Độ tuổi của BN trong NC đa số nằm trong khoảng 40-70 tuổi, bao gồm 55/60 BN chiếm 91,6%, trong đó nhóm 51-60 tuổi chiếm số lượng lớn nhất 29/60 BN (48,3%). Chỉ có 5 BN (8,3%) trên 70 tuổi và không có BN nào dưới 40 tuổi. Tỷ lệ này có sự tương đồng với NC của Vũ Thị Mận (2015): nhóm 40-70 tuổi chiếm 85%, trên 70 tuổi chiếm 8,3%, dưới 40 tuổi chiếm 6,7% [47].
Theo lý luận Y học cổ truyền, đời người con gái có 7 thiên quý (7x7=49), 35 tuổi mạch dương minh bắt đầu suy dần, 49 tuổi mạch nhâm suy yếu, mạch thái xung kém, thiên quý cạn kiệt. Con trai có 8 thiên quý (8x8=64), 40 tuổi thận khí suy dần, răng khô tóc rụng, 56 tuổi thiên quý kiệt, 64 tuổi lục phủ ngũ tạng đều suy yếu [48].
Như vậy, với người trên 40 tuổi, công năng các tạng phủ trong đó có tạng tỳ, phế, thận đã bị rối loạn, làm ảnh hưởng tới sự vận hóa thủy thấp, thông điều thủy đạo, khí hóa nước, gây ra đàm thấp ứ trệ.
Theo YHHĐ lứa tuổi ngoài 40 thường giảm hoạt động, có nhiều thay đổi trong chu kỳ sinh học, sức đề kháng của cơ thể yếu,có nhiều bệnh tật phát sinh, có nhiều suy nghĩ lo lắng dẫn đến stress do hoàn cảnh sống…Vì vậy người ở lứa tuổi này dễ “phát phì” vừa đang trên đà “lão hóa” [13].
Như vậy tỷ lệ tuổi trong nghiên cứu cũng phản ánh đúng những tổng kết kinh điển của YHCT phù hợp với học thuyết về thể chất và ảnh hưởng của tuổi tác tới thể chất của YHHĐ. Điều này chứng tỏ rằng hội chứng RLLPM và chứng “đàm thấp” của YHCT có liên quan mật thiết đến tuổi.
4.1.2. Đặc điểm về giới
Bệnh nhân nữ trong nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao 77% (n=46),gấp 3,3 lần so với tỷ lệ bệnh nhân nam là 23% (n=14). Tỷ lệ này cao hơn nhưng có sự tương đồng với NC của Vũ Thị Mận (2015) (tỷ lệ BN nữ gấp 3 lần tỷ lệ BN nam) và NC của Lê Đức Nguyên (2015) (tỷ lệ BN nữ gấp 2 lần tỷ lệ BN nam) [47],[49].
So sánh với các nghiên các nghiên cứu khác của Bùi Thị Mẫn (2004),Vũ Việt Hằng (2006) thì tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau [50[,[33].Nghiên cứu của Tăng Thị Bích Thủy tỷ lệ nam giới vượt trội hơn so với nữ giới [51].
Theo như quan điểm của chúng tôi trong nghiên cứu này tỷ lệ nữ cao hơn hẳn so với tỷ lệ nam cũng có thể do đặc điểm của bệnh RLLPM là có các triệu chứng cơ năng ban đầu không rõ ràng, không dữ dội, triệu chứng thực thể nghèo nàn và hiếm khi gây cảm giác khó chịu cho người bệnh bắt buộc họ phải đi khám ngay, nên bệnh nhân nam thường chủ quan hơn và không đi khám bệnh thường xuyên được như nữ giới.
4.1.3. Đặc điểm về nghề nghiệp
Nhóm nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm “Khác”, chủ yếu bao gồm những người buôn bán, lao động tự do, đến lúc tuổi cao dừng lao động và ở nhà làm việc nhẹ, chăm sóc gia đình. Nhóm BN này chiếm 50% (n=30), sau đó đến nhóm lao động chân tay chiếm 35% (n=21). Nhóm lao động trí óc chiếm tỷ lệ thấp nhất là 5% (n=3). So sánh với NC của Vũ Thị Mận, đối tượng nghiên cứu đa số lại là cán bộ đang công tác (46,6%) và cán bộ nghỉ hưu (36,7%). Bệnh nhân là lao động chân tay chiếm 16.7% [47].
