2.2. Chỉ đạo thực hiện
2.2.2. Triển khai thực hiện Chương trình và kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình
- Thực hiện các chương trình, dự án
Trong 2 năm 2006 và 2007 do chưa xây dựng tiêu chí phân bổ vốn, vì vậy việc phân bổ vốn được thực hiện trên cơ sở quy mô mức vốn đầu tư từng công trình mà không chia đều bình quân cho xã (có tính cân đối theo huyện trên cơ sở số xã thuộc Chương trình 135 của huyện và mức bình quân chung của xã).
Do địa bàn các vùng dân tộc trong tỉnh rộng, địa hình phức tạp, đồng bào dân tộc sống phân tán ở nhiều vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số của tỉnh còn cao, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc trong diện đầu tư Chương trình cũng khác nhau. UBND tỉnh đã xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư để việc phân bổ vốn đảm bảo không mang tính chất chia đều bình quân cho các xã. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ra Nghị quyết số 85/2007/NQ-HĐND ngày 06/12/2007, về việc Quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư dự án phát triển cơ sở hạ tầng xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, tỉnh Hoà Bình.
Tiếp đó, ngày 31/12/2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 27/2007/QĐ-UBND Quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng xã thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 của tỉnh. Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng xã chỉ áp dụng cho xã có trong diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II. Ủy ban nhân dân tỉnh quy định phải xây dựng các tiêu chí để đánh giá mức độ khó khăn của từng nhóm xã làm cơ sở
cho phân bổ vốn, không chia đều bình quân. Việc xây dựng tiêu chí, định mức phân bổ vốn đảm bảo tính công khai, minh bạch. Phân bổ vốn phải đúng mục đích, đảm bảo hàng năm tất cả các xã thuộc Chương trình đều được thụ hưởng. Việc phân bổ vốn được xác định theo 5 tiêu chí: Tiêu chí về diện tích đất tự nhiên xã; tiêu chí về dân số xã; tiêu chí về đơn vị xóm, thôn bản trong xã; tiêu chí về tỉ lệ hộ nghèo của xã; tiêu chí về điều kiện đặc thù. Từ 5 tiêu chí này xác định nhóm xã theo mức độ khó khăn là: nhóm I - Nhóm xã khó khăn thấp hơn mức trung bình; nhóm II - Nhóm xã khó khăn trung bình;
nhóm III - Nhóm xã khó khăn nhất. Từ đó mức phân bổ vốn được thực hiện như sau: Nhóm xã khó khăn nhất được ưu tiên phân bổ tăng thêm 10% so với mức đầu tư bình quân chung cho một xã; nhóm xã khó khăn trung bình được phân bổ bằng mức đầu tư bình quân chung cho một xã; nhóm xã khó khăn thấp hơn mức trung bình được phân bổ vốn giảm đi 10% so với mức đầu tư bình quân chung cho một xã.
Trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn theo Quyết định số 27/2007/QĐ-UBND Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 188/QĐ- UBND ngày 30-01-2008, phân loại nhóm xã theo mức độ khó khăn để phân bổ vốn dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xã năm 2008 với tổng số 69 xã, phân thành 3 nhóm xã: Nhóm xã khó khăn thấp hơn mức trung bình có 23 xã;
nhóm xã khó khăn trung bình có 23 xã; nhóm xã khó khăn nhất có 23 xã; do thay đổi diện đầu tư Chương trình, ngày 8 tháng 8 năm 2008, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định số 1753/2008/QĐ-UBND về việc phân lại nhóm xã theo mức độ khó khăn của 73 xã để phân bổ vốn đầu tư Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng xã từ kế hoạch năm 2009. Qua quá trình chỉ đạo, thực hiện cho thấy việc phân bổ vốn đảm bảo tính ưu tiên cho những xã có điều kiện khó khăn hơn và tính chủ động trong công tác điều phối cân đối nguồn vốn của tỉnh.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II ở tỉnh Hòa Bình, ngân sách Trung ương đã đầu tư hỗ trợ với tổng kinh phí là 517.677 triệu đồng, thực hiện ở 4 hợp phần của Chương trình với kết quả như sau:
Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn Trong 5 năm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã xây dựng 520 công trình với số vốn đầu tư lên tới 337.600 triệu đồng. Trong đó đã làm mới và sửa chữa 194,6 km đường giao thông, 1850,7m ngầm, cầu dân sinh, 285 phòng học, 101 bai kênh mương tưới ổn định cho 1789 ha ruộng. Trong số 520 công trình, đã có 395 công trình đã hoàn thành, được bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2009; còn 125 công trình được giao kế hoạch năm 2010 đã và đang gấp rút hoàn thiện, ước tính đến hết năm 2010, 100% số công trình được hoàn thành để bàn giao và đưa vào sử dụng.
