1.2. Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lãnh đạo thực hiện Chương trình 135 giai đoạn I
1.2.2. Chỉ đạo thực hiện
* Tổ chức quản lý và vận hành
Chương trình 135 được Chính phủ xác định là một Chương trình đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để vận hành tốt Chương trình, công tác tổ chức cần được chú trọng. Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã có những chỉ đạo cụ thể như sau:
- Thành lập cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy về Chương trình
Tại cấp Trung ương Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý thực hiện Chương trình. Ban Chỉ đạo Chương trình 135 Trung ương được thành lập và hoạt động theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình 135 quy định tại Quyết định số 13/1998/QĐ-TTg ngày 23/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình và Quyết định 01/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/1/1999 về Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình 135. Thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 135 gồm đại diện các Bộ, cơ quan ngang Bộ và tổ chức đoàn thể như: Bộ Lao động thương binh - Xã hội, Ủy ban dân tộc, Hội đồng dân tộc của Quốc hội…Ủy ban Dân tộc là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Để đảm bảo cho Chương trình thực hiện với tính khả thi cao, Chính phủ đã dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực của cộng đồng, phân công giúp đỡ các tỉnh nghèo theo văn bản số 174/CP-VX ngày 22 tháng 2 năm 1999. Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được phân công giúp đỡ tỉnh Hòa Bình.
Theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa thì
trong phạm vi 1000 xã (được lựa chọn từ 1.715 xã khu vực III) của cả nước, tỉnh Hòa Bình có 24 xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc hai huyện Mai Châu và Đà Bắc thuộc phạm vi Chương trình. Ngay khi có xã thuộc diện đầu tư của Chương trình thì Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chương trình, coi Chương trình là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong chương trình hành động của các cấp, các ngành trong tỉnh.
Để triển khai tổ chức thực hiện Chương trình, ngay từ năm 1999, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 37/1999/QĐ-UB ban hành Quy chế quản lý, điều hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa tỉnh Hòa Bình; việc tổ chức quản lý, điều hành Chương trình được quy định rõ ràng. Cụ thể là việc chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 ở tỉnh được giao cho Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo tỉnh đảm nhiệm theo Quyết định số 06/1999/QĐ-UB ngày 12/2/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chi cục Định canh Định cư và Vùng kinh tế mới là cơ quan Thường trực Chương trình 135 (năm 2003, Chi cục Định canh Định cư và Vùng kinh tế mới và Ban Tôn giáo đã được kiện toàn lại và sát nhập thành Ban Dân tộc và tôn giáo. Đây là cơ quan chuyên ngành để tham mưu giúp cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc). Nhiệm vụ của Cơ quan thường trực được quy định như sau:
Hướng dẫn xây dựng kế hoạch hàng năm và tổng hợp để trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình 135 theo quy định.
Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành và các địa phương chỉ đạo thực hiện kế hoạch được giao. Chủ trì tổ chức các lớp tập huấn thuộc dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ xóa đói giảm nghèo và cán bộ các xã nghèo đặc biệt khó khăn.
Phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm của tỉnh mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn.
Tổng hợp báo cáo định kỳ, báo cáo năm về thực hiện kế hoạch của Chương trình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình 135 Trung ương. Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Kho bạc Nhà nước tỉnh thẩm tra và tổng hợp quyết toán các công trình hoàn thành, quyết toán năm và khi kết thúc các dự án của các chủ đầu tư dự án, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt và báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 135 Trung ương theo quy định.
Mỗi xã thuộc Chương trình 135 là một dự án thành phần. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thành phần là thành viên Ban Quản lý dự án, chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các công trình trên địa bàn xã và đôn đốc, huy động lao động để thực hiện để thực hiện những công việc do xã đảm nhận. Mỗi xã thực hiện Chương trình 135 thành lập Ban Giám sát công trình.
Ban có một Trưởng ban và bốn ủy viên là đại diện của Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã.
- Xây dựng quy chế quản lý, nguyên tắc điều hành Chương trình
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 24/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ thì phạm vi Chương trình được đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh nâng lên là 60 xã. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2000/QĐ-UB Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý, điều hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa tỉnh Hòa Bình. Việc chỉ đạo thực hiện Chương trình 135 ở tỉnh được giao cho Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh đảm nhiệm, Chi cục Định canh Định cư và Vùng kinh tế mới là cơ quan điều hành của Chương trình 135 tỉnh. Mỗi huyện, thị xã là một Dự án
Chương trình 135. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã là chủ đầu tư dự án. Thành lập Ban Quản lý dự án 135 huyện, thị xã, ban này chịu trách nhiệm giúp chủ đầu tư lập dự án quy hoạch, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao về sản xuất nông - lâm nghiệp, khuyến nông, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình, tổng hợp báo cáo theo quy định.
