CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Các nghiên cứu trong nước
1.2.1 Các nghiên cứu trong nước về mức độ CBTT tự nguyện
Vấn đề nghiên cứu về mức độ CBTT tự nguyện không chỉ nhận được sự quan tâm từ các nước trên thế giới, mà ở trong nước chủ đề này cũng được rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, ở nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau như: Bùi Ngọc Ly (2015) hay Nguyễn Thị Hồng Em (2015).
Bùi Ngọc Ly (2015), đã đi sâu vào phân tích về thực trạng CBTT tự nguyện trong BCTN của hệ thống ngân hàng Việt Nam, với phương pháp nghiên cứu định lượng: thu thập dữ liệu thông qua điều tra những ngân hàng thương mại đã cung cấp BCTN trên trang thông tin điện tử của mình, từ đó kiểm định mô hình nghiên cứu đề xuất với 9 nhân tố tác động là: kích thước HĐQT, thành phần HĐQT, công ty kiểm toán, quyền sở hữu nhà nước, quyền sở hữu nước ngoài, lợi nhuận, quy mô ngân hàng, số năm hoạt động, tình trạng niêm yết và một nhân tố phụ thuộc là chỉ số CBTT tự nguyện, bằng cách sử dụng kỹ thuật phân tích thống kê mô tả, phân tích hệ số tương quan và phân tích hồi quy OLS. Tác giả đã nhận thấy các ngân hàng thương mại tại Việt Nam công bố tự nguyện ở mức độ trung bình trong hai năm 2012 -2013 (45,5%), còn các nhân tố về công ty kiểm toán, số năm hoạt động và tình trạng niêm yết được tìm thấy có mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa về mặt thống kê đến CBTT tự nguyện trong BCTN của các ngân hàng thương mại.
Tác giả Nguyễn Thị Hồng Em (2015), lại tập trung nghiên cứu về mức độ CBTT tự nguyện của 210 CTNY trên TTCK Việt Nam ở ba nhóm ngành: công nghiệp (114 công ty), xây dựng (61 công ty) và tài chính (35 công ty). Với mô hình gồm 8 biến độc lập: tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản, quy mô công ty, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, tỷ lệ sở hữu của nhà nước, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ thành viên của HĐQT không điều hành, sự tách biệt trong vai trò của chủ tịch HĐQT và giám đốc, và 1 biến phụ thuộc (mức độ CBTT tự nguyện). Bằng công cụ hỗ trợ kiểm định là phần mềm SPSS 20.0, kết quả nghiên cứu đã cho thấy mức độ CBTT tự nguyện ở cả 3 nhóm ngành đều có sự khác biệt, đối với nhóm ngành công nghiệp, quy mô công ty và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài có mối quan hệ cùng chiều đến mức độ CBTT tự nguyện, đối với nhóm ngành xây dựng, quy mô công ty có tác động cùng
chiều đến mức độ CBTT tự nguyện, tương tự với nhóm ngành tài chính chỉ có tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản có mối tác động cùng chiều đến mức độ CBTT tự nguyện.
1.2.2. Các nghiên cứu trong nước về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện
Ở Việt Nam, có rất nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện, như Phạm Thị Thu Đông (2013), Nguyễn Thị Thu Hảo (2014), Ngô Văn Thống (2016).
Cụ thể trong luận văn thạc sĩ của tác giả Phạm Thị Thu Đông (2013) đã
“Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên Sở Chứng Khoán Hà Nội”, với dữ liệu mẫu gồm 80 doanh nghiệp thuộc ba loại hình: sản xuất, thương mại và dịch vụ, đồng thời dựa trên các thông tin được công bố trong BCTC năm 2012, tác giả đã tổng hợp và xứ lý số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0 và phần mềm Microsoft Office Excel 2003. Thông qua phân tích thống kê mô tả, và các phương pháp kiểm định dữ liệu, tác giả đã tính toán các hệ số cơ bản, cũng như phân tích hệ số tương quan và hồi quy tuyến tính, Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhân tố (đòn bẩy tài chính, quy mô công ty, lợi nhuận, khả năng thanh toán, chủ thể kiểm toán, tài sản cố định, và thời gian hoạt động) có ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện. Ngược lại các biến quy mô công ty, đòn bẩy tài chính, khả năng thanh toán, chủ thể kiểm toán và thời gian hoạt động không có ý nghĩa thống kê, do đó không tìm thấy mối quan hệ giữa các nhân tố này đến mức độ CBTT tự nguyện. Biến lợi nhuận là biến có ảnh hưởng mạnh nhất đến mức độ CBTT của các CTNY, và được đo lường bằng chỉ tiêu ROA. Tương tự biến tài sản cố định cũng là biến có ý nghĩa thống kê, và được đo lường bằng tài sản cố định chia cho tổng tài sản, vì biến này có tác động tích cực đến mức độ CBTT tự nguyện nên các CTNY có tỷ lệ tài sản cố định càng lớn thì mức độ CBTT trong BCTC sẽ cao hơn các doanh nghiệp có tỷ trọng tài sản cố định thấp.
Nguyễn Thị Thu Hảo (2014) cũng có cùng đề tài về các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT, tuy nhiên mẫu nghiên cứu là 106 CTNY trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh, với biến độc lập là công ty kiểm toán được đo lường bằng thang đo định tính, các biến đòn bẩy tài chính, quy mô công ty, loại hình sở hữu, HĐQT, tỷ lệ thành viên không điều hành trong HĐQT và lợi nhuận được đo bằng thang đo định lượng. Tác giả đã sử dụng phân tích thống kê mô tả, phân tích tương quan, và phân
tích hồi quy để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện tại 106 doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, các nhân tố về: loại hình sở hữu, quy mô công ty, lợi nhuận có mối quan hệ cùng chiều đến mức độ CBTT tự nguyện. Các nhân tố đòn bẩy tài chính, công ty kiểm toán, HĐQT, tỷ lệ thành viên không điều hành trong HĐQT không có tác động đến biến mức độ CBTT tự nguyện. Bên cạnh đó, tác giả đã nhận xét mức độ CBTT tự nguyện của các CTNY trên sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh vẫn còn thấp.
Ngô Văn Thống (2016), tập trung tìm hiểu những nhân tố của quản trị công ty tác động đến mức độ CBTT tự nguyện trên BCTN, dựa trên nghiên cứu của Barros et al. (2013) và nguyên tắc QTCT (OECD). Mức độ CBTT tự nguyện được đo lường thông qua 41 hạng mục, tập trung vào 4 nhóm thông tin gồm: thông tin chiến lược (6 hạng mục), thông tin phi tài chính (12 hạng mục), thông tin tài chính (15 hạng mục) và thông tin quản trị (8 hạng mục). Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ CBTT tự nguyện cao nhất và thấp nhất giữa các CTNY là khá xa, và chỉ đạt mức trung bình khá là 47,95%. Kết quả kiểm định của mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) cho thấy các nhân tố như: tần suất các cuộc họp HĐQT, công ty kiểm toán, quy mô công ty và lợi nhuận là có ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện của các CTNY trên sàn HOSE. Tuy nhiên tác giả không tìm thấy bằng chứng về các biến liên quan đến đặc điểm quản trị công ty như: quyền sở hữu quản lý, tỷ lệ thành viên độc lập trong HĐQT, sự tách biệt giữa tổng giám đốc và vị trí chủ tịch HĐQT, đòn bẩy tài chính có tác động đến mức độ CBTT tự nguyện trên BCTN của các CTNY.
1.2.3. Các nghiên cứu trong nước về tác động của cấu trúc sở hữu đến mức độ CBTT tự nguyện
Tại Việt Nam, tác giả vẫn chưa tìm thấy đề tài nghiên cứu về tác động của cấu trúc sở hữu đến mức độ CBTT tự nguyện. Vấn đề về cấu trúc sở hữu chủ yếu tập trung vào một số nghiên cứu như: cấu trúc sở hữu và thành quả hoạt động của công ty (Lương Thị Kim Chi, 2013), cấu trúc sở hữu và chính sách trả cổ tức (Trần Bá Duy, 2013), hay cấu trúc sở hữu và chi phí đại diện trong công ty (Lê Thùy Dương, 2013).
