Chương 1: VÀI NÉT VỀ TRÀ VINH VÀ BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CỦA NHÂN DÂN TRÀ VINH (1945 - 1954)
1.1. Vài nét về tỉnh Trà Vinh đến năm 1945
1.2.1. Bối cảnh quốc tế
Ngày 1 - 9 - 1939 Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra gây thiệt hại nặng nề về người và của cho nhân loại. Ngày 1 - 1 - 1942 Mặt trận Đồng minh chống phát xít đã được thành lập. Sự tồn tại của Mặt trận có ý nghĩa rất lớn trong việc đoàn kết, hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng chống phát xít trên phạm vi toàn thế giới, góp phần đánh bại phe phát xít Đức, Italia, Nhật Bản...
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đọan cuối, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra cho các cường quốc Đồng minh. Một Hội nghị quốc tế đã được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) vào tháng 2 - 1945 với sự tham dự
của nguyên thủ ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh. Những quyết định Hội nghị cấp cao Ianta (2 - 1945) đã trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới, từng bước được thiết lập trong những năm 1945 - 1947 sau khi chiến tranh kết thúc, thường được gọi là“Trật tự hai cực Ianta” [60, tr 224].
Sau chiến tranh thế giới thứ hai phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ngày một dâng cao, các nước Đông Âu đã thiết lập chế độ dân chủ nhân dân.
..Tháng 3 - 1947 Tổng thống Mĩ - Harry S.Truman phát động “Chiến tranh lạnh”
chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Như vậy, hai siêu cường Liên Xô và Mĩ từ liên minh chống phát xít nhanh chóng chuyển sang đối đầu và đi tới tình trạng “Chiến tranh lạnh”. Đây là nhân tố chủ yếu chi phối các mối quan hệ quốc tế.
Để thực hiện “Chiến tranh lạnh”, năm 1947 Mĩ đề ra kế hoạch Mácsan viện trợ các nước tư bản châu Âu, nhằm tập hợp các nước đồng minh vào các tổ chức kinh tế để khống chế, chi phối các nước này. Để đối phó lại, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập tổ chức kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa là Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV). Từ đó thế giới xuất hiện hai khối kinh tế đối lập nhau.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai Mĩ thực hiện bao vây cả kinh tế lẫn cô lập chính trị Liên Xô, các nước Đông Âu và các nước xã hội chủ nghĩa khác, nhưng âm mưu bao vây và “ngăn chặn” của Mĩ đã hoàn toàn bị phá sản. Tháng 10 - 1949 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, đánh dấu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã hình thành làm cho tương quan lực lượng trên thế giới thay đổi có lợi cho phe chủ nghĩa xã hội.
Để thực hiện âm mưu thống trị thế giới, chống lại các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc, Mĩ tiến hành thành lập nhiều khối quân
sự khắp các khu vực như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), khối ANZUS, khối SEATO...Trước tình hình đó, tháng 5 - 1955 Liên Xô và các nước Đông Âu đã thành lập Tổ chức Hiệp ước Vácsava. Ngoài ra Liên Xô đưa hàng chục vạn quân đóng ở Mông Cổ, biên giới Xô - Trung...“Sự ra đời của NATO và tổ chức hiệp ước Vácxava đánh dấu sự xác lập của cục diện hai cực, hai phe.
“Chiến tranh lạnh” đã bao trùm cả thế giới ” [46, tr 62].
Nhìn chung, trong thời kì “Chiến tranh lạnh”, hầu hết mọi cuộc chiến tranh hoặc xung đột quân sự ở các khu vực trên thế giới, với những hình thức, mức độ khác nhau đều có sự “đối đấu” giữa hai cực Xô - Mĩ.
Tóm lại, đặc trưng cơ bản của tình hình quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai là mâu thuẫn giữa một bên là hệ thống xã hội chủ nghĩa với một bên là các nước tư bản, đế quốc chủ nghĩa do Mĩ cầm đầu diễn ra ngày càng gay gắt.
Bối cảnh quốc tế như đã nêu trên đã tác động trực tiếp đến cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khi hay tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh ngày 15 - 8 - 1945, Chính phủ De Gaulle (Pháp) cử đại tướng Leclerc làm Tổng chỉ huy đạo quân viễn chinh Pháp tại Viễn Đông và đô đốc D’Argenlieu làm Cao ủy kiêm Tổng Tư lệnh Hải quân Pháp ở Đông Dương, kèm theo chỉ thị “Sứ mệnh hàng đầu là lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương” [4, tr 100]. Để thực hiện tham vọng đó, Pháp phải giành cho được sự ủng hộ và giúp đỡ của Mĩ.
Ngoài Mĩ, Pháp còn cần cả Anh vì Anh vừa được Hội nghị các cường quốc ở Pốtxđam giao nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật ở phía Nam Đông Dương (từ vĩ tuyến 16 trở vào).
Ngày 24 - 8 - 1945 Anh kí với Pháp Hiệp ước công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, thiếu tướng Gracey chỉ huy quân Anh ở phía Nam Đông
Dương tuyên bố việc Pháp kiểm soát Đông Dương về dân sự lẫn quân sự chỉ là vấn đề thời gian.
Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định: “Mục đích Anh, Mĩ là kéo thực dân Pháp bao vây Liên Xô và ngăn chặn cách mạng thuộc địa, giao cho thực dân Pháp và Hà Lan nhiệm vụ canh giữ Đông Dương và Nam Dương để cho Anh - Mĩ rảnh tay một phần nào, hòng ngăn ngừa sức bành trướng của Liên Xô” [23, tr 472].
Từ năm 1950 Mĩ trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương nhằm thay Pháp biến Đông Dương thành thuộc địa kiểu mới để hình thành phòng tuyến chống cộng sản, ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á làm bàn đạp tấn công phe xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương được kí kết, là thắng lợi lớn của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia.
Mặt khác, nó cũng phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai phe. Mĩ tuyên bố không chịu sự ràng buộc của Hiệp định nhằm chuẩn bị cho sự xâm lược Việt Nam sau này.