1.3.1. Nguồn gốc, xuất xứ
Cấu tạo bài thuốc nghiên cứu gồm các vị: Đan sâm: 8g, Hoàng liên: 04g, Ích trí nhân: 4g, Hà thủ ô đỏ: 8g, Sơn tra: 6g, Thiên hoa phấn: 8g, Hoàng tinh: 4 g, Ngưu tất: 6g, Linh chi: 8g, Trạch tả: 8g, Sinh hoàng kỳ: 8g.
Bài thuốc nghiên cứu xuất phát từ bài thuốc nghiệm phương "Giáng chỉ thang"
được trích từ cuốn “Thiên gia diệu phương” thành phần gồm: Đan sâm, hoàng tinh, hà thủ ô đỏ, trạch tả, sơn tra dùng điều trị chứng đàm trệ (RLLPM) [38] và được cấu trúc gia thêm các vị: sinh hoàng kỳ, linh chi, thiên hoa phấn, hoàng liên, ngưu tất, trị chứng tiêu khát (đái tháo đường) và ích trí nhân để ôn bổ tì vị.
Bài thuốc đã được sử dụng nhiều dưới dạng thuốc thang để điều trị bệnh nhân đái tháo đường có rối loạn lipid máu. Bài thuốc có tác dụng táo thấp hoá đàm, kiện tỳ ích vị, hoạt huyết tiêu thực để điều trị chứng đàm thấp tích tụ lâu ngày thượng nghịch lên gây đau đầu, chóng mặt, ngực đầy tức, tê mỏi tay chân, người nặng nề mệt mỏi rêu lưỡi trắng nhờn, lưỡi bè nhớt, mạch hoạt hoặc huyền hoạt (chứng tiêu khát có đàm thấp).
Cấu tạo bài thuốc tác dụng công và bổ, lấy bổ làm chính gồm: Bổ khí (hoàng kỳ), Bổ
huyết (Hà Thủ Ô), Bổ âm, sinh tân (Hoàng tinh, Thiên hoa phấn). Tả pháp gồm: hoạt huyết (ngưu tất, đan sâm), thanh nhiệt hoá thấp (hoàng liên). Các vị thuốc hỗ trợ: Sơn tra tác dụng tiêu tích trệ, hoá đàm, thấp ứ trệ, giải độc; Ích trí nhân tác dụng điều hoà ích vị, ôn ấm tỳ vị, giảm bớt tính lạnh của các vị thuốc khác.
“Giáng chỉ tiêu khát linh” được bào chế thành dạng viên nang nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và thuận tiện sử dụng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để có thể đưa thuốc ra sử dụng trên lâm sàng, cần phải có cơ sở khoa học chắc chắn khẳng định hiệu quả cũng như tính an toàn. Năm 2013, tác giả Vũ Việt Hằng và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu độc tính cấp, bán trường diễn và đánh giá tác dụng dược lý của trên thực nghiệm của chế phẩm “Giáng chỉ tiêu khát linh” và đã công bố kết quả trên các tạp chí y học có uy tín [8] ,[9] ,[10] ,[11] .
1.3.2. Một số nghiên cứu liên quan đến bài thuốc nghiên cứu
- Ngưu tất (achyranthies bidentatae blume): Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Quang Hoan và cộng sự (1988) nghiên cứu thực nghiệm trên thỏ, tác dụng hạ CT máu, hạ HA từ từ và kéo dài [39].
- Linh chi Việt Nam (Ganoderma Luadum): Nguyễn Thị Mai Anh, Đào Văn Phan, Phạm Thị Vân Anh (2005) nghiên cứu thực nghiệm trên chuột cống trắng tác dụng hạ CT, TG, LDL – C và làm tăng HDL – C máu [40].
- Phạm Khuê và Bùi Thị Nguyệt (1995): viên ngưu tất (Bidentin) làm giảm CT máu ở 82,6% BN có CT máu cao sau 2 tháng điều trị [41].
