Phiêu lưu là tính chất không chỉ của riêng tiểu thuyết, nó tiềm tàng từ trong sử thi (những bản anh hùng ca) và trong các câu chuyện cổ tích… Sau đó tiểu thuyết ra đời, ngay từ khi mới xuất hiện nó đã ẩn chứa trong mình tính chất phiêu lưu. Qua những bước phát triển của lịch sử văn học, tiểu thuyết phiêu lưu có nhiều biến dạng: tiểu thuyết hiệp sĩ, tiểu thuyết du đãng là những dạng tiêu biểu của tiểu thuyết phiêu lưu trong văn học trung đại.
Tiểu thuyết phiêu lưu không chỉ là những cuộc phiêu lưu tìm kiếm những chiến công, những câu chuyện li kì trong thế giới tưởng tượng mà là phiêu lưu kết hợp với khám phá thế giới và phản ánh hiện thực. Rồi trải qua thời gian nó đã định hình và trở thành một thể loại văn học thực sự có giá trị:
“Nó thể hiện như một loại hình riêng biệt, đứng vững với tư cách là một trong những thể loại tiểu thuyết chủ chốt của văn học bình dân” [21; 724] .
Tiểu thuyết phiêu lưu hướng tới số đông độc giả, người ta đọc nó say mê và háo hức vì nó không chỉ là văn chương giải trí mà còn lấp lánh trí tuệ.
Giờ đây, tiểu thuyết phiêu lưu bên cạnh những đặc trưng của thể loại còn đan cài kết hợp nhuần nhuyễn đặc điểm của các thể loại khác như tiểu thuyết tâm lí, xã hội, phong tục... “sức hấp dẫn của tiểu thuyết phiêu lưu không giới hạn trong cái phiêu lưu mạo hiểm nữa, mà còn là sự khám phá chiều sâu của sự khám phá con người” [43; 338]. Như vậy, tiểu thuyết phiêu lưu không còn
đơn giản bị coi là thực hiện một chức năng giải trí nữa, mà nó còn đảm nhận những chức năng khác của văn học như giáo dục, nhận thức và thẩm mỹ...
Theo Từ điển thuật ngữ, các tác giả cho rằng: “Tiểu thuyết phiêu lưu (Roman d’aventures) là loại tiểu thuyết kể về những phiêu lưu, những cuộc tìm kiếm, khám phá li kì, mạo hiểm.... tiểu thuyết phiêu lưu đòi hỏi các nhà văn phải học cách viết sao cho lôi cuốn hấp dẫn. Bởi vì đặc điểm nổi bật nhất trong thi pháp trần thuật của thể loại văn này là liên tiếp tạo ra những sự kiện li kì, hấp dẫn, những tình huống hồi hộp bất ngờ... Những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu hấp dẫn thường là những cuốn miêu tả được những tình huống giàu kịch tính, khắc hoạ được nhiều tính cách nhân vật mạnh mẽ. Nó vẫy gọi con người đến với những miền đất lạ và đam mê lập chiến công. Cho nên chất lãng mạn cũng là nhân tố tạo nên sức quyến rũ của tiểu thuyết phiêu lưu...” [49; 336].
Như vậy, chúng ta có thể rút ra những đặc điểm cơ bản nhất về thể loại.
Về cốt truyện, tiểu thuyết phiêu lưu là những câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn; là sự xâu chuỗi của các sự kiện, tình tiết li kì hồi hộp; đầy ắp những biến cố bất ngờ kịch tính. Cốt truyện thường chứa đựng những xung đột giữa những tuyến nhân vật đối lập. Còn về nhân vật: tiểu thuyết phiêu lưu phải tạo ra nhân vật chính – chủ thể của những cuộc phiêu lưu (nói theo “Từ điển các nền văn học” là “cái tôi du hành”). Nhân vật phiêu lưu phải có tính cách mạnh mẽ, đam mê khám phá, thích mạo hiểm.
