Thực tế thời gian qua có một số đơn vị do nhận thức chưa đầy đủ nên khi áp dụng xử phạt thường đùn đẩy trách nhiệm; xin nêu một vài trường hợp như sau:
Một số xã của huyện TB khi công an viên thi hành công vụ phát hiện có hành vi vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh trật tự, công an viên lập biên bản vi phạm hành chính về chuyển cho Trưởng công an xã để ra quyết định xử phạt, nhưng Trưởng công an xã không ra quyết định xử phạt theo thẩm quyền mà lại chuyển biên bản đó và đề nghị Chủ tịch UBND xã ra quyết định xử phạt, tiếp nhận hồ sơ Chủ tịch UBND xã đã ra quyết định xử phạt.
Khi được hỏi một số đồng chí Chủ tịch UBND xã tại sao không để Trưởng công an xã ra quyết định xử phạt thì họ cho rằng có một số ý kiến của một số ngành có liên quan ở huyện hướng dẫn không thành văn là: nếu ở cấp xã do công an xã lập biên bản vi phạm hành chính thì để Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định xử phạt thì tiện hơn, vì nếu họ không tự nguyện thi hành quyết định xử phạt thì dễ cưỡng chế hơn.
Theo nhóm chúng tôi nhận thức như vậy là chưa đúng vì, Luật xử lý vi phạm hành chính đã qui định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nếu là lĩnh vực quản lý của ngành nào thì ngành đó ra quyết định xử phạt, trường hợp những lĩnh vực không có qui định cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt và những hành vi vượt quá thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành mà có qui định thẩm quyền của Chủ tịch UBND thì mới ra quyết định xử phạt, nhằm giảm tải công việc cho UBND.
Như vậy, để khắc phục tình trạng trên các cơ quan và người có thẩm quyền xử phạt cần nghiên cứu kỹ các qui định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và luật xử lý vi phạm hành chính để áp dụng đúng, tránh đùn đẩy công việc lẫn nhau.
Bên cạnh đó, một vấn đề luôn luôn đặt ra khi xem xét thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Ai có quyền xử phạt?
Đây là câu hỏi không thể trả lời ngay, bởi vì quy định về thẩm quyền xử phạt được quy định tại Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính, trong Luật Thanh tra và trong rất nhiều nghị định quy định chi tiết các luật chuyên ngành. Đây là một ví dụ điển hình về sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật (pháp lệnh) và giữa luật với nghị định.
Hay trong Nghị định xử phạt trong lĩnh vực hóa chất tách thẩm quyền xử phạt về ngành công thương, nhưng chức năng, nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực này từ trước đến nay thuộc Quản lý thị trường (Bộ Tài chính). Nghị định 40/2009/NĐ-CP xử phạt về thú y quy định chỉ có thanh tra thú y có thẩm quyền xử phạt, nhưng thanh tra thú y mới chỉ có ở cấp bộ, cấp tỉnh, chưa có ở cấp huyện, cơ sở,…
Nhiều địa phương đề nghị tăng thẩm quyền cho chính quyền cấp cơ sở vì nếu thực hiện đúng thẩm quyền theo luật định thì trong hầu hết các trường hợp vi phạm cấp cơ sở chỉ kiểm tra, phát hiện vi phạm và lập biên bản, báo cáo cấp trên, dẫn đến tình trạng quá tải ở cấp trên. Mặc dù quy định hiện nay đã nâng dần thẩm quyền xử phạt của cấp xã từ 2.000.000 lên 5.000.000 đồng, cấp huyện từ 30.000.000 đồng lên 50.000.000 đồng nhưng cấp xã vẫn không phạt được vì phần lớn các hành vi vi phạm đều có mức phạt cao hơn, nên lại phải chuyển lên cấp quận, huyện. Quy định như vậy vô hình trung đã làm yếu đi chức năng quản lý cấp cơ sở.
Mặt khác, một hành vi vi phạm có khi lại do nhiều cơ quan cùng xử phạt:
giao thông, công an, quản lý trật tự đô thị… dẫn đến “loạn” xử phạt, công tác phối
hợp giữa các lực lượng rất yếu, quyền ai người nấy phạt, chồng chéo với nhau là chuyện thường xảy ra.
Nói chung, qua một thời gian dài thực hiện các quy định về xử lý vi phạm hành chính nhìn chung việc xử lý cơ bản đúng người, đúng hành vi vi phạm, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm hành chính ở địa phương. Văn bản pháp lý cơ bản điều chỉnh việc xử lý vi phạm hành chính là Luật xử lý vi phạm hành chính cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những chuyển biến của tình hình kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng việc xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn một số sai sót trong quy trình, thủ tục xử phạt không đúng với các văn bản pháp luật hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân. Biên bản vi phạm hành chính nhiều sai sót. Theo Luật xử lý vi phạm hành chính quy định trong biên bản về vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp người vi phạm hoặc tên, địa chỉ tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt (nếu có); tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ (nếu có); lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ.
Quy định của Luật, việc lập biên bản phải đảm bảo những nội dung như thế nhưng trên thực tế các biên bản vi phạm hành chính không đảm bảo các nội dung như quy định, ví dụ biên bản vi phạm hành chính được lập đối với ông Nguyễn Thành Thái vi phạm với hành vi không công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm trước khi lưu hành nhưng cuối biên bản người vi phạm lại ký với một tên khác là Nguyễn Minh Thuận (con ông Thái). Thông thường trong biên bản vi phạm hành chính được lập các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thường áp dụng việc tạm giữ các tang vật, phương tiện vi
phạm hành chính (nếu có). Tuy nhiên trong biên bản vi phạm hành chính việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không được ghi rõ ràng và cụ thể nhưng cơ quan có thẩm quyền lại ra phương tiện vi phạm hành chính. Chẳng hạn có trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Bé trong việc giết mổ và bán thịt động vật không qua kiểm dịch đồng thời tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là 10kg thịt heo nhưng trong biên bản vi phạm hành chính lập ngày 12/01/2013 lại không ghi việc tạm giữ tang vật vi phạm hành chính nêu trên.
Từ những sai sót trên cho thấy việc không đảm bảo các thủ tục cũng như quy trình xử phạt vi phạm hành chính trong việc lập các biên bản vi phạm hành chính dẫn đến hệ quả các biên bản vi phạm hành chính rơi vào tình trạng không hợp lệ, điều này có thể dẫn đến khiếu kiện của người dân. Sai sót từ Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn ra quyết định xử phạt là bảy ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính;
đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày. Trong trường hợp xét cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá ba mươi ngày.
Tuy nhiên rất nhiều trường hợp vụ việc quá đơn giản nhưng quá thời hạn bảy ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính cơ quan có thẩm quyền xử phạt vẫn ra quyết định xử phạt như trường hợp của ông Nguyễn Minh Em bị xử phạt về hành vi vi phạm trật tự công cộng theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP, biên bản vi phạm hành chính được lập ngày 01/12/2012 nhưng đến ngày 07/01/2013 mới ra Quyết định xử phạt mà không có văn bản xin gia hạn điều này dẫn đến Quyết định xử phạt không được tuân thủ theo quy định của Luật. Theo khoản 4 Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng
thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”.
Trên thực tế vẫn có trường hợp cơ quan có thẩm quyền khi ra Quyết định xử phạt vẫn không tuân thủ theo Luật này, điển hình trường hợp xử phạt hành chính đối với ông Tô Ngọc Hoàng với hành vi thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh thủy sản có tạp chất do được đưa vào; theo Điều 15, khoản 4, điểm c, Nghị định 91/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo đó nếu vi phạm hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nhưng khi ra quyết định xử phạt lại phạt ông Hoàng với số tiền là 20 triệu đồng mà không thể hiện tình tiết giảm nhẹ, lẽ ra theo quy định phải phạt ông Hoàng với mức phạt là 25 triệu đồng. Do đó việc ra Quyết định xử phạt không đúng với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thiết nghĩ, công tác xử lý vi phạm hành chính là một trong những công việc quan trọng nhằm đảm bảo trật tự xã hội, giáo dục ý thức cá nhân, tổ chức trong việc tuân thủ pháp luật. Do đó việc tuân thủ các thủ tục, trình tự cần được áp dụng đúng và chính xác nhằm hạn chế và ngăn ngừa các khiếu kiện của người dân phát sinh sau này.
TIỂU KẾT
Trên đây là những kiến thức mà nhóm chúng tôi tìm hiểu về vấn đề thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình đổi mới với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, thì áp dụng đúng thẩm quyền trong pháp luật nói chung và xử phạt vi phạm hành chính nói riêng sẽ góp phần tích cực vào quá trình bảo vệ trật tự, an
ninh xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, đảm bảo cho quá trình đổi mới đất nước được thành công.
Ngoài ra vấn đề trên còn giúp cho người đọc có thể nắm bắt rõ và sâu sắc hơn về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Qua đó, làm cho việc xử phạt vi phạm hành chính được “trong sạch hóa”, tránh các biểu hiện: lạm quyền, vượt quá thẩm quyền,…
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng nhóm chúng tôi không thể tránh khỏi những sai sót nhất định. Mong nhận được sự góp ý của Cô và các bạn. Qua đây, nhóm cũng chân thành cám ơn Thạc sĩ Trần Thị Lệ Thu đã cung cấp cho nhóm những kiến thức về môn học Luật Hành chính để thực hiện đề tài này.