CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO Ở ĐÀNG TRONG THẾ KỶ
3.2. Vai trò của Phật giáo ở Đàng Trong thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII
3.2.2. Phật giáo đối với đời sống văn hoá xã hội, giáo dục ở Đàng Trong
Đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII đầy biến động, sự tồn tại của thế lực Nguyễn Hoàng thật quá cam go.Vấn đề có tính chiến lược của họ Nguyễn, ngay từ buổi đầu, là phải xác lập nền tảng tư tưởng thống nhất để cố kết xã hội, làm chất keo kết dính cộng đồng, định hướng tinh thần cho quốc gia lãnh thổ mà vẫn không vượt ra ngoài và không rập khuôn máy móc những “khuôn vàng thước ngọc”
trong định chuẩn xã hội Nho giáo đương thời từ miền Bắc. Phật giáo đã đảm đương thành công sứ mạng cao cả đó. Và“các nhà lãnh đạo họ Nguyễn cảm thấy cần phải đưa ra một cái gì đó khác với tín ngưỡng người Chăm, để củng cố, cai trị di dân người Việt về mặt tinh thần và tâm lý” [20, tr.222].
Thứ nhất, Phật giáo góp phần ổn định đời sống xã hội.
Theo nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần:“Lực lượng khẩn hoang đông đảo nhất chính là những người nông dân nghèo khổ. Họ không có điều kiện để cho con em tới trường, và với số ít ỏi có điều kiện thì đạo thánh hiền mà Nho gia rất mực
47
tôn kính, trong họ cũng đã dần dần bớt thiêng. Họ tìm đến những gì phù hợp hơn, thiết thực vỗ về và an ủi họ khi đối mặt với vùng đất mới bao la và dữ dội. Họ cần trước hết là những bài học về đức làm người, cụ thể, giản dị và sinh động chứ không phải là (bởi vì cũng khó có thể là) sự nghiền ngẫm thiên kinh vạn quyển với vô số những triết lý cao siêu. Và, Phật giáo với đội ngũ các nhà tu hành giàu nhiệt huyết nhập thế một cách tích cực đã mau chóng đáp ứng được điều này.” [45, tr.156]. Do đó, chính sách bảo hộ Phật giáo sẽ giúp Nguyễn Hoàng thu phục nhân tâm của người dân trên vùng đất này.
Từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho đến các chúa Nguyễn sau đều thực hiện nhất quán chính sách đối với Phật giáo trong chiến lược nhân tâm ở Đàng Trong. Chính quyền chúa Nguyễn bảo trợ và xem Phật giáo như một hệ tư tưởng quy tụ sự ủng hộ về
mặt tinh thần và đạo đức bởi đạo Phật là tôn giáo đậm chất men yên ủi, phủ dụ, là nơi bám víu, che chở cho tâm hồn Việt tha hương xa xứ, di cư trên vùng đất đầy lạ lẫm không chỉ bởi sự thách thức của môi trường sinh tồn mà còn là bản lĩnh để tiếp cận với những sắc thái văn hoá của các cộng đồng người bản địa. Phật giáo góp phần vào việc quy tụ nhân tâm; củng cố đoàn kết xã hội trên cơ sở cùng chia sẻ các giá trị luân lý, đạo đức Phật giáo; là nhân tố trung gian góp phần hóa giải những khác biệt giữa các cộng đồng tôn giáo...
Có thể thấy rõ điều đó trong biên niên sử thời Nguyễn đã chép về giai đoạn này như sau:“Chúa ở trấn hơn 10 năm,(Chúa tiên Nguyễn Hoàng) chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một đô hội lớn” [28, tr. 23].
Thứ hai, Phật giáo ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hoá, tâm linh của người dân Đàng Trong.
Thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, Nho giáo có xu hướng thoái trào và khủng hoảng, do đó Phật giáo được người dân càng tin tưởng và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tư tưởng, tâm linh của người Việt. Đạo Phật đã thu hút khá đông đảo tín đồ thuộc mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội từ bình dân, nho sĩ, quan liêu cho đến tầng lớp quý tộc. Thực tế, này diễn ra tương tự ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn, Phật giáo đã có ảnh hưởng rất sâu đâm và tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, dến nếp sống, cách ứng xử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng nơi đây và góp phần tạo nên những nét đặc trưng văn hóa của cộng đồng cư dân vùng đất Đàng Trong. Phong tục tập quán của người dân Việt trên vùng đất mới chịu ảnh hưởng từ những nét sinh hoạt Phật giáo nhiều như vậy.
