Từ những năm 1990 trở về trước, các nhà động vật học Việt Nam (Đào Văn Tiến 1970, 1985; Lê Hiền Hào 1973; Đặng Huy Huỳnh 1968; Đặng Huy Huỳnh và cộng sự 1994; Phạm Trọng Ảnh 1982;…) đã sử dụng hệ thống phân loại thú của Ellerman and Morrison-Scott, 1951 trong “Checklist of Paleartic and Indian Mammals”. Trong tài liệu này, chúng tôi sử dụng hệ thống phân loại mới đang được sử dụng phổ biến của Corbet and Hill trong
“The Mammals of the Indomalayan Region: A Systematic Review”, Oxford University Press, 1992. Theo hệ thống này, thú ăn thịt của Việt Nam có 6 họ: họ chó (Canidae), họ gấu (Ursidae), họ chồn (Mustelidae), họ cầy (Viverridae), họ cầy lỏn (Herpestidae) và họ mèo (Felidae).
• Họ chó - Canidae Fischer, 1817
Các loài thú họ chó có kích thước trung bình, đầu dài, tai to dựng đứng. Đuôi dài trung bình, lông xù. Chân tương đối dài và mạnh, đi bằng ngón, móng ngắn cùn, không co rút được. Chân trước có 5 ngón nhưng ngón cái thường không chạm đất, chủ yếu sử dụng để bắt và giữ mồi, chân sau có 4 ngón không có ngón cái.
Sọ dài chắc, cung gò má khép kín thô nặng, ổ mắt không khép kín. Bầu nhĩ lớn nhưng cấu tạo đơn giản từ xương nhĩ. Mấu sau ổ mắt nhỏ. Xương mõm dài, nhọn, hàm dưới dài. Mào giữa và mào chẩm thấp. Răng thịt phát triển; răng nanh dài, khoẻ. Các răng phía sau răng nanh to, có khoảng trống rộng cho phép các răng nanh, răng trước hàm và răng hàm của hàm đối diện khớp khít được với nhau để giữ chặt con mồi. Công thức răng giống chó và giống lửng:
(i3/3 c1/1 pm4/4 m2/3) x 2 = 42, giống sói: (i3/3 c1/1 pm4/4 m2/2) x 2 = 40. Họ chó ở Việt Nam có 4 giống và 4 loài.
• Họ gấu - Ursidae Fischer, 1817
Các loài gấu có kích thước lớn, to khỏe, nặng từ 30 tới gần 800kg. Gấu đực to hơn gấu cái. Màu của bộ lông rất đa dạng, thay đổi từ trắng đến đen, từ nâu đến đỏ với rất nhiều dạng trung gian.
Một số loài có yếm trắng ở ngực. Tai và mắt nhỏ, thính giác và thị giác không tinh lắm, nhưng khứu giác rất phát triển. Khác với các loài thú ăn thịt khác, môi của gấu không dính với lợi và có thể chu ra ngoài thích nghi cho việc ăn các loài động vật không xương sống và động vật có xương sống nhỏ. Gấu đi bằng bàn nhưng bình thường chỉ có đệm bàn và các ngón chân trước là chạm đất hoàn toàn. Bàn chân to khoẻ, móng không co rút được.
Sọ gấu rất giống sọ chó nhưng có phần hàm lớn hơn nhiều. Sọ tương đối dài nhất là phần mõm. Bộ răng thích nghi với chế độ ăn tạp. Không có răng thịt hoàn toàn chuyên hoá, các răng hàm to, phẳng, đỉnh các mấu răng tù (như răng của lợn hoặc người). Răng cửa không chuyên hoá, răng nanh dài, khoẻ. Ba răng trước hàm đầu tiên chỉ có một mấu, một chân và có thể rụng ở các cá thể già. Răng trước hàm thứ 4 có 2 chân và lớn hơn nhiều so với các răng trước hàm khác. Công thức răng: (i3/3 c1/1 pm4/4(3) m2/3) x 2 = 40-42.
Trên thế giới, họ gấu có 6 giống, 9 loài; ở Việt Nam: 1 giống, 2 loài.
• Họ chồn - Mustelidae Fischer, 1817
Thú họ chồn rất đa dạng về kích thước, hình dáng và sinh học sinh thái. Từ những loài nhỏ nhất của bộ thú ăn thịt như các loài triết, nặng trên dưới 200g tới loài lớn nhất của họ chồn là lửng lợn nặng 21-25kg. Đa số thú họ chồn có thân hình thon dài, lanh lợi, trừ lửng lợn. Chân trước và sau có 5 ngón, vuốt dài nhọn, đi bằng bàn, nửa bàn hoặc bằng ngón. Nhiều loài có tuyến hôi cạnh hậu môn. Bộ lông thú họ chồn phần lớn đơn giản, ít mầu sắc, ít đốm sọc như thú họ cầy và họ mèo.
Răng ăn thịt phát triển, bầu nhĩ dẹp. Hộp sọ phình rộng ở phần chẩm, gờ đỉnh đầu thiếu hẳn hoặc không rõ, trừ lửng lợn. Công thức răng: (i3/3 c1/1 pm3-4/3-4 m1-2/1-2) x 2 = 34-38. Trên thế giới, họ chồn có 25 giống, 62 loài; ở Việt Nam: 7 giống, 11 loài.
• Họ cầy - Viverridae Gray, 1821
Thú họ cầy rất đa dạng về kích thước, hình dáng và đặc điểm sinh học sinh thái. Loài nhỏ nhất là cầy gấm nặng 0,5kg và lớn nhất
là cầy mực nặng 25kg. Đa số thú họ cầy có thân hình cân đối, chân cao, đuôi dài, tai cao vểnh. Chân 5 ngón, đi bằng ngón, vuốt nhọn khoẻ, không co rút hoặc co rút không hoàn toàn vào bao như mèo.
Nhiều loài cầy có tuyến xạ. Bộ lông có nhiều mầu sắc, nhiều đốm sọc và đuôi của một số loài có khoang vòng.
Răng nanh và răng cửa nhỏ. Hộp sọ có nhiều gờ mấu, bầu nhĩ phồng đều, mấu bên xương chẩm thường dính với mặt sau của bầu nhĩ tạo thành đế. Đa số cầy sống ở mặt đất, một số sống và hoạt động ở trên cây. Chúng làm tổ ở hang, hốc cây. Thức ăn chính của họ cầy là động vật nhỏ, gậm nhấm, chim, ếch nhái, côn trùng và một số loài chủ yếu ăn quả cây. Công thức răng: (i3/3 c1/1 pm4/4m2(1)/2) x 2 = 38-40. Thú họ cầy là nhóm thú đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Trên thế giới họ cầy có 20 giống, 33 loài; ở Việt Nam: 10 giống, 12 loài.
• Họ cầy lỏn - Herpestidae Bonaparte, 1845
Thú họ cầy lỏn có thân hình dài chân ngắn, sống ở mặt đất. Đệm bàn chân không lớn, vuốt rất dài, mõm nhọn thích nghi đào bới và ủi đất. Thú họ cầy lỏn đã từng được xếp vào họ cầy (Viverridae) nhưng được tách ra thành một họ riêng biệt từ công trình của Pocock (1939) và Wozencraft (1989). Đặc điểm riêng biệt của chúng thể hiện ở sự hiện diện của tuyến hậu môn, cấu tạo tai và đặc biệt qua nghiên cứu nhiễm sắc thể. Bộ lông thô, dài không có đốm sọc rõ rệt. Mỗi chiếc lông có mầu khác nhau, nhiều khúc đen, sáng tạo thành mầu chung của bộ lông hoa râm hoặc pha trộn tối sáng lẫn lộn. Dài đuôi khoảng 2/3 dài thân.
Sọ tương đối dày chắc, phần đầu dài hơn phần mặt. Ổ tai tương đối nhỏ và dẹt, mấu sau mắt dính liền với mấu sau của cung gò má tạo thành hình tròn ở ổ mắt. Hệ răng đặc trưng cho cầy lỏn bởi răng trước hàm và răng hàm khoẻ, sắc, nhiều gờ thích ứng với ăn thịt.
Công thức răng: (i3/3 c1/1 pm4/4 m2/2) x 2 = 40. Trên thế giới họ cầy lỏn có 17 giống, 37 loài; Việt Nam: 1 giống, 2 loài.
• Họ mèo - Felidae Fischer, 1817
Thú họ mèo có mõm ngắn, mặt tròn, lông mịn ngắn xốp, đuôi tròn đều. Thú đi bằng ngón, chân trước 5 ngón, chân sau 4 ngón.
Vuốt sắc co rút hoàn toàn vào bao bàn chân. Đệm bàn chân phát triển và có lông phủ nên thú đi lại rất nhẹ nhàng, thích nghi với hoạt
động rình mồi, tiếp cận con mồi. Răng trước hàm 3/2, thường 2/3, răng hàm 1/1.
