Sự tiếp nhận thông tin của công chúng

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả truyền thông của báo chí về an toàn giao thông, đường bộ trên địa bàn Hà Nội (Khảo sát VOV Giao thông, VTV, Hà Nội mới 2008 - 2010 (Trang 24 - 29)

7. Cấu trúc luận văn

1.1. Truyền thông về an toàn giao thông

1.1.9. Sự tiếp nhận thông tin của công chúng

Trong khoa học hiện đại có một cách định nghĩa về thông tin như sau: Thông tin không chỉ đơn giản là tác phẩm báo chí mà là những tác phẩm báo chí khi đã được công chúng tiếp nhận. [48; tr.59]

Khái niệm “thông tin” là nền tảng của công tác báo chí. Khi tìm hiểu về khái niệm thông tin trong hoạt động báo chí, cần đặt nó trong mối liên hệ trực tiếp với vấn đề hiệu quả, tức là ảnh hưởng trực tiếp của thông tin đối với công chúng, hướng dẫn nhận thức và giáo dục tư tưởng, đạo đức cho họ để họ có hành động đúng đắn.

Thông tin trong báo chí có thể hiểu là: Là phần tri thức được sử dụng để định hướng, tác động đến những hành động tích cực và quản lý xã hội, thực hiện mục đích giữ gìn những đặc điểm phẩm chất, sự hoàn thiện và sự phát triển hệ thống.

[48; tr.59]

Mỗi chương trình, mỗi tác phẩm phải được xem xét kỹ lưỡng trong hệ thống những mối quan hệ giữa báo chí và công chúng. Tác phẩm báo chí (trong lý luận về thông tin thường dùng thuật ngữ “bài báo”) là điểm trung gian (cầu nối) của hệ thống Nhà báo – Tác phẩm – Công chúng.

Tác phẩm (bài báo, chương trình phát thanh hay truyền hình) do nhà báo chuẩn bị và được đăng tải trên báo hay phát sóng. Đối với công chúng, tác phẩm báo chí mới chỉ thể hiện qua chất lượng của thông tin tiềm năng. Bởi vì, có nhiều tác phẩm (bài báo) không được công chúng không tiếp nhận, mặc dù tác phẩm hay chương trình đã được đăng hay phát sóng. Hiện tượng đó diễn ra khi công chúng không đọc báo, xem truyền hình hay nghe đài (có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này, chẳng hạn như tin, bài đó chưa hấp dẫn, thiếu tính thời sự, kỹ thuật in kém, sóng yếu, v.v…). Trong trường hợp như vậy, mối quan hệ nhà báo – tác phẩm – công chúng bị phá vỡ. Điều đó dẫn đến tình trạng là không có khả năng chuyển thông tin tiềm năng thành thông tin hiện thực. Nếu một tác phẩm báo chí đã được công chúng đọc nhưng họ không rút ra được những giá trị của tác phẩm và nêu lên những tiêu chuẩn cho hành động thì chắc chắn rằng tính chất phản ánh và tính chất hướng dẫn của thông tin chưa đạt được yêu cầu như mong muốn.

Thông tin hiện thực là những thông tin được nhà báo sáng tạo và được công chúng tiếp nhận qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc có thể họ là “người nhận thứ hai” (nghe người đã từng nghe, xem, đọc, kể lại).

Chính vì vậy, việc đảm bảo cho thông tin tiềm năng trở thành thông tin hiện thực là là rất cần thiết để đảm bảo sự ổn định trong mối quan hệ giữa nhà báo và công chúng. Thông tin trong báo chí có quan hệ trực tiếp đến “nguyên tắc” cung cấp thông tin, đến nhưng yêu cầu nghiệp vụ báo chí và những nguyên tắc tác động lẫn nhau của các mặt nói trên.

Sự tiếp nhận thông tin của công chúng:

Mỗi thông điệp truyền thông hoàn chỉnh, được phát qua kênh truyền, đến người nhận là một quá trình chuyển từ thông tin tiềm năng sang thông tin hiện thực.

Vì thế, hiệu quả của hoạt động báo chí (của từng tác phẩm riêng biệt, các chương

trình hay cả hệ thống báo chí) cần được xem xét từ quan điểm thông tin thể hiện mối quan hệ giữa thông tin tiềm năng và thông tin hiện thực. Công chúng tiếp nhận thông tin (về số lượng và chất lượng) thông qua việc tiếp xúc với tác phẩm (thông tin tiềm năng) thường trải qua hai bước:

Bước một: là lựa chọn trong tác phẩm (hay chương trình) những gì thoả mãn nhu cầu của họ.

Bước hai: là việc xử lý thông tin hiện thực, do ảnh hưởng của thông tin hiện thực vừa được tiếp nhận đã làm thay đổi nhận thức và tính cách của quần chúng.