Nhà du hành Cristophoro Borri đã nhận xét khi đặt chân đến nơi đây rằng:“Xứ Đàng Trong còn có nhiều đền chùa rất đẹp với tháp cao và lầu chuông. Mỗi địa điểm dù nhỏ bé đến đâu thì cũng có đền chùa thờ cúng thần Phật. Có những pho tượng rất
48
lớn có vàng có bạc chứa chấp và tàng trữ ở trong. Thật không hơn không kém là một kho tàng thánh trong ngực hay trong bụng pho tượng. Không ai dám sờ mó vào trừ khi bị lâm vào cơn túng quẫn cùng cực. Một tên ăn trộm nào đó thò tay lục trong bụng tượng mà không nghĩ đến tầm quan trọng của việc phạm thánh, vì ở đây người ta vẫn quan niệm rằng làm như vậy là phạm thượng. Lại nữa họ đeo ở cổ nào là tràng hạt, chuỗi hột…”. [5, tr.118,119]. Sự cung kính với Phật còn được thể hiện qua những việc rất chân chất đó là“những bông lúa chín đầu tiên, những quả cau chín đầu tiên đều được mang cúng Phật” [34, tr.57] hay “Từ lòng nhân từ đến tinh thần từ bi, bác ái, người Nam Hà cũng giống người Do Thái thời xưa, biểu lộ lòng thành kính của minh bằng cách dân lên cúng lên ảnh tượng của vị thần linh bảo trợ những lứa đầu mùa” [4, tr.101].
Phật giáo đề cập đến rất nhiều mặt trong cuộc sống con người, với sự từ bi của Phật giáo đã giúp cho con người cảm thấy nhẹ nhàng và dễ tiếp nhận. Với giáo lý nhân quả nghiệp báo của Phật đã khích lệ con người không ngừng phấn đấu để hoàn thiện mình, giúp cảnh tỉnh con người phải biết phân biệt thiện ác, từ bỏ điều ác làm những điều tốt, giải phóng con người ra khỏi mọi nỗi khủng hoảng, khổ đau. Các ngôi chùa đã dần được xây dựng ngày càng nhiều trên mảnh đất Đàng Trong và trở thành nơi mọi người tập trung đến để cầu an, cầu phúc, giải tỏa nỗi buồn có được sự an lạc: “Xứ Đàng Trong kể từ khi chúa Tiên vào trấn thủ Thuận Hóa (năm1558), Phật giáo được hoằng dương, chùa chiền xây dựng nhiều, sư sãi được kính trọng. Nhiều chúa quan tâm xây dựng, sửa sang các ngôi chùa lớn. Nhân dân đóng góp tiền của, ruộng đất, đúc chuông, đúc tượng cúng dường Tam Bảo ” [38, tr.191]. Đạo Phật đã giành được sự tín trọng và quan tâm đặc biệt của người dân nơi đây: “Nhân dân nghe tin danh sư đến, trời chưa sáng quan dân nam nữ đã đứng chật dưới thềm, bưng đội tiền bạc trầu cau, trái cây, đến lễ bái, tục gọi đi lễ ăn mừng; từ bữa ấy liên tiếp cả tháng chẳng dứt ” [38, tr.191].
Ngoài ra, cách mặc của người Đàng Trong cũng bị ảnh hưởng một phần từ Phật giáo. Từ áo vạt khách của người Hoa, Phật giáo nối dài vạt trước phủ kín ngang hông tạo thành áo vạt hò. Khi có lệnh của chúa Nguyễn, bỏ áo tứ thân thay bằng áo năm thân, loại áo mới này cũng ảnh hưởng trực tiếp từ vạt hò của Phật giáo. Chính cách mặc áo ngũ thân đó, người nước ngoài mới nhận xét “quan lại Nam Hà ăn mặc theo lối Nhật”[7, tr.40].
Những điều đó, cho thấy Phật giáo đã ảnh hưởng khá nhiều tới văn hoá xã hội vùng đất mới này, giúp cho văn hoá xã hội được tốt đẹp, tiến bộ hơn. Con người biết yêu thương, giúp đỡ, đoàn kết với có thể bỏ qua những thù hằng để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp. Đạo đức Phật giáo với tinh thần từ bi là tình thương hoàn toàn vị tha, cốt
49
đem lại sự an vui và làm vơi cạn nỗi đau của con người. Cho nên từ bi là nền tảng đạo đức của Phật giáo, là động cơ thúc đẩy con người làm mọi điều lành.
Thứ ba, Phật giáo trong vấn đề giáo dục ở Đàng Trong.
