Chương V. Bộ móng guốc ngón chẵn - ARTIODACTYLA 175 1. Khái quát về bộ thú móng guốc ngón chẵn
3. Đặc điểm của một số loài thú móng guốc ngón chẵn
Họ lợn ở VN chỉ có 1 loài sống hoang dã ngoài tự nhiên.
1. Lợn rừng Sus srofa Linnaeus, 1758 Synonym: Sus cristatus Wagner, 1839 Sus scrofoides Meude, 1892 Sus jubatus Miller, 1906 Sus taininnensis Meude, 1888
Tên khác: Lợn nòi (Việt), Tu mu dong (Tầy), Loi (Mường), Tu mu long (Thái)
Đặc điểm hình thái: Về hình thái lợn rừng giống như lợn nhà nuôi thả rông của các dân tộc miền núi từ trước năm 1970, giống nhất là đối với giống lợn Mường Khương ở Lào Cai và các tỉnh miền núi phía bắc. Đầu to, mõm dài, tai lớn, khác với lợn nhà là ở chỗ hai răng nanh hàm dưới phát triển ở những con vật trưởng thành, con vật già, răng nanh dài 8-10cm thò ra ngoài miệng uốn cong lên phía trên, răng nanh hàm trên có tác dụng tự vệ khi cần thiết và có thể tấn công kẻ thù uy hiếp chúng, cho nên răng nanh này còn gọi là “răng tự vệ” hai răng nanh hàm trên kém phát triển hơn ít thò ra ngoài miệng có tác dụng mài vào răng nanh hàm dưới làm cho chúng sắc nhọn khi chưa thò ra khỏi miệng nên còn gọi là
“răng mài”. Mặt khác răng nanh còn có tác dụng giúp con vật ủi đất, đào bới các đống lá mục nát tìm ăn động vật đất.
Lưng thẳng, bụng nhỏ làm cho con vật có thân hình thon về phía sau, da rất dày, lông thưa thô cứng mầu xám đen. Lông rất dài tới trên 7cm từ sau gáy qua 2 vai và dọc sống lưng tạo thành bờm, khi bị uy hiếp các lông trên bờm dựng đứng lên cùng với răng nanh và bộ mặt hung dữ làm cho kẻ thù (đôi khi cả hổ, báo) phải khiếp sợ.
Đuôi ngắn, ở mút đuôi có túm lông dài, thô cứng. Bốn chân cao, mảnh có các cơ bắp rất rắn chắc, bàn chân 4 ngón với móng guốc.
Hai ngón trước dài, hai ngón ở phía sau nhỏ bé chỉ chạm đất khi con vật di chuyển trên đất mềm. Con đực và con cái trưởng thành hầu như không khác nhau về hình dáng và mầu sắc. Con non mới sinh có các vệt mầu trắng hoặc vàng nhạt chạy dọc cơ thể, khi được 2 - 3
tháng tuổi các vệt trắng mất dần bộ lông chuyển thành mầu xám đen. Kích thước: HB: 120 - 190cm; T: 30 - 35cm; HF: 21 - 23cm;
E: 8 - 9cm; Trọng lượng 100 - 200kg.
Sinh học, sinh thái: Thức ăn chủ yếu của lợn rừng là thực vật.
Thành phần thức ăn chủ yếu của chúng là các loại củ cây, rễ non, mầm cây (măng tre nứa), quả cây rụng, ít ăn cỏ và lá cây. Khi đào bới kiếm củ, rễ, mầm cây chúng ăn cả một số động vật đất như giun đất, ấu trùng, côn trùng sống trong đất hoặc trong các đám lá mục, chúng ăn cả ếch nhái, cua, ốc ở ven đầm lầy, ven sông suối, đôi khi chúng ăn cả trứng chim, chim non, thú non và thú nhỏ vì thế có thể cho rằng lợn rừng là loài thú ăn tạp.
