2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình
2.1.2. Tình hình các xã ở tỉnh Hòa Bình thuộc Chương trình 135 giai đoạn II và chủ trương của Đảng bộ tỉnh
* Tình hình các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II
Theo tiêu chí mới năm 2005, đến tháng 10/2005, tỷ lệ đói nghèo của toàn tỉnh là 31,31% bằng 54.546 hộ. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30%
đến dưới 50% là 6 huyện chiếm hơn một nửa tổng số huyện trong toàn tỉnh.
Đó là các huyện: Yên Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Đà Bắc.
Tỷ lệ hộ nghèo phân theo khu vực là: Khu vực thành thị có 1.774 hộ nghèo, chiếm 5,92% tổng số hộ dân thành thị; Khu vực nông thôn có 52.770 hộ nghèo, chiếm 36,58% tổng số hộ dân nông thôn; Khu vực I: gồm có 30 xã với 17.452 hộ, hộ nghèo chiếm 9,68%; Khu vực II: gồm có 82 xã với 70.514 hộ, hộ nghèo chiếm 29,56%; Khu vực II đặc biệt khó khăn: gồm có 10 xã với 7.894 hộ, hộ nghèo chiếm 50,46%; Khu vực III đặc biệt khó khăn: gồm có 60 xã với 31.607 hộ, hộ nghèo chiếm 54,22%; an toàn khu: gồm có 32 xã với 26.730 hộ, hộ nghèo chiếm 33, 51% [50, tr.2].
Từ thực trạng đó các xã nghèo, đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu đã được đưa vào diện đầu tư thuộc Chương trình 135 và các chương trình xóa đói giảm nghèo khác của Nhà nước.
Thực hiện Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II). Diện đầu tư của Chương trình trên địa bàn tỉnh qua các năm như sau:
Năm 2006, số xã thuộc diện đầu tư Chương trình 135 là 67 xã (Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11-7-2006, của Thủ tướng Chính phủ), với 40.950 hộ, 198.091 khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn được đầu tư là 52,57%.
Năm 2007, bổ sung thêm 2 xã (Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ), nâng số xã thuộc diện đầu tư Chương trình lên 69 xã, với 42.800 hộ và 207.903 khẩu.
Năm 2008, bổ sung thêm 10 xã (Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ), nâng tổng số xã thực hiện chương trình
lên 79 xã, với 53.094 hộ, 247.432 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 34,85%
(số liệu tại thời điểm 31/12/2007) [49, tr. 2].
Ngoài ra, năm 2008, là năm đầu thực hiện đầu tư cho 86 thôn bản đặc biệt khó khăn của xã khu vực II, với 10.340 hộ, 48.982 nhân khẩu (sau khi đã trừ 3 thôn bản của 1 xã được đầu tư theo xã và 1 thôn điều chỉnh địa giới hành chính) theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11/01/2008 của Uỷ ban Dân tộc.
Năm 2009, có 6 xã thuộc huyện Kim Bôi là khu vực II không thuộc vùng ATK được đưa ra khỏi Chương trình 135 theo quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28/05/2008, của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn còn 8 xóm trong số xã đó vẫn trong diện đầu tư của Chương trình. Số xã của Chương trình lúc này là 73 xã và 94 thôn [51, tr. 1].
Đến năm 2010, sau khi rà soát kết thúc Chương trình, có 5 xã đã đạt các tiêu chí và đề nghị ra khỏi diện đầu tư của Chương trình. Như vậy, tổng số xã thuộc diện đầu tư trong giai đoạn II đã giảm từ 102 xã giai đoạn I xuống còn 73 xã giai đoạn II. Tuy nhiên, diện đầu tư giai đoạn II được mở rộng rà soát xét tiêu chí lấy đơn vị nhỏ hơn là thôn, bản và số thôn được đưa vào diện đầu tư của Chương trình lên 94 thôn.
* Chủ trương Đảng bộ tỉnh
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, để tổng kết, kiểm điểm, đánh giá nhiệm kỳ 5 năm (2001-2005) và đề ra phương hướng, mục tiêu cho 5 năm tiếp theo (2006-2010), Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XIV được tổ chức (12-2005). Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm cao, Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra những mặt đã làm được, chưa làm được, những tồn tại yếu kém, nguyên nhân của tồn tại yếu kém, rút ra kinh nghiệm và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đưa tỉnh tiến nhanh và bền vững trên con đường CNH, HĐH.
5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2001-2005) cũng là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Hòa Bình đạt được những thành tích khá toàn diện: Kinh tế tăng trưởng khá, tốc độ GDP bình quân hàng năm đạt 8%, thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt 4,3 triệu đồng, tăng 83% so với năm 2000. Các ngành sản xuất đều phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 8% (theo tiêu chi cũ); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng 5,5%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 20,7%/
năm...; sản xuất hàng hóa bước đầu hình thành ở nhiều vùng nông thôn. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh như: vùng nguyên liệu tập trung như: dứa, mía, cây ăn quả, chè, gỗ, luồng…dần hình thành và từng bước được mở rộng tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp chế biến. Chăn nuôi phát triển, chăn nuôi công nghiệp có xu hướng tăng; hệ thống thương mại dịch vụ các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư. Thị trường hàng hóa phong phú, đáp ứng như cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân.; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt đô thị, nông thôn, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng hồ sông Đà có nhiều đổi mới [10, tr. 11-12].
Đại hội đã đề ra phương hướng, mục tiêu chung cho 5 năm tiếp theo (2006-2010) là: Nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, khai thác các tiềm năng, huy động tối đa nguồn lực, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp và dịch vụ, đảm bảo an ninh lương thực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; củng cố và kiện toàn hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Bảo đảm quốc phòng an
ninh, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình cơ bản thoát khỏi tình trạng nghèo vào năm 2010 [10, tr. 58].
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đai hội đề ra Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện Nghi quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ra Chỉ thị số 29-CT/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX), “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, công tác tôn giáo”; trong đó, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Chỉ thị nêu rõ: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc; phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các chương trình dự án, chính sách của Trung ương, của tỉnh dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc. Các địa phương, cơ quan, đơn vị bổ sung các nhiệm vụ vào chương trình kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị; phát huy nội lực, tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước [ 44, tr. 1].