Trà Vinh nằm ở vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị lẫn an ninh quốc phòng, là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm giữa sông Cổ Chiên và sông Hậu, diện tích rừng tự nhiên khá rộng lớn, giàu tài nguyên, có nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo. Nhân dân luôn có truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, nơi đây thực sự là căn cứ thiên nhiên cũng như căn cứ lòng người vững chắc của kháng chiến. Chính vì vị trí chiến lược quan trọng cho nên thực dân Pháp xem nơi đây là địa bàn trọng điểm trong kế hoạch bình định của chúng, nhằm xóa bỏ căn cứ cách mạng và khai thác triệt để mọi nguồn lợi phong phú để phục vụ cho chiến tranh, khiến cho cục diện chiến trường nơi đây trở nên ác liệt hơn. Trong chín năm kháng chiến gian khổ, Đảng bộ và quân dân Trà Vinh đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương. Bằng phương pháp đấu tranh
chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang có sự hỗ trợ của các binh đoàn chủ lực đã giáng cho quân Pháp những đòn chí tử, vì vậy những chiến công giành được càng rất đáng tự hào.
Từ sau 1867, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Trà Vinh cùng với nhân dân ba tỉnh miền Tây Nam kì mang tính độc lập với triều đình, vừa chống Pháp vừa chống triều đình nhà Nguyễn bạc nhược“Dập dìu trống đánh cờ xiêu, phen này quyết đánh cả triều lẫn Tây”. Để rồi, ngày 23 - 9 - 1945, nhân dân Trà Vinh cùng nhân dân Nam Bộ nổ súng kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, để bảo vệ nền độc lập, bảo vệ chế độ Dân chủ Cộng hòa. Tuy thời gian đầu lực lượng vũ trang còn yếu nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sức mạnh quật khởi của các dân tộc, quân dân Trà Vinh đã đồng sức đứng lên chống thực dân Pháp, làm chậm bước tiến của quân thù. Kế hoạch“đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp ở Trà Vinh cũng như ở Nam Bộ xem như phá sản.
Trước thắng lợi trên quân dân Trà Vinh cũng như quân dân Nam Bộ không những làm tổn hao sinh lực địch mà còn đóng góp một phần quan trọng trong việc cầm chân thực dân Pháp để Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rảnh tay đối phó cùng lúc với nhiều thế lực chống phá như: thực dân Pháp, Tưởng Giới Thạch và các đảng phái phản động khác…Đồng thời còn kéo dài được thời gian hòa bình để cả nước xây dựng đường lối toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến chống Pháp sau này. Như vậy, từ khi quân Pháp nổ súng tái xâm lược nước ta cho đến ngày toàn quốc kháng chiến, quân dân Trà Vinh đã thể hiện vai trò vị trí của mình bằng một ý chí kiên định, quyết chiến, quyết thắng, chấp nhận hy sinh, gian khổ để hướng về mục tiêu chung: Bảo vệ nền độc lập dân tộc, bảo vệ chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hòa chung không khí toàn quốc kháng chiến, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Trà Vinh diễn ra mạnh mẽ và đã trở thành một bộ phận khắng khít với cuộc kháng chiến của Tây Nam Bộ, của Nam Bộ và của cuộc kháng chiến toàn quốc. Mọi hơi thở, động tĩnh của cuộc kháng chiến toàn quốc, của Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều có ảnh hưởng đến cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Trà Vinh. Những đóng góp về mọi mặt của quân dân Trà Vinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng vừa là bài học kinh nghiệm, vừa là nguồn động viên cổ vũ cho phong trào kháng chiến khắp mọi miền Tổ quốc.
Cuối năm 1946 lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ một quận lị của địch bị quân dân ta tiêu diệt hoàn toàn (quận Trà Cú). “Đây là Quận đầu tiên được giải phóng ở Tây Nam Bộ từ ngày toàn quốc kháng chiến” [4, tr 171]. Tiếp sau, là chiến thắng Ô Đùng (quận Tiểu Cần) tháng 4 - 1947, ta diệt gọn một đoàn xe quân sự Pháp. Hầu hết các quan chức đi trên xe đều bị giết như: Tỉnh trưởng Trà Vinh, chánh mật thám tỉnh Cần Thơ, Đốc phủ xứ Nguyễn Phước…gây tiếng vang trên toàn chiến trường Nam Bộ.
