Chương 1: VÀI NÉT VỀ TRÀ VINH VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CỦA NHÂN DÂN TRÀ VINH (1945 - 1954)
1.1. Vài nét về tỉnh Trà Vinh đến năm 1945
1.1.4. Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Trà Vinh từ năm 1930 đến năm 1945
1.1.4.1. Cao trào cách mạng (1930 - 1931) và cuộc đấu tranh phục hồi phong trào (1932 - 1935)
Mùa xuân năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đây là nguồn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đoàn kết và ý chí quật khởi của đồng bào các dân tộc trên cả nước nói chung và ở tỉnh Trà Vinh nói riêng. Cùng thời gian này, tại Trà Vinh có ba chi bộ Cộng sản được thành lập: chi bộ An Trường (quận Càng Long), chi bộ tỉnh lị Trà Vinh và chi bộ Mỹ Long (quận Cầu Ngang). Đến mùa hè năm 1930, ở Trà Vinh có chín chi bộ Đảng, thành lập thêm chi bộ Tân
An - Huyền Hội, chi bộ Mỹ Cẩm, chi bộ Bình Phú, chi bộ Mỹ Hòa, chi bộ Phương Thạnh, chi bộ Cầu Xây [24, tr 16]. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Trà Vinh thành lập kịp thời lãnh, chỉ đạo phong trào cách mạng tại Trà Vinh.
Trong những năm 1930 - 1931 phong trào đấu tranh cách mạng tại Trà Vinh chủ yếu là đòi quyền lợi kinh tế, kết hợp với những khẩu hiệu đấu tranh chính trị chống đế quốc, phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng Cộng sản, phong trào yêu nước của các dân tộc tại Trà Vinh diễn ra rộng khắp ở tỉnh lị Trà Vinh, quận Cầu Ngang, tiêu biểu nhất là cuộc mít tinh, biểu tình của đồng bào ở An Trường (quận Càng Long) nhanh chóng lan rộng đến các tỉnh bạn...Để đối phó lại, ngoài các hoạt động quân sự để đàn áp, thực dân Pháp còn dùng thủ đoạn chính trị, chú trọng đến vấn đề dân tộc nhằm“chia để trị”. Những người cộng sản ở Trà Vinh đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị của mình bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để nông dân, ngư dân giác ngộ, ủng hộ và bảo vệ cách mạng. Sự bảo tồn và phát triển của hệ thống tổ chức Đảng đã cổ vũ niềm tin ý chí đấu tranh quật khởi của đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh. Cuối năm 1931, trong bối cảnh chung của cả nước phong trào đấu tranh cách mạng ở Trà Vinh gặp nhiều khó khăn và tạm thời lắng xuống.
Cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở Trà Vinh đánh dấu một thời kỳ quật khởi và bước chuyển mình trọng đại trong tiến trình cách mạng. Mặc dù, lực lượng cách mạng bị tổn thất nghiêm trọng, nhiều cơ sở Đảng ở Trà Vinh bị phá vỡ nhưng những người đảng viên cộng sản và quần chúng vẫn lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên nhẫn tìm kiếm phương thức hoạt động mới. Vì vậy, ngọn lửa đấu tranh của đồng bào các dân tộc tại Trà Vinh vẫn âm ĩ cháy và bùng lên ở một số nơi. Từ cuối năm 1933 ngoài truyền đơn, tài liệu và báo chí cách mạng cũng được lưu hành rộng khắp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
“Năm 1934, Liên Tỉnh ủy Vĩnh - Trà - Bến được thành lập do đồng chí Dung Văn Phúc làm Bí thư, Xứ ủy Nam kì lại tăng cường đồng chí Trương Văn Nhâm - Xứ ủy viên về chỉ đạo Trà Vinh” [8, tr 45]. Trụ sở chính của Liên Tỉnh ủy và Ban liên lạc Tỉnh ủy Trà Vinh đặt tại quận Cầu Ngang và quận Càng Long.
Năm 1935 hệ thống tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng quần chúng được khôi phục cổ vũ niềm tin cho đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh và chuẩn bị phong trào đấu tranh mới.
1.1.4.2. Phong trào dân chủ (1936 - 1939)
Trước bối cảnh lịch sử thế giới và trong nước có những thay đổi, tháng 7 - 1936 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) đề ra đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng mới.
Năm 1936 Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trương thành lập Ủy ban hành động của tỉnh. Thông qua các Ủy ban hành động, đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh tập hợp nguyện vọng, đề xuất, vạch mặt bọn cai trị, địa chủ và tay sai...Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ diễn ra sôi nổi trong năm 1936 và tiếp tục dâng cao năm 1937, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Hiệp Thạnh, nông dân quận Càng Long và nông dân quận Cầu Ngang đòi bỏ thuế thân, giảm tô, giảm tức, tự do, dân chủ. Ở tỉnh lị Trà Vinh các Hội ái hữu đã liên kết hoạt động với nhau và phối hợp với phong trào nông dân ở ven tỉnh lị đấu tranh chính trị, đòi dân sinh, dân chủ...[18, tr 189].
