CHƯƠNG 1 CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN
1.3. Chính sách của chúa Nguyễn đối với Phật giáo
Sau khi chọn Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần cho xứ Đàng Trong, Chúa Tiên và những vị chúa sau đó đã có những chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển Phật giáo Đàng Trong.
Đầu tiên, các chúa Nguyễn đưa chính sách trùng tu, sửa sang, xây dựng hàng loạt chùa chiền khắp các địa phương thuộc Đàng Trong.
Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho dựng lại chùa Thiên Mụ. Năm sau, chúa lại đến chùa Thiên Mụ lập trai đàn và làm lễ bố thí. Cũng trong năm này, ông cho dựng chùa Sùng Hóa ở xã Triêm Ân, huyện Phú Vang. Năm 1607 cho lập chùa Bảo Châu ở
Trà Kiệu, Quảng Nam. Năm 1609, lập chùa Kính Thiên ở Quảng Bình. Những sự kiện này chỉ diễn ra sau 40 năm, kể từ lần đầu tiên ông vào nhậm chức ở Thuận Hóa (1558) quay trở lại sau đó vào năm 1600 với ý đồ xây dựng cơ nghiệp riêng cho dòng họ Nguyễn [18, tr.181]. Điều này cho thấy, những việc làm của chúa Tiên cho Phật giáo đã góp phần vào sách lược thu phục nhân tâm, bình ổn xã hội của ông. Từ đây, bức tranh Phật giáo Đàng Trong không còn là sự truyền bá đơn thuần mang tính tự nhiên mà còn bị tác động bởi các động thái chính trị của nhà cầm quyền. Chính quyền Nguyễn từ đây chính thức bảo trợ Phật giáo, đứng ra chăm lo cho đời sống tâm linh của dân chúng
21
Sau khi Nguyễn Hoàng mất, con là Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) lên nối nghiệp, còn gọi là chúa Sãi. Chúa đã nâng cao địa vị chùa Thiên Mụ qua việc biến chùa thành nơi thờ cha mẹ tổ tiên mình. Chùa Thiên Mụ trở thành đại danh lam hàng đầu của Phật giáo Đàng Trong, cũng là chùa hoàng gia, là nơi thờ phụng tổ tiên dòng họ Nguyễn Phúc. Năm 1691, chúa Minh Phúc Chu (Quốc chúa) lên ngôi, vẫn trọng dụng thiền sư Nguyên Thiều, cho trụ trì chùa Quốc Ân và kiêm quản chùa Thiên Mụ. Các ngôi chùa khác lần lượt được dựng, sư tăng được mời, đàn chay được lập. Đất Thuận Hóa trở thành trung tâm, chúa xây hai chùa Thiên Mụ và Sùng Hóa; Hải Vân là nơi tiếp giáp quan yếu giữa hai vùng Thuận Hóa và Quảng Nam đặt chùa Long Hưng; Quảng Bình và Quảng Nam mỗi xứ cho xây một chùa.
Chính nhờ việc trùng tu, sửa sang và xây dưng chùa chiền ở Đàng Trong đã tạo cho Phật giáo Đàng Trong nổi bật trong con mắt của các thương nhân nước ngoài. Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 giáo sĩ phương Tây Christophoro Boris đã nhận xét rằng: “Xứ Đàng Trong có rất nhiều chùa đẹp với tháp cao và lầu chuông. Mỗi địa điểm dù nhỏ đến đâu cũng có đền chùa thờ cúng Phật” [5, tr.118].
Thứ hai, để phát triển Phật giáo Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã thỉnh mời các cao tăng Trung Quốc sang Đàng Trong hoằng pháp; thỉnh tượng Phật, pháp khí và mua nhiều kinh sách từ Trung Quốc để phục vụ cho việc thờ cúng, truyền bá Phật pháp.
Chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648) thật sự là người có thiên hướng tín ngưỡng Phật giáo và tạo điều kiện cho Phật giáo Đàng Trong nói chung và Phật giáo ở Thuận Hóa nói riêng phát triển. Thời kỳ này, xuất hiện nhiều vị thiền sư Trung Quốc nổi tiếng như Viên Cảnh, Viên Khoan đến Thuận Hóa truyền giáo [23, tr.100]. Ngoài ra, còn có rất nhiều hoà thượng Trung Hoa đã đến Đàng Trong truyền đạo như thiền sư Minh Hoằng, thiền sư Giác Phong, thiền sư Từ Lâm, thiền sư Pháp Bảo, thiền sư Hưng Liên, thiền sư Pháp Hoá, thiền sư Tề Viên, thiền sư Nguyên Thiều,… Đây hầu hết là các vị
thiền sự hạnh đạo, kiến văn quảng bác, đã có công khai sơn nhiều ngôi chùa lớn, truyền bá rộng rãi Phật pháp ở Đàng Trong [12, tr.63].
Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Phật giáo Đàng Trong đã phát triển mạnh mẽ nhờ những đợt truyền bá và hoằng hóa của các thiền sư Trung Quốc, cũng như các thiền sư Việt Nam. Năm 1687, khi chúa Nghĩa Phúc Trăn lên ngôi phải nhờ thiền sư Trung Quốc là Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh sư tăng cùng kinh sách, pháp tượng, pháp khí. Năm 1691, chúa Minh Phúc Chu (Quốc chúa) lên ngôi, vẫn trọng dụng thiền sư Nguyên Thiều, cho trụ trì chùa Quốc Ân và kiêm quản chùa Thiên Mụ.
Đặc biệt, thời kỳ trị vì của chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đã đạt được những thành tựu rực rỡ và viên mãn. Quốc chúa đã sai người sang nước Thanh mua kinh Đại tạng cùng luật và luận hơn nghìn bộ để ở tự viện, còn cho người sang Trung Quốc
22
mua Kinh Phật, thỉnh mời các cao tăng, thỉnh pháp khí về. Đại sư Thích Đại Sản qua tác phẩm du ký của mình có ghi:“…Ngày mùng 4 tháng 8 năm Giáp Tuất, người nhà gõ cửa tin cho biết có khách là sứ giả nước Đại Việt đến. Sứ giả người tỉnh Phúc Kiến, tay nâng phong thư giấy vàng cung kính, sụp lạy dâng lên cùng với các lễ vật… thưa rằng
“Đại Việt Quốc Vương từ lâu ngưỡng mộ Hoà Thượng… Kể từ tiên vương (tức Nghĩa vương) đã có thư mời, đến nay nữa là ba lần cả thảy. Mời đến ba lần cũng đã thành tâm lắm vậy…” [34, tr.19].
Việc các chúa thỉnh mời các cao tăng, pháp khí từ Trung Hoa vào Đàng Trong tạo điều kiện cho sự du nhập nhiều tông phái Phật giáo mới như Lâm Tế, Tào Động và sự ra đời của thiền phái mang đậm nét bản sắc Việt - phái Liễu Quán. Tiêu biểu vào năm 1687 của chúa Nghĩa Phúc Trăn, một số đông các nhà sư Trung Hoa thuộc dòng Lâm Tế và Tào Động đã đến Đàng Trong. Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn cho mở Đại Giới đàn tại chùa Thiên Mụ, cử tổ sư Nguyên Thiều làm Hòa thượng Đường đầu. Với Đại Giới đàn này, kể như phái Lâm Tế được trọng dụng, phát triển tại trung tâm Đàng Trong
Thứ ba, một trong những chính sách ưu ái của các chúa Nguyễn đối với Phật giáo chính là sự coi trọng tăng sư, đồng thời quan tâm việc chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong.
Các chúa rất coi trọng tăng sư qua việc mời các vị cao tăng tài cao đức trọng để
tham vấn về chính sự. Năm 1694, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu tôn thiền sư Quả Hoằng Hưng Liên (quê Quảng Đông), người khai sơn và đang trụ trì chùa Tam Thai (toạ lạc ở
phía Tây Ngũ Hành Sơn, huyện Diện Phước, Quảng Nam) - người đầu tiên đem tông phái Tào Động vào Đàng Trong Đại Việt làm Quốc sư [6, tr.33]. Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu đích thân viết thư mời thiền sư Trung Hoa là Thạch Liêm Hoà Thượng (Hoà thượng Thích Đại Sán) sang Đàng Trong để dạy đạo cho quan và dân.