Công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư cũng được quan tâm từ năm 2008 đến năm 2010 đã thực hiện với tổng kinh phí: 14.594 triệu đồng, toàn bộ nguồn vốn này giao cho Ủy ban nhân dân các xã làm chủ đầu tư. Kết quả đã thực hiện duy tu, bảo dưỡng cho 142 công trình nhà lớp học, 203 công trình giao thông, 235 công trình thủy lợi, 42 nhà văn hóa, 200 công trình nước sinh hoạt, 29 công trình trụ sở Ủy ban nhân dân xã, 35 công trình điện, chợ, trạm y tế ...
Thực hiện nguồn vốn cho công tác duy tu bảo dưỡng công trình sau đầu tư đã phát huy hiệu quả, tính bền vững đối với những công trình đã được đầu tư. Công tác duy tu đã huy động được sự đóng góp của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo quản và sử dụng công trình.
Nhờ dự án này mà cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh tiếp tục được cải thiện, 100% các xã thuộc Chương trình đều có trường tiểu học và trung học cơ sở, điện sinh hoạt, đường ô tô đến trung tâm xã. Có 98,6% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, 100% xã hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu
học, 70/73 xã hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, 100% xã có điểm bưu diện văn hoá xã. Về y tế 100% xã có Trạm y tế, đảm bảo thực hiện công tác vệ sinh phòng dịch, khám chữa bệnh thông thường, đảm bảo sức khoẻ cho người dân, tuy nhiên vẫn còn 12 xã chưa đạt chuẩn về y tế cấp xã[49, tr. 13]
Các công trình đầu tư xây dựng sau khi bàn giao đưa vào quản lý, vận hành khai thác đều phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, phục vụ đi lại, học tập cho nhân dân và con em các dân tộc, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp và phần nào bảo đảm được nước sinh hoạt cho nhân dân.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất
Từ năm 2006 đến 2010, kế hoạch giao là 78.049 triệu đồng, Dự án đã được người dân ủng hộ nhiệt tình, do các nội dung hỗ trợ được đề xuất từ nhu cầu thực tế tại cơ sở, nên khi triển khai thực hiện đã đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết các hộ nghèo.
Với nội dung hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng và vật nuôi đã giúp cho các hộ dân nghèo với các mô hình dự án như: mô hình lợn móng cái, lợn rừng, trâu bò, cá, mô hình thâm canh giống lúa, ngô, đậu tương, rau…nhờ đó giảm bớt khó khăn trong đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp. Các mô hình được tổ chức thực hiện thành công đã mở ra hướng phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật trực quan giúp các hộ nghèo giải quyết được việc làm, tăng thêm thu nhập.
Dự án cũng đã đầu tư hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp: thiết bị và công cụ phục vụ sản xuất như máy cày bừa D8, D12 đồng bộ, máy tuốt lúa, tẽ ngô, bơm nước…đã giúp tăng năng suất lao động và đã từng bước cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp tại địa phương
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất này đã từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã xây dựng được các mô hình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vật tư, máy
móc thiết bị phục vụ sản xuất phát huy được hiệu quả góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho hộ đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Sau hỗ trợ, nhận thức và tập quán sản xuất của bà con nông dân đã có nhiều chuyển biến rõ nét, người dân đã được tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều giống cây, con mới năng suất cao đã được tiếp tục đưa vào khảo nghiệm, sản xuất và được định hướng phát triển tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Xu hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc, thâm canh lúa, ngô và cây vụ đông đang từng bước thay thế tập quán canh tác lạc hậu tự cấp tự túc của đồng bào. Dự án đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại các xã, thôn bản được hưởng lợi từ Chương trình. Kết thúc giai đoạn II, năm 2010 có trên 75% số hộ đạt được mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm [49, tr. 13].
Dự án đào tạo cán bộ xã bản
Đây là dự án được thực hiện phối hợp giữa Chi cục Định canh Định cư với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Trong 5 năm kinh phí phân bổ từ năm 2006-2009 là 23.671 triệu đồng để mở 526 lớp đào tạo và bồi dưỡng, tập huấn, thăm quan học tập kinh nghiệm cho 28.118 lượt học viên. Trong đó nhóm đối tượng là cán bộ xã, thôn, bản là 153 lớp với 8.125 học viên; đối tượng cộng đồng, người dân là 373 lớp với 20.025 học viên. Giá trị khối lượng thực hiện đến nay đạt 23.239 triệu đồng, bằng 98,17% kế hoạch giao.
Nội dung đào tạo tập trung vào tuyên truyền phổ biến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Hướng dẫn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và vận dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Tập huấn cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình 135 trong đó có kiến thức về quản lý dự án đầu tư, giám sát, đánh giá, báo cáo tổng hợp, ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý đầu tư thanh quyết toán
vốn của các dự án và chính sách thuộc Chương trình. Bên cạnh đó còn hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số độ tuổi 16 - 25.