Bên cạnh những ảnh hưởng văn hoá, xã hội mà Phật giáo mang lại, Phật giáo Đàng Trong còn có vai trò trong việc giáo dục, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trong việc học chữ. Giáo dục của Nho học phần nào mâu thuẫn với lợi ích cầm quyền của chúa Nguyễn, giới trí thức Nho học Đàng Trong ít ỏi khiến Nho học không thể phát triển rộng rãi. Vì vậy, nhiệm vụ giáo dục được giao về cho Phật giáo. Từ khi theo chân di dân vào vùng đất mới, một hệ thống giáo dục đặc biệt của Phật giáo đã ra đời. Trẻ em đến chùa không phải để xuất gia. Mái chùa bấy giờ là nơi dạy kiến thức thế tục lẫn Phật học, chăm chút, nuôi lớn tài năng cho bao thế hệ danh nhân.
Trong bối cảnh Đàng Trong lúc bấy giờ, Phật giáo Việt Nam vẫn mang nặng trách nhiệm giáo dục. Bởi nhiều thế hệ di dân muốn từ bỏ những quan niệm Nho học do giới sĩ phu Bắc Hà cho là khuôn vàng thước ngọc, từng khiến họ khốn khổ. Người Đàng Trong coi trọng tính cởi mở mà chính người ngoại quốc cũng phải nhìn nhận: “Họ thậm chí khen ngợi tập quán của người ngoại quốc, và với thái độ rất lịch sự, họ khâm phục những học thuyết xa lạ, đặt chúng lên trên cả giáo điều của họ, khác hẳn với người Trung Quốc luôn tự phụ về phong tục và giáo điều quốc gia” [5, tr.85].
Ngoài nhiệm vụ làm thầy dạy học chữ, các vị sư còn kiêm thêm nhiều nhiệm vụ khác trong đời sống cư dân Đàng Trong như: thầy thuốc, thầy tướng số. Những nhà truyền giáo phương Tây cũng nhìn nhận: “các nhà sư ở đây được coi là những thầy thuốc giỏi nhất” [4, tr.139.]. Do đó, có thể phác họa diện mạo Phật giáo Đàng Trong bấy giờ, chư tăng vừa là bậc thầy tâm linh, thực hiện các nghi thức tâm linh, vừa là thầy đồ dạy học nơi làng quê và cũng là thầy thuốc trị bệnh, cứu người. Những vai trò đó
giúp Phật giáo và di dân Đàng Trong gắn bó mật thiết với nhau, tạo nên chỗ đứng đặc biệt cho Phật giáo.
Tóm lại, Phật giáo dễ dàng được người Việt tiếp nhận, nhất là khi con người bị
vây khốn bởi những áp lực tinh thần, không nơi bám víu nương tựa. Trong quá trình
“mở cõi” về phía Nam với nhiều gian lao trắc trở, Phật giáo vẫn là nơi nương tựa vững chắc về mặt tinh thần, giúp người dân tại vùng đất mới sớm an cư lạc nghiệp. Phật giáo đã tác động đến đời sống văn hoá xã hội cư dân vùng đất mới, đồng thời kết hợp với yếu tố bản địa để sinh ra những nét đặc trưng riêng. Giá trị tốt đẹp của Phật giáo từ thuở khai hoang ấy đã được những di dân lưu giữ đầy trân trọng, để truyền lại cho thế hệ sau và đến ngày nay.
50 KẾT LUẬN
Nhìn lại lịch sử một thời của nước nhà, có thể dễ dàng nhận thấy Phật giáo gắn bó với người Việt, là tôn giáo đồng hành với lịch sử dân tộc. Với người dân, tôn giáo là nhu cầu tinh thần, nhu cầu tâm linh; với nhà cầm quyền, tôn giáo đôi khi đáp ứng được những yêu cầu chính trị cần phải nhờ cậy. Khi Nguyễn Hoàng cùng với ý đồ mở rộng bờ cõi về phía Nam và xây dựng một lãnh thổ riêng cho dòng họ Nguyễn trên vùng đất này, Nguyễn Hoàng đã chọn Phật giáo làm một trong những điểm tựa tinh thần gắn kết cộng đồng. Sự lựa chọn bảo trợ Phật giáo từ ban đầu này đã khiến sự gắn bó với Phật giáo trở thành đặc điểm của dòng họ Nguyễn trong suốt thời gian tồn tại về mặt chính trị lẫn văn hoá, xã hội.