Về sinh sản: khác với các loài thú móng guốc ngón chẵn khác, lợn rừng có từ 8 - 12 vú ở cả vùng ngực và vùng bụng, mỗi năm đẻ 1 - 2 lứa, mỗi lứa từ 6 -12 con, thời gian mang thai khoảng 4 tháng;
thời gian động dục khoảng 5 - 7 ngày; chu kỳ động dục khoảng 25 - 30 ngày. Trong thời kỳ con cái động dục, nếu được con đực giao phối thì khả năng thụ tinh rất lớn, lợn cái mang thai 4 tháng và nuôi con khoảng 2 tháng mới động dục trở lại, trong thời gian động dục, con cái không được giao phối thì 25 - 30 ngày sau con cái lại động dục trở lại, chính vì vậy lợn rừng không có mùa sinh sản tập trung mà thời gian sinh sản rải rác vào tất cả các tháng trong năm. Để tránh những khó khăn về thời tiết và thiên tai nên thời gian lợn rừng sinh con sớm nhất vào tháng I và muộn nhất vào tháng VIII, vào khoảng thời gian này lợn con sinh ra đạt tỷ lệ sống cao. Lợn con mới sinh mở mắt ngay, sau khoảng 30 phút chúng đi lại yếu ớt và tìm bú sữa mẹ, lợn mẹ cho con bú và chăm sóc đàn con khoảng 2 tháng khi chúng biết ăn, lợn mẹ động dục trở lại. Đàn lợn có thể gồm nhiều con của lợn mẹ sinh ra trong nhiều lứa cùng chung sống thành một quần cư lớn tới hàng trăm cá thể. Theo Đặng Huy Huỳnh (1986) vào khoảng 1978 - 1979 có một đàn lợn rừng khoảng 300 - 400 con di chuyển từ chân núi Ngọc Linh qua xã Tà Leng, Mo Rây đến bờ sông Sa Thầy. Những đàn nhỏ vài ba chục con có thể gặp được ở nhiều vùng rừng núi vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi số lượng cá thể của một đàn quá lớn, nguồn thức ăn trong rừng, trong thung lũng không đáp ứng được, chúng chia đàn làm những cuộc “hành trình” di chuyển sang những khu rừng khác hoặc kéo nhau ra khỏi rừng phá hoại hoa mầu, cây cối trên nương rẫy và đồng ruộng, những con lợn già thường tách ra khỏi đàn sống đơn độc.
Lợn rừng là một trong những loài thú rộng sinh cảnh, chúng sống trong nhiều sinh cảnh khác nhau: rừng già, rừng thứ sinh, sa van cỏ cây bụi. Nơi ở, sinh sống và hoạt động của chúng thường là các thung lũng ẩm ướt ven suối, ven đầm lầy xa xôi hẻo lánh con người ít qua lại, không sống trên các đỉnh núi, trên các sườn dốc lớn. Rừng tràm, rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển, ven các đảo lớn cũng là sinh cảnh thích hợp với lợn rừng. Lợn rừng không có nơi ở cố định lâu dài, chúng thường đi lang thang từ nơi này đến nơi khác trong khu vực rộng lớn đến 10.000ha. Lợn cái đến thời kỳ sinh con nó thường chọn mô đất cao khô ráo trong lùm cây bụi rậm rạp rồi tha các cành lá khô héo, cỏ lau làm thành một cái tổ dạng lòng chảo có đường kính 1.5m, trên 2m. Tổ này có thể giúp cho nó tránh được mưa nắng khi sinh con và thời kỳ con còn nhỏ.
Lợn rừng hoạt động cả ban ngày và ban đêm. Chu kỳ hoạt động ngày đêm của chúng phụ thuộc vào thời tiết và nguồn thức ăn. Vào mùa hè nóng bức chúng hoạt động chủ yếu vào ban đêm từ lúc mặt trời lặn cho đến sáng tìm nơi trú ẩn, vào những đêm ngày mưa gió nguồn thức ăn khan hiếm, chúng lang thang kiếm ăn cho đến gần trưa. Vào mùa đông giá rét ở miền Bắc, chúng hoạt động chủ yếu vào ban ngày, ban đêm tìm nơi trú ẩn. Ở những vùng thời tiết ít có sự khác biệt giữa mùa đông và mùa hè thì chu kỳ hoạt động ngày đêm của lợn rừng phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thức ăn và sự hoạt động của con người trong khu vực
Lợn rừng sống và hoạt động theo đàn. Cấu tạo của đàn thường có lợn đực, lợn mẹ và đàn lợn con ở các lứa tuổi khác nhau. Khi đàn quá lớn có nhiều lợn mẹ mà trong khu vực nguồn thức ăn cạn kiệt, chúng tự tách thành 2 hoặc nhiều đàn, một số cá thể già yếu hoặc không muốn chung sống với đàn hoặc bị lạc đường trở thành những cá thể độc thân, người ta gọi là lợn độc. Dù là lợn đàn hay lợn độc thì lợn rừng ở nước ta vẫn chỉ là một loài.