Cơ quan điều hành Chương trình 135 của tỉnh tổ chức giao ban hàng tháng với các Ban Quản lý huyện để nắm bắt tiến độ, tháo gỡ khó khăn. Tổ chức liên ngành kiểm tra chất lượng công trình ở các huyện để uốn nắn những sai phạm về quản lý đầu tư, về kĩ thuật. Phối hợp với huyện thực hiện nghiệm thu bàn giao công trình và công khai kết quả đầu tư với nhân dân.
Về nguyên tắc điều hành, Chương trình 135 được thực hiện dựa trên nguyên tắc dân chủ công khai, cụ thể: sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng, kết hợp với huy động sức dân của từng xã, từng thôn bản trên cơ sở phát huy dân chủ cơ sở, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Chương trình đã tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia hầu hết quá trình thực hiện đầu tư, từ việc tham gia lựa chọn công trình, đến tham gia giám sát thực hiện và vận hành quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình. Mục tiêu xã có công trình, người dân có việc làm tăng thu nhập thực hiện ngày một khá hơn. Việc tham gia ngày công lao động đã góp phần một mặt tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào, mặt khác tăng cường việc kiểm tra giám sát ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, đảm bảo chất lượng công trình, gắn bó trách nhiệm của người dân với công trình. Tuy nhiên, việc thực hiện nguyên tắc trên ở một số xã còn hạn chế, nhân dân chưa được phổ biến và chưa được tham gia lao động hoặc có tham gia nhưng thiếu sự thoả thuận, thuê khoán rõ ràng với nhà thầu.
Như vậy, ngay từ ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã căn cứ vào các văn bản, thông tư hướng dẫn của Trung ương đã đề ra quy chế quản lý điều hành Chương trình. Quy chế này là cơ sở để các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện Chương trình. Khi có những thay đổi trong diện đầu tư Chương trình hay những quy định mới của Nhà nước trong quản lý thực hiện Chương trình tỉnh đã kịp thời sửa đổi bổ sung những quy định.
- Phân cấp quản lý Chương trình
Thực hiện Thông tư Liên tịch số 666/TTLT của Liên bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ủy ban Dân tộc và Miền núi, Bộ Tài chính - Xây dựng ngày 23 tháng 8 năm 2001, về Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Chương trình 135, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ra Công văn số 1964/UB-DA ngày 16 tháng 11 năm 2001, hướng dẫn thực hiện Thông tư 666/TTLT, giao trách nhiệm cho các ngành và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, cấp xã. Cụ thể như sau:
- Các xã tự lựa chọn và đề xuất danh mục công trình đầu tư hàng năm đảm bảo yêu cầu phù hợp với quy hoạch được duyệt.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã là Chủ đầu tư các dự án thuộc Chương trình. Ban Quản lý dự án 135 các huyện giúp Chủ đầu tư tổ chức thực hiện các dự án và thực hiện chính sách hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn.
- Những công trình có tổng mức đầu tư dưới 500 triệu đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, phê duyệt báo cáo đầu tư và các Sở có chuyên ngành thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán công trình; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định chỉ thị thầu
- Những công trình có tổng mức đầu tư từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, Chủ đầu tư lập báo cáo đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sở
Xây dựng có chuyên ngành thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Việc chỉ định thầu do Ủy ban nhân dân huyện trình, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
- Công trình có tổng mức đầu tư từ 1 tỷ đồng trở lên, thực hiện theo quy chế quản lý đầu tư theo Nghị định 52/NĐ-CP. Vốn được phân cấp thanh toán tại Kho bạc Nhà nước huyện.
Sự phân cấp này đã tạo điều kiện chủ động cho cấp huyện, xã trong việc xây dựng kế hoạch, lồng ghép sử dụng vốn có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân, đồng thời tạo điều kiện cho cơ quan quản lý tài chính kiểm soát vốn đầu tư chặt chẽ hơn. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý của cấp xã. Thực tiễn cho thấy việc đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng ở địa phương, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, vừa đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục, dễ hiểu, dễ tiếp thu để thực hiện. Nguyên tắc chủ yếu là rõ ràng minh bạch, dân chủ, công khai rộng rãi ở các cấp, nhất là ở cơ sở. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn phải đạt được hai lợi ích: xã có công trình để phục vụ nhân dân, người dân có việc làm để tăng thêm thu nhập từ lao động xây dựng công trình của các xã để thực hiện xóa đói giảm nghèo.
