Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Trà Vinh là cuộc kháng chiến toàn diện

Một phần của tài liệu Cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân trà vinh (1945 1954) (Trang 104 - 111)

Chiến tranh là một cuộc thử thách toàn diện đối với vật chất và tinh thần của mỗi quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động đời sống của người

dân. Khi đánh chiếm lại Trà Vinh, thực dân Pháp tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô lớn đánh phá trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, để phát huy sức mạnh của toàn dân đánh bại chiến tranh tổng lực của quân Pháp, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh, quân dân Trà Vinh tiến hành đánh địch trên tất cả các lĩnh vực: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa...tạo nên sức mạnh tổng hợp tấn công mạnh mẽ, toàn diện kẻ thù.

Kinh tế: Đây là hoạt động được Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh hết sức coi trọng. Kháng chiến về kinh tế là xây dựng kinh tế của ta không ngừng lớn mạnh và đấu tranh chống bao vây kinh tế của địch. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Trà Vinh, thực hiện nhiều chính sách để giải quyết khó khăn: nạn đói, nạn dốt, tài chính và ngoại xâm, ổn định được tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bên cạnh việc triển khai hoạt động quân sự chống quân Pháp, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh còn thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế như: giảm tô, xóa nợ, chia ruộng đất cho nông dân cày cấy một cách kiên quyết, kêu gọi nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển các cơ sở thủ công nghiệp, trao đổi buôn bán giữa các vùng...Nhờ vậy, trong năm 1947, sản xuất hàng hóa của Trà Vinh không chỉ đảm bảo đầy đủ cho cuộc kháng chiến của tỉnh, mà còn cung cấp một khối lượng lương thực, thực phẩm cho Khu 7, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ [19, tr 66]. Từ 1948 “Hội mẹ và Hội chị chiến sĩ ” vận động thực hiện các phong trào: Hũ gạo nuôi quân, chăn nuôi cứu quốc, cây xoài Việt Minh, tăng gia sản xuất... thu hút các ngành, các giới tham gia. Nhờ đó, đã đảm bảo lương thực, thực phẩm cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Với những thắng lợi về quân sự trong năm 1949 - 1950 của quân dân Trà Vinh, giải phóng nhiều vùng, thị trường mua bán giữa vùng

độc lập và vùng tạm chiếm được mở rộng. Bên cạnh đó, còn đưa vào sử dụng đồng tiền “cụ Hồ” kích thích thương nghiệp phát triển, thị trường hàng hóa cung cấp đủ các mặt hàng phục vụ cho kháng chiến và dân sinh, đánh bại chính sách“bao vây kinh tế của địch”. Đầu năm 1953, tuy bị địch càn quét, đốt phá liên tục ở khắp vùng nông thôn Trà Vinh nhưng việc sản xuất lại được nhanh chóng phục hồi. Vì thế, Trà Vinh vẫn là nơi giao nộp cho Trung ương Cục miền Nam, lương thực, thực phẩm nhiều hơn so với các tỉnh khác.

Về chính trị: Đây là lĩnh vực có vị trí đặc biệt quan trọng để ta khai thác, phát huy thế mạnh cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Pháp. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh ra sức tuyên truyền, giáo dục quần chúng ở tất cả các giới, các ngành, ở nông thôn lẫn thành thị nhằm vạch trần âm mưu của Pháp để đồng bào nhận thức rõ không để mắc mưu của kẻ thù. Để phục vụ cho công tác chính trị, các tổ chức đoàn thể Cứu quốc tỉnh cũng thành lập như: Liên hiệp Công đoàn, Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc...Bên cạnh củng cố, phát triển Mặt trận Việt Minh, tháng 5 - 1946 Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam cũng được thành lập đã tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, chư tăng tham gia mở rộng đến mọi giai tầng, dân tộc trong xã hội tạo nên một khối đoàn kết toàn dân. Nhằm ngăn chặn, hạn chế các âm mưu chia rẽ, lừa bịp của địch, nhiều Linh mục trong Hội Công giáo, các vị chức sắc Hội Cao Đài cứu quốc, nhiều vị sư cả chùa Khmer ở các quận Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè...đã tích cực vận động giáo dân, tín đồ tham gia kháng chiến. Hội ủng hộ Issarak của tỉnh Trà Vinh cũng ra đời, nhằm tăng cường tình hữu nghị đoàn kết các nước Đông Dương chống Pháp, được đông đảo đồng bào trong tỉnh hưởng ứng. Như vậy, hoạt động của Hội không chỉ ủng hộ

về tinh thần cho cách mạng nước Campuchia, mà còn có tác dụng củng cố khối đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer trong tỉnh.