Các chúa Nguyễn với chính sách tôn giáo đó với cả cả tinh thần mộ đạo Phật của mình. Để hộ trì, phát triển Phật giáo, các chúa đã tích cực thực hiện rất nhiều biện pháp:
trùng tu, xây dựng chùa chiền; thỉnh mời các cao tăng Trung Quốc hoằng dương Phật pháp, tổ chức nhiều giới đàn và thọ giới cho nhiều tăng sư; thỉnh pháp khí và mua nhiều kinh sách; thanh lọc và phát triển tăng đoàn. Dưới sự ủng hộ của các chúa, Phật giáo Đàng Trong đã có bước phát triển mạnh mẽ và đã có tác động tích cực trở lại đối với chính sách cai trị của các chúa. Phật giáo trở thành một trong những tiền đề quan trọng để các chúa Nguyễn an dân, trị quốc, xây dựng một xã hội Đàng Trong ổn định, kinh tế
phát triển và thực hiện thành công công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam. Các bậc cao tăng đạo của các dòng phái lớn từng có thời kỳ dài đến Đàng Trong hoằng hóa khiến cho tăng đoàn nơi đây có trình độ cao, cư sĩ tín đồ đông đảo và nhiều cơ sở thờ phụng.
Lối sống Phật giáo rất phổ biến ở tầng lớp quý tộc quan lại, sự sùng mộ Phật giáo trong dân là một trong những nhân tố tạo nên bản sắc Đàng Trong thế kỷ XVII đến giữa thế
kỷ XVIII.
Các chính sách về phát triển Phật giáo Đàng Trong của chúa Nguyễn đã tạo cho Phật giáo phục hưng lại, tồn tại và phát triển sâu rộng trong đời sống người dân, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển trong sự kiểm soát của Nhà nước. Các chúa Nguyễn quan tâm Phật giáo với việc trùng tu và xây dựng cơ sở thờ tự làm nơi gắn kết người dân nơi đây, coi trọng đội ngũ sư tăng. Dù được ưu ái, nhưng Phật giáo giai đoạn này không thể
có được vị trí đỉnh cao như thời Lý - Trần mà chỉ có thể đứng sau Nho giáo, hỗ trợ Nho giáo trong việc củng cố vương quyền, trị vì đất nước.
Cùng với đó, sự phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong một mặt là sự thâu hóa tinh hoa của nhiều tư tưởng thiền Trung Quốc, mặt khác là sự tiếp nối mạch nguồn tư tưởng Phật giáo của dân tộc để sáng tạo nên sắc thái Việt riêng của mình. Các kiến trúc, chùa chiền Phật giáo đều mang dấu ấn của cả hai nền văn hóa Hoa - Việt, nếu không
51
tinh tế sẽ không nhận ra được đâu là văn hóa bản địa, đâu là văn hóa ngoại lai. Phật giáo trở thành nét tâm linh cao đẹp đi cùng với quá trình mở cõi phương Nam của cha ông ta, giữ vai trò quan trọng cả trong đời sống tâm linh, tư tưởng, cũng như văn hóa, giáo dục, xã hội và kể cả chính trị của Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn. Sự phát triển Phật giáo giai đoạn này sẽ là bệ đỡ tạo điều kiện cho Phật giáo tiếp tục tồn tại và phát triển, phục hưng mạnh mẽ ở các giai đoạn tiếp theo.
52
TÀI LIỆU THAM KHẢO I. Sách, tạp chí, luận văn, luận án
1. Đỗ Bang (chủ biên)(2020), Đàng Trong thời chúa Nguyễn - Kinh tế, văn hoá, xã hội, NXB Tri thức, Hà Nội.
2. Ban Thiền Học (8/2011), “Ảnh hưởng của Phật giáo trong thời đại chúa Nguyễn Phúc Chu”, Tham luận Hội Thảo khoa học Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước,Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, tr.378-388.
3. Trần Lê Bảo (8/2011), “Từ Thái Tổ Lý Công Uẩn đến Ngự hoàng Trần Nhân Tông và đến Minh vương Nguyễn Phúc Chu”, Tham luận Hội Thảo khoa học Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước,Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, tr.13- 24.
4. John Barow (2018), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), Nguyễn Thừa Hỷ dịch, NXB Thế giới, Hà Nội.
5. Cristoforo Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, NXB TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.
6. Phan Xuân Biên (1991), Văn hóa Chăm, NXB Khoa học Xã hội, TP Hồ Chí
Minh,
7. Nguyễn Duy Chính (2017), Đàng Trong thời Chúa Nguyễn, NXB Thành Phố Hồ
Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.
8. Nguyễn Đại Đồng (8/2011), “Từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu”, Tham luận Hội Thảo khoa học Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước,Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, tr.29-35.
9. Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Trần Đại Vinh dịch và bổ chính, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
10. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, NXB TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.
11. Viên Giác (8/2011), “Tinh thần mộ Thích trong quá trình Nam tiến của chúa Tiên và Quốc Chúa”, Tham luận Hội Thảo khoa học Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi, phát triển đất nước, Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, tr.367-372.