Đến năm 1939 chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam. Vì thế, Tỉnh ủy Trà Vinh phải kịp thời chuyển hướng mọi hoạt động cách mạng cho phù hợp tình hình mới.
1.1.4.3. Phong trào đấu tranh cách mạng từ năm 1940 đến cách mạng tháng Tám năm 1945
Vào đầu năm 1940 quán triệt chủ trương và kế hoạch khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kì. Đảng bộ tỉnh Trà Vinh tiến hành Hội nghị đại biểu vạch ra chương trình hành động chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa. Tuy lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kì không đến được Trà Vinh đúng theo kế hoạch nhưng cuộc khởi nghĩa Nam kì (23 - 11- 1940) trên địa bàn quận Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) diễn ra sôi nổi, sớm dội vào Trà Vinh. Các hoạt động chuẩn bị và phối hợp khởi nghĩa của Tỉnh ủy Trà Vinh thực sự là một cuộc diễn tập lớn. Để lại cho Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh những bài học kinh nghiệm quí báu về sự chỉ đạo, quá trình chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa.
Đầu năm 1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9 - 3 - 1945), Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, phát động phong trào kháng Nhật cứu quốc làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa [21, tr 570]. Công việc chuẩn bị tiền khởi nghĩa tại Trà Vinh diễn ra càng khẩn trương hơn.
Ngày 15 - 8 - 1945, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc [45, tr 101]. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc thành lập phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Sau khi nhận được chỉ thị Xứ ủy Nam kì, “Hội nghị Tỉnh ủy Trà Vinh được triệu tập vào 18 giờ tại một địa điểm gần bến xe Trà Vinh (số nhà 37, cơ quan giao liên)” [18, tr 205], quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn tỉnh đêm 24 rạng 25 - 8 - 1945, trước hết khởi nghĩa ở tỉnh lị, sau đó tỏa xuống quận lị rồi lan về các làng.
Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập gấp rút triển khai kế hoạch.
Đến sáng ngày 25 - 8 - 1945 toàn bộ chính quyền tỉnh lị đã thuộc quyền kiểm soát lực lượng cách mạng, chính quyền thân Nhật tỉnh Trà Vinh đứng đầu là đốc phủ Thìn đã bị đập tan [10, tr 63]. Ủy ban hành chính lâm thời của tỉnh được thành lập do đồng chí Từ Bá Đước đứng đầu. Đến chiều ngày 25 - 8 - 1945 các quận lị trong tỉnh đều giành được chính quyền. Cuộc khởi nghĩa ở Trà Vinh kết thúc thắng lợi.
Sáng ngày 28 - 8 - 1945 một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại sân vận động Trà Vinh. Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Trà Vinh chính thức ra mắt đồng bào các dân tộc trong tỉnh [24, tr 23]. Hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền mới từ tỉnh, quận đến làng, đã được thiết lập và đi vào hoạt động trên vùng đất tỉnh Trà Vinh.
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 đã xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền thực dân nửa phong kiến ở Trà Vinh, góp phần cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngày 2 - 9 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ đây, một kỷ nguyên mới, một chính quyền mới bắt đầu được thiết lập trên đất Trà Vinh.
1.1.4.4. Trà Vinh bước đầu xây dựng chính quyền dân chủ
Sau thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng trong cả nước cũng như ở Trà Vinh được thiết lập. Sau ngày 2 - 9 - 1945 Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Trà Vinh khẩn trương tiến hành xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ, xây dựng chính quyền nhân dân.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, bên cạnh củng cố Mặt trận Việt Minh phát triển các đoàn thể Cứu quốc (Liên hiệp Công đoàn; Đoàn Thanh niên cứu quốc;
Hội Phụ nữ cứu quốc; Hội Nông dân cứu quốc…). Ủy ban nhân dân cách mạng
tỉnh còn thực hiện 10 chính sách của Việt Minh (phản đối ngoại xâm; bãi bỏ thuế khóa; chống mù chữ; thực hiện quyền tự do dân chủ; chia ruộng đất công cho nông dân...) như đã được công bố và động viên toàn dân trong tỉnh Trà Vinh tham gia, bước đầu thu được thắng lợi nhưng cũng còn nhiều mặt hạn chế.
Những kết quả đạt được trong các hoạt động nêu trên không chỉ đơn thuần đem lại quyền lợi vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân lao động ở Trà Vinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết của cộng đồng dân cư, tạo cơ sở để nâng cao nhận thức về trách nhiệm công dân và phát huy tiềm năng sức mạnh của cộng đồng dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong những ngày đầu xây dựng chế độ mới.
Trước nguy cơ bị thực dân Pháp trở lại xâm lược, Tỉnh ủy, chính quyền cách mạng tỉnh Trà Vinh thực hiện phong trào“vũ trang toàn dân”. Đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh đã đoàn kết nhất tề ủng hộ chính quyền cách mạng Trà Vinh, quyết tâm bảo vệ giữ vững nền độc lập tự do dân tộc.
1. 2. Bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Trà Vinh