Những người thợ săn và đồng bào các dân tộc miền núi rất am hiểu về tập tính hoạt động của lợn rừng. Lợn rừng ít khi tấn công lại người đi săn, gặp người ở trong rừng chúng thường ùa chạy thật nhanh, khi ấy lợn mẹ (lợn đầu đàn) chạy trước kéo theo cả bày đàn chạy theo một hướng, khi nhai thức ăn lợn thường phát ra tiếng động “lép bép” nên người đi săn dễ phát hiện đàn lợn đang kiếm ăn hoặc đang nghỉ ngơi từ xa. Lợi dụng tập tính này, đồng bào các dân
tộc miền núi thường rào quanh nương rẫy chỉ để chừa một lối hẹp, đào một hố sâu đậy nắp mỏng rồi nguỵ trang. Trước lối hẹp dẫn vào nương rẫy, lợn rừng vào phá hoại hoa mầu dễ bị sập bẫy, hoặc khi biết được hành trình đi lại của đàn lợn người ta cũng có thể đào những hố to, rộng nguỵ trang cẩn thận rồi dùng nhiều người xua đuổi đàn lợn chạy về hướng đặt hố bẫy.
Phân bố:
- Thế giới: họ Suidae trên thế giới có 16 loài thuộc 5 giống được xếp trong 3 phân họ. Loài Sus scrofa thuộc phân họ Suinae có ở Việt Nam, loài phân bố rất rộng ở Châu Âu, Châu Á và Bắc Châu Phi trước đây chúng đã có ở nhiều nước thuộc Bắc Phi nhưng đến nay chúng đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Chúng cũng đã được thuần dưỡng ở Bắc Mỹ và Trung Mỹ.
- Việt Nam: Chúng có ở hầu khắp các vùng rừng núi, trung du và hải đảo, kể cả rừng tràm và rừng ngập mặn ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Giá trị sử dụng: Từ lâu đời nay, lợn rừng là nguồn cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho đồng bào các dân tộc miền núi. Thịt lợn rừng có tỷ lệ thịt nạc rất cao tới 80-90%, mùi vị thơm ngon, da dầy hơn hẳn các giống lợn nuôi hiện nay. Ngày nay thịt lợn rừng là một món ăn đặc sản ở nhiều nhà hàng, khách sạn rất hấp dẫn đối với khách. Lợn rừng ngoài tự nhiên cũng đã khan hiếm, nhiều nơi đã nuôi lợn rừng, có thể nuôi nhốt hoặc nuôi bán tự nhiên trong một diện tích rộng lớn được bao bọc bởi hàng rào chắc chắn.
Trong những năm gần đây, nuôi lợn rừng đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều trang trại, nhiều hộ gia đình ở trung du và miền núi.
Mặt khác lợn rừng cũng gây tác hại nhiều cho nương rẫy trồng hoa màu, cây lương thực ở ven rừng của đồng bào các dân tộc vùng núi nhất là các nương rẫy, cây trồng phân tán hoặc nằm sâu trong rừng rất dễ bị lợn rừng hoặc các loài thú khác phá hoại.
Lê Hiền Hào (1973) cho rằng: mật lợn rừng cũng được sử dụng làm thuốc giống như mật gấu, xương lợn rừng cũng được dùng để nấu cao có tác dụng bồi bổ sức khỏe.
Lợn rừng trong tự nhiên cũng đã bị săn bắn và bẫy bắt rất nhiều nên số lượng của chúng cũng ngày càng trở nên hiếm. Do đó ngoài việc tổ chức, khuyến khích nuôi lợn rừng cũng cần phải sớm có
những biện pháp bảo vệ chúng ở từng vùng, từng khu vực một cách thỏa đáng để chúng không bị biến mất như nhiều loài thú khác.
