Một số Đặc điểm hình thái

Một phần của tài liệu thú rừng - mammalia việt nam hình thái và sinh học sinh thái một số loài. t.2 (Trang 178 - 184)

Chương V. Bộ móng guốc ngón chẵn - ARTIODACTYLA 175 1. Khái quát về bộ thú móng guốc ngón chẵn

2. Một số đặc điểm cơ bản của thú móng guốc ngón chẵn

2.1. Một số Đặc điểm hình thái

Thú móng guốc ngón chẵn gồm những loài có móng guốc, bàn chân có 4 ngón, hai ngón giữa (ngón 3 và 4) phát triển, hai ngón bên (ngón 2 và 5) kém phát triển hoặc bị tiêu giảm. Chúng có hình thái phân loại khá đa dạng, nhỏ nhất là loài cheo Nam Dương (Tragulus javanicus) có chiều dài thân (HB) chỉ từ 33-50cm, trọng lượng khoảng 1,5-2,5kg, lớn nhất là loài bò tót (Bos frontalis) có chiều dài thân trên 2,5m, trọng lượng tới 1000kg. Thú móng guốc ngón chẵn có thể chia thành 2 nhóm: nhóm có sừng và nhóm không có sừng. Nhóm không có sừng gồm các loài thuộc họ cheo cheo (Tragulidae), họ lợn (Suidae), họ hươu xạ (Moschidae), nhóm có sừng gồm các loài thuộc họ hươu nai (Cervidae), họ trâu bò (Bovidae). Các loài thuộc họ hươu vai chỉ có sừng ở con đực, con cái không có sừng, sừng đặc có kích thước từ 10cm (mang Trường Sơn) đến 1 mét (hươu, nai), sừng không phân nhánh (mang Trường Sơn) và sừng phân làm nhiều nhánh, từ 2 - 5 nhánh tuỳ từng loài. Mỗi năm sừng được thay một lần, sừng cũ rụng đi, sừng mới mọc lên trên đế sừng, đế sừng bằng xương gắn liền với sọ, đế sừng có độ dài từ 5 - 10cm. Sừng non mới mọc ở giai đoạn đầu rất mềm mại, chứa nhiều chất dinh dưỡng được gọi là nhung, nhung là một loại dược liệu quý có tác dụng bồi bổ cơ thể, trong quá trình phát triển nhung cứng lại và tạo thành sừng tồn tại cho đến năm sau chúng lại rụng đi để thay sừng mới.

Các loài thuộc họ trâu bò đều có sừng ở cả con đực và con cái, sừng rỗng bao bọc một lõi xương (đế sừng) khá dài, sừng không phân nhánh uốn cong hình lưỡi liềm như ở trâu bò, hoặc gần như thẳng ở sao la, đầu mút sừng nhọn, sừng được giữ suốt đời mà không bị thay hàng năm như ở hươu, nai. Mầu sắc bộ lông của các loài chủ yếu là mầu xám đen hoặc mầu vàng thẫm, vàng nâu, ở một số loài có điểm các vệt lông trắng ở mặt hoặc có đám lông trắng ở mông, ở bụng.

Số lượng răng của thú móng guốc ngón chẵn từ 32 - 44 chiếc, tất cả các loài trong các họ Tragulidae, Moschidae, Cervidae, Bovidae đều không có răng cửa hàm trên. Công thức răng của các họ như sau:

Họ Lợn - Suidae: (i 3/3, c1/1, pm 4/4, m 3/3) x 2 = 44 Họ Cheo - Tragulidae: (i 0/3, c 1/1, pm 3/3, m 3/3) x 2 = 34 Họ Hươu xạ - Moschidae: (i 0/3, c 1/2, pm 3/3, m 3/3) x 2 = 36 Họ Hươu nai - Cervidae: (i 0/3, c 0/1, pm 3/3, m 3/3) x 2 = 32 Họ Trâu bò - Bovidae: (i 0/3, c 0/1, pm 3/3, m 3/3) x 2 = 32 Chú thích: i: răng cửa, c: răng nanh, pm: răng trước hàm; m: răng hàm

