CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN DẠY HỌC THEO MÔ HÌNH LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC VÀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC CỦA HỌC SINH
1.3. Phân tích vai trò của dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược trong việc phát triển năng lực học sinh
1.3.1. Nguyên tắc tổ chức hoạt động học tập theo mô hình lớp học đảo ngược
Nguyên tắc tổ chức hoạt động theo mô hình lớp học đảo ngược đó là phải lấy người học làm trung tâm. Thời gian ở trên lớp được dành để HS khám phá các chủ đề sâu hơn và tạo ra những cơ hội học tập thú vị hơn. Còn những bài giảng, những video giáo dục trực tuyến được thiết kế nhằm truyền tải nội dung kiến thức bên ngoài lớp học. Lớp học đảo ngược được chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Tìm hiểu thông tin mới
Giai đoạn này diễn ra hoàn toàn ở nhà. Giáo viên và học sinh sẽ tự làm việc hoặc học tập một mình. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh ở giai đoạn 1 cụ thể như sau:
Giáo viên: Tìm hiểu thông tin, xác định nội dung, mục tiêu bài học, chuẩn bị bài giảng hấp dẫn cho học sinh. Sau đó, giáo viên quay video bài giảng và cung cấp học liệu cho học sinh qua mạng.
Học sinh: Xem video bài giảng, đọc sách và tài liệu, học các kiến thức mà giáo viên đã gửi, ghi chép lại các kiến thức thu nhận được, tự làm quiz, bài tập cấp thấp.
Đồng thời, học sinh thảo luận trên diễn đàn, ghi lại các câu hỏi thắc mắc, chuẩn bị dự án nhóm. Trong một số trường hợp, học sinh còn có thể tương tác trước với giáo viên hoặc học sinh khác trên hệ thống.
- Giai đoạn 2: Đào sâu vào kiến thức
Giai đoạn này diễn ra ở lớp học. Học sinh và giáo viên tương tác với nhau, học sinh tương tác với bạn học trong lớp về bài học đã tìm hiểu trước đó ở nhà. Nhiệm vụ của giáo viên và học sinh ở giai đoạn 2 cụ thể như sau:
Giáo viên: Giáo viên tổ chức thảo luận theo nhiều hình thức khác nhau, nhận xét, đánh giá, giải đáp các câu hỏi của học sinh, chốt lại kiến thức trọng tâm. Sau đó, giáo viên sẽ đưa thêm các kiến thức chuyên sâu vào bài giảng.
Học sinh: Đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề, nghe giáo viên giải đáp, giảng giải, làm việc nhóm, thảo luận tình huống, tranh luận, thực hành kỹ năng, thuyết trình cá nhân và nhóm. Ngoài ra, học sinh có thể tham gia các trò chơi để củng cố kiến thức và nghe nhận xét của giáo viên.
1.3.2. Vai trò của dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược trong việc phát triển năng lực học sinh
Khi xem trước bài giảng ở nhà, HS sẽ có thời gian nghiên cứu về một kiến thức mới. Thông qua việc tìm hiểu và đặt câu hỏi, HS không bị bỡ ngỡ khi tiếp nhận thông tin từ GV. Bên cạn đó góc nhiều của HS trở nên sinh động hơn khi không bị chi phối bởi quan điểm của GV hay chương trình học. Trao đổi với GV về chủ đề mới tại lớp tạo điều kiện cho HS rèn luyện khả năng giao tiếp, chủ động nêu ý kiến và phản biện tranh luận với nhiều góc nhìn khác nhau. Có thể nói, mô hình lớp học đảo ngược cho phép HS chủ động kiểm soát được bài học.
Trong mô hình lớp học đảo ngược, HS bắt buộc phải tìm hiểu thông tin trước khi đến lớp, tạo điều kiện để hình thành và rèn luyện thói quen tự học ở từng người.
Lưu ý, GV cần quan tâm và dẫn dắt những bạn chưa có khả năng tự học để họ sớm quen với nhịp độ học tập, tránh bị mất kiến thức vì không theo kịp bài học.
Mỗi HS đều cần độc lập tìm hiểu trước về bài học, do đó, có thể có nhiều góc nhìn khác nhau. Lợi ích lớp học đảo ngược là khi trao đổi tại lớp, mỗi người sẽ được trình bày suy nghĩ của mình, theo đó cũng được tiếp nhận ý tưởng của những người khác, giúp hiểu thông tin bài học một cách sâu và đa chiều hơn. Cuối cùng, GV sẽ đóng vai trò củng cố và mở rộng kiến thức, hướng học sinh đến cách hiểu đúng. HS sẽ dễ dàng hiểu được GV đang đề cập đến kiến thức nào, qua đó tăng cảm xúc muốn học và tham gia phát biểu. Như vậy, một buổi học sẽ giống với một buổi thảo luận hơn thay vì là một buổi nghe – chép nhàm chán như trước.
Hình 1.2. Tác động của mô hình lớp học đảo ngược đến các thành tố của năng lực tự học. [10]
KẾT LUẬN CHƯƠNG I
Trong Chương 1, tôi đã trình bày một số vấn đề cụ thẻ như sau:
- Trình bày một số nội dụng cơ bản về mô hình LHĐN: khái niệm, ưu điểm, nhược điểm, tiến trình dạy học theo mô hình LHĐN.
- Làm rõ khái niệm năng lực, tự học, năng lực tự học.
- Trình bày biểu hiện năng lực tự học, bảng thành tố năng lực tự học và bảng biểu hiện năng lực Vật lí.
Như vậy, tôi đã nghiên cứu về cơ sở lí luận của đề tài. Đây là nội dung quan trọng, là nền tảng làm cơ sở để xây dựng tiến trình dạy học chương “Động lực học” – Vật lí 10 Kết nối tri thức theo mô hình LHĐN nhằm phát triển năng lực tự học cho HS ở chương 2.