Lợn rừng Sus srofa Họ cheo cheo Tragnlidae
Họ cheo cheo (Tragulidae) ở Việt Nam có 2 loài: cheo cheo Nam Dương (Tragulus javanicus) và cheo cheo napu (Tragulus napu)
2. Cheo cheo nam dương Trangulus javanicus (Osbeck, 1765) Synoym: Tragulus kanchil (Raffles, 1821)
Tragulus affinis Gray, 1861.
Tên khác: Cheo cheo (Việt); Chơ roi (Bana, Ê đê)
Đặc điểm hình thái: Loài có kích cỡ nhỏ nhất so với các loài trong bộ thú móng guốc ở Việt Nam. Đầu thon nhỏ, đôi tai lớn, cả con đực và con cái đều không có sừng. Cả đực và cái đều có tuyến dưới cảm là một vệt nhỏ của da cộm lên kéo dài từ sau răng cửa tới giữa xương hàm dưới (kích thước 2x1cm), bên trong có tuyến, mặt da trên tuyến trụi lông hoặc phủ lông thưa, ngắn. Dưới cằm có vệt lông trắng hình chữ “V”. Hàm trên không có răng cửa, hai răng nanh phát triển, dài 4-5 cm thò ra ngoài miệng ở con đực.
Bộ lông ngắn, mịn, lưng màu xám hoặc xám đen, hai bên sườn xám nhạt, bụng trắng. Đuôi ngắn, mặt trên xám, mặt dưới trắng.
Bốn chân mảnh khảnh, hai chân trước ngắn hơn hai chân sau, bàn chân 4 ngón, khi di chuyển thường chỉ có 2 ngón giữa in dấu xuống
đất ẩm, chiều dài dấu chân 1,8-2,7cm, chiều rộng 0,6-1,5cm. Phân cheo cheo nhỏ (0,5 x 0,2cm) màu đen rời rạc không thành từng đống. Dấu chân và dấu phân là cơ sở để nhận biết khu vực có cheo cheo sinh sống.
Kích thước cơ thể: HB: 33-52cm; HF: 8-14 cm; T: 5-10cm; E: 3- 5cm; Trọng lượng cơ thể: 1,6-2,2kg.
Con đực và con cái không có sự khác nhau về mầu sắc và hình dáng. Đặng Huy Huỳnh (1986) nghiên cứu 64 mẫu thu được ở Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh Tây Nguyên; Hoàng Minh Khiên (1987) nghiên cứu 42 mẫu ở vùng Tây Nguyên cho thấy về kích thước và trọng lượng cơ thể ở con đực thường nhỏ hơn ở con cái.
Sinh học, sinh thái: Phân tích thức ăn trong dạ dầy và nghiên cứu các loài thực vật trong khu vực kiếm ăn của cheo cheo cho thấy thức ăn chủ yếu của cheo cheo là quả, hạt chiếm từ 70 - 95% khối lượng thức ăn, sau đó mới đến lá và cỏ chỉ chiếm từ 5 - 30% khối lượng thức ăn. Các loại quả cây chúng thường ăn là: nhội (Bischoffia trifolia), trám chua (Canarium tokinensis), trám trắng (C. album), trám đen (C. tramdenum), sấu (Dracontomelum duperreanum), gấm (Gnetum gnemon), gắm (G. latifolum), xoay (Dialium cochinchinensis), bồ cu vẽ (Bregnia fruticosa), nhọ nồi (Diospiros eriautha), ngâu (Codonopsis jvanica), chò nòi (Antidesma sp.), cơm nguội (Glochidion anamense), cơnia (Irvingie slivari) và nhiều loài khác như, côm, nhãn rừng, hải sơn, sòi bạc, cơm nguội, phèn đen, chà là, sung, dâu da... Thức ăn của cheo cheo kể cả các lá và cỏ, Đặng Huy Huỳnh, Hoàng Minh Khiên đã thống kế được trên 50 loài thực vật khá phổ biến ở trong rừng già rừng thứ sinh. Cheo cheo nhỏ bé cao vai không quá 35cm nên không thể với tới được những cành lá, quả cao quá 50cm, chúng chỉ kiếm ăn được những quả, hạt, lá rơi rựng trên mặt đất. Dung tích dạ dầy cheo cheo từ 260-620ml, khối lượng thức ăn chứa trong dạ dầy từ 190-420g, khi no đạt 67-70% dung tích dạ dầy, từ đó cho thấy nhu cầu thức ăn của cheo cheo từ 0,5-0,6kg hạt, quả lá (tươi) là đủ, nghĩa là nhu cầu thức ăn trong ngày đạt 25-30% trọng lượng cơ thể (Hoàng Minh Khiên, 1987). Nuôi Cheo cheo cần phải chú ý tới khẩu phần thức ăn còn phụ thuộc vào chất lượng thức ăn, sự phối hợp các loại thức ăn, trọng lượng cơ thể, tuổi và trạng thái cơ thể của chúng.
Nhu cầu nước của cheo cheo hàng ngày không nhiều, chúng chỉ sử dụng những giọi nước, giọt sương đọng trên ngọn cỏ, trên lá cây rụng là đủ nên ít khi gặp chúng ở ven suối, ven sình lầy ẩm thấp.
Về sinh sản: Về sinh sản của cheo cheo đã được đề cập trong các công trình của Đặng Huy Huỳnh (1967, 1986), Hoàng Minh Khiên (1987). Theo Đặng Huy Huỳnh (1986) số lượng cheo cheo cái được nghiên cứu và số lượng cheo cheo cái có chửa (phôi) qua các tháng như sau:
Bảng 6. Số lượng cheo cheo cái được nghiên cứu và số lượng cheo cheo cái có chửa
Các tháng trong năm
I II III IV V VI VII VIII IX X XI XII Sốlượng
cheo cheo cái được nghiên cứu: 52
2 1 3 1 3 - - - 37* - 1 4
Số lượng cheo cheo cái có chửa: 36
1 1 1 1 1 - - - 26* - 1 4
Nguồn: Đặng Huy Huỳnh, 1986
* Số liệu do thợ săn cung cấp
Số lượng cheo cheo cái được nghiên cứu ở vùng Kon Hà Nừng (Gia Lai) như sau:
Bảng 7. Số lượng cheo cheo cái được nghiên cứu và số lượng cheo cheo cái có chửa
Các tháng
trong năm I II III IV V VI VII VIII IX X XI XII Số lượng
cheo cheo cái 2 - 2 14 3 1 - - - - 1 3 Số lượng
cheo cheo cái có chửa
1 - 2 5 2 0 - - - - 1 3
Nguồn: Hoàng Minh Khiên, 1987 Qua 2 bảng trên cho thấy từ tháng VI đến tháng X là những tháng bắt đầu vào mùa mưa ít đi khảo sát thực địa, vật mẫu thu được rất ít và chủ yếu là cheo cheo đực.
Các vật mẫu cheo cheo cái thu được từ tháng I đến tháng V và tháng XI, XII đều gặp cheo cheo cái có chửa, tỉ lệ cá thể cái có chửa cao nhất (100%) vào các tháng III, XI, XII. Kích thước và trọng lượng phôi vào tháng III, IV, V là lớn nhất, phôi phát triển đầy đủ các bộ phận tai, mắt, chân, đuôi và phủ lông xám mịn chứng tỏ phôi sắp được sinh ra.
Bảng 8. Kích thước phôi cheo cheo ở vùng Kon Hà Nừng (Gia Lai)
Kích thước (mm) Tuổi phôi (ngày) (Dự đoán) TT Thời
gian thu
mẫu HB T HF E Trọng lượng (g)
1 I-1980 65 6 - 3 23 43-45 (1) 2 III-1981 340 32 - 26 290 Trên 130 (dự đoán) 3 III-1982 341 37 - 25 190 130-140 (1) 4 IV-1982 290 32 68 27 410 120-130 dự đoán 5 IV-1985 302 41 93 27 295 130-140 dự đoán 6 V-1985 309 53 73 27 390 130-140 dự đoán 7 XI-1981 75 8 17 4 120 45-50 dự đoán 8 XII-1981 130 21 42 17 - 90-100 dự đoán 9 XII-1982 295 32 65 28 350 120-130 dự đoán 10 XII-1983 224 30 - 22 135 100-105 (1)
Nguồn: Hoàng Minh Khiên, 1987 (1) Theo Petricheb B.I., 1986 Theo Đặng Huy Huỳnh (1986) các phôi cheo cheo thu được ở khu nam Trường Sơn vào tháng 12-1978, tháng 5-1979, tháng 1- 1980, tháng 12-1982 thì các phôi này đã phát triển đầy đủ các bộ phận, có phôi đạt kích thước khá lớn: HB: 195mm; T: 32mm; HF:
65mm; E: 28mm; Trọng lượng: 350g. Các phôi thu được ở Bắc Trường Sơn tháng 2 - 1964 có HB: 195mm; trọng lượng: 130g, phôi thu tại Nghệ An tháng 12 - 1964 có kích thước rất nhỏ: HB: 20mm.