Mọi nguồn vốn được đưa vào kế hoạch để quản lý thống nhất, thông báo đến từng xã, đến nhân dân trong xã, đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng, không để thất thoát.
- Phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã thuộc Chương trình Do nhu cầu đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn lớn, nguồn vốn do Trung ương cấp hàng năm của Chương trình cho từng xã còn hạn chế. Vì vậy, để tăng thêm nguồn lực giúp các xã, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình có công văn số 1415/UB-DA ngày 10/09/2001, về việc phân công 79 cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh giúp đỡ 93 xã đặc biệt khó khăn từ năm 2001, trong đó có 12 đơn vị
khối Đảng, đoàn thể giúp đỡ 14 xã; 39 đơn vị là các Sở, Ban, ngành và đơn vị trực thuộc giúp đỡ 51 xã; 7 đơn vị là các Doanh nghiệp Nhà nước của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh giúp đỡ 7 xã; 21 Doanh nghiệp Nhà nước của tỉnh giúp đỡ 21 xã. Để việc giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn đạt hiệu quả cao Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có văn bản 1382/UB-DA ngày 31/08/2001 về việc hướng dẫn giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn. Văn bản quy định cụ thể nội dung, phương pháp giúp đỡ các xã thuộc Chương trình 135. Văn bản yêu cầu các cơ quan được phân công nghiên cứu nắm vững các văn bản của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình về thực hiện Chương trình 135, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội xã đặc biệt khó khăn do đơn vị mình giúp đỡ. Tùy theo điều kiện mà có hình thức giúp đỡ phù hợp như là cử cán bộ xuống xã phổ biến, hướng dẫn và trực tiếp chỉ đạo Chương trình hoặc giúp đỡ bằng vật chất để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, mua giống vật tư hỗ trợ sản xuất...đảm bảo hiệu quả thiết thực. Có thể thông qua các chương trình, dự án của ngành để giúp đỡ các xã nhằm phát huy hiệu quả của các chương trình, dự án.
Các cơ quan đơn vị được giao nhiệm vụ, đã nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình với xã được phân công giúp đỡ, cử người trực tiếp xuống tiếp xúc cơ sở, tìm hiểu điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội các xã được phân công giúp đỡ, thảo luận với địa phương và đề ra biện pháp giúp đỡ xã phù hợp với điều kiện đơn vị. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các đơn vị đã phân công một cán bộ hoặc một bộ phận trực thuộc, thường xuyên hoặc định kỳ xuống xã, phổ biến, hướng dẫn theo chuyên ngành của đơn vị hoặc phối hợp với cán bộ khuyến nông chỉ đạo sản xuất giúp xã.
Thông qua sự giúp đỡ, lãnh đạo và cán bộ cơ quan đơn vị được phân công có điều kiện hiểu và sâu sát cơ sở hơn, nâng cao hiệu quả công tác của đơn vị mình. Các cơ quan đơn vị đã giúp đỡ các xã nghèo đặc biệt khó khăn
phát huy tiềm năng, nội lực của từng xã, từng hộ nông dân, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.
Năm 1999, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tăng cường 40 cán bộ gồm 6 cán bộ thuộc các Sở ban ngành của tỉnh, 14 cán bộ thuộc các Phòng chuyên môn các huyện, thị xã và 20 cán bộ hợp đồng tại xã được phân công về làm công tác xoá đói, giảm nghèo tại 40 xã nghèo của tỉnh. Cán bộ tăng cường xuống cơ sở ngoài những nhiệm vụ đã được quy định tại Quyết định số 42/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn thực hiện nhiệm vụ tham mưu giúp UBND xã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất hàng năm và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản một số loại cây trồng cho các hộ gia đình.
* Về triển khai thực hiện Chương trình và kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình
- Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, ngoài nguồn vốn Chương trình 135, hàng năm tỉnh Hòa Bình đã thực hiện lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 (Dự án giảm nghèo, Dự án ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà, các Chương trình mục tiêu quốc gia), kết quả cụ thể như sau: Tổng vốn các Chương trình, dự án, chính sách lồng ghép giai đoạn 1999 - 2005 là 528 tỷ đồng. Cụ thể:
Năm 1999, đầu tư lồng ghép trên địa bàn 24 xã đặc biệt khó khăn là 16 tỷ đồng.
Năm 2000, đầu tư lồng ghép từ các chương trình dự án khác trên địa bàn 60 xã đặc biệt khó khăn là 39,5 tỷ đồng
Năm 2001, đầu tư lồng ghép từ các chương trình dự án khác trên địa bàn 93 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK là 64,7 tỷ đồng