Văn hóa tư tưởng, giáo dục, y tế: Tiến hành chống lại nền văn hoá nô dịch, văn hóa phản động, bài trừ những tư tưởng giáo điều, thói hủ bại...Thực hiện phương châm của Hồ Chí Minh đề ra“Kháng chiến hóa văn hóa và văn hóa hóa kháng chiến” [53, tr 194], thông qua hoạt động thông tin văn hóa, nghệ thuật (tổ chức Đàn Chim Việt, tờ báo Trà Vinh, phong trào sinh hoạt văn nghệ quần chúng), đã tuyên truyền đường lối chủ trương của Tỉnh ủy Trà Vinh, phổ biến chính sách của các cấp chính quyền đến khắp vùng nông thôn, giúp cho nhân dân nắm bắt được thông tin kịp thời, từng bước xây dựng văn hóa giáo dục dân chủ nhân dân phục vụ cho kháng chiến. Đồng thời cũng thông qua sách báo, truyền thanh, thơ ca...quân dân ta đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc và tố cáo tội ác của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, lòng căm thù giặc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có tác dụng nâng cao ý thức chiến đấu trong nhân dân, củng cố niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến, cổ vũ mọi người hăng hái tham gia kháng chiến chống Pháp xâm lược. Phong trào vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân được phát động rộng khắp các địa phương, xóm làng đổi mới nhiều mặt.Vận động nhân dân xây dựng đời sống mới đã góp phần giữ gìn sự thuận hòa trong mỗi gia đình, tạo nên khối đoàn kết các dân tộc làm tăng thêm nguồn lực mới phục vụ cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc tại Trà Vinh.

Về quân sự: Đây là mặt trận chủ yếu của cuộc kháng chiến, do vậy Tỉnh ủy Trà Vinh luôn chăm lo“vũ trang toàn dân”, đồng thời thực hiện phương châm tác chiến là du kích chiến là chính, học tập đánh vận động chiến trong hoàn cảnh thuận lợi, kết hợp đánh địch cả chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, tiến hành đánh địch từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn. Để giữ vững vị trí chiến

lược của tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến, quân dân Trà Vinh quán triệt phương châm đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược. Đó là phương pháp cách mạng dựa trên việc đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ và công kích địch bằng ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận và đấu tranh trên cả ba vùng: đô thị, nông thôn, rừng núi (Trà Vinh không có đồi núi chỉ có rừng, giồng đất, gò cát ven biển). Trong đó, phương pháp đánh địch bằng binh vận là một trong những lối đánh đặc biệt sáng tạo của Đảng và nhân dân Trà Vinh.

Căn cứ địa kháng chiến: Được xây dựng trên địa bàn rộng lớn, có những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm ở ven biển có rừng tràm, rừng đước, rừng dừa nước, sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, đất đai phì nhiêu, lúa gạo, tôm cá, lương thực dồi dào, đời sống nhân dân trong vùng căn cứ ổn định, người dân tha thiết một lòng với kháng chiến. Vùng căn cứ địa kháng chiến ở đây không tổ chức đồn ải của nghĩa quân, cũng không thuần túy là hoạt động quân sự, toàn bộ đời sống kháng chiến là hoạt động sinh hoạt bình thường nhưng luôn ở tình thế trực chiến. Vùng căn cứ kháng chiến cũng là vùng định cư, sinh sống của cư dân.

Chính vì vậy, mọi sinh hoạt của kháng chiến cũng như mọi sinh hoạt đời sống của nhân dân về các mặt văn hóa, xã hội, lao động sản xuất đều có những tác động qua lại lẫn nhau và cũng chính sự tác động qua lại này đã tạo nên tình quân dân gắn bó cá nước với nhau. “Lịch sử tiểu đoàn 308 đã ghi lại như sau: Gian nan mới biết lòng con thảo. Hoạn nạn mới rõ mặt trung kiên...Trong những ngày tháng không thể nào quên đó, nhân dân Cầu Ngang - Duyên Hải hết lòng đùm bọc cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 308. Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 308 một lòng sống chết bảo vệ nhân dân; cùng nhau chiến đấu bảo vệ từng con người, từng mảnh

ruộng, miếng vườn; chia cho nhau từng cân lúa cháy, gạo ẩm, từng gáo nước ngọt, từng viên thuốc uống” [19, tr 138].

Đời sống của nhân dân trong vùng căn cứ kháng chiến có nhiều tiến bộ, có các phong trào xóa mù chữ, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, chăm sóc sức khỏe nhân dân. An ninh trật tự ở vùng căn cứ rất ổn định, không có trộm cắp, không có tệ nạn xã hội. Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, bộ đội với nhân dân rất khắng khít là biểu hiện cao đẹp của một chế độ dân chủ. Chế độ tốt đẹp của vùng căn cứ cách mạng có ảnh hưởng rất lớn đối với vùng thành thị và vùng tạm bị chiếm. Đồng bào xem đó là vùng đất của tự do, dân chủ và là cội nguồn hạnh phúc. Cuộc sống ở tuy thiếu thốn, khó khăn, nhưng luôn luôn là cuộc sống văn minh, văn hóa, đầy ắp tình người.