Đã có trên 28 ngàn lượt cán bộ xã, bản, cộng đồng được trang bị, bổ sung những kiến thức về quản lý hành chính, quản lý kinh tế và kỹ năng quản lý điều hành thông qua tham dự các lớp đào tạo, tập huấn. Qua đó đã nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở về những chủ trương chính sách của Đảng, tổ chức chỉ đạo thực hiện các dự án, chính sách trên địa bàn đạt hiệu quả. Cộng đồng người dân đã được tham gia xây dựng kế hoạch, quản lý, giám sát thực hiện Chương trình, thanh niên dân tộc thiểu số - lực lượng lao động chính đã tham gia đào tạo nghề và có cơ hội tìm việc làm mới.
Chính sách hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý, để nâng cao nhận thức pháp luật
Chính sách này bao gồm 4 nội dung, thực hiện từ năm 2008 theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007, của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
Với nội dung Hỗ trợ hoạt động văn hoá thông tin và nội dung Trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật cho các xã ĐBKK và xóm ĐBKK thuộc xã Khu vực II là 1.039 triệu đồng. Thành lập được 79 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã, trợ giúp pháp lý cho 100% đối tượng có nhu cầu.
Nội dung Hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học là 27.075 triệu đồng để chi trả từ năm học 2007-2008 đến năm học 2009-2010. Mức hỗ trợ cho học sinh bậc phổ thông là 140.000đ/tháng, các cháu mẫu giáo là 70.000đ/tháng.
Nội dung Hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường, đến nay đã phân giao 22.013 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ xây dựng công trình vệ sinh, chuồng trại để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường. Do kinh phí được phân bổ vào cuối năm 2009, nên hầu hết các xã đều triển khai thực hiện trong năm 2010. Mặt khác, do đối tượng hộ nghèo năm 2009, giảm nhiều so với đăng ký
từ đầu giai đoạn, bởi vậy đối tượng thụ hưởng chính sách giảm, ước thực hiện hết năm 2010 đạt 15.000 triệu đồng [49, tr. 11-12].
Về nâng cao đời sống văn hoá, xã hội: Đời sống văn hoá của đồng bào được cải thiện, văn hoá truyền thống được bảo tồn, giữ gìn và phát triển, nhiều lễ hội, phong trào hoạt động văn hoá mới được khuyến khích. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, Đảng viên, nhân dân các xã được tăng cường. Qua đó nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên 75% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 90.61% số hộ được sử dụng điện, trên 99,8% học sinh tiểu học, 94,93% học sinh trung học cơ sở trong độ tuổi đến trường; có 77/79 xã đạt phổ cập trung học cơ sở; 75,5% hộ xem được truyền hình Trung ương, 86,5% hộ nghe được đài Tiếng nói Việt Nam [49, tr. 13-14]
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn, ngoài nguồn vốn Chương trình 135, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác đầu tư trên địa bàn các xã thuộc Chương trình như: Các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm, Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình phòng, chống một số bệnh nguy hiểm, Chương trình Văn hóa, Chương trình giáo dục và đào tạo, Chương trình phòng chống ma túy và tội phạm.
Ngoài ra còn có các chương trình, dự án khác như: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Dự án 472, Dự án vùng 229, Dự án phân lũ, chậm lũ, vốn xây dựng cơ bản tập trung, Chính sách theo Quyết định 120/2003/QĐ-TTg, Chương trình 134, 167; chính sách định canh, định cư…Tổng nguồn vốn đầu
tư lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn các xã 135 giai đoạn II là 715.962 triệu đồng.
Đến năm 2010, trên địa bàn Chương trình cơ bản không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 22%, vượt mục tiêu Chương trình đã đề ra.
Về thu nhập và giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, trung bình giảm 6,1%/năm (đầu năm 2006 tỷ lệ hộ nghèo trung bình của các xã thuộc Chương trình là 52,74%, đến năm 2010 giảm xuống còn 22%). Mức thu nhập bình quân chung trên địa bàn các xã ĐBKK đạt 4,5 triệu đồng/người/năm[49, tr. 14]
Về xã hoàn thành mục tiêu Chương trình: Qua kết quả đánh giá xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn II theo Thông tư 05/2007/TT- UBDT của Uỷ ban Dân tộc, tỉnh Hoà Bình có 11/79 xã hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn II, trong đó có 6 xã của huyện Kim Bôi ra khỏi Chương trình từ năm 2009 và 5 xã của các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Cao Phong hoàn thành mục tiêu năm 2010.
Những kết quả này là vô cùng to lớn, khẳng định sự chỉ đạo hiệu quả trong triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
- Kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình
Ở cấp xã. Mỗi xã thuộc chương trình đều thành lập Ban Giám sát xã do UBND huyện Quyết định. Các Ban Giám sát xã đã phát huy tính dân chủ, tăng cường công tác giám sát, quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí.
Mọi thành viên Ban Giám sát xã đều đã được tham gia các lớp tập huấn của Chương trình, nắm bắt những kỹ năng, kiến thức cơ bản của công tác giám sát. Hầu hết các Ban Giám sát xã đều thực hiện đúng nhiệm vụ, các công trình được thi công trên những địa bàn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo