CHƯƠNG 2: ĐẢNG BỘ TỈNH VĨNH PHÚC LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THANH NIÊN TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010
2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về công tác thanh niên từ năm 2006 đến năm 2010
2.1.1. Tình hình và yêu cầu mới của công tác thanh niên ở tỉnh Vĩnh Phúc
Công tác thanh niên và phong trào thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 1997 - 2005 diễn ra trong bối cảnh thuận lợi đan xen khó khăn: năm 2005, lực lương thanh niên trong tỉnh, tuổi đời từ 15 - 35 tuổi có khoảng 384.000 người, chiếm khoảng 32% dân số và 55,5% lực lượng lao động toàn tỉnh [84, tr.303]. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, lực lượng thanh niên được học tập, đào tạo, bồi dưỡng khá toàn diện, trình độ học vấn cao hơn trước, đại bộ phận thanh niên có sức khỏe, có kiến thức, có đạo đức và lối sống lành mạnh, có ý chí vươn lên không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, xung kích đi đầu trên mọi lĩnh vực, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của Đoàn thanh niên và Hội liên hiệp thanh niên các cấp từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo
hướng sát cơ sở, sát đối tượng. Trong phong trào thi đua yêu nước, xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên điển hình, tiên tiến trên các lĩnh vực, trong đó có nhiều tấm gương thanh niên lập thân, lập nghiệp, vượt khó làm giàu, dũng cảm đấu tranh chống tội phạm, phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, lao động cần cù, sáng tạo, tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ, xuất hiện nhiều tài năng trẻ trong thanh niên.
Bên cạnh những mặt tiến bộ, tích cực, một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, mơ hồ trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc. Học vấn của một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số còn thấp; nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên đang gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tỉ lệ thanh niên nhiễm HIV/AIDS còn cao.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khoá X khẳng định: “Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình. Song, do còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên thanh niên cần được sự giúp đỡ, chăm lo của các thế hệ đi trước và toàn xã hội” [58]. Trên cơ sở phân tích tình hình thanh niên và công tác thanh niên, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25 - 7 - 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau hơn 10 năm tái lập tỉnh, công tác thanh niên của tỉnh đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thực sâu sắc hơn về vai trò, vị trí của thanh niên, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện thanh niên, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp thanh niên các cấp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình hoạt động cụ thể đạt nhiều kết quả; quan tâm lãnh đạo xây dựng tổ chức Đoàn, Hội càng trong sạch vững mạnh; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở, vật chất, về kinh phí, về cơ chế, chính sách, về môi trường để thanh niên có điều kiện học tập, rèn luyện, phấn đấu. Đặc biệt, những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, nhất là thành tựu sau hơn 10 năm tái lập tỉnh đang tạo ra môi trường thuận lợi để thanh niên Vĩnh Phúc có điều kiện học tập rèn luyện, phấn đấu phát triển tài năng, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh niên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của thanh niên, thiếu quan tâm giáo dục, định hướng tư tưởng và hành động cho thanh niên, chưa quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho Đoàn thanh niên và Hội liên hiệp thanh niên hoạt động.
Trong những năm qua, hoạt động của tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên các cấp nhìn chung là chậm đổi mới, nhất là hình thức đoàn kết, tập hợp thanh niên, năng lực vận động thanh niên còn yếu. Tỷ lệ tập hợp thanh niên trong tổ chức còn thấp hơn so với yêu cầu; chất lượng cơ sở Đoàn, nhất là vùng nông thôn còn thấp. Sau khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước phát triển mạnh, thu hút phần lớn những thanh niên có trình độ văn hóa, kĩ thuật vào làm việc. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa có tổ chức Đoàn thanh niên và Hội liên hiệp thanh niên, do đó công tác vận động, tập hợp giáo dục, rèn luyện thanh niên ở khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.