Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong

Một phần của tài liệu ử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử việt nam thời kỳ 1945 – 1954 trường trung học phổ thông tỉnh nam định (Trang 31 - 38)

1.1. Cơ sở lí luận

1.1.5. Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong

Lịch sử quá khứ bao trùm nhiều mặt của đời sống xã hội; vì vậy, nghiên cứu và dạy học lịch sử cần phải sử dụng nhiều loại tài liệu khác nhau nhưng

“phải chọn những tài liệu sự kiện cần cho việc phân tích, khái quát. Đó là những tài liệu sự kiện tương đối đầy đủ, chính xác và cùng một loại”(9; tr.

191). Yêu cầu khối lượng sự kiện tương đối đầy đủ để khái quát có ý nghĩa lớn, vì nó góp phần nghiên cứu các hiện tượng lịch sử một cách toàn diện, cả định tính lẫn định lượng. Muốn vậy, chúng ta phải biết lựa chọn những “sự kiện điển hình là những sự kiện phản ánh các mặt cơ bản, những thuộc tính, những đặc trưng của hiện tượng...”[56; tr. 192]. Mặt khác, yêu cầu sự kiện phải chính xác tức là nội dung các tài liệu sự kiện để phân tích khái quát, lý luận phải phù hợp với hiện thực khách quan “tính chính xác của sự kiện thể hiện tính Đảng Cộng sản trong nghiên cứu, việc tuân thủ các nguyên tắc khoa học được xây dựng trên cơ sở lý luận Mác xít về nhận thức thế giới khách quan đúng như nó tồn tại”[56; tr. 193 – 194]. Đồng thời, phải yêu cầu có sự kiện cùng loại để so sánh, đối chiếu. Ba yêu cầu trên đối với tài liệu sự kiện là rất cần thiết để khái quát khoa học, nhưng để có được sự kiện đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi nhà nghiên cứu phải đánh giá, phân tích và phê phán nội dung của chúng. Như vậy, có thể khẳng định, trong nghiên cứu và dạy học lịch sử, tài liệu sự kiện (trong đó có tài liệu LSĐP) giữ vai trò hết sức quan trọng trong nhận thức, nguồn tài liệu sự kiện đáp ứng các yêu cầu đặt ra sẽ giúp ích trong việc hiểu sâu bản chất sự vật, nhận thức sâu sắc hiện thực (tức là chuyển sang giai đoạn nhận thức lý tính).

Dạy học phần LSVN thời kì 1945 - 1954 ở lớp 12 THPT, GV có thể sử dụng một cách sáng tạo sơ đồ Đairy, nghĩa là phải có những phần không được trình bày trong SGK nhưng buộc phải có trong bài giảng GV, như tài liệu trực quan, tài liệu tham khảo nói chung (trong đó có tài liệu LSĐP) nhằm giúp HS hiểu sâu kiến thức cơ bản của LSDT và có hiểu biết về LSĐP. Qua đó, góp

phần phát triển kỹ năng tư duy độc lập sáng tạo, bồi dưỡng đạo đức, tư tưởng, thẩm mỹ, lòng yêu quý, gắn bó, nghĩa vụ của các em đối với quê hương. Cụ thể:

- Về kiến thức:

Phần LSVN 1945 - 1954, trình bày một thời kỳ quan trọng có nhiều biến cố lớn, gắn liền với quá trình đấu tranh của toàn dân tộc sau khi Đảng ta ra đời cho đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết đấu tranh đi từ thắng lợi này đến sự thắng lợi khác. Với thành công của Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, cả dân tộc Việt Nam lại phải bắt tay vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp để bảo vệ nền độc lập và hoàn thành thống nhất nước nhà vào ngày 30/04/1975. Trong quá trình đó, đóng góp của quần chúng nhân dân ở từng địa phương đối với dân tộc là rất lớn. Tuy nhiên, do giới hạn về nội dung, chương trình, nên SGK không thể đề cập một cách cụ thể, đầy đủ đến các sự kiện của từng địa phương. Điều đó đòi hỏi khi dạy học LSVN, GV cần phải có nguồn kiến thức bổ trợ, trong đó tài liệu LSĐP là nguồn không thể thiếu.