Mức độ chất lượng của thông tin không phụ thuộc vào khối lượng được tiếp nhận mà phụ thuộc vào ý nghĩa, giá trị và ảnh hưởng của nó đối với công chúng.

Nhà báo cần cùng một lúc đạt được cả số lượng lẫn chất lượng thông tin và đảm bảo tính cân đối của hai yếu tố này thì thông tin mới có hiệu quả.

Các yếu tố và điều kiện đảm bảo chất lượng thông tin:

Một tác phẩm báo chí đạt được các tiêu chuẩn của thông tin khi tác phẩm đó tổng hợp được các khía cạnh như: ngữ nghĩa, cấu trúc (bố cục) và thực tiễn.

Ngữ nghĩa của tác phẩm thể hiện mối liên hệ của tác phẩm đó với hiện thực, bố cục là tính chất của cấu trúc tác phẩm, thực tiễn thể hiện các mối quan hệ của tác phẩm với công chúng. Thực tiễn là hướng chủ đạo, chứa đựng những yếu tố tích cực trong quan hệ với ngữ nghĩa (phản ánh cái gì trong tác phẩm) và với bố cục (phản ánh như thế nào). Trước hết cần xem xét khía cạnh thực tiễn của tác phẩm.

Khía cạnh thực tiễn: Xác định những điều kiện và nhân tố làm cho thông tin tác động đến công chúng có hiệu quả nhất. Cho nên, tính chất thực tiễn của thông tin là tiêu chuẩn để đánh giá giá trị của thông tin cao hay thấp, tức là có mang đến cho công chúng những thông tin phù hợp với nhu cầu của họ không và có khả năng chuyển thông tin tiềm năng thành thông tin hiện thực không.

Muốn cho thông tin trong một tác phẩm báo chí có giá trị thực tiễn, ảnh hưởng tích cực đến công chúng, cần đảm bảo những điều kiện sau:

Một là: tính độc đáo của thông tin. Sự biểu hiện của tính độc đáo rất đơn giản. Đó là cái mới của thông tin. Cái mới là cái mà công chúng chưa biết. Nhưng

cái mới không phải là yếu tố duy nhất thể hiện tính độc đáo. Cùng với sự đòi hỏi tất yếu của cái mới, có thể tái hiện thông tin cũ đã bị lãng quên, giúp cho công chúng có thêm tư liệu để nhận thức tốt hơn sự kiện mới. Sự so sánh với những cái đã biết sẽ giúp cho công chúng nhận thức cái mới tốt hơn để giải quyết những vấn đề trước mắt, trả lời những câu hỏi mới. Khi dùng lại những thông tin cũ, cần được hệ thống hoá rõ ràng hơn, đầy đủ hơn và nghiêm túc hơn những thông tin mà công chúng đã biết trước đây. Những thông tin được nhắc lại chỉ có thể trở nên độc đáo và sâu sắc với điều kiện là được phản ánh lại trong những mối liên hệ mới, tư liệu mới và hình thức mới… Việc sử dụng lại thông tin cũ là nhằm mục đích tạo điều kiện cho công chúng so sánh, đối chiếu… để tiếp nhận cái mới dễ đang và có hiệu quả hơn, vì nhận thức cái mới, muốn có hiệu quả, cần liên hệ với những cái đã biết để làm chỗ dựa cho sự nhận thức và cách đánh giá mới.

Hai là: tính đại chúng (dễ hiểu). Để công chúng nhận thức nội dung tác phẩm tương ứng với ý đồ của tác giả, đòi hỏi ngôn ngữ của báo chí (cách thể hiện, cách viết, nhịp điệu…) phải được công chúng nhận thức đầy đủ. Nhà báo phải biết cách tiếp xúc với công chúng và nói với họ bằng chính ngôn ngữ của họ. Yêu cầu về tính đại chúng của tác phẩm đòi hỏi nhà báo phải hiểu được trình độ của công chúng truyền thông. Trong tác phẩm của mình, nhà báo nên sử dụng những từ có ý nghĩa đầy đủ và dễ hiểu để công chúng có thể hiểu được nội dung và ý nghĩa của từ đó;

đồng thời phải hướng đến vấn đề công chúng đang quan tâm.

Nhà báo phải hiểu được thói quen xúc cảm của công chúng (thói quen riêng hoặc là sự kế thừa). Ý thức được điều này sẽ giúp cho nhà báo sử dụng ngôn ngữ thích hợp để phản ánh sinh động nội dung tác phẩm (có thể sử dụng các phương tiện như so sánh, đối chiếu và các kiểu tu từ…). Khi sử dụng những phương tiện này cần đạt được mục đích là khêu gợi phản ứng xúc cảm của họ.

