ĐẶC ĐIỂM HÌNH ẢNH CỦA KHỐI U THÂN VÀ ĐUÔI TỤY ÁC TÍNH TRÊN CHỤP CẮT LỚP VI TÍNH ĐA DÃY

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh và giá trị của chụp cắt lớp vi tính đa dãy trong chẩn đoán u thân và đuôi tụy ác tính (Trang 63 - 71)

4.2.1. Phân loại u thân và đuôi tụy ác tính theo kết quả giải phẫu bệnh.

Bảng 3.8 cho thấy: ung thư biểu mô ống tuyến chiếm tỷ lệ cao nhất (72,4%), ung thư biểu mô tuyến nang nhày và ung thư biểu mô tế bào thần kinh nội tiết chiếm tỷ lệ ít nhất (3,5%) và (3,5%).

Theo Morohoshi T (1983), trong các khối u tụy ác tính, ung thư biểu mô ống tuyến chiếm tỷ lệ 81%, ung thư biểu mô tế bào vảy 3,8%, ung thư biểu mô nang tuyến nhày 1,1% [63].

Theo Savio G.B (2010), u thân và đuôi tụy ác tính chiếm 15% các khối u tụy ác tính, trong đó ung thư biểu mô ống tuyến chiếm 90% [15].

Như vậy kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự với nghiên cứu của các tác giả khác thế giới về tỷ lệ phân loại u thân và đuôi tụy ác tính theo kết quả giải phẫu bệnh.

4.2.2. Đặc điểm về kích thước khối u thân và đuôi tụy ác tính trên chụp cắt lớp vi tính đa dãy.

Kích thước khối u là một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán quan trọng của bác sỹ chẩn đoán hình ảnh.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, biểu đồ 3.3 cho thấy kích thước trung bình của khối u thân và đuôi tụy ác tính là 4,9cm±2,3cm.

Trong nghiên cứu của Rafael Vargas (2003) về giá trị của chụp CLVTĐD trong chẩn đoán khối u tụy ác tính thấy kích thước trung bình của khối u là 3,6cm [46].

Theo Tomoaki Ichikawa và cộng sự (2006) thấy kích thước trung bình của khối u tụy ác tính là 3,5cm [42].

Trong nghiên cứu của chúng tôi biểu 3.3, tỉ lệ phân độ kích thước của khối u từ <2cm, 2-5cm và >5cm lần lượt là 6,9%, 44,8% và 48,3%. Khối u có kích thước lớn hơn 2cm chiếm tỷ lệ cao (93,1%), do các khối u thân và đuôi túy ác tính thường có triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, không đặc trưng, chỉ biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn muộn khi đã có xâm lấn và di căn nên bệnh nhân được khám và phát hiện ở giai đoạn muộn. Điều này phù hợp với các nghiên cứu của các tác giả trên. So với kích thước trung bình của u đầu tụy trong chụp CLVT là 4,4cm trong nghiên cứu của Paul (2002) [47], là 4cm trong nghiên cứu của Amr MA (2010) [48], như vậy kích thước trung bình của khối u thân và và đuôi tụy cũng tương đương với kích thước trung bình của khối u đầu tụy, tuy nhiên các khối u đầu tụy có biểu hiện lâm sàng rõ hơn, đặc biệt là triệu chứng vàng da do u gây hẹp và tắc đường mật.

4.2.3. Đặc điểm về hình ảnh đường bờ khối u thân và đuôi tụy ác tính trên cắt lớp vi tính đa dãy.

Trong bảng 3.3, hình ảnh đường bờ của khối u rõ chiếm tỷ lệ 10,3%, bờ không đều 89,7%, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,01.

Theo Hee Woo Choo và cộng sự (2011) >90% khối u tụy là ác tính và cũng theo nhóm nghiên cứu này nhận thấy rằng hầu hết các khối u tụy ác tính có đường bờ không đều [22].

Theo Jason Alan và cộng sự (2015) cũng có kết quả tương tự [50].

Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của các tác giả trên.

Hình 4.1: Hình ảnh u thân tụy ác tính BN Nguyễn Thị Q 63 tuổi. MHS:C25-23043

Hình 4.2: Hình ảnh u đuôi tụy ác tính BN Nguyễn Thiều Q 42 tuổi. MHS:C25-19412

4.2.4. Đặc điểm về cấu trúc khối u thân và đuôi tụy ác tính trên cắt lớp vi tính đa dãy.

Trong bảng 3.4, cấu trúc của khối u thân và đuôi tụy ác tính trong nghiên cứu của chúng tôi gồm có 2 loại là u tổ chức đặc (24BN)và u tổ chức hỗn hợp (05BN), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01.

Trong các nghiên cứu của Hee Woo Choo [22] và của Jason Alan [50], 80-90% các khối u tụy ác tính là khối tổ chức đặc.

Nghiên cứu của chúng tôi khối u thân và đuôi tụy ác tính có tổ chức đặc chiếm tỷ lệ tương tự trong nghiên cứu của các tác giả trên.

Hình 4.3. Khối u đuôi tụy ác tính có tỷ trọng hỗn hợp BN Trần Thị Q 63 tuổi. MHS: C25-29365

4.2.5. Đặc điểm về tỷ trọng của khối u thân và đuôi tụy ác tính trên chụp cắt lớp vi tính đa dãy.

Trong bảng 3.5, tỷ trọng của khối u thân và đuôi tụy ác tính trước tiêm thuốc cản quang giảm tỷ trọng so với nhu mô tụy lành xung quanh chiếm tỷ lệ 82,8%, tỷ trọng hỗn hợp là 17,2%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01.

Trong bảng 3.6, mức độ ngấm thuốc của khối u thân và đuôi tụy ác tính sau tiêm thuốc cản quang thì động mạch là kém hơn so với nhu mô tụy lành ở xung quanh chiếm tỷ lệ 86,3%, ngấm thuốc mạnh chiếm tỷ lệ 3,4%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,01.

Theo Eric P Tamm và cộng sự (2003), hầu hết các khối u tụy ác tính là giảm tỷ trọng so với nhu mô tụy lành ở xung quanh trước khi tiêm thuốc cản quang và ngấm thuốc kém hơn ở thì động mạch và tĩnh mạch sau khi tiêm thuốc cản quang [51].

Theo Pavan Tummala (2011), hình ảnh điển hình của khối u tụy ác tính trên chụp CLVTĐD là giảm tỷ trọng trước tiêm và ngấm thuốc kém sau tiêm so với nhu mô tụy lành xung quanh [52].

Trong nghiên cứu của Eun Sun Lee (2014) cho thấy 90% khối u tụy ác tính có tỷ trọng giảm so với nhu mô tụy lành trước tiêm và sau tiêm ngấm thuốc kém hơn và có khoảng 10% là đồng tỷ trọng với nhu mô tụy lành nên dễ bị bỏ sót, khi đó việc phát hiện khối u dựa vào dấu hiệu thay đổi đường bờ, giãn ống tụy chính và dấu hiệu ống tụy chính bị cắt cụt [53].

Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với các tác giả trên. Sự giảm tỷ trọng trước tiêm và ngấm thuốc kém sau tiêm so với nhu mô tụy lành xung quanh của khối u tụy ác tính được giải thích là do có sự tăng sinh tổ chức xơ và nghèo mạch của khối u tụy ác tính [6].

Hình 4.4: Hình ảnh khối u đuôi tụy ác tính xâm lấn rốn lách BN Đỗ Khắc H 66 tuổi. MHS:C25-27385

4.2.6. Đặc điểm vôi hóa và giãn ống tụy chính của khối u thân và đuôi tụy ác tính.

Đặc điểm vôi hóa của khối u thân và đuôi tụy ác tính: trong nghiên cứu của chúng tôi đặc điểm vôi hóa trong khối u thân và đuôi tụy ác tính chiếm 6,9%. Theo Callery MP (2009) trong u tụy ác tính hiếm khi có thành phần vôi hóa [63].

Đặc điểm giãn ống tụy chính: trong chụp CLVTĐD với các lát cắt mỏng có thể nhìn thấy ống tụy chính bình thường và đo được đường kính nhỏ hơn 3mm, trong nghiên cứu của chúng tôi có 13,8% trường hợp giãn ống tụy chính với đặc điểm giãn đầu xa ống tụy, giãn lớn nhất 5mm, thường gặp khi u khu trú ở thân tụy. Theo các tác giả trên thế giới, đặc điểm giãn ống tụy chính thường gặp trong khối u khu trú ở vùng đầu tụy hơn, gây tắc nghẽn đường mật và ống tụy chính [38][46].

4.2.7. Đặc điểm về kiểu ngấm thuốc của khối u thân và đuôi tụy ác tính.

Trong bảng 3.7, kiểu ngấm thuốc của khối u thân và đuôi tụy ác tính chủ yếu là ngấm thuốc không đều (79,3%). Hình thái ngấm thuốc này giúp ta

hướng đến tính chất không đồng nhất về cấu trúc tổ chức u, thể hiện tính chất ác tính của nó.

4.2.8. Các đặc điểm hình ảnh gián tiếp: tắc ruột, đè đẩy mạch máu, đè đẩy các tạng xung quanh của khối u thân và đuôi tụy ác tính trên chụp cắt lớp vi tính đa dãy.

Trong nghiên cứu này hình ảnh gián tiếp của khối u thân và đuôi tụy ác tính là đè đẩy các tạng xung quanh chiếm tỷ lệ 17,2%, gặp trong các trường hợp khối u có kích thước lớn, đẩy dạ dày ra trước, đẩy vòm hoành trái lên cao, đẩy thượng thận trái và thận trái xuống dưới. Tỷ lệ thấp có thể do tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi là bệnh nhân có phẫu thuật.

Hình 4.5: Khối u lớn thân tụy ác tính đè đẩy xung quanh BN Mạch Văn H 47 tuổi. MHS: C25-39734

4.2.9. Đặc điểm về hình ảnh lan rộng của u thân và đuôi tụy ác tính trên chụp cắt lớp vi tính đa dãy.

Theo nhiều các nghiên cứu trên thế giới, u thân và đuôi tụy là loại ác tính cao, bệnh nhân thường được chẩn đoán khi ở giai đoạn muộn, nên khi đến thăm khám đa số u thân và đuôi tụy ác tính đã xâm lấn ra xung quanh.

Trong nghiên cứu của chúng tôi, bảng 3.10 cho thấy chụp CLVTĐD phát hiện u thân và đuôi tụy ác tính thâm nhiễm tổ chức mỡ xung quanh chiếm tỷ lệ 93,1%, đối chiếu với kết quả phẫu thuật là phù hợp, không thâm nhiễm tổ chức mỡ xung quanh chỉ chiếm 6,9% là do khối u có kích thước nhỏ<2cm.

Trong bảng 3.11 cũng cho thấy chụp CLVTĐD đánh giá mức độ xâm lấn cơ quan lân cận: lách, thận trái, dạ dày, gan trái, vòm hoành trái, lớp mỡ quanh khối lần lượt chiếm tỷ lệ là 31,7%, 3,4%, 17,2%, 6,9%, 3,4%, 93,1%.

Tỷ lệ này phù hợp khi đối chiếu với kết quả phẫu thuật.

Hình 4.6: U thân tụy ác tính xâm lấn ĐMTTT BN Phạm Ngọc B 67 tuổi. MHS: C25-301

Hình 4.7: U thân đuôi tụy ác tính xâm lấn rốn lách và di căn gan.

BN Đào Ngọc C 53 tuổi. MHS: C25-21935

Beak JH (2007) nhận định về sự xâm lấn của khối u nhất là khối u có kích thước <2cm, sự xâm lấn của khối u bắt đầu từ lúc khối u phát triển>10mm, sự xâm lấn của khối u tăng dần theo chiều tăng kích thước của khối u [49].

Như vậy trong nghiên cứu của chúng tôi về đặc điểm lan rộng của u thân và đuôi tụy ác tính trên CLVTĐD phù hợp với kết quả phẫu thuật,và kết quả tương tự với các nghiên cứu khác ở trên thế giới.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm hình ảnh và giá trị của chụp cắt lớp vi tính đa dãy trong chẩn đoán u thân và đuôi tụy ác tính (Trang 63 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)