Trong dạy học LSVN, nguồn tài liệu LSĐP có vị trí, vai trò đáng kể đối với việc nhận thức của HS về sự phát triển toàn diện, đa dạng LSDT . Bởi vì, bất cứ sự kiện LSDT nào cũng diễn ra ở một địa phương cụ thể với thời gian và không gian nhất định, trong đó có những sự kiện LSĐP đã trở thành sự kiện của LSDT, như: Binh biến Đô Lương, cuộc đấu tranh của đồng bào, Phật tử Huế năm 1963, Đồng khởi ở Mỏ Cày (Bến Tre) năm 1960...; cũng có những sự kiện tuy chưa trở thành những sự kiện lớn của LSDT nhưng có tác động, ảnh hưởng nhất định đến LSDT, những sự kiện mà trong đó sự đóng góp của nhân dân địa phương góp phần không nhỏ đối với LSDT như: Khi GV dạy học bài Xô Viết Nghệ Tĩnh, GV sử dụng đoạn tư liệu LSĐP sau để nói về hoạt động ủng hộ của công nhân Nam Định:

Nếu các hoạt động “ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh” và “truy điệu nông dân Tiền Hải” là biểu hiện cụ thể đầu tiên tô đậm mối tình công nông liên minh của giai cấp công nhân thành phố Nam Định thì ngay sau đó, bấp chấp mọi khủng bố của kẻ thù, ngày 7/11/1930 chính những người công nông ấy lại thể hiện mối tình quốc tế vô sản thắm thiết của mình bằng những hoạt động trong dịp “Kỉ niệm cách mạng tháng Mười –Nga năm 1930”.Tối ngày 06/11/1930, công nhân thành phố đã làm 6 vụ nổ lớn ở trại lính Khố Xanh, Ga xe lửa, Bưu điện, cổng nhà máy sợi, Phù Long, đường Goòng; đồng thời nhiều truyền đơn, nhiều cờ đỏ xuất hiện trong nội thành. 5h30 phút sáng ngày 7/11/1930 tại cổng nhà máy Sợi lúc công nhân đang vào ra đông đức thì 2 quả pháo bồ và 1 tràng pháo lại nổ vang, cờ đỏ búa liềm xuất hiện. Mọi người vô cùng phấn khởi nhất tề hò reo vang động hưởng ứng. Địch lồng lộn trả thù, nhiều người bị bắt nhưng công nhân vẫn vượt qua nhiều nguy hiểm thực hiện được kế hoạch đã định như tán phát thêm nhiều truyền đơn và gây mất điện nhiều lần ở đường phố, biểu lộ ý chí chiến đấu và niềm tin mãnh liệt vào quê hương cách mạng xã hội chủ nghĩa.[20; tr.49,50]

Ví như khi dạy bài 17: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa từ sau ngày 2/9/1945 đến trước ngày 19/12/1946. GV có thể cho HS đọc đoạn tư liệu LSĐP trong cuốn LS Đảng bộ thành phố Nam Định để các em thấy được hoạt động sôi nổi ủng hộ, phát triển Mặt trận Việt Minh cũng như các cơ quan, đoàn thể cứu quốc địa phương ra đời như thế nào:

“Song song với việc xây dựng và phát triển Mặt trận Việt Minh và các Hội. Thành bộ Việt Minh Nam Định một mặt chăm lo củng cố, kiện toàn Ban chấp hành các đoàn thể cứu quốc đã có như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc... Mặt khác xây dựng thêm nhiều Hội, đoàn thể cứu quốc khác như: Tháng 10 năm 1945, hơn 100 đại biểu của ngành lao động họp đại hội thành lập Ban công nhân cứu quốc thành phố. Hội văn hóa cứu quốc thành phố Nam Định cũng được thành lập.

Ban chấp hành Hội đã quyết định đẩy mạnh các hoạt động trong thành phố ,

mở đầu bằng việc tổ chức “Tuần lễ văn hóa” từ ngày 1 đến ngày 7/11/1945.

Chỉ trong thời gian ngắn các tổ chức cơ sở của các Hội, các đoàn thể cứu quốc đã thành lập rải đều ở các xí nghiệp, các đường phố, các xã, xứng đáng là lực lượng đắc lực, tin cậy của Đảng và là hậu thuẫn vững chắc của chính quyền.”[20; tr.93,94]

Do đặc trưng của bộ môn lịch sử, để có thể giúp HS khôi phục quá khứ LSDT một cách tương đối đầy đủ, toàn diện đòi hỏi GV phải cân nhắc khi lựa chọn các loại tài liệu trong đó có tài liệu địa phương, nhằm đảm bảo tính khách quan, cụ thể, chân thực, sinh động và trong mỗi giờ lên lớp.

Mặt khác, sử dụng tài liệu LSĐP trong dạy học LSDT còn là một biện pháp tích cực để thực hiện nguyên lý “học đi đôi với hành”, "nhà trường gắn với xã hội", "lý luận gắn với thực tiễn", là thực hiện lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Giáo dục phổ thông phải gắn liền với lịch sử, thiên nhiên, xã hội, con người địa phương, làm cho việc giảng dạy và học tập ở nhà trường thắm đượm hơn cuộc đời thực, HS lúc đi học đã học, đã sống thực với xã hội xung quanh”[14; tr. 23].

- Về tư tưởng, thái độ

Trong đời sống xã hội, việc giáo dục thế hệ trẻ thông qua giáo dục lịch sử không chỉ có tác dụng về trí lực mà cả về tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ. So với các bộ môn khác, môn lịch sử có ưu thế trong việc giáo dục tư tưởng đạo đức cho HS. Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế thị trường với những mặt tích cực đã đem lại kết quả khả quan trong bước đường đổi mới toàn diện của đất nước. Tuy nhiên, do tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường nên phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục tư tưởng đạo đức, hình thành nhân cách và bồi dưỡng niềm tin cho các em trong dạy học lịch sử. Để làm được điều đó, GV không chỉ chú trọng cung cấp tài liệu - sự kiện mà phải thông qua sự hiểu biết lịch sử để dạy người. Phần lớn HS phổ thông đều sinh ra, lớn lên và được học tập tại nơi chôn nhau, cắt rốn của mình, ít nhiều có nhu cầu

tìm hiểu về những gì đã và đang xảy ra xung quanh mình. ở lứa tuổi này, tình cảm của các em rất gắn bó với những gì gần gũi, thân thiết , do đó, “việc đưa chất liệu lịch sử địa phương vào bài giảng lịch sử dân tộc sẽ là phương tiện làm phong phú sự hiểu biết của HS về quê hương, giáo dục cho các em lòng yêu quê hương...Điều này có vai trò không nhỏ trong giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho HS, góp phần hình thành lòng yêu nước chân chính kết hợp với tinh thần quốc tế vô sản cho thế hệ trẻ”[13; tr. 41]. Sử dụng tài liệu LSĐP trong dạy học LSDT góp phần giáo dục cho các em niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, về CNXH, về con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Thông qua nội dung khóa trình LSVN 1945 - 1954, GV có thể hình thành cho HS niềm tin vào cuộc sống, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới hiện nay. Thời gian đầu sau Cách mạng tháng Tám - 1945, đất nước đứng trước những thử thách hết sức nghiêm trọng, vận mệnh dân tộc đang trong tình thế ”ngàn cân treo sợi tóc”. Để đưa đất nước vượt qua cơn hiểm nghèo, Đảng và Chính phủ ta, đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã có những chủ trương biện pháp đúng đắn nhằm đối phó với tình hình như củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, chống đói, khắc phục khó khăn về tài chính, chống dốt, chống thù trong giặc ngoài. Với tinh thần đoàn kết và niềm tin vào tiền đồ cách mạng, nhân dân cả nước nói chung, Nam Định nói riêng đã kết thành một khối thống nhất, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, chính phủ, lời dạy của Bác Hồ.

Dân tộcViệt Nam từ bao đời nay có truyền thống yêu nước, anh hùng trong chiến đấu, cần cù trong lao động, tinh thần nhân ái, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau... Khi sử dụng tài liệu LSĐP trong dạy học lịch sử dân tộc, GV cần tạo điều kiện cho HS được tiếp xúc với những tài liệu - sự kiện liên quan đến mảnh đất, con người cụ thể nơi các em đang sống và học tập. Ví như:

“Ủy ban nhân dân thành phố Nam Định đã xóa bỏ các loại thuế bất công do chính quyền thực dân phong kiến đặt ra. Nhất là “thuế thân”, một đau khổ, nhục mạ nhất của dân mất nước. Những người buôn bán nhỏ được miễn thuế

môn bài. Độc quyền buôn bán muối, rượu, gạo được bãi bỏ. Ty lao động là đại diện cho chính quyền, trực tiếp chỉ đạo nhà máy, chủ nhà máy phải chấp hành nghiêm chỉnh. Lương công nhân tăng đồng loạt từ 50 đến 70 % lương cũ và cứ 4 tháng tăng lương một lần, mỗi công nhân được mua 01 kg vải do nhà máy sản xuất theo giá thấp hơn giá thị trường.” [20; tr.95]

Sử dụng tài liệu LSĐP trong dạy học LSDT góp phần giáo dục cho các em lòng kính yêu quần chúng nhân dân, những người sáng tạo ra lịch sử, là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. “ Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” điều này được thể hiện rõ qua tất cả khóa trình lịch sử, như khóa trình LSVN 1945 - 1954.

- Về mặt kĩ năng:

Lý luận dạy học đã chỉ ra rằng, tài liệu tham khảo nói chung, tài liệu LSĐP nói riêng nếu được sử dụng hợp lý trong dạy học LSVN góp phần rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của các em. Phát triển tư duy độc lập, sáng tạo là một khâu quan trọng trong dạy học lịch sử; tuy vậy, hiện nay một số giờ giảng của GV trên lớp vẫn còn mang tính độc diễn, thầy giáo truyền thụ một chiều. Cũng còn có trường hợp, bài giảng của GV chỉ là bản tóm tắt SGK mà không chú ý sử dụng các nguồn tài liệu tham khảo cần thiết làm cho giờ học trở nên khô khan và kết quả là HS không hứng thú, yêu thích đối với việc học môn lịch sử. Không ít người vẫn còn cho rằng “môn Lịch sử chỉ là môn học thuộc lòng”, “học lịch sử không có gì và không cần thiết phải phát triển tư duy”, “môn lịch sử không cần có hệ thống bài tập thực hành”...Vì vậy, dạy học lịch sử cần phát huy tính tích cực, sáng tạo từ phía HS. Quá trình nhận thức của HS cũng phải tuân theo quy luật “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng trở về thực tiễn. Đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”[57; tr. 179].