Lương Thị Kim Chi (2013) đã kiểm tra mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu (quyền sở hữu nhà nước, quyền sở hữu nước ngoài, quyền sở hữu nhà đầu tư tổ chức trong nước, quyền sở hữu của ban giám đốc) với lợi nhuận được đo lường bằng tỷ lệ ROA của các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu trong thời gian 4 năm từ năm 2008-
2011, cho một mẫu dữ liệu gồm 57 công ty trên sàn HSX cho thấy, cấu trúc sở hữu có ảnh hưởng đến lợi nhuận của các CTNY trong mẫu nghiên cứu. Cụ thể, quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có mối quan hệ cùng chiều mạnh nhất đến tỷ lệ lợi nhuận với hệ số hồi quy là: 0,236. Quyền sở hữu tổ chức có tác động tích cực đến lợi nhuận, tuy nhiên tác giả không nhận thấy sự ảnh hưởng của quyền sở hữu ban giám đốc đến tỷ lệ lợi nhuận. Kết quả nghiên cứu cũng điều tra được mối quan hệ tiêu cực giữa biến quyền sở hữu nhà nước và tỷ lệ lợi nhuận (trong đó nhân tố quyền sở hữu nhà nước được đưa vào mô hình hồi quy nhằm phản ánh đặc trưng của Việt Nam). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa quyền sở hữu nhà nước và lợi nhuận của các CTNY trên sàn HSX cần được nghiên cứu một cách chuyên sâu hơn để làm rõ sự tác động này.
Trần Bá Duy (2013) “Mối quan hệ giữa cấu trúc sở hữu và chính sách trả cổ tức - Nghiên cứu thực nghiệm tại Việt Nam”, đã thu thập mẫu nghiên cứu trong 6 năm từ năm 2007 đến năm 2012 của 70 CTNY phi tài chính trên hai sàn chứng khoán HNX và sàn HOSE. Cấu trúc sở hữu bao gồm: quyền sở hữu định chế (được định nghĩa là tỷ lệ vốn chủ sở hữu của các định chế như ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm... sở hữu 5% trở lên trên toàn bộ vốn cổ phần vào đầu niên độ kế toán), quyền sở hữu của quản lý, quyền sở hữu của nhà nước, và quyền sở hữu của nước ngoài. Tác giả sử dụng phương pháp ước lượng dữ liệu bảng, lựa chọn mô hình tác động cố định (Fixed Effect Model - FEM) là phù hợp, để kiểm định các giả thuyết liên quan đến cấu trúc sở hữu và tỷ lệ chi trả cổ tức. Kết quả cho thấy, quyền sở hữu quản lý và quyền sở hữu nhà đầu tư nước ngoài có tác động tiêu cực đến tỷ lệ chi trả cổ tức, có nghĩa là khi quyền sở hữu quản lý và quyền sở hữu nước ngoài càng cao thì tỷ lệ chi trả cổ tức càng thấp.
Ngược lại, quyền sở hữu định chế và quyền sở hữu của nhà nước có mối quan hệ tích cực với chính sách chi trả cổ tức. Quyền sở hữu của nhà nước càng lớn thì tỷ lệ chi trả cổ tức càng cao, như vậy nhà nước đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, và các nhà đầu tư nước ngoài có khuynh hướng đầu tư dài hạn vào sự tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp hơn là những lợi ích ngắn hạn.
Lê Thùy Dương (2013) “Tác Động Của Cấu Trúc Sở Hữu Đến Chi Phí Đại Diện Trong Công Ty Cổ Phần Niêm Yết Tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Tp.HCM”.
Luận văn nghiên cứu trên mẫu gồm 241 CTNY trong 6 năm từ năm 2007 –2012, ở tất cả các ngành nghề hoạt động, loại trừ các công ty tài chính là: bảo hiểm, ngân hàng, và chứng khoán. Sau khi phân tích hồi quy, kết quả nghiên cứu cho thấy có sự tác động
của cấu trúc sở hữu (quyền sở hữu của cổ đông lớn, quyền sở hữu của HĐQT, quyền sở hữu của ban điều hành) đến chi phí đại diện. Bằng việc ước lượng theo phương pháp bình phương tối thiểu (Pooled OLS) đối với dữ liệu bảng, tác giả đã nhận thấy sự khác nhau của chi phí đại diện giữa hai nhóm công ty có sự kiểm soát và không có sự kiểm soát của một tổ chức hoặc gia đình. Đồng thời các công ty có kiểm soát của một tổ chức hoặc gia đình sẽ có chi phí đại diện thấp hơn công ty không có sự kiểm soát.
Trong đó, quyền sở hữu của HĐQT có mối quan hệ ngược chiều rất mạnh đến chi phí đại diện. Các yếu tố vốn góp của HĐQT, tiền mặt, quy mô công ty cũng làm giảm chi phí đại diện nhưng mức độ ảnh hưởng thấp. Ngược lại, vốn góp của ban điều hành, nợ ngắn hạn, nợ dài hạn có mối quan hệ cùng chiều với chi phí đại diện.