3.5 Quản lý nước dằn tàu tại cảng
3.5.1 Quy định quốc tế và việc áp dụng tại một số nước
Theo quy định của IMO trước khi nhập cảnh vào một nước thì các tàu phải khai báo nước dằn tàu theo mẫu của IMO. Thông tin trong mẫu khai báo nước dằn tàu được gởi tới cảng đến trước khi tàu cập cảng. Nước dằn tàu khi xả ra phải đảm bảo tiêu chuẩn của IMO về số lượng sinh vật sống được phép hiện diện trong mẫu. Nếu áp dụng phương pháp xử lý bằng trao đổi nước thì thực hiện cách bờ 200 hải lý ở mức nước sâu 2000m. Dựa vào những quy định chung của thế giới, các nước đã xây dựng quy trình khai báo phù hợp với tình hình cụ thể của nước mình. Sau đây là một số ví dụ.
Quy định ở Trung Quốc
Tàu trước khi cập cảng phải khai báo kế hoạch quản lý nước dằn tàu trong đó cung cấp chi tiết các hoạt động quản lý có liên quan đến nước dằn tàu gồm các lần tàu xả nước, bơm nước hay xử lý nước. Với các tàu áp dụng phương pháp xử lý bằng trao đổi nước phải trao đổi cách bờ 200 hải lý ở độ sâu ít nhất 2000 m theo quy định của IMO. Trong trường hợp tàu không thể tiến hành trao đổi nước theo quy định trên thì sẽ tiến hành trao đổi nước tại vị trí xa nhất có thể so với bờ và trong tất cả các trường hợp phải đảm bảo trao đổi cách bờ ít nhất 50 hải lý [14]. Đối với tàu không thể tiến hành trao đổi nước thì bắt buộc phải có hệ thống xử lý bên trong tàu đảm bảo tiêu chuẩn xả nước dằn của IMO.
Quy định ở Hoa Kỳ
Yêu cầu của các tàu có trọng tải 300 GT và lớn hơn, trừ tàu quân sự, phải gởi mẫu báo cáo nước dằn tàu của Mỹ (hoặc mẫu của IMO) 24 giờ trước khi vào cảng. Tất cả các báo cáo nước dằn tàu đều được gởi về cùng một nơi đó là Viện nghiên cứu môi trường biển Smithsonian tại bang Maryland. Từ đó số liệu sẽ được phân tích và chuyển đến các cảng có tàu đến.
Các tàu không xả nước dằn cũng phải gởi báo cáo nước dằn tàu và kèm theo giấy xác nhận không xả nước. Nước dằn trước khi xả ra ở cảng phải được trao đổi cách bờ 200 hải lý. Trường hợp tàu có hành trình nội địa không đi qua biển khơi thì tiến hành trao đổi nước cách bờ ít nhất là 50 hải lý.
Các trường hợp không phải trao đổi nước:
• Khi điều kiện an toàn không đảm bảo cho việc trao đổi nước ngoài khơi thì Thuyền trưởng phải điền vào Mẫu báo cáo nước dằn tàu thông báo rõ việc không trao đổi nước không được thực hiện do điều kiện an toàn của tàu không cho phép.
• Khi hệ thống xử lý nước dằn trên tàu đạt tiêu chuẩn IMO thì cũng không cần phải tiến hành trao đổi nước ngoài khơi.
Ngoài quy định chung của Liên bang, các tiểu bang có thể có quy định riêng với tiêu chuẩn không được thấp hơn tiêu chuẩn liên bang. Ví dụ, từ ngày 1 tháng 7 năm 2007 phương pháp xử lý nước dằn tàu bằng trao đổi nước ngoài khơi không còn được cho phép đối với các tàu cập cảng Washington. Do vậy các tàu muốn cập cảng phải có phương tiện xử lý trên tàu đảm bảo tiêu chuẩn xả nước.
Nhìn chung quy định khai báo của các nước trên thế giới đều có những điểm bắt buộc chung như các tàu trước khi nhập cảnh phải điền vào mẫu khai báo nước dằn
tàu của IMO (hay mẫu của riêng từng quốc gia dựa vào mẫu IMO); phải có chương trình quản lý nước dằn tàu, sổ nhật ký nước dằn tàu; tiến hành trao đổi nước ngoài khơi cách cảng nhập cảnh là 200 hải lý và mức nước sâu 2.000 mét (hoặc tối thiểu 50 hải lý cho trường hợp tàu di chuyển nội địa).