Để thích nghi với nguồn thức ăn chủ yếu là thực vật giầu chất xơ (xenluloza) khó tiêu hoá nên cấu trúc dạ dày của thú móng guốc từ đơn giản đến phức tạp. Dạ dày đơn chỉ có một túi như ở các loài trong họ lợn, dạ dày nhiều ngăn hay nhiều túi (dạ dày 3 ngăn ở các loài trong họ cheo, 4 ngăn ở các loài họ hươu xạ, họ hươu nai, họ trâu bò). Trong dạ dày thường tồn tại hệ vi sinh vật và ký sinh trùng cộng sinh giúp cho con vật phân huỷ thức ăn thô cứng,

Đa số các loài thú móng guốc ngón chẵn chỉ có 4 vú (2 đôi vú) ở vùng bụng, các loài trong họ lợn có từ 8 - 12 vú ở cả vùng bụng và vùng ngực.

2.2. Mt s đặc đim sinh hc và sinh thái

Thức ăn của thú móng guốc ngón chẵn là thực vật: cỏ, lá, chồi cây, cành lá non và quả. Nguồn thức ăn này rất phong phú ở khắp mọi nơi trong rừng, sa van cỏ cây bụi, chính vì thế ở những vùng núi có thành phần loài thú móng guốc ngón chẵn phong phú nhất.

Về sinh sản: các loài trong các họ (trừ họ Lợn - Suidae) thú móng guốc ngón chẵn thường mỗi năm chỉ đẻ 1 lứa, mỗi lứa chỉ đẻ 1 con (rất ít trường hợp đẻ 2 con), họ lợn (Suidae) mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa 6 - 12 con. Thời gian mang thai từ 3 - 9 hoặc 10 tháng, thời gian nuôi con khoảng từ 2 - 3 tháng, chúng có thể động dục trở lại. Chu kỳ động dục từ 20 đến trên 30 ngày vào tất cả các tháng trong năm.

Thú móng guốc ngón chẵn có vùng sống và hoạt động chủ yếu trong rừng già, rừng thứ sinh, trảng cỏ cây bụi nơi có độ cao thấp và ít dốc. Các loài thuộc họ trâu bò (Bovidae) hoạt động kiếm ăn chủ yếu vào ban ngày, các loài họ hươu nai, họ cheo, họ hươu xạ hoạt động kiếm ăn chủ yếu vào ban đêm, các loài họ lợn hoạt động kiếm ăn cả ban đêm và ban ngày.

Các loài khác nhau có những khu vực sống khác nhau, nhưng nhìn chung thú móng guốc ngón chẵn không đòi hỏi khắt khe về điều kiện sống và thức ăn, hay nói cách khác chúng là những loài rộng sinh thái nên dễ thuần dưỡng. Các loài nai, hươu sao đã được nuôi dưỡng thành công trong nhiều trang trại, trong nhiều hộ gia đình mang lại lợi ích kinh tế cao, nhiều loài được nuôi bán tự nhiên trong các khu du lịch v.v...

2.3. Đặc đim phân b Vit Nam

Thú móng guốc ngón chẵn có nguồn thức ăn là thực vật nên chúng phân bố rất rộng trong các vùng rừng núi, cả những vùng rừng núi cao trong đất liền và hải đảo. Trong số 18 loài thú móng guốc ngón chẵn ở Việt Nam có những loài phân bố rất rộng trên nhiều sinh cảnh nhưng cũng có những loài phân bố hẹp trong một số sinh cảnh vì thế có thể chia làm 2 nhóm:

+ Nhóm loài phân bố rộng:

Nhóm này gồm những loài phân bố ở nhiều vùng trên cả nước từ núi cao đến hải đảo (trừ vùng đồng bằng). Đại diện của nhóm này có thể kể các loài: lợn rừng (Sus scrofa), nai (Cervus unicolor), hoẵng (Muntiacus muntjak), sơn dương (Naemorhedus sumatraensis) có ở nhiều vùng rừng núi từ Bắc vào Nam, rừng trên đảo Cát Bà, đảo Côn Đảo, rừng ven biển khu vực Bình Châu - Phước Bửu, Bà Rịa - Vũng Tàu, rừng bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), rừng Núi Chúa (Ninh Thuận).