Hộp sọ ngắn rộng, bầu nhĩ phồng lớn, cung gò má rộng, hai hàm khớp nhau bằng một bản lề vững chắc và mấu trên hàm dưới to bản có hệ cơ nhai rất khoẻ dùng trong việc cắn xé con mồi, kể cả những con mồi lớn như lợn rừng, trâu bò, v.v. Công thức răng: (i3/3 c1/1 pm2-3/2 m1/1) x 2 = 28-30. Răng hàm luôn bị thu nhỏ, phản ảnh tập quán nuốt những miếng thịt lớn trong lúc nhai; răng nanh lớn, dài, nhọn và khỏe. Trên thế giới họ mèo có 18 giống, 36 loài; ở Việt Nam: 5 giống, 8 loài.
Bảng 4. Danh lục các loài thú ăn thịt ở Việt Nam
TT Tên phổ thông Tên khoa học
1. Họ Chó Canidae Fischer, 1817 1. Chó rừng Canis aureus Linnaeus, 1758 2. Sói đỏ Cuon alpinus (Pallas, 1811)
3. Lửng chó Nyctereutes procyonoides (Gray, 1834) 4. Cáo lửa Vulpes vulpes (Linnaeus, 1758)
2. Họ Gấu Ursidae Fischer de Waldheim, 1817 5. Gấu ngựa Ursus thibetanus G. Cuvier, 1823 6. Gấu chó Ursus malayanus Raffles, 1821
3. Họ Chồn Mustelidae Fischer, 1817
7. Lửng lợn Arctonyx collaris G. Cuvier, 1825 8. Rái cá vuốt bé Aonyx cinerea (Illiger, 1815) 9. Rái cá lông
mũi Lutra sumatrana (Gray, 1865) 10. Rái cá thường Lutra lutra (Linnaeus, 1758) 11. Rái cá lông
mượt
Lutrogale perspicillata (Geoffroy Saint- Hilaire, 1826)
12. Chồn vàng Martes flavigula (Boddaert, 1785) 13. Chồn bạc má
bắc
Melogale moschata (Gray, 1831)
14. Chồn bạc má
nam Melogale personata Geoffroy Saint- Hilaire, 1831
15. Triết bụng vàng Mustela kathiah Hodgson, 1835 16. Triết nâu Mustela nivalis Linnaeus, 1766 17. Triết chỉ lưng Mustela strigidorsa Gray, 1853
4. Họ Cầy Viverridae Gray, 1821
18. Cầy mực Arctictis binturong (Raffles, 1821) 19. Cầy tai trắng Arctogalidia trivirgata (Gray, 1832) 20. Cầy nước Cynogale lowei Pocock, 1933 21. Cầy vằn bắc Chrotogale owstoni Thomas, 1912 22. Cầy vằn nam Hemigalus derbyanus (Gray, 1837) 23. Cầy vòi mốc Paguma larvata (Smith, 1827)
24. Cầy vòi đốm Paradoxurus hermaphroditus (Pallas, 1777) 25. Cầy gấm Prionodon pardicolor Hogdson, 1842 26. Cầy giông đốm
lớn Viverra megaspila Blyth, 1862 27. Cầy giông Viverra zibetha Linnaeus, 1758 28. Cầy giông tây
nguyên
Viverra tainguensis Sokolov, Roznov et Pham, 1997
29. Cầy hương Viverricula indica (Desmarest, 1804) 5. Họ Cầy lỏn Herpestidae Bonaparte, 1845 30. Cầy lỏn Herpestes javanicus (Geoffroy Saint-
Hilaire, 1818)
31. Cầy móc cua Herpestes urva (Hogdson, 1836) 6. Họ Mèo Felidae Fischer de Waldheim, 1817 32. Báo lửa Catopuma temminckii (Vigor et Hosfield, 1827) 33. Mèo ri Felis chaus Schreber, 1777
34. Báo hoa mai Panthera pardus (Linnaeus, 1758) 35. Hổ Panthera tigris (Linnaeus, 1758) 36. Mèo gấm Pardofelis marmorata (Martin, 1837) 37. Báo gấm Pardofelis nebulosa (Griffith, 1821) 38. Mèo rừng Prionailurus bengalensis (Kerr, 1792) 39. Mèo cá Prionailurus viverrinus (Bennett, 1833)