Tiểu thuyết tự thuật chính là thể loại văn học lí tưởng cho phép diễn tả chân thành nhất, xúc động nhất tình cảm riêng tư hay hồi ức sâu sắc về quá khứ, thể hiện cái tôi với nhu cầu được giãi bày thành thực. Bởi khi sống với chính mình, thế giới nội cảm của chủ thể trữ tình mới có cơ hội tìm về quá khứ, lật lại những kỉ niệm đẹp đẽ đã trôi qua. Đây cũng là cơ sở cho việc hình thành giọng điệu chủ đạo trong các tiểu thuyết tự thuật: giọng hoài niệm tâm tình sâu lắng. Daudet lại là nhà văn có trái tim nhiều rung cảm bởi thế trong tác phẩm của ông ta đều bắt gặp những cảm xúc nóng hổi vẹn nguyên như thủa nào. Theo mạch cảm xúc ấy là một lối kể chuyện với giọng hoài niệm, tâm tình, sâu lắng.
Người kể chuyện trong tiểu thuyết Thằng Nhóc của A. Daudet đã dẫn dắt người đọc vào hành trình ngược thời gian về quá khứ. Và gắn với sự ngược dòng thời gian ấy là chất giọng hoài niệm giúp ta cảm nhận thế giới nội cảm của nhân vật “tôi”. Từ đó, kí ức lần lượt trở về hòa vào cảm xúc dạt dào:
“Tôi ra đời ngày 13 tháng 5 năm 18… trong một thành phố của xứ Lăng-gơ- đốc. Cũng như tất cả các thành phố của xứ Mi-đi, ở đây có nhiều ánh nắng, khá nhiều bụi và hai ba tòa nhà kiểu La-mã… Chính đó là nơi tôi đã ra đời và trải qua những năm tháng đầu tiên, những năm tháng đẹp nhất của đời tôi. Bởi
thế trong cái trí nhớ đầy lòng biết ơn của mình, tôi vẫn giữ lại kỉ niệm không bao giờ có thể phai mờ về khu vườn, xưởng máy, những cây tiêu huyền…”
[10; 78]. Với giọng điệu trầm lắng, những câu chữ cứ lần lượt chậm rãi hiện ra trước mắt người đọc, đưa chúng ta về miền kí ức và nhắc ta nhớ đến những kỉ niệm đầu tiên trong cuộc đời của cậu bé Đa-ni-en Ây-xét. Cách mở đầu này dường như thường thấy trong những trang tự thuật khi nhân vật xưng “tôi”
giãi bày lòng mình. David Copperfield của Ch. Dickens cũng có cách kể tương tự như thế. Ngay ở chương đầu tiên, nhân vật “tôi” - cậu bé David Copperfield đã giới thiệu: “tôi sinh vào ngày thứ sáu, lúc mười hai giờ đêm…
Tôi sinh ở Blơnđơxtôn thuộc xứ Xăngphôc; hay như dân Xcốtlân thường nói:
“ở loanh quanh đây đấy”. Chưa ra đời, tôi đã là đứa trẻ không cha. Mắt cha tôi đã nhắm lại từ giã ánh sáng cõi đời này sáu tháng trước khi tôi mở mắt chào đời” [14; 29,30]. Còn trong hồi kí Những ngày thơ ấu, nhà văn Nguyên Hồng đã trải lòng mình đầy xúc cảm: “Thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau, trái ngược cay đắng đó tôi đã hiểu biết rõ rệt và thấm thía ngay từ năm tôi lên bảy lên tám, ở vào cái tuổi mà tính tò mò rất dễ bị kích thích và trí ngây thơ trong suốt đã ghi giữ một hình ảnh gì, một nỗi niềm nào thì ghi giữ mãi mãi” [19; 193].
Để rồi sau những lời tâm tình của cái “tôi” đầy cảm xúc ấy là cả một quãng thời thơ ấu đầy thăng trầm trở về của những nhân vật mà “tôi” vô cùng yêu quý. Đa-ni-en Ây-xét nhớ lại trong ngậm ngùi: “kể từ ngày tôi ra đời, những tai họa không bình thường đã dồn dập đổ lên đầu cha mẹ tôi” [10; 8].
