Giọng tự trào và cảm hứng trào lộng

Một phần của tài liệu NGHỆ THUẬT kể CHUYỆN TRONG THẰNG NHÓC của ALPHONSE DAUDET (Trang 75 - 85)

Tự trào được hiểu là việc người viết tự bộc lộ, tự thể hiện với giọng điệu hài hước về cả cái ưu, cái nhược của bản thân, phân biệt với thái độ đay nghiến, châm biếm, sâu cay. Tự trào có một năng lực hướng ngoại lớn, người viết coi việc nhận thức lại mình là một trách nhiệm chứ không dừng lại ở việc tái hiện con người cá nhân.

Bakhtin - một trong những nhà lí luận sớm quan tâm đến tiếng cười trong tiểu thuyết đã nhấn mạnh tinh thần của tiểu thuyết là yếu tố trào tiếu:

“Chính tiếng cười đã xóa bỏ khoảng cách sử thi và nói chung mọi khoảng cách ngôi thứ - giá trị - ngăn chia”. Bakhtin cũng đã nêu lên mối quan hệ giữa tiếng cười và tiểu thuyết, mà theo những lời của dịch giả Phạm Vĩnh Cư:

“Tiếng cười đúng là môi sinh của tiểu thuyết: ở nền văn học nào vắng tiếng cười thì ở đó tiểu thuyết hoặc không thể trưởng thành, hoặc thui chột” [2, 17].

Trong Thằng Nhóc, Daudet cũng đã sử dụng những lời văn với giọng điệu tự trào hóm hỉnh, hài hước như vậy. Giọng điệu ấy đã góp phần tăng thêm tính chân thực, làm nên sắc thái mới mẻ, giá trị lâu bền cho tác phẩm của ông.

Giọng điệu hài hước trong tác phẩm tập trung chủ yếu qua lời kể của người trần thuật “tôi” từ khi còn là một cậu bé, đến lúc được gọi là thằng Nhóc và cả giai đoạn trưởng thành sau này.

Giọng điệu hài hước được người kể sử dụng để tự tái hiện lại hình ảnh của chính mình đồng thời để khắc họa các nhân vật, các sự việc trong tiểu thuyết theo cái nhìn chủ quan. Cảm hứng trào lộng đã làm nên những tiếng cười sảng khoái, những giây phút thư thái trong tâm hồn người đọc. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy chúng ta cũng ngẫm ra được biết bao điều bổ ích có ý nghĩa trong cuộc sống.

Những lời hài hước trước tiên người kể chuyện dành cho chính mình:

“đó là một cậu bé rất kiêu căng, thực sự cho mình là một nhà triết học, và một nhà thơ nữa; hắn không cao hơn chiếc ủng của viên cảnh sát và không có lấy một sợi râu ở cằm” [10; 54]. Chúng ta hình dung qua cách kể, tả ấy một cậu bé mặt mũi non nớt đến một sợi râu cũng không có, thân hình bé nhỏ, lũn cũn đến mức được tác giả so sánh không cao hơn chiếc ủng của viên cảnh sát.

Hình ảnh so sánh cho thấy thằng Nhóc vừa bé nhỏ, tội nghiệp nhưng cũng vô cùng đáng yêu, đáng mến. Cách kể chuyện như thế đã tạo ra ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc đối với nhân vật.

Cảm hứng trào lộng còn được thể hiện khi cậu bé Đa-ni-en miêu tả lại tiếng khóc của chính hai anh em cậu trong một buổi cầu kinh tại nhà thờ:

“Ngày hôm ấy, Giắc, mà việc tôi đã làm cho anh khiếp sợ, đã không khóc một mình. Tôi cũng góp phần vào đó, và chúng tôi đã khóc một cách thoải mái.

Tuy nhiên tôi phải nói rằng tôi là người đầu tiên nín khóc: Giắc vẫn nức nở khi tôi đã yên tâm về sự rủi ro của mình” [10; 34]. Tiếng khóc của hai anh bật lên khi Đa-ni-en chuyển cuốn Phúc âm sang chỗ khác. Vì cuốn sách to và nặng đến nỗi làm cậu bị trượt chân và ngã sõng soài trên cái bục của điện thờ.