Công tác dân vận: Lấy công tác dân vận làm cơ sở phục vụ cho kháng chiến, nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động trên địa bàn Trà Vinh căn cứ vào đặc điểm lịch sử, quan hệ dân tộc và quan hệ tôn giáo ở đây mà vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo. Dựa vào chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng, mà đề ra những chủ trương đúng, những biện pháp thích hợp để xây dựng và phát triển các cơ sở nòng cốt cho kháng chiến hầu hết khắp các địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền và vận động để đồng bào Khmer và đồng bào là tín đồ các tôn giáo tham gia kháng chiến ngày càng tích cực hơn.

Công tác dân vận chúng ta thực hiện rất tốt và có hiệu quả, địch dùng mọi thủ đoạn để bắt lính, đồng bào tìm mọi cách để phòng và chống bắt lính. Trong nhiều tình huống gây cấn, đồng bào xông ra cản phá cuộc truy lùng của địch, tạo thời cơ cho thanh niên chạy thoát, hoặc bao vây xe địch, không cho chúng bắt người lên xe. Tại tỉnh lị Trà Vinh, các chị, các mẹ ra đường nằm trước bánh xe địch, không cho chúng chở chồng, con mình đi. Khi địch xông vào chùa Khmer

bắt sư sãi đi lính, chúng ép buộc các sư sãi phải cởi áo cà sa, nhưng không một vị nào làm theo…Cuối cùng bọn chúng phải rút khỏi chùa.

Công tác binh vận: Thực chất là công tác vận động của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đối tượng của binh vận là những người tham gia lực lượng ngụy quân, ngụy quyền của địch và gia đình họ. Đại bộ phận họ và gia đình họ là người lao động, bị thực dân Pháp và tay sai lôi kéo, dụ dỗ nhưng họ có ý thức dân tộc, vận động giác ngộ họ là yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến nhằm tập hợp đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước, tiến bộ để đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp, bọn tay sai bán nước. Trong những đối tượng trên, Đảng ta quan tâm chú ý vận động thực hiện tốt chính sách đối với binh lính địch thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, binh lính theo tôn giáo và cả binh sĩ Pháp. Nhiệm vụ của công tác binh vận là giúp cho ngụy quân, ngụy quyền thấy được cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp là cuộc chiến tranh phi nghĩa, họ là những thành phần bị ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ, thấy được cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta là cuộc kháng chiến vì chính nghĩa vì độc lập dân tộc, vì lợi ích của toàn thể nhân dân. Từ đó, làm cho các thành phần ngụy quân, ngụy quyền, tay sai của địch mang tâm lý thoái lui không có tinh thần chiến đấu. Nhờ công tác tuyên truyền mà ta đã vận động được hàng loạt binh sĩ của địch ra hàng, gây xáo trộn hàng ngũ của địch, làm tổn thất nặng nề về mặt tâm lý, tinh thần của binh sĩ Pháp, làm suy yếu lực lượng địch, phá vỡ dự trữ của địch và đảm bảo dự trữ của ta trên địa bàn Trà Vinh.

Xác định tầm quan trọng của công tác binh vận, tháng 10 - 1947, Tỉnh ủy Trà Vinh quyết định thành lập Ban địch vận nhằm thúc đẩy các hoạt động binh vận trên địa bàn tỉnh. Từ khi thành lập Ban địch vận cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (7 - 1954), ta đã vận động nhiều binh sĩ của địch ra quy hàng.

Trong số đó có nhiều người chuyển sang hàng ngũ của ta trực tiếp tham gia kháng chiến chống lại Pháp, có nhiều người làm “nội ứng” cho ta trong các trận đánh, mang lại chiến thắng vẻ vang…Các hình thức binh vận của ta thời kỳ này diễn ra rất phong phú, đa dạng. Hầu như các trận đánh nhỏ, lớn chúng ta đều phát huy triệt để hiệu quả của công tác binh vận. Đặc biệt trong công tác tạm cấp, tạm giao ruộng đất cho nông dân được triển khai cả ở trong vùng địch tạm chiếm và cả các gia đình theo Công giáo, đạo Cao Đài Tây Ninh có con là binh sĩ ngụy quân…đã đạt được hiệu quả và có ý nghĩa to lớn trong công tác chính trị - tư tưởng. Nhiều gia đình có thân nhân là lính ngụy đã nỗ lực tìm cách vận động, đưa con em mình từ bỏ hàng ngũ địch. Cũng thông qua công tác binh vận ta đã vận động một số địa chủ có cảm tình và ủng hộ cách mạng để họ tích cực phục vụ kháng chiến, tuân thủ những qui định của ta rồi dùng họ để thuyết phục và ngăn chặn bớt tội ác của địa chủ phản động.

Nhìn chung, công tác binh vận ở Trà Vinh trong những năm kháng chiến chống Pháp diễn ra rất đa dạng, sôi nổi và đạt được hiệu quả cao. Kết quả của hoạt động trên như là một chiến công oanh liệt, làm tan rã mọi ý đồ của quân giặc. Ghi nhận về những thành quả đạt được này quân dân Trà Vinh đã được Bộ chỉ huy Khu 8 phong tặng danh hiệu “Lá cờ đầu về công tác địch vận năm 1948”.

Một phần của tài liệu Cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân trà vinh (1945 1954) (Trang 104 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)