Và rồi: “Thế là hết, chúng tôi đã bị phá sản. lúc đó tôi lên sáu hoặc bảy tuổi”
[10; 10]. Từng lời văn hiện ra, quá khứ theo đó mà trở về. Quả thực thế giới tuổi thơ luôn là một ám ảnh không phai đối với mỗi nhân vật của chúng ta nói riêng và mỗi con người nói chung. Chính giọng tâm tình sâu lắng của thể loại tự truyện đã giúp ta cảm nhận điều đó. Đa-ni-en đã từng thốt lên: “Ôi, những
kỉ niệm của thời thơ ấu, người đã để lại trong ta bao nhiêu là ấn tượng” [10;
22]. Ấn tượng mà Đa-ni-en không thể quên được trong cuộc đời mình đó là những kỉ niệm về người anh cả tu viện trưởng. Bằng giọng hoài niệm tâm tình, nhân vật bộc bạch: “Những sự việc đó xảy ra đã lâu rồi; đã lâu rồi, anh tôi đã nằm nghỉ dưới đất, người anh tu viện trưởng thân yêu mà tôi yêu mến biết bao” [10; 47]. Như thế trong lời hồi tưởng ta còn cảm nhận được sự xúc động đang trào dâng trong lòng Đa-ni-en như để tâm tình, để chia sẻ. Những câu văn ấy như lắng đọng lại nhiều buồn đau, giọng kể chùng xuống trong hồi tưởng. Dù tất cả đã trôi qua rất lâu nhưng tình cảm, lòng mến yêu, cảm xúc như đang diễn ra trước mắt người đọc. Tiểu thuyết tự thuật đã giúp cho nhân vật diễn tả chân thành và xúc động những hồi ức sâu sắc trong quá khứ!
Chúng ta còn bắt gặp những trang viết thấm đẫm hoài niệm như thế qua mạch kể của nhân vật “tôi”: “Cứ thế hắn sống, không phải, hắn tàn rữa. Chính cuộc sống đồi trụy ấy, chính những giờ phút khốn nạn ấy ngày nay vẫn còn hiển hiện trước mắt tôi. Ôi! Tính hiếu danh của thằng Nhóc, nó đã làm khổ cho kẻ nào cứ khăng khăng yêu mến nó” [10; 123]. Dòng hồi tưởng đưa thằng Nhóc trở về những ngày đi làm diễn viên hài kịch bất đắc dĩ ở Pa-ri khi không có mẹ Giắc bên cạnh. Câu văn tâm tình với lời lẽ đầy đau đớn, xót xa về một quãng thời gian sống hoài, sống phí. Sau những câu chữ ấy có lẽ là những giọt nước mắt chứa chan của nỗi ân hận tự trách bản thân mình...
Quả thực, khi sống với thế giới nội cảm của chính mình, nhân vật mới có cơ hội tìm về quá khứ, lật lại những kỉ niệm đã qua. Thằng Nhóc cũng đã nhớ về quãng thời gian hắn đang đứng trên bờ vực. Khi ấy, hắn đã vay mượn rất nhiều mà không có khả năng trả nợ, hắn đóng vai hề để kiếm sống qua ngày. Thằng Nhóc nhớ lại rằng mẹ Giắc đã xuất hiện đúng lúc ấy, đã làm tất cả và mang về cho cậu em trai một cuộc sống êm đềm trở lại. Tấm lòng ấy của Giắc làm cho thằng Nhóc không thể quên khi viết lại trong hồi ức của
mình: “Ở nước chúng tôi có một câu danh ngôn nói rằng: “Sự đau khổ và giấc ngủ không phải là bạn đồng sàng”. Đêm hôm ấy, tôi hiểu ra điều đó. Điều đau khổ của tôi là khi nghĩ đến tất cả những điều tốt đẹp mà mẹ Giắc đã làm cho tôi và tất cả những nỗi khổ mà tôi đã đáp lại anh, khi đem so sánh cuộc đời của tôi với cuộc đời anh, sự ích kỉ của tôi và sự hi sinh của anh, cái tâm hồn của đứa bé hèn nhát với tấm lòng của người anh hùng mà phương châm sống là: chỉ có một niềm hạnh phúc trên đời này, ấy là hạnh phúc của người khác”
[11; 141,142]. Đó là những giọng tự sự dạt dào cảm xúc. Giọng điệu này vừa giúp cho tác giả tự thuật thể hiện một cái “tôi” biết nghĩ suy, trăn trở, biết ăn năn trước tội lỗi của mình, một cái “tôi” biết phân biệt đúng sai, biết trân trọng những gì mình đang có. Đồng thời giọng điệu tâm tình này cũng đem đến sự rung động chân thành cho người đọc, để mỗi người cảm nhận được và trân trọng những gì ta đang có, hãy sống đúng để không khỏi ân hận, xót xa…
Bên cạnh không gian nhuốm màu hồi tưởng, những kỉ niệm sâu đậm cũng được gợi lại bằng chất giọng hoài niệm. Trong hồi ức của mình, thằng Nhóc còn có những hoài niệm thật đẹp, làm dịu mát và thư thái tâm hồn nó.
