CHƯƠNG 2: ĐẢNG BỘ TỈNH VĨNH PHÚC LÃNH ĐẠO ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THANH NIÊN TỪ NĂM 2006 ĐẾN NĂM 2010
2.1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về công tác thanh niên từ năm 2006 đến năm 2010
2.1.2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về công tác thanh niên từ năm 2006 -2010
Trước thực tiễn của công tác thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XIV (12 - 2005): “Phát huy vai trò xung kích, sáng tạo,tình nguyện của thanh niên trên tất cả các lĩnh vực.
Quan tâm chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, xây dựng tổ chức đoàn thanh niên vững mạnh, xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng. Triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển thanh niên trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [38, tr.55]. Tỉnh ủy đã đề ra nhiều nghị quyết, chỉ thị cụ thể liên quan đến việc tăng cường công tác lãnh đạo thanh niên trong từng lĩnh vực kinh tế xã hội. Đồng thời cũng đưa ra biện pháp đổi mới nội dung và hình thức đối với công tác lãnh đạo thanh niên.
Trong công tác cải cách hành chính, Tỉnh ủy ra nghị quyết số 04- NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2007 - 2010 nêu rõ quan điểm cải cách hành chính là yếu tố quan trọng góp phần quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu chung là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch vững mạnh, từng bước hiện đại hóa, có tính chuyên nghiệp cao, thực sự là nên hành chính phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáp ứng yêu cầu trên, Tỉnh ủy đề ra một trong những giải pháp như sau: “Đổi mới công tác quy hoạch cán bộ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ... Xây dựng quy chế đưa cán bộ trẻ, có năng lực đi đào tạo ở nước ngoài trong một số chuyên ngành quan trọng mà tỉnh đang cần như kinh tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, viễn thông, chế tạo máy...” [ 84, tr.428].
Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, Tỉnh ủy nhận định phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là
nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã mở ra một thời kỳ mới thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, nền kinh tế luôn tăng trưởng liên tục ở mức cao cũng đặt ra yêu cầu mới về chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, Tỉnh ủy xác định rõ mục tiêu tổng quát phát triển nguồn nhân lực có liên quan đến công tác thanh niên:
“Đầu tư phát triển toàn diện giáo dục, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng từ bậc học mầm non đến phổ thông, trong đó coi trọng chất lượng giáo dục thể chất, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, nhất là ở bậc cao đẳng, đại học. Tích cực phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong đào tạo nghề, coi trọng phẩm chất đạo đức, tác phong, kỷ luật lao động, kiến thức, kỹ năng, khả năng thích ứng với thị trường lao động và chuyển đổi nghề nghiệp...Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, chuyên môn giỏi, trình độ cao làm công tác xây dựng đảng, đoàn thể và trong lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, kỹ thuật, văn hóa, xã hội, có khả năng làm việc trực tiếp với người nước ngoài, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập”
[84, tr.444-445]. Với đặc điểm nguồn nhân lực của tỉnh là thanh niên chiếm phần đông đảo, việc phát triển nguồn nhân lực của tỉnh phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là phát triển công tác thanh niên. Cụ thể hóa chủ trương của Tỉnh ủy,với mục tiêu phát triển Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015, UBND tỉnh xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2008 - 2015”. Các cấp ủy Đảng căn cứ thực tiễn thanh niên ở từng địa phương, đơn vị, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể và chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên được tỉnh chú trọng quan tâm, đầu tư. Các
cơ sở dạy nghề đã định hướng và chọn những nghề đào tạo trên cơ sở các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và nhu cầu của thị trường lao động. Thanh niên trong tỉnh đã được thụ hưởng nhiều chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm như: Nghị quyết số 16/2007/NQ-HĐND tỉnh ngày 14 - 7 - 2007 về chương trình giảm nghèo, học nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2007 - 2010; Nghị quyết số 34/2008/HĐND ngày 15 - 12 - 2008 về quy định một số chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, người nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn từ năm 2009 đến năm 2010; Kế hoạch số 4705 KH/UBND về việc thực hiện Quyết định 103/2008 QĐ-TTg ngày 21 - 7 - 2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015; Nghị quyết số 22/2008/NQ-HĐND ngày 25 - 7 - 2008 về trích ngân sách tỉnh cấp vốn cho quỹ phát triển hợp tác xã; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đồng ý cho Đoàn thanh niên thực hiện Đề án tổ chức lễ đón, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung trong đó có cán bộ trẻ được các cấp ủy quan tâm. Hàng năm có từ 25 đến 30 cán bộ trẻ trong quy hoạch được Tỉnh ủy cử đi học cao cấp lý luận chính trị; một số đồng chí được cử đi học thạc sỹ trong nước và ngoài nước, đi bồi dưỡng chuyên ngành ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương và Nghị quyết số 16/2008/NQ- HĐND ngày 25 – 7 - 2008 về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh đến 2015 hướng đến 2020.
Phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp được Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, có tính chiến lược của Đảng, làm cho Đảng không ngừng lớn mạnh, đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH. Tuy nhiên, số lượng tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp và số lượng Đảng viên
trong công nhân chiếm tỷ lệ thấp. Nhằm đẩy mạnh phát triển Đảng trong các doanh nghiệp, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 07-NQ/TU “Về xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, trong đó nhấn mạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng, củng cố các tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp vững mạnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Tỉnh Đoàn có kế hoạch cụ thể xây dựng các tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp thanh niên trong các doanh nghiệp: "Xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp được tiến hành đồng thời với xây dựng các tổ chức chính trị trong giai cấp công nhân lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên vững mạnh, tạo cơ sở chính trị vững chắc để giai cấp công nhân lao động được rèn luyện, học tập, phấn đấu trong tổ chức, đồng thời có điều kiện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật" [84, tr.457]. Trước mắt tập trung vào những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp dân doanh. Cùng với việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, có trách nhiệm phát hiện, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng những đoàn viên, hội viên ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên mới và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho Đảng.
Giai đoạn 2006 - 2010, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã không ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề trực tiếp nào về công tác thanh niên. Tuy nhiên, qua một số chủ trương, chính sách gián tiếp của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công tác thanh niên đã nhận được sự quan tâm chăm lo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên học tập, rèn luyện và cống hiến.
Công tác đoàn và phong trào thanh niên của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ,
thu hút tập hợp được động đảo thanh niên tham gia đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh.