Phân tích đánh giá chung, lý giải về tác dụng của viên nang GCTKL

Một phần của tài liệu Đánh giá tác dụng điều trị của viên nang cứng “giáng chỉ tiêu khát linh” trên bệnh nhân rối loạn lipid máu có đái tháo đường týp 2 (Trang 67 - 72)

Thành phần viên nang Giáng chỉ tiêu khát linh gồm các vị thuốc đã được nghiên cứu có tác dụng hạ cholesterol, điều chỉnh lipid máu như: Linh chi, Đan sâm, Ngưu tất, Sơn tra, Hà Thủ ô đỏ, Trạch tả, Hoàng kỳ, Hoàng liên. Theo y học cổ truyền, Linh chi có tác dụng giải độc, tiêu đàm, lợi niệu, ích vị, bổ khí huyết;

Đan sâm tác dụng trục huyết ứ, hoạt huyết, thông kinh, thanh tâm trừ phiền; Ngưu tất tác dụng hoạt huyết, tán ứ, thanh thấp nhiệt, thanh huyết nhiệt; Hà Thủ ô đỏ tác dụng bổ can thận, tư âm dưỡng huyết; Trạch tả có tác dụng lợi thuỷ thẩm thấp, thanh nhiệt đường tiết niệu, thanh thấp nhiệt ở đại trường và can; Hoàng kỳ tác dụng ôn bổ tỳ dương, sinh tân, chỉ khát, lợi niệu, tiêu viêm; Hoàng liên tác dụng tả hoả, táo thấp; thiên hoa phấn có vị ngọt, chua, tính lạnh, vào 3 kinh phế, vị và đại tràng, có tác dụng: Sinh tân, chỉ khát, giáng hỏa, nhuận táo, bài thũng, tiêu thũng, chủ trị tiêu khát, sốt nóng, hoàng đản miệng khô; Hoàng tinh có tác dụng bổ tỳ, nhuận phế, sinh tân, trị tỳ vị hư nhược, phế khí hư sinh ho, tiêu khát. Vì vậy theo lý

luận y học cổ truyền thì bài thuốc có tác dụng tiêu thực, trừ đàm thấp, sinh tân chỉ khát, điều trị rối loạn lipid máu và glucose máu hiệu quả.

Theo YHCT gốc của đàm là chính khí của tạng phủ bị suy hư, khí hư có thể sinh đàm, đàm thành thì khí càng hư, khí trệ cũng sinh đàm, đàm thành thì khí càng kết. Mặt khác khí hành thì huyết hành, khí trệ thì huyết ngưng. Khi kinh khí bị trở ngại, mất sự điều hoà khí huyết làm cho khí huyết của tạng phủ càng suy và bệnh càng nặng thêm. Nên phép chữa phải ích khí, hành khí, hoạt huyết, trục tà kết hợp với khôi phục chính khí của tạng phủ thì đàm mới được trừ, bệnh đàm sẽ hết [30].

Như vậy, hội chứng RLLPM theo YHCT là một chứng do nội đàm gây nên có đặc điểm "Bản hư tiêu thực", "tiêu" là đàm trọc nội sinh, tâm huyết ứ trở, "bản" là công năng tạng phủ thất điều hư tổn. Do ngũ tạng hư tổn, đàm khi sinh ra đi theo khí và phân bố rất rộng, lên trên, xuống dưới, vào trong thì vào các tạng phủ, ra ngoài tới cơ nhục, bì phu làm cho kinh lạc tắc nghẽn, huyết mạch không thông, mạch lạc ứ trệ... mà thành ra các chứng đầu thống, huyễn vựng, tâm quý, hung tý...[47]. với các biểu hiện lâm sàng tương tự như bệnh cảnh RLLPM của YHHĐ. Vì vậy trong điều trị phải rất chú trọng phép trị đàm chính vì vậy thuốc GCTKL có tác dụng táo thấp hoá đàm, lý khí hoà trung, hoạt huyết tiêu thực để điều trị chứng đàm thấp tích tụ lâu ngày thượng nghịch lên gây đau đầu, chóng mặt, ngực đầy tức, tê mỏi tay chân, người nặng nề mệt mỏi rêu lưỡi trắng nhờn, lưỡi bè nhớt, mạch hoạt hoặc huyền hoạt. Đặc biệt với thành phần có vị linh chi được gọi là một vị thuốc quý hiệu quả điều trị bệnh tăng lên rất nhiều. Hiện nay, với sự ủng hộ của Bộ y tế trong việc nhân giống, trồng nấm linh chi đã và đang thôi thúc chúng tôi đi sâu nghiên cứu hiệu quả của các thuốc đông dược được bào chế từ nấm linh chi Việt nam.

4.5.2 Bàn về tác dụng hạ Cholesterol, TG, LDL-C và tăng HDL-C máu của bài thuốc GCTKL theo y học hiện đại.

Nhiều các nghiên cứu y học hiện đại cũng minh chứng về thành phần các hoạt chất trong các vị thuốc và tác dụng điều trị rối loạn lipid máu.

Linh chi có chứa hàm lượng lớngermanium giúp tế bào hấp thụ oxy tốt hơn;

polysaccharit làm tăng sự miễn dịch trong cơ thể, diệt tế bào ung thư; acid ganodermic chống dị ứng, chống viêm. Nghiên cứu của Phạm Thị Bạch Yến (2009) trên lâm sàng cho kết quả Nấm Hồng chi Đà Lạt có tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu, với liều 15g/24giờ làm giảm cholesterol toàn phần và giảm LDL-C tương đương với Lipanthyl 200mg/24giờ; đặc biệt là nấm Hồng chi Đà Lạt với liều này lại làm giảm triglycerid cao hơn và tăng HDL-C nhiều hơn so với nhóm uống Lipanthyl [60].

