Chương IV. Bộ móng guốc ngón lẻ - PERISSDACTYLA 161 1. Khái quát về bộ móng guốc ngón lẻ
1.3. Đặc điểm khu hệ và phân bố
Vào kỷ Đệ Tam, thú móng guốc ngón lẻ phân bố khá rộng ở Châu Âu, Châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Vùng Ấn Độ - Mã Lai có 7 loài thuộc 3 họ, chúng có mặt ở nhiều nước.
• Họ heo vòi - Tapiridae Gray, 1821.
Trên thế giới trong họ heo vòi chỉ có một giống heo vòi Tapirus Brisson, 1762 với 4 loài. Về hình thái, các loài trong họ heo vòi có thân hình to lớn, giống như lợn rừng. Bàn chân trước có 4 ngón, bàn chân sau có 3 ngón. Bàn chân trước và bàn chân sau có ngón thứ 3 phát triển hơn cả là điểm tựa cơ bản của cơ thể. Các ngón chân đều có móng guốc nhỏ bé giống như móng ngựa. Heo vòi trưởng thành có kích thước khá lớn: Trọng lượng 225-300kg, chiều dài thân (HB) 180-300cm, chiều dài đuôi (T) 5-10cm, chiều cao vai 75-120cm.
Phần đầu có mũi và môi trên liền nhau kéo thành vòi ngắn, mắt nhỏ bé, đôi tai ngắn. Hàm răng có từ 42-44 chiếc, răng cửa hàm trên phát triển mạnh kéo dài ra khỏi miệng. Da dày phủ lớp lông ngắn màu đen hoặc đen trắng tuỳ từng loài.
Vào Kỷ Đệ tam, họ heo vòi có khá nhiều loài, chúng phân bố khá rộng ở Châu Âu, Châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Cách đây khoảng một triệu năm vào đầu Kỷ Pleistocene do những biến đổi khí hậu và môi trường sống chúng đã bị tuyệt chủng ở Châu Âu, còn ở Châu Á, Nam Mỹ và Bắc Mỹ số lượng loài cũng bị giảm khá nhiều. Hiện nay trên thế giới chỉ có 4 loài (3 loài ở Nam Mỹ, Bắc Mỹ và 1 loài ở Đông Nam Châu Á). Ba loài ở Nam Mỹ và Bắc Mỹ là các loài.
- Tapirus bairdi (Gill, 1865) có ở nam Veracruz ở và nam Oaxaca của Mexico về phía nam kéo dài tới bắc Columbia và Enxanvado. Đây là loài heo vòi lớn nhất có trọng lượng cơ thể đạt tới 300kg, chiều cao vai tới 120cm. Ở sau gáy có đám lông phát triển mạnh tạo thành bờm dày, cứng như bàn trải. Trước đây người ta biết khá rõ loài này ở Châu Âu, vào đầu thế kỷ XVI Petro Martir đã mô tả chúng là những động vật giống như bò đực to lớn có vòi và móng guốc giống như móng ngựa.
- Tapirus terrestris (Linnaeus, 1758) phân bố khá rộng ở nhiều vùng rừng Nam Mỹ từ lưu vực sông Amazôn đến Paraguay và bắc Achentina. Đây là loài heo vòi có chiều dài thân khoảng 200cm, chiều cao vai khoảng 100cm, trọng lượng cơ thể trên 250kg, bộ lông xám hoặc xám đen, sau gáy giữa hai tai có dải lông dầy cứng tạo thành bờm kéo dài phía trên cổ.
- Tapirus pinchaque (Roulin, 1829) là loài heo vòi nhỏ, chiều dài thân khoảng 180cm, chiều cao vai 75-80cm, trọng lượng cơ thể 225-250kg. Bộ lông dày, mềm mại không thô cứng như các loài heo vòi khác. Chúng phân bố ở vùng Andes thuộc Columbia và Ecuado, vùng Peslap thuộc phía bắc Vênêzuêla và nam Peru.
Vùng Đông nam Châu Á có 1 loài, đó là Tapirus indicus Desmarest, 1819.
• Họ Tê giác - Rhinocerotidae Owen, 1845
Họ Tê giác (Rhinocerotidae) có 3 loài: Tê giác Ấn Độ (Rhinoceros unicornis Linnaeus, 1758) còn gọi là tê giác đen, chúng có một sừng rất lớn, sống ở những vùng rừng đất thấp thuộc Nepal, Bengal và Assam, đã và đang được bảo tồn ở các VQG Kazinanga (Assam) và Chitwan (Nepal). Tê giác một sừng (Rhinoinros sondaicus) còn gọi là tê giác java, chúng có ở nhiều vùng thuộc
đông Pakixtan, Ấn Độ, Mianma, Thái Lan., Lào, Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam. Tê giác hai sừng Dicerorhinus sumatrensis Fischer, 1814 có 2 sừng khá lớn. Chúng có ở Bănglađét, Mianma, Thái Lan, Inđônêxia (Borneo, Xumatra, ngoài ra các nhà khoa học cũng đã xác định được 17 loài đã bị tuyệt chủng vào Kỷ Pleistocene hoá thạch của chúng được tìm thấy ở Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanca, Đài Loan.