Cái bàn bị gẫy và buổi lễ phải ngừng lại. Giọng kể của nhân vật thật thản nhiên nhưng cũng thật hài hước chúng tôi đã khóc một cách thoải mái. Một sự kiện trọng đại đang diễn ra đáng lẽ phải gây cho con người nỗi sợ hãi thì ở đây tâm trạng ấy lại được diễn tả rất hồn nhiên. Nhân vật của chúng ta lại trở nên vô cùng đáng yêu, đáng mến qua những lời kể, tả ấy.

Người đọc cũng đã không khỏi bật cười nhưng cũng rất chia sẻ khi thằng Nhóc kể lại câu chuyện của chính mình trong công việc làm giám thị ở

Xác-lăng-đơ với biết bao thử thách: “Tôi không có cái thân hình và cái vẻ sức mạnh bề ngoài cần có để gây sự kính trọng hay ít nhất kiêng sợ… Đối với chúng, tôi là kẻ thù, một kẻ thù không đáng cho người ta sợ, nhưng cũng không thể tiêu diệt. Vì vậy chúng tìm cách hạ bệ một uy quyền không có sức mạnh, một uy quyền thứ yếu…” [10;108]. Những dòng chữ lần lượt hiện lên, những lời kể chân thành cho thấy thằng Nhóc đã ý thức được những hạn chế của bản thân đặc biệt về ngoại hình. Thằng Nhóc ý thức được đối với lũ trẻ mình là người có uy quyền nhưng nó không có cái vẻ bề ngoài làm cho người khác phải sợ hãi. Bởi thế trong giọng điệu tự trào ở đây có cả sự xót xa!

Những lời kể bằng giọng điệu hài hước, người kể chuyện không chỉ dành cho bản thân mà còn là cách thể hiện, cách nhìn cách nghĩ, cách cảm với

các nhân vật khác. Hình ảnh người cha cũng được nhân vật miêu tả: “mặc dù ông là người rất tốt, chỉ có cái là thích đánh đấm, nói to và có một nhu cầu khẩn thiết là làm cho những người xung quanh phải run sợ” [10;11]. Những lời ấy cho ta thấy nhân vật đã nhìn cha bằng ánh mắt ngây thơ hồn nhiên, bằng những suy nghĩ non nớt của mọt đứa trẻ. Với “tôi”, ông là người rất tốt nhưng ông đã thay đổi dữ dằn và nóng tính hơn trước. Cách viết ông có một nhu cầu khẩn thiết là làm cho những người xung quanh phải run sợ thì thật là dí dỏm và hài hước. Bởi thế hình ảnh người cha không hề đáng sợ mà ngược lại rất đáng kính. Có lẽ, dù còn còn nhỏ nhưng “tôi” hiểu rằng cha đã thay đổi như vậy là vì hoàn cảnh khó khăn của gia đình mà thôi!

Trong Thằng Nhóc người kể chuyện dường như đã dành nhiều tình cảm thân thương nhất cho người anh trai đáng kính mà nhân vật gọi đó là mẹ Giắc thân yêu. “Tôi” đã hồi tưởng những kỉ niệm về anh ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng lần nào cũng là cái nhìn đầy yêu mến qua những cách diễn đạt dí dỏm, hài hước. Mỗi lần Giắc lại hiện lên ở những đặc điểm khác nhau để hoàn thiện tính cách, con người anh. Đa-ni-en đã miêu tả: “Anh Giắc của tôi thật là một đứa trẻ kì cục! Đó là một kẻ có cái khiếu rơi nước mắt!...Buổi tối, buổi sáng, ban ngày, ban đêm, ở lớp học, ở nhà, trong lúc đi dạo, anh khóc luôn mồm, anh khóc khắp mọi nơi” [10;12]. Và “Giắc lớn dần… nhưng việc ấy không qua đi. Ngược lại, cái năng khiếu kì quặc của cậu bé lạ lùng ấy, cái năng khiếu vô cớ đổ ra những trận nước mắt tầm tã mỗi ngày một phát triển. Bởi vậy sự sầu não của cha mẹ chúng tôi lại là một điều thích hợp với anh… Đó là dịp cho anh tha hồ nức nở suốt nhiều ngày…” [10;13]. Những câu chữ cứ lần lượt hiện ra anh khóc luôn mồm, anh khóc khắp mọi nơi, đổ ra những trận nước mắt tầm tã, tha hồ nức nở suốt nhiều ngày tưởng chừng những giọt nước mắt của Giắc cứ theo đó mà tuôn trào. “Tôi” đã nhận xét rằng việc khóc là năng khiếu của anh trai. Bản thân hai chữ năng khiếu được