Nếu không thực hiện được nguyên tắc tính đại chúng của “ngôn ngữ” sẽ dẫn đến tình trạng là công chúng không hiểu được tác phẩm. Thậm chí có thể có những hậu quả nghiêm trọng như khi người đọc không hiểu được thì tác phẩm không có

giá trị, có thể họ còn tỏ ra bực bội, hoài nghi cả nguồn gốc bản tin. Từ đó, có thể xuất hiện tâm lý thiếu tin tưởng, hoài nghi cả cơ quan báo chí.

Ba là: tính hợp thời (đúng lúc)

Những tác phẩm báo chí xuất hiện đúng lúc, đáp ứng được nhu cầu của công chúng và sự quan tâm của họ trong thời điểm đó thì tác phẩm sẽ có giá trị hơn. Sự hấp dẫn của bài báo sẽ tạo sự hứng thú ở công chúng, làm cho họ chú ý đến thông tin nhiều hơn, gây xúc cảm và khơi dậy niềm mong muốn tìm đến nguồn gốc của nó.

Bên cạnh đó, công tác báo chí yêu cầu mỗi tác phẩm đảm bảo hai mặt: thoả mãn nhu cầu và thoả mãn lợi ích của người tiếp nhận thông tin. Đó cũng chính là mục đích hoạt động của giới báo chí. Nếu làm khác đi, chẳng hạn như coi thường những gì công chúng đang quan tâm thì báo chí sẽ không thực hiện được mục đích của mình. Một tác phẩm báo chí sẽ không có hiệu quả nếu những thông tin làm nên tác phẩm đó chỉ hướng theo một dự định là chỉ thoả mãn nhu cầu hoặc chỉ thoả mãn lợi ích.

Về khía cạnh ngữ nghĩa của thông tin: Đánh giá giá trị thực tế của tác phẩm là cách nhìn nhận "sức mạnh" của nó trong việc hình thành nhận thức và khuynh hướng đạo đức của quần chúng, nghĩa là vai trò của tác phẩm trong việc điều khiển đối tượng tiếp nhận.

Khi phản ánh đời sống thực tiễn của xã hội, báo chí cần có sự diễn đạt ngữ nghĩa tương ứng. Điều này, đòi hỏi sự phản ánh phải chính xác, toàn diện. Hai tính chất này bảo đảm cho báo chí giữ được tính khách quan và chân thật. Thực hiện được yêu cầu này trong hoạt động báo chí sẽ tạo điều kiện cho công chúng hiểu đúng đắn và sâu sắc các hiện tượng.

Sự chính xác, chân thật của thông tin là điều kiện để cung cấp cho công chúng một bức tranh hiện thực vừa phong phú, vừa đa dạng, có thể tác động tới mọi phía của nhận thức, thuyết phục công chúng tin vào những gì mà báo chí đã phản ánh, hướng họ tới những ý nghĩ và hành động cụ thể.

Một tác phẩm khi đạt được sự hoàn chỉnh về thông tin - ngữ nghĩa sẽ mang đến cho công chúng những thông tin đạt được yêu cầu về tính chất phản ánh, tính chất hướng dẫn, tính chất giá trị và tính chất tiêu chuẩn.

Khía cạnh cấu trúc của thông tin: Khía cạnh thứ ba để nghiên cứu thông tin báo chí là cấu trúc (bố cục) của tác phẩm. Đây là vấn đề cụ thể của cách bố trí, sắp xếp của một tác phẩm nhất định. Nó liên quan đến ý định của nhà báo khi muốn phát đi những thông tin nào, theo thứ tự nào để tác phẩm có hiệu quả cao nhất.

Có trường hợp, mong muốn của nhà báo là phát đi những thông tin với mục đích chính là mô tả hiện thực khách quan nhưng trong tin, phóng sự chẳng hạn;

trường hợp khác tác giả muốn phát đi những thông tin có tính chất hướng dẫn như xã luận, bình luận,… Trong mỗi trường hợp, tác phẩm có thể được bố trí các thông tin theo những vị trí và mức độ khác nhau.

Cơ sở để hình thành cấu trúc một tác phẩm là tính thực tiễn, nghĩa là bằng cách nào để tác phẩm có tác động lớn nhất đến công chúng. Việc phát đi những thông tin nào và với mức độ nào cần căn cứ vào khả năng và nhu cầu thực tế của công chúng. Việc lựa chọn thông tin có giá trị là yêu cầu tối thượng của báo chí, nhưng tạo ra một cấu trúc hợp lí cũng không kém phần quan trọng. Khi một tác phẩm báo chí được thực hiện tốt về nội dung và hợp lý về cấu trúc thì sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ được tăng lên rất nhiều.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả truyền thông của báo chí về an toàn giao thông, đường bộ trên địa bàn Hà Nội (Khảo sát VOV Giao thông, VTV, Hà Nội mới 2008 - 2010 (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(205 trang)