Nói đến tiểu thuyết phiêu lưu chúng ta không thể không nhắc đến những tác phẩm đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của thể loại này như: Don Quijote nhà quí tộc tài ba xứ Mantra (1605) của M. Cervantes, Robinson Crusoe (1719) của D.Defoe, Những cuộc phiêu lưu của Oliver Twist (1837 – 1839) và David Copperfield (1849 – 1850) của Ch. Dickens, Những cuộc phiêu lưu của Huck Finn (1884) của Mark Twain... Những
cuốn tiểu thuyết này đều cho người đọc thưởng thức biết bao chuyến phiêu lưu nhiều lí thú của các nhân vật. Đến với Don Quijote nhà quí tộc tài ba xứ Mantra của Cervantes ta như được cùng theo bước chân của chàng hiệp sĩ giang hồ Don Quijote trong ba cuộc phiêu lưu. Ta được chứng kiến những thất bại liên tiếp do sự hoang tưởng đến nực cười khi hiệp sĩ cho rằng những chiếc cối xay gió là những tên khổng lồ, phu nhân và mấy kị sĩ theo hầu là một nàng công chúa bị bắt cóc...Chúng ta còn được đắm chìm trong lời tự thuật của nhân vật Robinson kể chuyện mình trong những năm tháng phiêu lưu trên hoang đảo trong Robinson Crusoe của D.Defoe. Câu chuyện được bắt đầu từ một ngày cuối tháng chín năm hai mươi bảy tuổi, Robinson quê ở miền Y-oóc-sai, nước Anh, bị bão đắm tàu, một mình sống sót dạt vào đảo hoang không có dấu chân người. Sau hai mươi tám năm hai tháng mười chín ngày, Robinson, khi ấy đã 55 tuổi, mới trở về được nước Anh.
Ch. Dickens đã làm mới dạng thức phiêu lưu bằng cách thể hiện nó như là hành trình vào đời và dần trưởng thành của nhân vật trung tâm. Họ dù ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, bị ném vào cuộc đời và trải qua nhiều biến cố.
Kết thúc cuộc “phiêu lưu” đó có thể không tìm thấy một kho báu nào nhưng đều đã trưởng thành. David Copperfield, “đứa con cưng” của Ch. Dickens đã viết về một cậu bé thơ ngây, non nớt sinh ra đã thiếu vắng tình cảm người cha, rồi đến khi người mẹ yêu dấu qua đời cho đến những ngày nhiều cay đắng sau đó...Trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, David đã trở thành một thanh niên hoàn toàn tự tin, vững vàng, sẵn sàng đối mặt với nhiều thử thách.
Thằng Nhóc của Daudet cũng là một dạng thức phiêu lưu như tác phẩm của Ch. Dickens dẫu tên tác phẩm không có cụm từ như “Những cuộc phiêu lưu”. Sở dĩ chúng tôi nói như vậy bởi cuốn tiểu thuyết này đã kể về hành trình vào đời của nhân vật Đa-ni-en từ khi ra đời cho đến khi trưởng thành và có cuộc sống ổn định thực sự. Nhân vật phiêu lưu trong Thằng
Nhóc cũng giống như trong David Copperfield và Những cuộc phiêu lưu của Oliver Twist của Ch. Dickens bởi lẽ chúng đều là những cậu bé (Đa-ni- en, David, Oliver) trong trẻo, ngây thơ đến mức cả tin. Chúng là biểu tượng cho sự tinh khôi, cho cái thiện ở mức tuyệt đối. Nhưng chúng đều bị cuộc đời xô đẩy vào trong cuộc phiêu lưu ở những tình cảnh bị động (Đa-ni-en buộc phải đi làm kiếm sống, buộc phải đến Pa-ri tìm anh trai; David bị ép đi học, đi làm; Oliver bị bỏ vào trại tế bần, bị bán, bị ép đi ăn trộm...)
Ở cuốn tự truyện mang dáng dấp của tiểu thuyết phiêu lưu này chúng ta cũng bắt gặp chuỗi các sự kiện dồn dập, xảy ra liên tiếp trong quá trình diễn biến cốt truyện. Câu chuyện bắt đầu bằng lời kể của nhân vật “tôi” từ khi mình sinh ra: “Tôi ra đời ngày 13 tháng 5 năm 18… trong một thành phố của xứ Lăng-gơ-đốc. Cũng như tất cả các thành phố của xứ Mi-đi, ở đây có nhiều ánh nắng, khá nhiều bụi và hai ba tòa nhà kiểu La-mã…Chính đó là nơi tôi đã ra đời và trải qua những năm tháng đầu tiên, những năm tháng đẹp nhất của đời tôi” [10; 7,8]. Nhưng ngay sau những ngày tháng êm đềm đó thì công việc làm ăn của người cha bị thua lỗ, gia đình của nhân vật “tôi” phải chuyển đến Ly-ông.
