CHƯƠNG 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG VHNT TẠI CÁC TRƯỜNG THCS HUYỆN CHƯ SÊ, TỈNH GIA LAI
3.2. Biện pháp quản lý hoạt động xây dựng VHNT tại các trường THCS huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
3.2.2. Lập kế hoạch xây dựng VHNT tích hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường
3.2.2.1. Mục tiêu của biện pháp
Thiết kế nội dung xây dựng VHNT giúp cán bộ quản lý nhà trường phát huy được vai trò của mình trong việc hoạch định và sắp xếp các vấn đề quản lý xây dựng VHNT. Thiết kế các nội dung xây dựng VHNT phù hợp với điều kiện và chiến lược phát triển nhà trường sẽ phát huy được tối đa sức mạnh của tập thể, những nội lực tiềm
ẩn trong nhà trường. Chỉ khi những nội dung xây dựng VHNT đáp ứng được đòi hỏi của thực tế nhà trường cũng như phục vụ nhu cầu phát triển nhà trường thì những nội dung đó mới được tiến hành một cách hiệu quả.
Thiết kế nội dung xây dựng VHNT phù hợp với chiến lược phát triển nhà trường sẽ giúp nhà trường xây dựng được một văn hóa đặc trưng, đồng thời góp phần đưa chất lượng đào tạo của nhà trường đi lên
3.2.2.2. Nội dung và cách thức tiến hành - Nội dung:
Xây dựng VHNT dựa trên cơ sở đánh giá thực trạng VHNT hiện nay kết hợp với những định hướng phát triển chiến lược của từng nhà trường trong tương lai.
Xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa ứng xử trong nhà trường tương ứng với vai trò, nhiệm vụ của các bộ phận. Các bộ phận tại các trường THCS được thành lập và giao các nhiệm vụ cũng như trách nhiệm trong công tác hoạt động. Đầu mỗi năm học lãnh đạo nhà trường sẽ đưa ra các kế hoạch hành động cụ thể và các kế hoạch dự phòng.
Xác định nhiệm vụ cụ thể của các bộ phận, các lực lượng trong và ngoài nhà trường tham gia vào công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường. Mỗi bộ phận được lên kế hoach theo tuần, tháng, học kỳ và năm. Để có được kế hoạch này hiệu trưởng kết hợp với tổ trưởng thông qua trao đỗi với các thành viên, các cuộc họp để xây dựng các mục tiêu cụ thể, và thảo luận để thống nhất phương pháp làm việc để đạt được mục tiêu đã đề ra. Thông qua các cuộc thảo luận, họp… các thành viên được góp ý cũng như đưa ra các ý kiến một cách thẳng thắn và công khai.
Chỉ rõ phương thức, quyền hạn hoạt động của từng bộ phận trong xây dựng VH ứng xử. Mỗi một bộ phận đều được giao các quyền hạn trong quá trình hoạt động, gắn liền với quyền hạn của mỗi đơn vị là các trách nhiệm kèm theo. Các bộ phận và lãnh đạo thường xuyên trao đổi để thống nhất các nội dung chưa được đưa vào các kế hoạch.
Phân công các cá nhân, đơn vị tham gia phối hợp thật cụ thể, rõ ràng để mang lại hiệu quả cao. Việc phân công công việc cho các giáo viên, nhân việc được thực hiện theo kế hoạch của tuần, tháng, quý, học kỳ. Đầu mỗi học kỳ lãnh đạo (ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn) và từng nhân viên thường thảo luận và đi đến thống nhất mục tiêu của mỗi người. Thông qua đó để mỗi một thành viên có động lực cố gắng, cũng như việc kiểm tra của lãnh đạo là dễ dàng.
- Cách thức thực hiện:
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, vị trí công việc của các bộ phận trong nhà trường và các hoạt động thường kỳ của nhà trường, ban giám hiệu nhà trường mà đặc
biệt là hiệu trường xác định vai trò và nhiệm vụ của từng lực lượng trong và ngoài nhà trường trong xây dựng VH ứng xử. Nghiên cứu đề xuất phương án phân công nhiệm vụ cho các lực lượng cốt cán tham gia vào hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường THCS như sau:
Hiệu trưởng: Hiệu trưởng trường THCS phải là người đứng đầu, chủ trì công tác quản lý xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, từ lập kế hoạch tổng thể về xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường; tổ chức các bộ phận triển khai xây dựng văn hóa ứng xử; chỉ đạo, giám sát các bộ phận xây dựng văn hóa ứng xử; kiểm tra, đánh giá hiệu quả và tiến độ xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường. Hiệu trưởng cũng cần đồng thời tạo dựng và giám sát sự kết nối giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường trong phối hợp xây dựng văn hóa ứng xử tại nhà trường THCS
Phó Hiệu trưởng: Các phó hiệu trưởng là người thay mặt hiệu trưởng trực tiếp chỉ đạo các bộ phận trong và ngoài nhà trường trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, giám sát, kiểm tra và báo cáo với hiệu trưởng để có những điều chỉnh cần thiết.
Giáo viên chủ nhiệm: Giáo viên chủ nhiệm là người chịu trách nhiệm chung về nề nếp học tập, ứng xử của học sinh trong một lớp học. Giáo viên chủ nhiệm có thể thông qua các giờ sinh hoạt lớp để giúp học sinh hình thành các giá trị văn hóa ứng xử phù hợp, biết và thực hành các chuẩn mực văn hóa ứng xử trong nhà trường (đặc biệt là hiểu rõ và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử học đường của trường mình), cũng như các cách thức xây dựng không gian sư phạm, bầu không khí sư phạm, tác phong ứng xử phù hợp. Giáo viên chủ nhiệm cũng có thể thông qua ban cán sự lớp để tăng cường sự tham gia của học sinh vào các hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường.
Công đoàn nhà trường: Công đoàn nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với ban giám hiệu để quản lý, tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ công nhân viên tích cực rèn luyện văn hóa ứng xử của bản thân và góp phần xây dựng môi trường văn hóa ứng xử chung của nhà trường. Công đoàn cần phát động các phong trào trong tập thể người lao động, định kỳ đánh giá năng lực ứng xử của cán bộ công nhân viên và giới thiệu khen thương, kỷ luật tương ứng.
Bí thư Đoàn Thanh niên của trường: là đại diện các tổ chức đoàn thể của học sinh, bí thư đoàn cần là những người tiên phong trong giáo dục học sinh về văn hóa ứng xử trong nhà trường. Đoàn Thanh niên và Đội thiếu niên tiền phong cũng là những đơn vị cần tiên phong trong đề xuất các hình thức sáng tạo để xây dựng VHNT.
Gia đình học sinh: Gia đình học sinh là lực lượng phối hợp quan trọng với nhà trường trong xây dựng văn hóa ứng xử cho học sinh theo định hướng chung của nhà
trường và chính quyền địa phương. Nhà trường cần tuyên truyền với gia đình về vai trò nêu gương của bố mẹ trong rèn luyện văn hóa ứng xử văn minh cho học sinh
3.2.2.3. Điều kiện thực hiện
Để thực hiện tốt biện pháp này, hiệu trương nhà trường cần tìm hiểu kỹ về đặc điểm của các lực lượng trong và ngoài nhà trường, từ đó có quyết định chuẩn xác, phù hợp trong phân công nhiệm vụ của từng đơn vị. Hiệu trương nhà trường cần phát huy vai trò tạo động lực, truyền cảm hứng, từ đó kêu gọi được sự tham gia của các lực lượng vào hoạt động xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, tránh dùng quyền lực pháp lý đơn thuần để tổ chức xây dựng văn hóa ứng xử.