Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Trà Vinh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu

Một phần của tài liệu Cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân trà vinh (1945 1954) (Trang 117 - 120)

Chuẩn bị và tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân: Công cuộc kháng chiến là lợi ích của toàn dân và phải được đông đảo quần chúng thực hiện mới bảo đảm thắng lợi. Có phát động được phong trào quần chúng mới tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng. Chính vì thế, phải phát động rộng rãi, tổ chức quần chúng thành đội ngũ có nòng cốt, có hướng dẫn và lãnh đạo đấu tranh thì mới phát huy triệt để khả năng này, biến thành sức mạnh to lớn tấn công địch.

Chiến tranh nhân dân ở Trà Vinh đã diễn ra liên tục, phong trào phát triển mạnh mẽ, ta vươn lên giành quyền làm chủ ở nhiều nơi, mở rộng vùng kháng chiến.

Dù gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất, nhưng toàn Đảng bộ, quân dân Trà Vinh đã chứng tỏ tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường, không ngại gian khổ hy sinh, tin tưởng và dựa hẳn vào nhân dân xây dựng thế trận lòng dân. Yếu tố chính trị to lớn ấy là cơ sở để Đảng bộ không ngừng củng cố, trưởng thành và phát triển, nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo.

Trong suốt quá trình chỉ đạo kháng chiến Tỉnh ủy Trà Vinh luôn quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và thực hiện binh vận. Khi có thời cơ ta phát động quần chúng và gia đình binh sĩ nổi dậy tấn công binh vận, tấn công chính trị, kết hợp với tấn công vũ trang. Ba mũi tấn công liên tục làm tan rã bức rút, bức hàng, vận động binh biến, diệt ác và

thực hiện khởi nghĩa ở từng đơn vị hay từng đồn bốt địch. Ở từng giai đoạn cách mạng, từng chiến dịch, từng trận đánh, quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy thể hiện rất rõ về 3 mũi giáp công. Có thời kì công tác binh vận của ta đã luồn sâu bám trụ, gây dựng cơ sở, dồn sức tiến công bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bốt, làm tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Bám trụ để tiến công: Muốn đánh địch phải bám trụ tại chỗ để tiến công

“Đảng phải bám dân, dân bám đất, du kích bám làng”, tạo thế xen kẽ với địch để đánh địch ngay tại làng, xây dựng làng chiến đấu. Nếu không bám trụ thì không vượt qua muôn vàn gian khổ, để bảo vệ, củng cố và phát triển lực lượng kháng chiến tại chỗ trong mọi tình huống, tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kết hợp nhịp nhàng giữa đấu tranh chính trị, binh vận và vũ trang. Cho dù bao lớp người đã ngã xuống, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và thường dân bị bắt, tù đày, bị tra tấn dã man nhưng phong trào kháng chiến vẫn luôn diễn ra sôi nổi, liên tục trên vùng đất Trà Vinh.

Xây dựng căn cứ và hậu phương kháng chiến: Căn cứ kháng chiến vững chắc đây không chỉ là nơi tồn tại và hoạt động của cơ quan chỉ đạo kháng chiến mà còn là chỗ đứng chân, xây dựng các đơn vị vũ trang ngày càng đông, đủ sức tiến hành những cuộc chống càn của địch. Hậu phương kháng chiến Trà Vinh phát triển toàn diện cả về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, trong đó trọng tâm là xây dựng chính trị và thực hiện các chính sách ruộng đất cho nhân dân. Căn cứ và hậu phương kháng chiến trở thành chỗ dựa về tinh thần, nguồn cung cấp về vật chất cho các lực lượng tham gia kháng chiến.

Sự phối hợp tác chiến giữa chiến trường Trà Vinh với Nam Bộ và cả nước, đề ra phương thức, nghệ thuật chiến đấu phù hợp, nhằm đẩy lùi các kế hoạch

“bình định” của địch ở từng giai đoạn trong kháng chiến, khi có điều kiện thuận lợi, thời cơ đến tiến lên đánh địch giành thắng lợi hoàn toàn.

Đại đoàn kết dân tộc phát huy sức mạnh theo tiến trình của kháng chiến đã giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ dân tộc (Kinh - Khmer - Hoa) - giai cấp, giữa người lương và người giáo, giải quyết một cách êm thấm, tự nhiên theo đạo lý tốt đạo, đẹp đời của truyền thống dân tộc Việt Nam.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng không thể có được thắng lợi nếu không có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Xây dựng hệ thống tổ chức Đảng vững mạnh và đội ngũ cán bộ, đảng viên “dĩ công vi thượng” lãnh đạo toàn dân kháng chiến ở ba vùng chiến lược. Nắm vững quan điểm tự lực tự cường, quán triệt tư tưởng bạo lực cách mạng đây là chìa khóa giải quyết những vấn đề khó khăn để giành thắng lợi.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Trà Vinh đã phản ánh sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy Trà Vinh. Thắng lợi đó thể hiện sự chiến đấu, hy sinh của biết bao đồng chí, đồng bào nêu gương sáng về lòng trung thành, mưu trí, sáng tạo, cống hiến trọn đời vì nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân tỉnh Trà Vinh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy là lịch sử truyền thống vẻ vang, ghi đậm chiến công oanh liệt, truyền thống đó mãi mãi xứng đáng là niềm tự hào, lòng biết ơn và khâm phục của Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh hôm nay và các thế hệ mai sau.

Một phần của tài liệu Cuộc kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân trà vinh (1945 1954) (Trang 117 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)