Nghiên cứu sự phát triển của phôi cheo cheo, B. I. Petricheb (1986) đã căn cứ trên nhiều chỉ tiêu về kích thước, các bộ phận khác
của phôi và đã đi tới kết luận rằng: phôi số 1, 3 và 10 có tuổi tương ứng là 43-45 ngày; 130-140 ngày và 100-105 ngày, từ đó cho phép dự đoán tuổi của các phôi còn lại. Hai cheo cheo non thu được vào tháng 7-1978 tại xã Nam (An Khê, Gia Lai) và tháng 5-1979 tại Đạo Nghĩa (Đắk Nông) có kích thước như sau: HB: 306mm và 355mm; T: 55mm và 52mm; HF: 98mm và 101mm; E: 29mm và 28mm; trọng lượng 100g và 780g, chứng tỏ những con non này mới được sinh ra trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5.
Cheo cheo ở Việt Nam chỉ có 1 mùa sinh sản kéo dài từ tháng I đến tháng V, nghĩa là mùa sinh sản bắt đầu vào cuối mùa đông kéo dài qua mùa xuân sang đầu mùa hạ. Phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết và nguồn thức ăn mà cheo cheo ở các tỉnh phía Bắc bắt đầu sinh sản muộn hơn và kết thúc sớm hơn so với ở các tỉnh Tây Nguyên. Thời gian có chửa của cheo cheo là 130-150 ngày (Đặng Huy Huỳnh, 1968, 1986), như vậy, thời gian động dục và ghép đôi của chúng từ tháng VII đến tháng XII. Mỗi năm chỉ đẻ một lứa, mỗi lứa chỉ đẻ 1 con.
Cheo cheo sinh sống trong rừng già, rừng thứ sinh, savan cỏ cây bụi lớn trên những vùng đồi núi đất tương đối bằng. Chúng không sống ở những vùng núi đá, trên các sườn dốc lớn, trong các rừng đầm lầy ẩm ướt. Nơi ở của chúng thường trong các bụi mây móc, quanh các gốc cây lớn, chỗ nằm nghỉ ngơi có nhiều vết chân bới đất làm sạch lá, cành cây mục. Do đặc điểm thức ăn chủ yếu của chúng là hạt, quả cây rụng nên chúng phải thay đổi khu vực kiếm ăn theo mùa, đồng thời kéo theo sự thay đổi nơi ở. Có thể nói rằng cheo cheo không có khu vực kiếm ăn và nơi ở lâu dài. Cheo cheo sống đơn độc, lặng lẽ, chỉ ghép đôi trong thời kỳ động dục, do đó vùng hoạt động cá thể của chúng nhỏ chỉ khoảng 1 km2, ở những nơi có nhiều quả cây rụng diện tích này còn nhỏ hơn nữa, thậm chí chỉ vài chục mét vuông quanh gốc cây đa, si, xoay, gội... giữa rừng già yên tĩnh có nơi ẩn nấp tốt.
Cheo cheo hoạt động tìm kiếm thức ăn vào ban đêm, thường chúng bắt đầu rời nơi ở, nơi trú ẩn vào sau lúc mặt trời lặn (khoảng 18h30’ đến 19h), cường độ hoạt động mạnh nhất và lúc 20h30’ đến 23h chúng có thể nghỉ ngơi một thời gian ngắn rồi lại đi kiếm ăn trở lại, tùy theo thời tiết và nguồn thức ăn mà thời gian hoạt động trong ngày nhiều hay ít.