- Ngưu tất (Achyranthes bidenta Blume): có tác dụng hạ CT máu trong nghiên cứu thực nghiệm (Trần Quang Hoan 1978). Trên lâm sàng, hơn 65% BN hạ được CT máu, mức độ hạ từ 25-50% khi dùng viên hoặc siro ngưu tất (Phạm Khuê, Bùi Minh Nguyệt, Lê Tiến Dũng, Trần Thanh Hà, Lương Chí Thành (1981), Trần Việt Hoa (1987) thấy viên ngưu tất cũng giảm được lipid toàn phần, LDL-C và TG [42], [43], [44].
- Phan Việt Hà, Nguyễn Nhược Kim và CS (1998), Nghiên cứu tác dụng bài thuốc "Giáng chỉ ẩm" trong điều trị hội chứng rối loạn lipid máu, kết quả cho thấy làm giảm 13,54% CT, 32,67% TG, 15,23% LDL-C, tăng 17,07% HDL-C.
- Bùi Thị Mẫn (2004) Nghiên cứu tác dụng điều trị hội chứng rối loạn lipid máu của viên BCK, kết quả cho thấy làm giảm 18,34% CT; 27,7% TG; 18,3%
LDL-C, tăng 18,6% HDL-C.
+ Vũ Việt Hằng (2006) “Nghiên cứu tác dụng điều trị hội chứng rối loạn lipid máu của thuốc cốm GCL”. Luận văn Thạc sĩ Y học trường Đại học Y Hà nội.
Thành phần: Giáng chỉ thang gia linh chi được sản xuất dưới dạng cốm. Đan sâm 18g, Ngưu tất 12g, Hoàng tinh 18g, Sơn tra 12g, Hà thủ ô 18g, Nấm linh chi 18g, Trạch tả 18g. Bài thuốc có tác dụng thay đổi nồng độ Cholesterol toàn phần (CT), triglycerid huyết tương (TG), các lipoprotein như HDL- C, LDL- C ở 67 bệnh nhân có rối loạn lipid máu nguyên phát có được điều trị bằng thuốc cốm GCL. Kết quả cho thấy sau 60 ngày điều trị, thuốc cốm GCL có tác dụng làm giảm nồng độ Cholesterol toàn phần 16,19%, TG giảm 26,65% với p < 0,001, LDL- C giảm 10,49%, làm tăng 7,14% HDL- C với p < 0,005. Như vậy thuốc cốm GCL có tác dụng làm giảm rối loạn lipid máu, góp phần làm giảm vữa xơ động mạch [33].
+ Năm 2011, Nguyễn Thị Thanh Tú, Nguyễn Thị Oanh, Đỗ Thị Phương, Vũ Việt Hằng: “Tác dụng của bài thuốc “Giáng chỉ thang gia vị” (Nhân sâm, Đan sâm, Hoàng liên, Hà thủ ô, Trạch tả, Sơn tra, Ngưu tất, Thiên hoa phấn, Hoàng Tinh, Sinh hoàng kỳ) trong điều trị RLLPM trên bệnh nhân ĐTĐ typ II. Bài thuốc có tác dụng giảm cholesterol máu, giảm triglycerid máu, giảm LDL-C, tăng HDL-C và làm giảm lượng glucose máu ở những bệnh nhân có glucose máu < 10mmol/l. Sau điều trị, các chỉ số CT trung bình từ 6.60 ± 0.45 (mmol/l) giảm xuống 5.13 ± 0.12(mmol/l), TG trung bình giảm từ 4.08 ± 0.39 (mmol/l) xuống 2.63 ± 0.22 (mmol/l) và HDL-C trung bình giảm từ 3.74 ± 0.21 (mmol/l) xuống còn 2.77 ± 0.17(mmol/l) (với p< 0.05); chỉ số HDL-C tăng lên có ý nghĩa thống kê với p < 0.05. Lượng glucose máu trung bình trước điều trị là 8.62 ± 0.13 (mmol/l), sau điều trị là 6.13 ± 0.15(mmol/l) với p< 0.05 [45].
CHƯƠNG 2