Quy định ở Việt Nam
Nghị định về quản lý cảng biển và luồng hàng hải–số 71/2006/NĐ-CP, ký ngày 25 tháng 7 năm 2006, có các quy định bắt buộc tàu thuyền phải tuân thủ khi nhập cảnh tại các cảng biển ở Việt Nam như sau:
Tất cả các loại tàu thuyền nước ngoài, không phân biệt kích thước, quốc tịch và mục đích sử dụng, chỉ được phép vào cảng biển khi có đủ điều kiện an toàn, an ninh, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Trước khi tàu thuyền đến cảng phải gửi cho Cảng vụ hàng hải nơi tàu đến mẫu “Bản khai chung” trước khi tàu nhập cảnh. Thời gian thông báo chậm nhất 8 giờ trước khi tàu dự kiến đến cảng.
Đối với các tàu không xả nước dằn tàu thì sẽ làm thủ tục nhập cảnh tại phao số 0 hoặc có thể ngay tại cảng nhập cảnh. Đối với các tàu có xả nước dằn tàu bắt buộc phải làm thủ tục khai báo tại phao số 0 và điền vào giấy khai báo kiểm dịch y tế, kê khai các loại nước, thực phẩm trên tàu.
Quy định tạm thời về kiểm soát ô nhiễm trong giao thông đường thủy thành phố Hồ Chí Minh, số 6093/QĐ-UB-KT do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 26 tháng 12 năm 1996, quy định:
Hàm lượng dầu trong nước dằn tàu thải ra vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh không được vượt quá 0,3 ppm như tiêu chuẩn Việt Nam
•
TCVN 5942-1995 quy định. Tuyệt đối không được pha loãng để làm hàm lượng dầu xuống thấp hơn 0,3 ppm trước khi thải nước dằn tàu.
Hàm lượng các chất gây ô nhiễm không phải là dầu mỏ của nước dằn tàu được thải ra vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh không được vượt quá các tiêu chuẩn được quy định bởi tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5942-1995.
•
Nước dằn tàu thải ra vùng nước và vùng cảng thành phố Hồ Chí Minh không được mang các mầm bệnh dịch như Điều lệ kiểm dịch Việt Nam quy định và các loài tảo độc.
•
Mặc dù chúng ta có quy định chung của quốc gia và quy định riêng của TP Hồ Chí Minh liên quan đến quản lý nước dằn tàu, thực tế quản lý hiện nay có một số điểm đáng lưu ý:
Việt Nam chưa tham gia Công ước quốc tế về quản lý nước dằn tàu và không có văn bản pháp lý yêu cầu các tàu khi nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ các quy định quốc tế về quản lý nước dằn tàu.
•
Không yêu cầu tàu phải tiến hành trao đổi nước ngoài khơi trước khi xả ra ở cảng.
•
Không áp dụng mẫu khai báo nước dằn tàu của IMO. Các tàu trước khi nhập cảnh không bắt buộc phải khai báo riêng về nước dằn tàu. Các tàu chỉ khai báo khi có kế hoạch xả nước dằn tàu tại cảng và chỉ nộp bản khai tại Phao số 0. Cơ quan quản lý do đó có rất ít thời gian để kiểm tra, xử lý.
•
Vấn đề khai báo nước dằn tàu còn dựa vào sự tự giác của người vận hành tàu. Có nhiều khả năng tàu có xả nước nhưng không khai báo. Số liệu thu thập của đề tài cho thấy số lượng tàu có xả nước tại cảng TPHCM thực tế lớn hơn nhiều so với con số được các tàu chủ động khai báo. Hiện nay chúng ta cũng chưa có phương pháp hay quy trình kiểm tra những tàu không khai báo nước dằn tàu nhưng lại xả nước dằn tàu tại cảng nhập cảnh.
•
Không có quy định cụ thể khu vực cho phép tàu xả nước. Không có cơ chế kiểm tra chất lượng nước xả ra từ tàu.
•
Các cơ quan quản lý có liên quan tại thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chưa có hệ thống hoàn chỉnh và hiệu quả trong giám sát, quan trắc và ngăn ngừa sự phát tán và xâm nhập của sinh vật ngoại lai qua đường nước dằn tàu. Cảng vụ thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý hoạt động đến và đi của tàu tại cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ quan quản lý nhà nước trong điều độ an toàn giao thông thủy và các vấn đề an ninh khác. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế chịu trách nhiệm giám sát sự lây truyền dịch bệnh xuyên quốc gia.
•