Ngoài việc tuân thủ quy luật nhận thức chung, do đặc điểm của hiện thực lịch sử và nhận thức lịch sử mà trong dạy học lịch sử còn có những đặc điểm riêng. Vì vậy, HS không thể trực tiếp quan sát quá khứ cũng không thể khôi phục bức tranh quá khứ bằng các thí nghiệm, như trong môn Vật lý, Hóa học... Để giúp HS có nhận thức đúng về lịch sử, GV phải tuân thủ con đường hình thành tri thức lịch sử cho HS, từ sự kiện cụ thể để tạo biểu tượng lịch sử chính xác, phong phú. Đây là cơ sở để hình thành khái niệm, nêu quy luật, rút ra bài học lịch sử. Muốn tạo biểu tượng vững chắc cho HS, ngoài SGK, lời nói của GV, cần phải có nguồn tài liệu trực quan, tài liệu tham khảo như tài liệu LSĐP. Muốn hiểu sâu sắc lịch sử, không thể chỉ dừng ở khâu tạo biểu tượng, sự phản ánh sự kiện lịch sử một cách vụn vặt, cảm tính, thậm chí bị sai lệch, xuyên tạc. Cần phải sử dụng tư duy trừu tượng để nhận thức lý tính nhằm tìm ra mối dây liên hệ bản chất, xuyên suốt các sự kiện, giúp HS đi từ biết đến hiểu và hiểu sâu sắc hơn. Trong quá trình hình thành tri thức lịch sử cho HS, nếu sự kiện được xem là cơ sở của nhận thức lịch sử thì tài liệu nói chung (trong đó có tài liệu LSĐP) là cơ sở để hình thành các sự kiện lịch sử.

Muốn đạt đến trình độ tư duy lý luận, nhất thiết phải phát huy tư duy thông qua các thao tác tư duy tương ứng, như so sánh, tổng hợp, phân tích, đối chiếu...

Bất cứ môn học nào ở trường phổ thông cũng góp phần hình thành và phát triển tư duy cho HS, trong đó có dạy học lịch sử. GS. Phan Ngọc Liên khi bàn về đặc trưng của tư duy lịch sử đã nhấn mạnh những vấn đề cơ bản, đó là:

“ - Xác định điều kiện hoàn cảnh, những mối liên hệ của các sự kiện.

- Nhận biết tính chất, ý nghĩa, bài học kinh nghiệm, nhất là những sự kiện lớn quan trọng.

- Làm sáng tỏ những biểu hiện đa dạng của các quy luật lịch sử.

- Xác định động cơ hoạt động của các tầng lớp, tập đoàn hay cá nhân trong lịch sử.

- Biết liên hệ, so sánh, đối chiếu tài liệu lịch sử với đời sống hiện nay và rút ra bài học kinh nghiệm, ...” [73; tr. 10].

Tư duy lịch sử được hình thành trong quá trình học tập lịch sử; nó phù hợp với sự phát triển của bản thân hiện thực quá khứ. Vì vậy, phương pháp lịch sử là biện pháp xem xét sự kiện, hiện tượng lịch sử trong quá trình phát sinh, phát triển, diệt vong; trong sự thống nhất, đa dạng và đầy mâu thuẫn của lịch sử. Qua đó, HS nhận thức rõ mối dây liên hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Có thể nói rằng: “Tư duy lịch sử là hoạt động trí tuệ của HS nhằm nhận thức đúng về quá khứ, hiểu rõ hiện tại và dự đoán sự phát triển hợp quy luật của tương lai”(90; tr. 103). Do đó, một mục tiêu của học tập lịch sử là tìm hiểu những giá trị tốt đẹp trong truyền thống dân tộc phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng hiện tại và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Vì thế, ngay từ thời cổ đại các sử gia Roma đã khẳng định “Lịch sử là cô giáo của cuộc sống”.

Tóm lại, như đã phân tích, việc phát triển năng lực tư duy và hành động cho HS trong học tập lịch sử đòi hỏi GV phải hướng dẫn các em sưu tầm, có phương pháp tiếp cận, lựa chọn nội dung tài liệu LSĐP, thông qua các thao tác tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, ...) để chọn ra những tài liệu chính xác, phong phú, hấp dẫn góp phần tạo biểu tượng về LSDT một cách vững chắc, hiểu được bản chất, mối liên hệ xuyên suốt, gắn bó giữa LSĐP với LSDT. Trên cơ sở đó, bồi dưỡng cho các em tư tưởng, tình cảm, lòng yêu quê hương và trách nhiệm đối với cộng đồng.

Một phần của tài liệu ử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử việt nam thời kỳ 1945 – 1954 trường trung học phổ thông tỉnh nam định (Trang 31 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)