Đó là khi thằng Nhóc hoài niệm về đôi mắt đen mà “từ sáng đến chiều cúi xuống may vá không mệt mỏi” [10; 112]...rồi “Đôi mắt đen đi đi lại lại trong bệnh xá, quan tâm đến tất cả, nghĩ đến tất cả” [10; 132]. Sau đó, thằng Nhóc biết được một sự thật buồn bã đôi mắt đen đã bị sa thải bởi “đã ăn cắp đường!...Và vì vậy mà cốc sữa của thằng Nhóc chiều hôm qua đã ngọt đến như thế. Thằng Nhóc chịu một món nợ ân nghĩa to lớn biết bao nhiêu mà không biết!” [10; 135]. Dòng hoài niệm ấy cho ta cảm nhận trong cuộc đời thằng Nhóc, trong những chuỗi dài nhiều khổ đau, bên cạnh nhiều người làm hắn đau khổ cũng có nhiều giây phút hạnh phúc, yên bình. Hoài niệm về quãng thời gian đã qua, thằng Nhóc đã tìm thấy được những giây phút thực sự ngọt ngào: cái nhìn, sự quan tâm đặc biệt của đôi mắt đen dành cho nó. Phút
hoài niệm trữ tình ấy làm cho thằng Nhóc thấy lòng mình thư thái hơn. Và trong cuộc đời hắn không chỉ có đôi mắt đen xuất hiện ở những chặng đầu tiên của cuộc sống phiêu lưu mà còn có đôi mắt xanh - đôi mắt của Ca-mi Pi- e-rốt, sau này là vợ đảm đang, dịu hiền của thằng Nhóc. Lần đầu tiên nhìn thấy đôi mắt xanh, thằng Nhóc không khỏi giật mình khi nhớ đến đôi mắt đen của người bạn gái nhỏ ở Xác-lăng-đơ...
Như vậy, thể hiện giọng tâm tình, người kể chuyện thường đứng ở ngôi thứ nhất và thường là từ điểm nhìn nội tâm bộc lộ cảm giác, cảm xúc của nhân vật. Những cuộc trở về đi tìm những kỉ vật, những kỉ niệm đầy xúc động trong sự hoài niệm bằng giọng điệu tự sự chân thành bao giờ cũng tạo được sự đồng cảm trong cảm xúc ở bạn đọc nhiều thế hệ, vượt qua cả không gian và thời gian. Bởi thế, trong việc đọc tiểu thuyết tự thuật nói chung và Thằng Nhóc nói riêng, mỗi người đều nghĩ suy và như tìm ở đó bóng dáng hình ảnh của mình và cảm nhận những xúc cảm đồng điệu. Nhà phê bình James Henry đã có những đánh giá cao về tài năng dành Daudet. Ông nhận thấy văn chương Daudet giàu hình ảnh, gần gũi với thơ, quen thuộc với cảm xúc, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Có lẽ, chính chất giọng tâm tình sâu lắng đã thể hiện trọn vẹn con người đa cảm, ưa hoài niệm đồng thời góp phần làm nên dấu ấn đặc sắc trong sáng tác của Alphonse Daudet.