láy lại hai lần đã là một nhận xét rất hài hước rồi. Qua những lời dí dỏm ấy, người kể chuyện đã giúp người hình dung ra nhân vật Giắc là cậu bé ủy mị, nhút nhát bởi trong bất cứ tình huống nào cũng có thể khóc được. Dường như hàng ngày Giắc chỉ thực hiện một công việc đều đặn đó là khóc. “Tôi” đã kể lại một đặc điểm và cũng là nhược điểm thủa nhỏ của người anh trai một cách chân thực nhất. Nhưng người đọc không thấy ở đó sự mỉa mai, giễu cợt mà ngược lại đó là những cảm nhận đầy tình yêu mến. Đặc điểm ấy trong tính cách anh trai là nét đáng yêu, đáng mến trong lòng “tôi” khi nhớ về những kỉ niệm của một thời đã qua!

Câu chuyện về Giắc còn được “tôi” nhắc lại khi anh làm vỡ cái hũ đựng nước: “Trong tài liệu lưu trữ của nhà Ây-xét, chúng tôi gọi sự kiện này là “màn kịch cái hũ nước” [10; 31]. Cái hũ nước gắn với công việc đi lấy nước của Giắc. Khi Giắc xung phong nhận công việc này, ông Ây-xét – cha anh, đã khẳng định rồi cái hũ sẽ bị đánh vỡ. Và sự thật đúng như vậy trước sự chứng kiến của cả nhà. Sự việc ấy được “tôi” gọi là sự kiện của một màn kịch được lưu trữ trong gia đình Ây-xét. Cách dùng từ ngữ trang trọng để gọi những việc hết sức bình thường thật hài hước đã tạo nên tiếng cười. Sự việc ấy càng tô đậm tính cách của Giắc, càng thấy được ấn tượng sâu đậm về người anh trai của Đa-ni-en.

Giọng kể hài hước, dí dỏm ấy dành cho cả hai anh em khi Đa-ni-en nhớ về những ngày đầu đến Pa-ri, khi mở chiếc hòm đựng đồ đạc: “Cuộc kiểm tra bắt đầu. Cần phải nói là nét mặt chúng tôi buồn cười một cách thảm hại khi làm cuộc kiểm kê nghèo nàn ấy” [11; 39 ]. Ôi, cái cách dùng từ cuộc kiểm kê mới hài hước làm sao bởi việc làm ấy chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất là cái hòm vốn bé nhỏ lại chẳng có đồ đạc là bao. Chính cuộc kiểm kê ấy càng tô đậm cuộc sống khó khăn nhưng lại phong phú về tinh thần của hai anh em trong những ngày đầu thằng Nhóc đến Pa-ri với anh trai.

Trong tác phẩm, chúng ta còn bắt gặp những câu văn miêu tả cậu học trò được đặt cho cái tên là Băm-băng “Các bạn hãy tưởng tượng một thằng bé khốn khổ, còi cọc, bé tí tẹo đến mức buồn cười; thêm vào đó, lại vô duyên, bẩn thỉu: đầu không chải, ăn mặc rách rưới, thum thủm mùi nước suối, và như thể để cho hình hài chú xấu xí một cách trọn vẹn, chân chú thọt trông đến tởm” [11; 99]. Qua những từ ngữ miêu tả giàu sức gợi hình, người đọc hình dung ra được một cậu học trò bé nhỏ, tiều tụy, khiếm khuyết và nghèo xơ xác.

