại các thị trường trong nước. Sản phẩm thủ công là kết tinh các giá trị tổng hợp của tính thẩm mỹ, nghệ thuật tạo kiểu dáng và kỹ thuật chế tạo sản phẩm được lưu truyền, sáng tạo và tích luỹ từ đời này sang đời khác. Sản phẩm thủ công của làng nghề - hàng lưu niệm được bày bán tại các kiốt của địa phương, tại các quầy hàng trong các khách sạn hoặc các gian hàng tại các thành phố cũng được xem như phương tiện quảng bá, xúc tiến du lịch đã tạo ra sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với làng nghề. Vì vậy đã tạo ra sức hấp dẫn riêng biệt đối với du khách, thôi thúc họ phải được tận mắt chứng kiến, tìm hiểu và nghiên cứu phương thức sản xuất tại các làng nghề. Qua đó các làng nghề trở thành tiềm năng được các doanh nghiệp du lịch quan tâm khai thác, phát triển du lịch. Vì vậy để du khách đến với làng nghề, những sản phẩm thủ công cần thường xuyên cải tiến kiểu dáng và chất lượng theo thị hiếu khách - nhất là đối với thị trường khách có tính chiến lược.
32
Sự cộng tác chặt chẽ giữa các làng nghề du lịch với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển đối với cả làng nghề và cả đối với du lịch. Nói cách khác, sự phát triển của làng nghề truyền thống là nền tảng rất quan trọng không những góp phần tích cực cho việc quảng bá, xúc tiến phát triển làng nghề mà còn thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu thụ - xuất khẩu tại chỗ sản phẩm làng nghề thủ công giúp cho việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đất nước và phát triển du lịch.
* Khôi phục bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống – cơ sở phát triển du lịch bền vững
Trước thời kỳ đổi mới, nhiều làng nghề ở nông thôn bị mai một, không có điều kiện phát triển. Nhiều hộ gia đình phải bỏ nghề thủ công truyền thống quay về với sản xuất thuần nông hoặc chuyển sang làm nghề mới. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống của làng nghề, nhiều bí quyết nghề truyền thống bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân cao tuổi.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, yêu cầu cạnh tranh của thị trường đòi hỏi một số làng nghề truyền thống phải áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, các sản phẩm hàng hoá của nền kinh tế thị trường tràn ngập, có sức cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm thủ công là những yếu tố dẫn đến nguy cơ thất truyền và mai một của một số ngành nghề thủ công truyền thống - nhất là đối với những công nghệ thủ công hoặc nguyên nhiên liệu mới hoặc công nghệ, máy móc hiện đại như các sản phẩm chè chất lượng và giá thành cao: chè Đinh Ngọc, Long Ẩm, Nhất Phẩm, Lộc Xuân…Tân Cương. Một số sản phẩm chè hộp cao cấp đều là những sản phẩm thể hiện rõ nét những giá trị mà Tân Cương Hoàng Bình gửi gắm. Lan Đình trà tạo nên một không gian thưởng thức đầy chất thơ. Phúc lộc trà bổ dưỡng từ tên gọi. Trúc Lâm Trà, Tĩnh Tâm Trà kiến tạo một không gian thiên nhiên và tĩnh mịch. Trà Vu Quy là câu chuyện trăm năm hạnh phúc, trong khi Tri Âm Trà lại thay ngàn lời nói cho người tri kỷ … Vấn đề không chỉ đơn thuần là tên gọi, Tân Cương Hoàng Bình
33
đã truyền được vào sản phẩm các giá trị văn hóa, tạo nên một môi trường và sức sống bền lâu cho sản phẩm.
Khôi phục, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, không những có vai trò quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm tăng thu nhập của dân cư trong các làng nghề, góp phần thay đổi cơ cấu ngành nghề theo hướng gia tăng giá trị ngành nghề và dịch vụ mà còn là cơ sở để phát triển du lịch bền vững giữ gìn được bản sắc văn hoá nghệ thuật của các sản phẩm truyền thống của làng nghề, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu vốn có của người dân trong nước và khách quốc tế. Làng nghề truyền thống được khôi phục, bảo tồn và phát triển ổn định sẽ tạo cơ sở vững chắc cho phát triển du lịch