Theo quan niệm thường gặp, những cán bộ viên chức đang công tác thường ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động thể lực, đi lại bằng xe máy, ô tô, làm việc căng thẳng, ăn uống bất hợp lý; những cán bộ hưu trí vì thường được nghỉ ngơi nhiều hơn sau nhiều năm lao động, cống hiến, vận động thể lực ít dần đi, có nếp sống nhàn nhã, ít đi bộ, hay ngồi đọc sách, xem ti vi..., ăn uống không được điều hoà như ăn nhiều đường, sữa, thịt động vật... là những thức ăn giàu năng lượng, do đó 2 nhóm này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Trong khi đó, những người lao động chân tay do vận động thể lực nhiều, tiêu hao năng lượng nhiều, ít có sang chấn tâm lý, nên nguy cơ mắc bệnh thấp.
Theo chúng tôi, trong NC này, nhóm “Khác” lại chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó đến nhóm “lao động chân tay” có thể do đặc thù khu vực lân cận với bệnh viện nơi thực hiện NC ít cơ quan công sở, chủ yếu tập trung những người làm nông nghiệp và buôn bán tự do. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, điều kiện kinh tế xã hội phát triển, điều kiện
sinh hoạt, ăn uống giữa các nhóm đối tượng lao động trong xã hội không còn quá chênh lệch. Do đó, yếu tố nguy cơ liên quan tới ăn uống không hợp lý không còn phụ thuộc nhiều vào đặc thù nghề nghiệp mà còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, ý thức chăm sóc sức khỏe của mỗi người – đây lại là điểm mạnh của nhóm cán bộ viên chức đang làm việc và nhóm cán bộ nghỉ hưu.
4.1.4. Thói quen ăn uống, tập luyện:
Số BN có thói quen ăn mặn thường xuyên còn chiếm tỷ lệ khá cao 38,3%
(n=23). Còn 31,7% số BN (n=19) ít tập luyện và vận động thể lực thường xuyên.
18,3% BN thường xuyên ăn mỡ, protein động vật và 16,7% thường xuyên ăn đồ ngọt.
Kết quả trên cho thấy một bộ phận lớn BN trong NC đã có ý thức phòng bệnh, ngăn ngừa biến chứng bằng việc xây dựng thói quen tốt như tập luyện thường xuyên và sử dụng dầu thực vật trong chế biến bữa ăn. Tuy vậy, thói quen bất lợi cho sức khỏe như ăn mặn, ăn mỡ động vật và đồ ngọt thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong nhóm đối tượng NC.
Theo YHHĐ, ngoài RLLPM tiên phát (xảy ra sớm ở trẻ em và người trẻ tuổi, ít khi kèm theo béo phì) thường liên quan tới bệnh cảnh di truyền, nguyên nhân gây RLLPM thứ phát có thể do lối sống tĩnh tại, dùng nhiều bia rượu, thức ăn giàu chất béo bão hòa, đái tháo đường, cường cortisol (hội chứng Cushing), sử dụng estrogen, bệnh thận [19].
Theo YHCT nguyên nhân gây bệnh đàm thấp [52],[53]:
Do ẩm thực bất điều: Ăn nhiều thức ăn ngọt béo, nhiều cao lương mĩ vị, uống nhiều rượu, làm việc trí óc quá sức, làm tổn thương tỳ vị, vận hoá tân dịch bị rối loạn dẫn đến đàm thấp nội sinh.
Do ít vận động thể lực: Làm tân dịch không vận hoá thông điều dẫn đến ứ trệ lâu ngày, khí huyết không lưu thông đưa đến khí trệ, huyết ứ.
Theo YHCT, từ thế kỷ 18, Lê Quý Đôn đã viết: "Tội do miệng mà ra, bệnh cũng do miệng mà ra". Theo sách “Tố Vấn”: "Cửu tọa thương khí, Cửu ngọa thương nhục"
(nằm nhiều hại khí, ngồi nhiều hại nhục) nghĩa là người ít vận động nằm ngồi nhiều sẽ tổn thương khí, hại tỳ, làm công năng các tạng phủ bị rối loạn sinh ra đàm trọc, huyết
ứ. Mặt khác "Ngũ tạng tàng thần" khi tinh thần căng thẳng tính chí rối loạn cũng ảnh hưởng đến công năng vận hoá của các tạng phủ, sinh đàm. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng lớn của chế độ ăn uống và tập luyện trong việc hình thành, điều trị và kiểm soát bệnh. Việc khuyến cáo bệnh nhân thay đổi chế độ ăn và tập luyện tích cực là điều cần thiết trong chiến lược điều trị và kiểm soát bệnh.
Về hút thuốc lá, uống rượu bia: 15% BN trong NC (n=9) có thói quen hút thuốc lá thường xuyên. Tỷ lệ này thấp hơn so với NC của Vũ Thị Mận (2015) là 18,3% [47], Tăng Thị Bích Thủy (2007) 33,3% [51] và Lê Đức Nguyên (2015) 33,3% [49] nhưng cao hơn so với nghiên cứu của Bùi Thị Mẫn (2004) 5% và Vũ Việt Hằng (2006) 11,9% [50],[33].
Trong NC này, BN nam chỉ chiếm 23% (n=14). Như vậy 9/14 BN nam (64,2%) có thói quen hút thuốc thường xuyên. Đây là 1 tỷ lệ khá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều trị bệnh.
Không có BN nào có thói quen thường xuyên uống rượu bia, tỷ lệ này thấp hơn trong NC của Vũ Thị Mận 21,7%, Bùi Thị Mẫn (2004) 10%,Vũ Việt Hằng (2006) 10%,Tăng Thị Bích Thủy 66,7% và Lê Đức Nguyên (2015) 36.7% [47],[49], [50],[33],[51].
Thuốc lá và rượu đều là những yếu tố nguy cơ gây RLLPM và VXĐM [27],[35],[40]. Rượu chủ yếu làm tăng TG, đặc biệt rượu làm tăng đáng kể nồng độ TG ở những người tăng sản TG nguyên phát hoặc thứ phát do những nguyên nhân khác [19]. Rượu ethylic sau khi vào cơ thể chuyển hoá kích thích sự tổng hợp các acid béo và tạo thành TG. Nếu uống rượu mức vừa phải thì gây tăng VLDL. Hút thuốc lá làm giảm hàm lượng HDL-C và làm tăng TG trong máu. Hút thuốc lá còn làm tăng oxide carbon, do đó làm giảm khả năng cung cấp oxy cho tổ chức, làm hư tổn tế bào nội mạc động mạch. Mặt khác, chất nicotin của thuốc lá còn làm co mạch gây tăng huyết áp và co động mạch vành gây thiếu máu cơ tim [52],[54].
Theo YHCT rượu và thuốc lá làm ảnh hưởng đến công năng các tạng đặc biệt là tỳ phế mà sinh đàm. Vì vậy việc hạn chế và ngừng uống rượu và hút thuốc góp phần làm giảm nguy cơ gây XVĐM.
4.1.5. Cân nặng
Số BN trong NC có BMI thuộc khoảng bình thường (18,5 -22,9) chiếm 51,7% (n=31). Số BN thừa cân chiếm 28,3% (n=17). Chỉ có 2 BN thiếu cân, không có BN nào béo phì độ II.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhóm thừa cân và béo phì khá cao 27/60 BN (45%), Tỷ lệ này tương đương với nghiên cứu của Vũ Thị Mận (2015) 45%, Bùi Thị Mẫn (2004) 43,4% và Lê Đức Nguyên (2015) 43,4%. Cao hơn của Nguyễn Thùy Hương (2004) 30,8% và Tăng Thị Bích Thủy (2007) 30%. Tỷ lệ này thấp hơn của Vũ Việt Hằng (2006) 60,0% [47],[49],[50],[33],[51],[55].
Phân loại dư cân người lớn châu Á-Thái Bình Dương theo BMI (Asia Pacific Perspectives) cho rằng: Ở những người dư cân, nguy cơ về sức khỏe bắt đầu tăng nhẹ.Theo nhiều nghiên cứu đã thống kê số người béo phì tăng HA nhiều gấp từ 2 đến 8 lần so với người không béo phì. Sự phát sinh THA ở người béo phì là do động mạch bị xơ cứng và do tổ chức mỡ trong cơ thể tăng cao. Lượng mỡ tăng, kéo theo lượng tuần hoàn máu tăng tương ứng, đồng thời gây cản trở các động mạch ngoại vi làm tim phải tăng co bóp.