Một không gian mới được mở ra trước mắt “tôi”. Cuộc hành trình trên sông Rôn kéo dài ba ngày với chiếc tàu, các hành khách, đoàn thủy thủ, tiếng động của các bánh xe, tiếng còi tàu...vẫn hiện hữu trong trí nhớ của “tôi” như mới xảy ra. Ở nơi mới, cuộc sống của gia đình cũng không thuận buồm xuôi gió. Gia đình mỗi người một ngả tự lo liệu bản thân và cậu bé Đa-ni-en cũng vậy.
Cuộc sống xa gia đình và phiêu lưu của “tôi” bắt đầu từ đó. Đa-ni-en nhớ lại: “Ngày hôm sau, cái buổi sáng đáng ghi nhớ ấy, cả gia đình tiễn thằng Nhóc lên tàu...Sau khi thoát ra khỏi vòng tay ôm hôn của cha mẹ, những người bạn thân duy nhất của hắn, thằng Nhóc bước lên cầu tàu một cách dũng
cảm” [10; 58]. Vậy là cái “tôi” đã bắt đầu bước đường du hành của mình để đến với những những vùng đất mới, đến với những con người xa lạ, những điều mới mẻ hấp dẫn. Không gian xa lạ đã mở ra trước mắt thằng Nhóc – Xác-lăng-đơ. Nơi đó: “là một thành phố nhỏ vùng Xê-ven xây dựng ở tận cùng một thung lũng hẹp bốn bề núi bao chặt như một bức tường lớn. Khi mặt trời chiếu vào thì đó là một lò lửa lớn; khi gió bắc thổi qua, thì đó là một hầm nước đá...Buổi chiều...gió bắc thổi mạnh từ sáng sớm và, tuy là đang tiết xuân...khi vừa vào thành phố đã cảm thấy cơn lạnh thắt trái tim” [10; 70].
Nơi đầu tiên đánh dấu quãng đường tự lập kiếm sống đầy sóng gió của thằng Nhóc chính là trường trung học ở Xác-lăng-đơ, nơi thằng Nhóc trong nhiệm vụ làm giám thị. Ở đó thằng Nhóc đã phải trải qua biết bao khó khăn.
Từ lúc được nhận vào làm việc: “Đối với tôi, cái chủ yếu người ta không đuổi mình...Người ta không đuổi cổ tôi; tôi thật sung sướng, sung sướng đến phát điên...” [10; 75]. Sau khi được nhận vào làm việc, thằng Nhóc được phân công làm giám thị lớp bé. Những ngày đầu tiên ấy, thằng Nhóc đã rất tự tin và vui vẻ: “Tôi yêu chúng nó lắm, bởi vì người ta còn nhìn thấy trong mắt chúng tâm hồn ngây thơ của chúng” [10; 89]. Thế nhưng một sự kiện xảy ra khi thầy giáo lớp nhỡ đi khỏi trường, thằng Nhóc phải chuyển lên làm giám thị lớp nhỡ thì biết bao vất vả diễn ra. Ngày nào cũng: “bắt đầu cuộc chiến tranh giữa hai bên, một cuộc chiến khốc liệt, không có hưu chiến, cuộc chiến của tất cả thời gian” [10; 108]. Và cuối cùng thằng Nhóc đã bị thải hồi vì đánh con ông quận trưởng. Trong hoàn cảnh ấy biết bao ý nghĩ diễn ra trong đầu óc hoàn toàn bế tắc. Nhưng may thay trong thời gian khủng khiếp ấy, thằng Nhóc nhận được thư của anh trai Giắc với mong muốn cậu em trai đến Pa-ri với mình. Tâm trạng khi ấy, thằng Nhóc mãi không quên: “Ôi! Anh Giắc đôn hậu! Bức thư của anh đã gợi lên trong lòng tôi một nỗi đau thú vị biết bao!