Trong không khí thi đua chung của cả nước, quân và dân Trà Vinh đã đạt được thành tích to lớn trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đặc biệt là quân sự với thắng lợi của tiểu đoàn 307 ở trận La Bang (huyện Trà Cú), được Bộ chỉ huy Khu 8 phong tặng danh hiệu “Lá cờ đầu về công tác địch vận năm 1948”.
Đến đầu năm 1950, quân và dân Trà Vinh cùng bộ đội chủ lực Khu 8 làm nên thắng lợi vang dội ở chiến dịch Cầu Kè. “Chiến dịch này có ảnh hưởng chính trị to lớn đối với đồng bào Khmer sống trong vùng tạm chiếm” [42, tr 414]. Đây là chiến dịch vận động chiến đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ, giáng một đòn mạnh vào kế hoạch bình định của địch, làm chấn động dư luận trong nước và nước Pháp.
Đầu năm 1950, quân và dân Trà Vinh cùng với lực lượng vũ trang Khu 8 thực hiện một chiến dịch tiến công lớn nhất, chưa từng có trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. Đó là “chiến dịch Trà Vinh” giải phóng gần 2 vạn dân trên một địa bàn rộng lớn gồm 5 xã [4, tr 204].
Trong năm 1952 chiến trường Trà Vinh nói riêng, Vĩnh Trà nói chung đã chia sẻ cho Phân Liên khu miền Tây và Nam Bộ nhiều kinh nghiệm trong công tác địch vận và đánh phá các hoạt động biệt kích của địch. Đây thật sự là những yếu tố cần thiết và quan trọng cho quá trình phát triển nhân dân du kích chiến tranh và củng cố, phát triển căn cứ kháng chiến.
Là một bộ phận của kháng chiến toàn quốc, trong thời gian chín năm kháng chiến chống Pháp, quân dân Trà Vinh mặt dù gặp phải nhiều khó khăn nhưng với ý chí tự lực, tự cường đã có thể tự chủ về mọi mặt, nhất là trong việc sản xuất lúa gạo. Với tinh thần tương trợ trong kháng chiến, tháng 9 - 1945, Trà Vinh đưa một thuyền lớn chở 30 tấn gạo để tiếp tế cho các tỉnh Nam Trung Bộ.
Trong chiến đấu cũng có những kinh nghiệm cùng chia sẻ cho các chiến trường khác, nhất là trong kỹ thuật đặc công. Kinh nghiệm kỹ thuật đặc công có thể nói gắn liền với huyền thoại của một người tên là Mai Văn Quý (quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh). Anh này chuyên làm nghề trộm cắp từ thời trước cách mạng tháng Tám. Với kỹ thuật này, Mai Văn Quý được Ty công an Trà Vinh mời về huấn luyện cho một số chiến sĩ của ta. Sau Hội nghị quân chính ở Nam Bộ (8 - 1948), Bí thư Xứ ủy Nam Bộ là Lê Duẩn đã có “Thông tư gửi cho các tỉnh đội toàn Nam Bộ, yêu cầu tổ chức học tập kinh nghiệm của Trà Vinh” [4, tr 187]. Từ năm 1950, chiến thuật đặc công đã được triển khai và áp dụng rộng rãi trên khắp chiến trường Nam Bộ, có tác dụng rất lớn trong việc chống lại chiến thuật Commăngđô của quân đội Pháp.
Với tinh thần kiên quyết giữ vững vai trò, vị trí chiến lược, quân dân Trà Vinh từ các cấp lãnh đạo như: Dương Quang Đông, Phạm Thái Bường…từng cá nhân như: Thạch Ngọc Biên, Lâm Sắc, Sơn Ton…cùng toàn thể đồng bào các dân tộc yêu nước đều đồng lòng, ra sức thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó làm phá vỡ từng mảng chiến lược quân sự của Pháp.