Các nghiên cứu trên thế giới cho rằng: Béo phì thường đi đôi với hội chứng RLLPM và dễ bị VXĐM làm gia tăng nguy cơ gây các biến chứng, tổn thương các cơ quan đích quan trọng của cơ thể như tim, não và là nguyên nhân chính gây tử vong trong mô hình bệnh tật của thế giới hiện đại [56].
Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, lối sống bận rộn và tác phong công nghiệp làm ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt và ăn uống. Con người thường có ít thời gian hơn cho việc ăn uống, thường xuyên sử dụng các dạng thức ăn nhanh hoặc đã chế biến sẵn chứa nhiều acid béo bão hòa, nhiều protein hơn do sử dụng nhiều nguyên liệu có nguồn gốc động vật và các dạng thức ăn nhanh thường chiên rán qua dầu mỡ hoặc là các chất hóa học tổng hợp chứa hàm lượng calo cao dễ gây béo phì. Thêm vào đó việc ăn quá nhu cầu cơ thể gây thừa năng lượng và ít chất xơ, cùng với lối sống hiện đại và tác phong công nghiệp làm con người ít vận động cũng làm tăng nguy cơ béo phì do năng lượng thừa ứ đọng mà
không được sử dụng và đốt cháy. Mặt khác một lối sống và thói quen ăn uống thiếu khoa học, khi phần lớn các đối tượng trong độ tuổi lao động đặc biệt là nam giới thường có thói quen ăn nhậu sau giờ làm việc vào buổi tối, làm năng lượng thừa lại càng tích lũy khi cơ thể thu nạp một lượng lớn năng lượng vào thời điểm cơ thể ít hoạt động nhất trong ngày. Những thói quen ăn uống và lối sống thiếu khoa học trên góp phần làm gia tăng các bệnh rối loạn chuyển hóa đặc biệt là RLLPM, đái tháo đường và béo phì.
Thực trạng xã hội hiện đại cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì đang tăng ở mức báo động và được xem như là vấn đề chung về sức khỏe của y học vì nó thường kết hợp nhiều YTNC: THA, RLLPM, đái tháo đường và dễ dẫn đến tình trạng VXĐM là nguyên nhân gây ra các biến chứng quan trọng ở các cơ quan đích [56].
Theo YHCT: Chứng béo phì và RLLPM đều thuộc phạm vi các chứng “đàm thấp", “trọc trở”, “phì báng”… Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giảm chất đạm, tinh bột, đường và chất béo bão hòa, tăng cường chất xơ. Thực hiện lối sống khoa học và lành mạnh, tăng cường vận động thể dục thể thao để giảm béo cũng là góp phần phòng ngừa và điều chỉnh RLLPM
4.1.6. Đặc điểm rối loạn lipid máu của đối tượng NC
Đa số BN trong NC có RLLPM hỗn hợp, chiếm 75% (n=45). Số BN tăng TG máu đơn thuần chiếm tỷ lệ thấp là 3,3% (n=2). Không có BN nào chỉ tăng CT máu đơn thuần.
Kết quả nghiên cứu cho thấy đa số BN có RLLPM hỗn hợp gồm 34/60 BN (56,7%). RLLPM đơn thuần chiếm tỷ lệ ít, trong đó tăng CT đơn thuần là 1/60 BN (1,6%) và tăng TG đơn thuần là 25/60BN (30.0%).
+ Tỷ lệ về RLLPM hỗn hợp trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Vũ Thị Mận (2015) là 56,7%, của Bùi Thị Mẫn (2004) là 55%, của Lê Thị En (2010) là 55%, Lê Đức Nguyên (2015) là 46,7%, Tăng Thị Bích Thủy (2007) là 53,3% và Vũ Việt Hằng (2006) là 50,75% [47],[50],[57],[49],[33],[51].
Mặc dù tỷ lệ tăng CT đơn thuần của chúng tôi rất thấp so với các nghiên cứu khác, nhưng so với nghiên cứu của Vũ Thị Mận, Lê Đức Nguyên và Tăng
Thị Bích Thủy, đặc điểm về rối loạn lipid máu có sự tương đồng cụ thể: tỷ lệ tăng lipid máu hỗn hợp chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó đến tỷ lệ tăng TG và cuối cùng là tăng CT [47],[49],[51].
Đối chiếu với phân loại của Fredrickson và Tổ chức Y tế thế giới đa số các đối tượng nghiên cứu đều thuộc typ IIa và typ IIb là những týp dễ gây VXĐM.