Trong các vùng rừng tràm, rừng ngập mặn ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cũng có các loài nai, hoẵng, lợn rừng. Các loài thú móng guốc là những đối tượng săn bắn và bẫy bắt thường xuyên nên số lượng cá thể của chúng đã bị giảm ở nhiều vùng. Trên các đảo, trong những vùng rừng ven biển, rừng tràm và rừng ngập mặn, chúng chỉ còn lại một số ít trong các Vườn Quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên.

+ Nhóm loài phân bố hẹp:

Gồm những loài có vùng phân bố hạn chế trong một số vùng có cảnh quan sinh thái thích hợp như: hươu xạ (Moschus berezovski) chỉ có ở một số khu vực núi đá thuộc 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng;

bò rừng (Bos javanicus) chỉ có một số khu vực các tỉnh Tây Nguyên, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Phước; bò xám (Bos sauveli) nếu còn chắc chắn khu vực phân bố cũng hạn hẹp giáp biên giới Lào, Cămpuchia với các tỉnh Tây Nguyên nước ta; nai cà toong (Cervus eldi), hươu vàng (Cervus porcinus) khu vực phân bố cũng hạn hẹp ở một số nơi thuộc các tỉnh Tây Nguyên, Tỉnh Đồng Nai. Nguồn thức ăn là thực vật nên các loài thú móng guốc sống trong tự nhiên hoang dã hoàn toàn phụ thuộc vào rừng, rừng bị tác động mạnh do khai thác, chặt phá đốt rừng làm cho diện tích rừng ngày càng bị giảm, rừng tự nhiên bị chia cắt từng mảnh, vùng sống và hoạt động của chúng bị thu hẹp, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng.

Ngoài ra có những loài phân bố rộng ở nhiều vùng rừng núi từ Bắc tới Nam nhưng lại không có ở hải đảo và ven biển như: bò tót (Bos frontalis), cheo nam dương (Tragulus javanicus)

Phân bố theo các khu động vật địa lý học và các nước lân cận:

Nhìn chung thú móng guốc ngón chẵn phân bố khá rộng, nhưng không phải loài nào cũng có mặt ở tất cả các khu động vật địa lý học của khu hệ thú Việt Nam. Sự có mặt của loài này hay loài khác ở khu này hay khu khác góp phần làm nên tính đặc trưng của thú ở từng khu. Các loài thú móng guốc ngón chẵn có ở Việt Nam đồng thời cũng có ở các nước lân cận, tạo nên mối quan hệ của khu hệ thú Việt Nam với các nước lân cận.

Bảng 5 cho thấy khu Nam Trung bộ có thành phần loài thú móng guốc ngón chẵn nhiều nhất 15 loài chiếm 83.3%, trong đó có nhiều loài có giá trị nguồn gen quý hiếm như: nai cà toong, hươu vàng, bò rừng… Sở dĩ khu Nam Trung Bộ có thành phần loài phong phú là nhờ có vùng Tây Nguyên rộng lớn với những khu rừng tự nhiên phong phú và đa dạng về thực vật làm nguồn thức ăn, làm nơi ở, nơi sinh sống và hoạt động thích hợp đối với thú móng guốc.

Một phần của tài liệu thú rừng - mammalia việt nam hình thái và sinh học sinh thái một số loài. t.2 (Trang 178 - 184)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(268 trang)