Đan sâm đã được nghiên cứu và định lượng có các thành phần Tanshinone I, tanshinone II, cryptotanshinone, isotanshinone I, isotanshinone II, isocryptotanshinone, miltirone, tanshinol I, tanshinol II, methyl tanshinonate, hydroxytanshinone II, salviol, protocatechuic aldehyde, protocatechuic acid, vitamin E. Vì vậy Đan sâm có tác dụng tốt trên tim mạch: làm giãn mạch và tăng lưu lượng động mạch vành tim, cải thiện được vi tuần hoàn, phòng chống tích cực tình trạng thiếu máu và hoại tử cơ tim, nâng cao sức chịu đựng của tế bào cơ tim trong điều kiện thiếu oxy, điều chỉnh lipid máu, ức chế và làm chậm quá trình hình thành các mảng xơ vữa động mạch, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, chống hiện tượng đông máu [62].

Ngưu tất đã được nghiên cứu có các chất Triterpenoid saponins, ecdysterone, inokosterone, tác dụng hạ huyết áp, giảm cholesterol do tăng nhanh bài tiết cholesterol.

Dịch chiết của Sơn tra có thể làm giảm cholesterol bằng cách gia tăng sự bài tiết mật, giảm hình thành cholesterol, tăng cường các thụ thể cho LDL.Hà thủ ô có tác dụng hạ cholesterol, peroxy hoá lipid. Trạch tả tác dụng chống tạo mỡ trong gan, chậm vữa xơ động mạch, giảm lipid máu [62]. Nghiên cứu của Hong Dan và cộng sự (2011) trên chuột đực Kunming 8 tuần tuổi được ăn với chế độ giàu chất béo.

Kết quả Trạch tả (Alismatis rhizome) với liều uống 2,26g/1kg thân trọng, chuột

giảm được cholesterol trong máu và trong gan so với lô không dùng thuốc. Kết quả này chứng minh hiệu quả của Trạch tả (Alismatis rhizome) trong điều trị tăng lipid máu bằng cách làm giảm sự tổng hợp cholesterol gan, chứ không phải bằng cách tăng dị hóa cholesterol.

Bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao đã xác định được hoạt chất acid oleanolicvới hàm lượng 1,021mg/1g thuốc và hoạt chất tanshinone IIA với hàm lượng 0,032 mg/1g thuốc có trong Giáng chỉ tiêu khát linh [8]. Acid oleanolic là một hợp chất triterpenoid pentacyclic có phổ biến trong hầu hết thực vật, được tìm thấy vào năm 2005, có nhiều trong Radix Polygoni multiflori (ngưu tất). Acid oleanolic được chứng minh đó là một chất ức chế mạnh mẽ của quá trình viêm tế bào, tác dụng làm giảm sự hình thành cholesterol và tăng bài tiết cholesterol. Tanshinone IIA có nguồn gốc từ phenanthrene-quinone, có thể được phân lập từ Salvia miltiorrhiza Bunge (Đan sâm). Hợp chất này có thể thúc đẩy hoạt động chống viêm, chống oxy hóa, và gây độc tế bào, và cũng như tạo ra quá trình apoptosis. Tanshinone IIA cũng đã được chứng minh là giảm vữa xơ động mạch do ức chế yếu tố tăng trưởng tiểu cầu, ức chế sự di chuyển của các tế bào cơ trơn ở lớp trung mạc ra lớp nội mạc của thành động mạch chủ là các nguyên nhân chính gây vữa xơ động mạch [8].

Một số các hoạt chất khác nhưemodin, astragalosid IV cũng được xác nhận có mặt trong thành phần của thuốc. Tác dụng của astragalosid IV (chất này có nhiều trong vị hoàng kỳ và Đan sâm), làm giảm mức độ malon dialdehyd, một chất chuyển hóa của quá trình peroxy lipid và làm tăng mức độ chất chống oxy hóa enzym glucosetathion peroxidase và superoxid dismutase trong các mô. Điều này cũng minh chứng cho cơ chế và tác dụng của Giáng chỉ tiêu khát linh trong điều trị rối loạn lipid máu và chống vữa xơ động mạch: ức chế hấp thu cholesterol, tăng tổng hợp cholesterol ở gan, đồng thời tăng đào thải cholesterol qua các axid mật, làm tăng ức chế qúa trình peroxy lipid. Mặt khác cũng có thể Giáng chỉ tiêu khát linh cũng làm giảm LDL- c do gia tăng việc sản xuất protein thụ thể (LDL- receptor) ở gan. Đây là sự khác biệt với cơ chế tác dụng của Giáng chỉ tiêu khát linh với nhóm statin và để chứng minh chặt chẽ hơn cần có thêm các nghiên cứu tiếp theo về vấn đề này.

Như vậy, trên cơ sở lý luận YHCT phân tích kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn lâm sàng, chúng tôi cho rằng thuốc có khả năng cải thiện tình trạng RLLPM và Glucose máu. Những kết quả thu được từ nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ thêm nhận định về mối liên quan mật thiết giữa hội chứng RLLPM, ĐTĐ của YHHĐ và hội chứng đàm thấp, tiêu khát của YHCT. Nhưng để đánh giá thật đầy đủ hiệu lực điều chỉnh hội chứng RLLPM của GCTKL cần phải tiến hành nghiên cứu chuyên sâu trên thực nghiệm và lâm sàng trong các đề tài tiếp theo.

Một phần của tài liệu Đánh giá tác dụng điều trị của viên nang cứng “giáng chỉ tiêu khát linh” trên bệnh nhân rối loạn lipid máu có đái tháo đường týp 2 (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(120 trang)
w