Giọng điệu ở đây có vẻ như để mỉa mai khinh miệt nhưng ẩn sau đó ta cảm nhận được một trái tim đang rung lên những cung bậc của tình yêu thương, sự đồng cảm và sẻ chia với mảnh đời bất hạnh.

Thằng Nhóc không chỉ viết về Băm-băng mà còn dành lời văn miêu tả những cậu học trò ở Xác-lăng-đơ khi chúng đi qua thành phố: “Tôi đã sắp xếp nhứng đứa lớn nhất, đứng đắn nhất, những đứa mặc áo rộng; nhưng ở đằng đuôi, thì rối ren làm sao! Lộn xộn làm sao! Một lũ nhóc điên rồ, đàu bù tóc rối, tay nhuốm mực, quần cụt rách tả tơi!...Tôi không dám nhìn chúng… Thực sự là cái đuôi đội quân của tôi trông thực thảm hại” [11; 98]. Và: “Các bạn có hiểu nổi sự thất vọng của tôi khi phải xuất hiện trên các đường phố của Xác- lăng-đơ với một đoàn tùy tùng như vậy không…” [11; 98]. Đó có lẽ là kí ức không thể phai mờ trong tâm trí của Đa-ni-en khi nghĩ về những học trò, về vai trò làm giám thị của mình. Cách dùng hình ảnh thực kết hợp từ ngữ miêu tả và giọng điệu của người kể cho ta thấy hình ảnh như hiện lên chân thực, sinh động trước mắt, vừa thảm hại nhưng cũng thật hài hước biết bao.

Trong kí ức về quá khứ, thằng Nhóc còn nhớ đến Ru-giê - con trai người gác cổng: “là một đứa trẻ to lớn trạc tuổi mười hai, khỏe như một con bò, trung thành như một con chó, ngây thơ như một con ngỗng, và nổi bật chính là nhờ một bộ tóc đỏ đồ sộ” [11; 14]. Qua những lời ấy, hình ảnh chú bé

hiện lên thật ngộ nghĩnh làm sao! Tuy mới mười hai tuổi nhưng chú vô cùng khỏe mạnh, vạm vỡ, săn chắc như một con bò. Dù vậy, nét mặt vẫn là của cậu bé là những nét hồn nhiên, ngây thơ như một con ngỗng. Đặc biệt chú bé là người vo cùng trung thành như một con chó. Bằng biện pháp liệt kê kết hợp với hình ảnh so sánh cụ thể và giọng điệu hóm hỉnh đến mức làm cho người đọc phải bật cười về bức chân dung được phác họa.

Cũng bằng giọng điệu hài hước ấy, chúng ta bắt gặp cách tả nhân vật Ca-mi, con gái ông Pi-e-rốt: “đúng là một cô con gái của Pi-e-rốt, một đóa hoa của miền núi, lớn lên trong cái tủ kính” [11; 73]. Lời nhận xét vừa chân thành vừa có gì đó hài hước khi đóa hoa của miền núi đậm hương sắc thiên nhiên lại lớn lên trong cái tủ kính. Cách diễn tả vừa gợi đến vẻ đẹp tự nhiên nhưng đồng thời rất khuôn khổ, gò bó. Và chính đóa hoa ấy sau này đã trở thành Ây-xét phu nhân nhân hậu, giỏi giang trong mắt của Đa-ni-en Ây-xét.

Từ những điều phân tích ở trên, chúng ta nhận ra ở văn chương Daudet là sự kết hợp hài hòa giữa khả năng châm biếm hài hước với tấm lòng biết thông cảm tràn đầy tình yêu mến!