Tôi vừa cười, vừa khóc. Tất cả cuộc sống của tôi trong mấy tháng qua là một
cơn ác mộng, và tôi nghĩ: “Nào! Thôi nhé. Bây giờ ta sẽ làm việc, ta sẽ dũng cảm như anh Giắc” [10; 159]. Nhưng thằng Nhóc lại trăn trở làm thế nào để đến được Paris, đến được với anh Giắc khi trong tay không có một đồng nào chưa kể các trang trải khác. Cuộc sống quá bế tắc, thằng Nhóc đã nghĩ đến và thực hiện việc kết thúc cuộc đời của mình bằng cái chết. Tâm trạng ấy chúng ta đều cảm nhận được trong bức thư thằng Nhóc muốn gửi cho anh trai: “Anh thấy đấy, anh Giắc ạ, em quá khổ sở. Em không thể làm gì khác là chết.
Tương lai của em đã hết; người ta đã đuổi em khỏi trường trung học; - vì một câu chuyện phi lí, không thể hiểu được, không thể cắt nghĩa được, những sự việc quá dài không thể cho anh nghe hết; và em lại mắc nợ, em không có tiền mua vé tàu hỏa, không có tiền đi tìm anh; cuộc sống làm em sợ...Em muốn tốt hơn hết là ra đi hẳn” [10;166]. Quả thực còn gì khốn cùng hơn khi trong tay không có việc gì để làm, không có một đồng tiền để tiêu và bên cạnh không có người thân thích để sẻ chia. Hoàn cảnh ấy làm ta thông cảm hơn với tâm trạng và suy nghĩ của nhân vật.
Những câu chuyện phiêu lưu trong cuộc đời thằng Nhóc vẫn còn dài trong cuốn tiểu thuyết này. Chính vì thế, khi thằng Nhóc thực hiện cái công việc kết thúc cuộc đời thì ông tu viện trưởng Giéc-man xuất hiện đã giúp giải tỏa tất cả. Để rồi thằng Nhóc đã lấy lại được tinh thần và sẵn sàng cho việc ra đi, tiếp tục một cuộc đời mới ở phía trước: “Và bây giờ thì vĩnh biệt mãi mãi cái trường trung học lớn ám khói, được xây dựng bằng sắt cũ và đá đen! Vĩnh biệt lũ trẻ dại dột đến tàn ác, lũ trẻ không hề biết chúng đã đày đọa thằng Nhóc đến mức khốn khổ và điên rồ như thế nào! Thằng Nhóc bay đi và sẽ không bao giờ trở lại nữa” [10; 184].
Thằng Nhóc tiếp tục cuộc hành trình phiêu lưu trong cuộc đời của mình. Nơi nó đặt chân tiếp theo chính là Pa-ri, nơi có người anh trai Giắc đang sống và làm việc ở đó. Cuộc hành trình kéo dài hai ngày và khi đặt chân
đến ga, thằng Nhóc vẫn còn nhớ rất rõ từng cảm giác khi đó: “Giắc đã ở đó từ một giờ rồi. Đàng xa tôi đã nhận ra anh với cái thân hình dài và hơi gù, và hai cánh tay to đang ra hiệu cho tôi đàng sau chấn song...Và hai tâm hồn chúng tôi quyện chặt lại trong đôi tay đang ôm ghì lấy nhau với tất cả sức mạnh của chúng” [11; 10]. Từ hôm ấy cuộc sống ổn định hơn, nhiều yêu thương hơn đã đến với thằng Nhóc khi ở bên cạnh một người anh và hơn thế nữa – một người mẹ, mẹ Giắc. Thằng Nhóc sáng tác thơ theo sự khích lệ động viên của anh trai. Và cuối cùng sau bao nỗ lực của Giắc, bài thơ của thằng Nhóc cũng được xuất bản với cái tên Những cuộc phiêu lưu của một con Bướm xanh.