Họ tê giác bao gồm các loài thú có kích thước rất lớn, thân hình nặng nề, chiều dài thân từ 2-4m, chiều cao vai 1-2m, trọng lượng 1- 3,6 tấn. Da rất dầy, lông thưa ngắn, nhiều nơi trên cơ thể hầu như không có lông. Đầu to mang u sừng trên mũi. Tê giác có từ 1 - 2 sừng tuỳ từng loài. Nếu là tê giác 2 sừng thì sừng được xếp thành hàng dọc trên sống mũi mà không mọc ở 2 bên đầu như các loài thú móng guốc có sừng khác. Sừng là do các lớp biểu bì da, các lông cứng cùng với các chất hữu cơ khác ép lại thành một khối rắn chắc.
Sừng tê giác không có cấu tạo từ chất sừng, chất xương do đó sừng không gắn liền với sương sọ như các loài thú có sừng khác, mà chỉ gắn liền với lớp da mặt. Chính vì thế mà sừng tê giác rất cứng nhưng lại rất linh hoạt là vũ khí tấn công xua đuổi các loài hổ, báo, trâu, bò… ở gần chúng, sừng có thể dài tới 50cm.
Bàn chân trước và bàn chân sau đều có 3 ngón, ngón giữa phát triển hơn 2 ngón bên, các ngón đều có móng guốc hình bán nguyệt.
Đuôi ngắn, thường có túm lông ở mút đuôi.
Công thức răng: (i 1/2, c 0/0, pm 3/3m3/3) x 2 = 30
Tê giác sống ở những vùng rừng nhiệt đới, savan cây bụi rậm rạp gần các đầm lầy, thung lũng, khe suối.
Thức ăn của tê giác chủ yếu là thực vật: rễ cây, măng tre nứa, củ cây, cành lá… đôi khi chúng ăn cả những cành lá có gai nhọn.
Chu kỳ sinh sản của Tê giác thường là 3 - 4 năm, thời gian mang thai khá dài khoảng 450 - 550 ngày, mỗi lứa chỉ đẻ 1 con, do đó quần thể tê giác rất chậm phát triển về mặt số lượng cá thể, các quần thể nhỏ rất dễ bị tiêu diệt.
Trên thế giới trong họ tê giác có 5 loài, 4 giống, ở châu Phi và Châu Á.
- Giống Ceratotherium Gray, 1868 có 1 loài, là tê giác trắng - C.simum (Burchell, 1817) phân bố ở Châu Phi.
- Giống Dicerorhinus Gloger, 1841 có 1 loài là tê giác hai sừng - D. sumatrensis (G. Fischer, 1828) phân bố ở đông nam Châu Á.
- Giống Diceros Gray, 1821 có 1 loài là Tê giác đen châu phi D.bicornis (Linnaeus, 1758) phân bố ở Châu Phi.
- Giống Rhinoceros Linnaeus, 1758 có 2 loài: R. sondaicus Desmarest, 1822, là tê giác java phân bố đông nam Châu Á; R.
unicornis Linnaeus, 1758, là tê giác Ấn Độ. Chúng có một sừng rất lớn, sống ở những vùng đất thấp thuộc Nepal, Bengal và Assam, đã và đang được bảo tồn nuôi dưỡng ở VQG Kaziranga (Assam) và VQG Chitwan (Nepal)
Ngoài ra các nhà khoa học đã xác định được 17 loài đã bị tuyệt chủng ở vùng Đông Nam Á vào Kỷ Pleistocene và lâu hơn nữa. Các hoá thạch của chúng được tìm thấy ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Pakixtan, Philippine, Java…
Ở Việt Nam chỉ có 2 loài là tê giác hai sừng và tê giác java hay tê giác một sừng.
• Họ Ngựa – Equidae Họ Ngựa – Equidae có 3 loài:
Loài Equus hemionus Pallas, 1775 có ở nhiều nước thuộc vùng Trung Á.
Loài Equus asinus Linnaeus, 1758 có ở vùng Tây bắc Ấn Độ, Nepal, Pakixtan và Trung Quốc.
Loài Equus caballus Linnaeus, 1758 đã được thuần dưỡng và nuôi dưỡng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta loài này được nuôi khá phổ biến ở các tỉnh miền núi.
Ngoài ra các nhà khoa học cũng đã xác định được nhiều loài ngựa đã bị tuyệt diệt vào Kỷ Pleistocene ở Ấn Độ, Trung Quốc.