Cũng tái hiện chân dung nhân vật, ta bắt gặp những câu văn tràn đầy cảm xúc cũng như tiếng cười trong David Copperfield của Ch. Dickens. Cậu bé David khi nhớ lại hình ảnh chị Pécgôti – người giúp việc trung thành cho gia đình đã tả lại thế này: “chị không có vóc dáng gì nhưng có đôi mắt đen lay láy làm phần chung quanh trên gương mặt tối lại, có đôi má và đôi cánh tay chắc nịch và đỏ đến nỗi tôi lấy làm lạ tại sao chim chóc không đến mổ vào chị chẳng hơn sao cần gì phải mổ vào táo?” [11; 49] và: “Tôi biết chị ghì thật mạnh vì chị mập lắm, nên mỗi khi đã ăn mặc rồi mà phải cử động một tí là vài chiếc cúc ở lưng áo đứt phựt. Và tôi nhớ trong lúc chị ôm ghì lấy tôi có hai chiếc cúc đã bắn sang đầu bên kia phòng khách” [14; 57]. Rồi “tôi” còn nhớ rất rõ rằng: “con người thủy chung ấy đã rất khổ tâm, và trong dịp này đã mất

tiệt cả cúc áo, vì người ta nghe cả một tràng cúc nổ tung bay đi như loạt đạn khi chị quỳ xuống bên ghế bành để làm lành với tôi sau khi đã làm lành với mẹ tôi” [14;62]. Những lời kể, tả ấy giúp nhân vật dần hiện lên trước mắt người đọc. Chúng ta hình dung đó là người phụ nữ mập mạp, đẫy đà. Chị đẫy đà đến mức cử động một tí là vài chiếc cúc ở lưng áo đứt phựt rồi một tràng cúc nổ tung bay đi như loạt đạn kết quả là mất tiệt cả cúc áo. Cách diễn tả ấy thật hài hước làm sao! Nụ cười ấy làm cho nhân vật trở nên đáng yêu, đáng mến không chỉ trong lòng cậu bé David mà cả bạn đọc chúng ta.

Và, dưới con mắt của David, cô Mơcxtôn, người chị gái của ông Mơcxtôn – cha dượng của David cũng được tái hiện qua cách tả thật hài hước:

“Cô có đôi lông mày rất rậm gần như là liền nhau trên cái mũi to tướng dường như là để bù cho cái nhược điểm không có ria mép của giới phụ nữ, cô đã phải có kiểu lông mày đó để thay cho ria mép” [11; 610]. Và ông Críchcơn – Hiệu trưởng của Xalem học hiệu cũng được miêu tả: “Ông Críchcơn có bộ mặt rất đỏ, cặp mắt nhỏ và rất sâu, những đường gân nổi đầy trên trán; mũi thì bé và cằm lại to. Phía trên trán thì hói, lơ thơ vài sợi tóc mảnh hoa râm có vẻ ươn ướt chạy dọc theo thái dương rồi bắt chéo ở trên trán” [11; 164]… Qua một vài dẫn chứng về cách miêu tả ấy chúng ta nhận thấy nét tương đồng trong cách miêu tả bằng giọng điệu hài hước, hóm hỉnh nhưng cũng thể hiện thái độ rõ ràng của người kể với những con người xung quanh mình trong cuộc sống của họ.

Trong Thằng Nhóc, giọng điệu hài hước nhiều ý nghĩa ấy, người kể chuyện không chỉ dùng để tái hiện chân dung nhân vật mà còn là những sự vật, sự việc khác. Nơi ở của gia đình “tôi” ở Ly-ông được kể lại: “Chúng đến theo rãnh nước, người ta nút rãnh nước lại; nhưng ngày hôm sau vào buổi tối chúng lại trở lại bằng một con đường không rõ từ đâu. Phải có ngay một con mèo mới tính đến chuyện trừ khử được chúng, và thế là đêm nào trong nhà

Một phần của tài liệu NGHỆ THUẬT kể CHUYỆN TRONG THẰNG NHÓC của ALPHONSE DAUDET (Trang 75 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(91 trang)
w