Cuộc sống phiêu lưu của thằng Nhóc lại tiếp tục giữa lúc đầy hy vọng đang diễn ra. Đó là khi Giắc phải xa Pa-ri, xa thằng Nhóc để đến Ni-xơ cùng ngài hầu tước. Cũng trong thời gian ấy thằng Nhóc chứng kiến sự thất bại đến phát điên của bài thơ Những cuộc phiêu lưu của một con Bướm xanh. Đồng thời số tiền vay nợ ngày càng tăng lên. Không có sự lựa chọn nào khác, thằng Nhóc bất đắc dĩ đã trở thành diễn viên hài kịch ở vùng ngoại ô – một diễn viên không có thiên hướng, không có tài năng. Thằng Nhóc đã dời bỏ gác chuông của nhà thờ Xanh Giéc-manh để đến ở một ngôi nhà mới ở đại lộ Mông-pác-na-xi. Nhớ lại những ngày tháng ấy, thằng Nhóc đã ghi lại trong tự truyện: “Thời gian này của cuộc đời tôi, trắc trở, ồn ào, đầy những sự vật lộn xộn, để lại trong tôi nhiều hối tiếc hơn là kỉ niệm... Ôi! Khổ nhục biết bao, đê hèn biết bao, cái cuộc đời vừa lố bịch vừa bi thảm!” [11; 116]. Trong cảnh khốn cùng ấy, Giắc đã trở về, đã giải quyết tất cả bế tắc cho cậu em trai.
Thằng Nhóc lại được ở trong vòng tay yêu thương của mẹ Giắc, trong biết bao ân hận. Thằng Nhóc thay đổi dần, suy nghĩ đã trở nên tích cực và lạc quan hơn khi đứng trước người anh trai với trái tim nhân hậu và thái độ miệt mài vì công việc, vì cuộc sống. Với công việc tổng giám thị trường U-ly ở
không xấu hổ chút nào, bởi vì tôi cảm thấy sung sướng biết bao khi được kiếm sống…” [11;154]. Thế nhưng cũng vào thời khắc hân hoan ấy, thằng Nhóc phải đón nhận cái tin vô cùng khủng khiếp như những gì đã thấy trong giấc mơ trước đó, rằng anh trai, mẹ Giắc, bị bệnh lao phổi tẩu mã rất nặng và cuộc sống không còn bao lâu nữa. Sự thật ấy với thằng Nhóc như là một cú trời giáng. Trước mắt thằng Nhóc khi ấy: “Ngôi nhà, khu vườn, ông Pi-Loa, người y sĩ, tất cả quay xung quanh tôi một tiếng nấc thất vọng trào ra từ ruột gan tôi” [11; 157,158]. Đau đớn và xót xa khi biết rằng sắp mất đi người thân yêu, ân nhân của đời mình, là những gì ta cảm nhận được qua lời người kể chuyện. Và rồi Giắc đã qua đời trong một ngày mưa buồn bã. Thằng Nhóc lại trở nên cô độc!
Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn theo vòng xoay của nó mà không chờ đợi ai. Thằng Nhóc tiếp tục những ngày tiếp theo trong cuộc đời mình không có người thân bên cạnh. Có lẽ, ai đó đã từng nói sau mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại, sau mỗi gian nan con người trưởng thành hơn. Thằng Nhóc cũng vậy!
Sau hàng loạt biến cố nó cũng có những suy nghĩ thiết thực hơn, không còn mơ mộng, không giàu tự ái như xưa nữa. Thằng Nhóc đã chủ động bày tỏ mong muốn với ông Pi-e-rốt được làm việc tại đây: “Người thư kí của bác rồi đây sẽ từ giã bác; bác có muốn nhận cháu vào chỗ của ông ta không?...Cháu hiểu rằng, sau khi cháu tỏ ra hèn nhát, cháu không còn có quyền được sống trong gia đình bác. Trong nhà, sự có mặt của cháu làm cho một người nào đó đau khổ, làm cho một người nào đó gớm ghiếc, và đó chỉ là sự công bằng!”
[11; 181]. Và thằng Nhóc đã vô cùng hạnh phúc khi nó vẫn được mọi người yêu mến, được đón chào như thủa nào. Bởi vậy: “hắn mong được chóng lành bệnh, được ngồi dậy, được xuống cửa hiệu. Hắn sốt ruột muốn bắt đầu cuộc đời hi sinh và lao động mà mẹ Giắc là một tấm gương” [11; 184].