Hoà Thượng Thạch Liêm đến Đàng Trong vào mùa xuân năm 1695, trong thời gian lưu lại xứ Đàng Trong, ngoài việc cố vấn cho chúa về lĩnh vực trị nước, Hoà thượng đã giúp đỡ nội phủ rất nhiều trong việc trùng hưng lại đạo Phật. Không chỉ chúa Nguyễn ngay cả các vị hoàng thân quốc thích cũng rất mễn mộ Phật , tôn trọng sư tăng. Trong cuốn Hải ngoại kỷ sự của mình, Hoà thượng đã viết:“Lão tăng từ phương xa đến, được Quốc vương, cung kính, thân như cốt nhục… Vả lại thần dân trong nước thảy đều quy y Tam bảo, thực là một quốc gia ưa muốn làm lành, rất hiếm có…” [34, tr.50].
Ngoài ra, nhằm chấn hưng lại Phật giáo, ngày mùng 1 tháng Tư năm Ất Hợi (1695), Quốc chúa tổ chức lễ truyền Sa di giới, mở đàn dâng lễ và mời Hoà thượng Đại Sán thượng đàn thuyết pháp. Sang ngày lễ Phật đản (mồng 8 tháng 4), Quốc chúa khai đàn ở Nội viện, có quốc mẫu, công chúa, hậu cung, quyến thuộc… đồng thọ Bồ tát giới.
Tiếp đó, ngày mồng 9 tháng Tư, Hoà thượng xuất tăng nhân hai hàng, thi lãnh hơn 1.400
23
tân giới đệ tử, mặc cà sa, cầm bình bát, cử hành lễ cổ Phật khất thực và tạ ơn Quốc chúa đã thành tựu công đức, kế đó chúa cho mời hai Tăng nhân vào cúng chay, đãi trà nhóm tân giới đệ tử và ban thêm 300 quan tiền, 100 thạch gạo sai lính gánh đến chùa Thiền Lâm, lại đem tất cả giới điệp có đóng ấn triện của chúa ban cấp cho Tăng nhân và những người đã tham gia đại lễ trai đàn [53]. Như vậy, trong suốt hơn một năm ở lại Thuận Hoá của Đại sư Thích Đại Sán, Quốc chúa đã tạo điều kiện triệu tập tăng chúng, mở ba giới đàn để Hoà thượng Thích Đại Sán truyền giáo, qua đó chấn hưng Phật giáo, thanh trừng những phần tử truỵ lạc.
Có thể nói, nếu ban đầu việc chúa Nguyễn Hoàng chọn Phật giáo là để làm niềm tin tinh thần cho nhân dân và xuất phát từ mục đích chính trị, thì các chúa Nguyễn sau này thật sự lại là những người mộ đạo Phật. Nếu Nguyễn Hoàng được gọi là chúa Tiên, còn mang âm hưởng của Đạo giáo, thì nhiều chúa Nguyễn sau này lại mang những tên rất Phật. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), người kế vị chúa Tiên, có tên gọi là chúa Sãi. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) mang đạo hiệu là Thiên Túng Đạo nhân, con của ông là chúa Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) tự đặt cho mình là Vân Truyền Đạo nhân, cháu của ông, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) cũng có tự hiệu là Từ Tế
Đạo nhân. Tất cả đều là những Phật tử thuần thành.
Nhờ các chính sách phát triển và bảo vệ Phật giáo Đàng Trong của các chúa Nguyễn được áp dụng và mạnh mẽ nhất vào thời gian trị vì của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Phật giáo Đàng Trong đã đồng hành cùng quá trình mở cõi, khai phá đất đai, định hình môi sinh trù phú, góp phần ổn định chính sự, hình thành lẽ sống và niềm tin cho dân chúng, tạo nên nét đặc trưng văn hóa cho vùng đất phía Nam. Phật giáo Đàng Trong mang tinh thần thống nhất trong đa dạng và thực sự trở thành động lực phát triển cho mảnh đất Đàng Trong thời các chúa Nguyễn trong hai thế kỷ XVII - XVIII.
24